Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Đảng trong sạch, nhân dân mới theo



Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngô Hai - nguyên UV T.Ư Đảng, nguyên Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho biết, 45 năm trước trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Bác đang cùng bà con nông dân thử nghiệm máy cấy mới ở ngoại thành Hà Nội năm 1961. Ảnh: Tư liệu
 Bác đang cùng bà con nông dân thử nghiệm máy cấy mới ở ngoại thành 
Hà Nội năm 1961. Ảnh: Tư liệu


“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý “Xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần cho xã hội mới là công việc rất lớn lao”. Người tiên lượng “Đây là cuộc chiến đấu khổng lồ để xóa đi những gì cũ kỹ hư hỏng, để xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi”. Vì vậy, Người căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Tuy nhiên gần đây, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhận định “so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh”.
“Theo tôi tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã khiến cho đạo đức, thuần phong mỹ tục bị mai một và không còn giữ được tinh thần của ông cha. Mất văn hóa là mất gốc và mất gốc là mất tất cả”, ông Hai nói.
Sinh thời Bác thường nhắc nhở cán bộ đảng viên: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Câu nói tưởng chừng như đơn giản ấy lại mang đậm tính nhân văn, đạo đức và giáo dục cán bộ đảng viên của Bác đối với người cán bộ cách mạng.
Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay nêu “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Ông Hai cho rằng, Nghị quyết T.Ư 4 đã nhìn thẳng vào sự thật đã nêu được vấn đề cốt yếu những nguy cơ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng. Thực tế hiện nay nhiều cán bộ đảng viên vì lợi ích của mình, gia đình mình, nhóm mình nêu những tấm gương xấu, nên không thể thu hút được quần chúng. 
Đó là thực trạng “Nói một đằng, làm một nẻo”, khiến người dân không tin, không phục. Vì vậy, Đảng phải củng cố lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng. 
Phải để cho dân giám sát cán bộ, đảng viên
Nhớ lại, cách nay tròn 69 năm, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành độc lập dân tộc. Điều đó cho thấy lý tưởng cách mạng có sức hút mọi giai tầng xã hội, từ những người nông dân chân lấm tay bùn tới các trí thức ở nước ngoài đều một lòng theo Đảng. 
Có được thắng lợi lớn lao ấy là bởi mỗi đảng viên và cán bộ đã “thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” như lời Bác dạy. Bác lúc nào cũng nói về việc nêu gương. Bản thân Người là tấm gương sáng ngời với tinh thần “lấy dân làm gốc” và “dĩ công vi thượng”. Vì thế, Người tạo được niềm tin mãnh liệt trong toàn Đảng, toàn dân. 
Chúng ta học tập Bác ở tầm tư tưởng, đạo đức, lối sống, sự nhất quán từ lời nói đến hành động, suốt đời gắn bó máu thịt với dân và vì dân mà làm. Theo gương Bác, chúng ta cần thực hành dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong xã hội, phát huy quyền làm chủ của dân, tẩy trừ tệ quan liêu, tham nhũng để bảo vệ dân, không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của dân. 
Bác dạy “Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo lời mình thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở làm thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Chính vì thế, trong Di chúc, Người đã căn dặn “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

VN kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên biển Đông



VN kiên quyết sử dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, để bảo vệ chủ quyền của mình. Đây là khẳng định của ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 28.8 trước câu hỏi về việc VN có bảo lưu khả năng khởi kiện Trung Quốc (TQ) hay không.
Trong chuyến thăm vừa qua, ông Lê Hồng Anh tới TQ thì trong các trao đổi liên quan đến giải quyết các tranh chấp ở biển Đông không thấy đề cập đến vai trò của ASEAN cũng như các bên liên quan khác? Liệu có phải các vấn đề tranh chấp giữa VN và TQ trên biển Đông sẽ được giải quyết qua con đường song phương? Xin cho biết về khả năng VN bảo lưu việc khởi kiện đối với các hành vi vi phạm của TQ?


Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC). “Đối với tranh chấp trên biển giữa VN - TQ, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác”. (Trích điểm 3 trong Nguyên tắc 6 điểm về giải quyết vấn đề trên biển giữa VN - TQ ký kết năm 2011)

Trong chuyến thăm hai bên đã nhất trí nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN -  TQ” (2011), trong thỏa thuận này đã nêu rất rõ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp song phương và đa phương như thế nào.
Về việc khởi kiện TQ như chúng tôi nhiều lần khẳng định VN kiên quyết sử dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với hiến chương của LHQ, trong đó có Công ước luật Biển (UNCLOS) 1982 để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Báo chí của Philippines vừa qua cho biết không quân nước này theo dõi và phát hiện có 10 - 12 tàu hải cảnh TQ hoạt động trái phép ở biển Đông, khu vực quần đảo Trường Sa. Xin cho biết phản ứng của VN?
Các cơ quan chức năng của VN đang xác minh thông tin nêu trên. Tuy nhiên, một lần nữa chúng tôi xin khẳng định VN có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở hai khu vực này nếu không được sự cho phép của VN đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Vừa qua có thông tin về việc Campuchia đang tiến hành điều tra dân số người Việt đang sinh sống ở nước này? Đề nghị xác minh thông tin này và cho biết việc điều tra nhằm mục đích gì? Xin cho biết tình hình cộng đồng người Việt ở các quốc gia đang có dịch Ebola?
Theo chúng tôi được biết vừa qua đoàn công tác của chính phủ Campuchia đã triển khai việc kê khai các giấy tờ liên quan đến hộ tịch, quốc tịch nhằm đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người VN đang sống ở Campuchia.
Liên quan đến dịch Ebola, cho đến nay công dân VN tại một số quốc gia có dịch như Nigeria, Sierra Leone... vẫn được bảo đảm an toàn. Các cơ quan đại diện của VN tại các quốc gia trên vẫn đang giữ liên lạc chặt chẽ với cộng đồng người Việt đồng thời khuyến cáo các công dân VN tránh xa các khu vực đang có dịch, liên lạc trực tiếp với các cơ quan đại diện của VN tại các quốc gia này để được hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
Thời gian qua có thông tin về việc công dân VN tại Ukraine bị gọi nhập ngũ. Xin cho biết VN đã làm việc với Ukraine về vấn này hay chưa? Bộ Ngoại giao có nắm được bao nhiêu công dân VN đã hoặc có khả năng được gọi nhập ngũ ở Ukraine?
Đại sứ quán VN tại Ukraine cho biết vừa qua Ukraine đã thông qua lệnh tổng động viên đợt 2 trong đó huy động các nam công dân từ 18 - 60 tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự. Theo thống kê có 270 người Ukraine gốc Việt nằm trong độ tuổi tổng động viên này. Tuy nhiên hầu hết các thanh niên quốc tịch Ukraine gốc Việt đều được miễn trừ vì đang là học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở trong và ngoài Ukraine. Những trường hợp có giấy báo nhập ngũ sau khi đến trình diện và chứng minh đang là học sinh, sinh viên hoặc đang có vấn đề sức khỏe cũng đều được miễn trừ.
Trường Sơn (ghi)

WB đánh giá cao chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp  Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Rachel Kyte. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) 
Ngày 25/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp bà Rachel Kyte, Phó Chủ tịch WB, nhân dịp bà có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam khảo sát tình hình biến đổi khí hậu và hỗ trợ giải pháp ứng phó.
Hoan nghênh chuyến thăm của Phó Chủ tịch WB, đặc biệt là chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Bến Tre, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ những tác động của tình hình nước biển dâng, xâm nhập mặn đang ngày càng ảnh hưởng đến đời sống người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Để giảm thiểu tác hại của nước biển dâng, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đang có giải pháp để khôi phục lại hệ thống rừng chắn sóng, nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống đê kè.
Chủ tịch nước bày tỏ cám ơn sự ủng hộ của lãnh đạo WB với các dự án phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam; mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ với hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch WB Rachel Kyte cho biết cá nhân bà đã có chương trình công tác ấn tượng tại Đồng bằng sông Cửu Long, để tận mắt chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu với đời sống người dân Việt Nam. 
Thông báo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang những kết quả làm việc giữa WB với các cơ quan chức năng của Việt Nam, Phó Chủ tịch WB nhấn mạnh trên các diễn đàn quốc tế, WB đánh giá cao chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần có thêm các chương trình để cụ thể hóa mục tiêu nhiệm vụ.
Nhắc đến kinh nghiệm xây dựng ứng phó biến đổi khí hậu tại nhiều nước trên thế giới, trong việc kiện toàn bộ máy cơ quan quản lý và đề ra cơ chế phối hợp thông suốt, Phó Chủ tịch cho rằng Việt Nam cần xác định trọng tâm đầu tư, tập trung cho những chương trình cấp thiết để đảm bảo thành công, cho dù kịch bản biến đổi khí hậu có biến động.
Phó Chủ tịch WB cơ bản nhất trí với các đề nghị của Chủ tịch nước, tin tưởng chương trình ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ đạt được nhiều kết quả với sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và WB, mang lại tương lai tốt cho người dân Việt Nam./.

'Chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ'



Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta - nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài viết riêng cho Tạp chí  Cộng sản.
VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết này.
Chủ tịch nước, Trương Tấn Sang, chủ quyền, lợi ích nhóm, cách mạng tháng Tám
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chúng ta đau lòng khi nghe những câu truyền miệng trong nhân dân “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...”. Ảnh: TTXVN
Sáu mươi chín năm trước, vào mùa thu năm 1945, nhân dân Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trong lịch sử nước nhà: đập tan xiềng xích của chế độ thực dân, phong kiến; giành lại nền độc lập dân tộc; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước của nhân dân và vì nhân dân; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, tự do và khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ nền tự do, độc lập ấy. Gần 70 năm qua, nhân dân ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, như lời Bác Hồ dạy: nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì. Đồng thời, nhân dân ta cũng đã phải hy sinh biết bao xương máu, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập tự do, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ngày nay, trong một thế giới đang diễn ra mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa, đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh gay gắt giữa các nước, giữa các nền chính trị, kinh tế và văn hóa khác nhau, sự hưng thịnh hay tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc không còn chỉ là chuyện riêng của từng quốc gia hay dân tộc. Điều đó đã tạo ra cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, nhất là với các nước nhỏ trong việc bảo vệ lợi ích, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong bối cảnh đó, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và trên thế giới trong những năm gần đây, hơn bao giờ hết, đòi hỏi đất nước ta phải phát triển nhanh, bền vững, nâng cao sức mạnh tổng hợp, nội lực của đất nước về mọi mặt; đồng thời phải luôn nêu cao cảnh giác, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả của chúng ta hôm nay trước tổ tiên và các thế hệ cha anh đi trước, như lời Bác Hồ dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và trước các thế hệ con cháu muôn đời sau.
Nước Việt Nam ta độc lập! Non sông gấm vóc Việt Nam ta thống nhất, toàn vẹn từ cao nguyên Đồng Văn đến mũi Cà Mau, từ dãy núi rừng Trường Sơn hùng vĩ đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiên ngang trong sóng gió Biển Đông! Đất nước Việt Nam, do ông cha để lại, dọc ba miền Bắc-Trung-Nam liền một dải, đẹp đẽ vô cùng và thiêng liêng vô giá. Đồng bào Việt Nam ta dù ở miền xuôi hay miền ngược, đang ở trong nước hay ở nước ngoài đều là đồng bào con Lạc, cháu Hồng, cùng chung tay xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và giữ gìn vững chắc non sông gấm vóc của Tổ quốc.
Thời nào cũng thế, nhân dân ta không dung thứ bất cứ ai, bất cứ hành động nào làm xâm hại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Đó chính là đạo lý thiêng liêng nhất và là pháp lý công minh nhất! Ai vi phạm hoặc làm vấy bẩn điều vô giá đó, người ấy không xứng đáng là người con đất Việt. Điều nhân dân ta cần và tôn vinh là những người yêu nước chân chính, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích chung của đất nước, thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm thiết thực, cụ thể có lợi cho dân, cho nước như lời Bác Hồ dạy: Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cố hết sức làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì cố hết sức tránh. Vì vậy, để góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mỗi người chúng ta, dù làm gì, ở bất kỳ vị trí làm việc, công tác nào, cũng phải làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, chức trách của mình, tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các thói hư, tật xấu, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm. Chúng ta không thể chấp nhận những người miệng nói yêu nước nhưng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” mà tham nhũng, lãng phí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, làm nghèo, suy yếu đất nước. Đây là “giặc nội xâm”, là những “khối u” trên cơ thể đất nước cần phải cắt bỏ.
Để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, bản lĩnh vững vàng, kiên định về nguyên tắc nhưng tỉnh táo, linh hoạt, khôn khéo trong sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Những bài học giữ nước của cha ông ta để lại là hết sức quý giá với chúng ta ngày nay. Những cảnh báo của nhà bác học Lê Quý Đôn về những nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sỹ phu ngoảnh mặt” là điều chúng ta cần phải suy ngẫm; hay những lời nói của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: phải biết chủ động “rút củi đáy nồi”, “phải kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” trong xử lý quan hệ với kẻ thù; “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt”, xây dựng “quân đội một lòng như cha con thì mới dùng được”, “phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”... vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hôm nay.
Ngày nay, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường của dân tộc, những bài học giữ nước của cha ông, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của đất nước, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất, nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc do cha ông để lại để trao truyền cho muôn đời con cháu mai sau.
***
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Nhưng, chúng ta vẫn luôn đau đáu vì nền kinh tế nước ta còn tụt hậu, cuộc sống của đồng bào ta ở nhiều vùng, nhiều đối tượng còn rất khó khăn; vẫn còn tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân. Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...” trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ “đạo đức bốn mặt” (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên, cũng như trước tình trạng không ít cán bộ “tay đã nhúng chàm” bị dư luận xã hội lên án hoặc đã và đang bị truy tố, xét xử. Đây chính là những điều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta, là mầm họa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Người xưa nói: không biết xấu hổ thì không thành người được! Ấy là liêm sỉ ở đời! Không trừ một ai, dù là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị hay một công dân bình thường luôn phải tự vấn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, luôn phải biết tự hổ thẹn với lương tâm về đạo lý làm người! Không trừ một ai, ở bất kỳ cấp nào, có việc làm hại cho dân cho nước, làm nhân dân bất bình, nếu đạo lý, lương tâm không đủ thức tỉnh, răn đe thì pháp lý phải được triệt để áp dụng. Ai vi phạm thì khuyên răn, nếu vẫn chưa thức tỉnh thì cần thiết phải nghiêm trị, “xây” phải đi đôi với “chống”, để giữ gìn, củng cố lòng tin của nhân dân, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bởi vì “dân là gốc”; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, cũng như người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã từng viết: “làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”. Vì vậy, để có đủ sức mạnh vượt qua mọi chướng ngại, chông gai trên con đường bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, thì mối quan hệ máu thịt, sinh tử giữa Đảng với nhân dân lại đòi hỏi phải được chăm lo ở một tầm cao mới, với chất lượng mới. Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Khối đoàn kết, thống nhất, đồng tâm hiệp lực của hơn 90 triệu đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài sẽ là sức mạnh vô địch để giữ gìn, bảo vệ non sông đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn.
***
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ không được phép sao nhãng, lơ là, nhưng cũng là cuộc đấu tranh lâu dài, kiên trì, bền bỉ với những khó khăn, thử thách to lớn. Đây là sự nghiệp của toàn dân, của mọi người Việt Nam, nhưng Đảng và Nhà nước ta, những người lãnh đạo và quản lý đất nước, có vai trò và trách nhiệm to lớn.
Tháng 9 năm nay tròn 45 năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta phải tiếp tục học tập và làm theo những lời dạy trong Di chúc của Bác: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”, “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ của nhân dân”, “mỗi đảng viên, cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”; đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ, quan điểm, đường lối, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trên cơ sở bảo vệ lợi ích của dân tộc, của đất nước, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Trên tinh thần đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên cần phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, để giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, để đánh giá cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện Hiến pháp sửa đổi vừa mới được Quốc hội thông qua, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước ta thật sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được toàn dân tin cậy, ủng hộ. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi.
Phát huy tinh thần và truyền thống vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, tiếp tục học tập và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng thành một khối vững chắc, nỗ lực phấn đấu, nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường quốc năm châu và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, để dân tộc ta, đất nước ta phồn vinh, mãi mãi trường tồn. Đó cũng là thước đo lòng yêu nước của mỗi chúng ta lúc này.
Trương Tấn Sang
(Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước)