Biến lời nói thành hành động
Tại phiên họp của Hội đồng điều hành, các đại biểu đã bầu Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU 132 với trách nhiệm chính là điều hành tất cả các phiên họp trong khuôn khổ IPU 132.
Trưa 29.3, sau khi được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU 132, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã chính thức điều hành phiên thảo luận chung đầu tiên của Đại hội đồng IPU.
Dự phiên thảo luận chung có Chủ tịch IPU Saber Chowhury, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nghị viện các nước thành viên IPU. Các đại biểu đã tập trung thảo luận chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”, khẳng định vai trò của nghị viện trong quá trình định hình và thực hiện chương trình phát triển sắp tới.
Phát biểu trên cương vị Chủ tịch IPU 132, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm cao cả và cam kết sẽ cố gắng để IPU 132 thành công với sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các thành viên. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Đại hội đồng IPU 132 diễn ra vào thời điểm quan trọng và sẽ tập trung vào các vấn đề toàn cầu như: chống đói nghèo, phát triển quản trị, bất bình đẳng, tài chính, công nghệ, năng lực, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác.
Trình bày tham luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Trong thời gian qua, tuy vẫn còn nhiều thách thức song Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là mục tiêu về giảm nghèo, phổ cập giáo dục và tăng cường bình đẳng giới.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 còn gặp nhiều khó khăn về chia sẻ trách nhiệm tài chính giữa các quốc gia và bảo đảm sự gắn kết về mặt chính sách trong thực tế. Do đó, IPU và các quốc hội thành viên cần tăng cường hơn nữa vai trò trong việc định hình và biến các mục tiêu phát triển bền vững từ lời nói đến hành động:
“Sự phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột là tăng trưởng kinh tế, môi trường được bảo vệ, công bằng tiến bộ xã hội. Do vậy Việt Nam tán thành với nội dung cơ bản của 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đang soạn thảo, nhất là các nội dung về xóa đói giảm nghèo, phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển. Bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, quản lý sử dụng tài nguyên, bảo đảm quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” – Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nói.
Quốc hội cần lắng nghe người dân
Đánh giá cao vai trò của nghị viện các nước trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ, cố vấn đặc biệt, đại diện của Tổng thư ký LHQ, Bà Amina Mohammed khẳng định, IPU 132 là thời điểm quan trọng để hợp tác chia sẻ làm cho thế giới phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho mọi người dựa trên 3 trụ cột chính là “ Phát triển, hòa bình và quyền con người”.
Bà Amina Mohammed kêu gọi các Quốc hội, Nghị viện xác định các thách thức mà từng quốc gia phải giải quyết, trên cơ sở đó xây dựng nguồn lực ưu tiên, cũng như tăng cường giám sát Chính phủ thực hiện các Mục tiêu thiên niên, cũng như xây dựng các cơ chế luật pháp phù hợp:
"Vai trò quan trọng của Quốc hội trong huy động sự tham gia của người dân, làm sao người dân có tiếng nói trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với nguyện vọng và mong đợi của họ. Cần có khuôn khổ để thu thập ý kiến người dân trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, điều đó cho phép các chính phủ có những giải trình ở phạm vi quốc tế, đặt con người vào trọng tâm trong khía cạnh xã hội, để không bỏ bất kỳ ai trong quá trình phát triển" – bà Amina Mohammed nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp để thực hiện thành công các Mục tiêu thiên niên kỷ một cách bền vững và cho giai đoạn 15 năm tới đã được lãnh đạo Quốc hội, Nghị viện các nước đóng góp tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của IPU 132. Chủ tịch Hạ viện Australia đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục, phòng chống dịch bệnh và y tế cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ ở các nước nghèo. Chủ tịch Quốc hội Ca-dắc-xtan cho biết, trước hết các nước cần có chiến lược phát triển riêng theo hướng bền vững, cùng với việc xây dựng công cụ luật pháp.
Chủ tịch Quốc hội U-gan-đa thì cho rằng, Nghị viện đóng vai trò quan trọng và cần có bước đi cụ thể trong đó chú trọng các khía cạnh xã hội về giới, giảm nghèo, đặc biệt là các dự án phát triển của quốc gia, cần có sự giám sát của Quốc hội về các nguồn lực tài chính. Điều quan trọng là xác định rõ Chính phủ hay Quốc hội chịu trách nhiệm và báo cáo về các bước thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ. Còn Chủ tịch Quốc hội các tiểu vương quốc Ả Rập, ông A-mâu-rơ cho rằng: cần lắng nghe người dân vì nếu không các mục tiêu thiên niên kỷ sẽ khó thực hiện.
Theo Chủ tịch IPU Saber Chowhury, IPU 132 cần ra được Tuyên bố Hà Nội. Đây là Tuyên bố thể hiện cam kết của các nước trong giải quyết các vấn đề toàn cầu một cách bền vững.