Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

"Phải lấy mức độ hài lòng của nhân dân làm thước đo"

“Cần phải lấy mức độ hài lòng của nhân dân làm thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân”.
Đó là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang nêu ra tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” và 2 năm thực hiện khẩu hiệu hành động “kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”.
Giúp dân chạy lũ. Ảnh: CAND

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, qua thực hiện cuộc vận động: Trật tự, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả, các mặt công tác được nâng lên. Đại đa số cán bộ, chiến sỹ có sự chuyển biến rõ nét trong tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa, tác phong, quan hệ giao tiếp ứng xử, ý thức phục vụ nhân dân được nâng lên.
Cùng với ghi nhận kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng lưu ý tại một số đơn vị vẫn còn tình trạng cán bộ, chiến sỹ thiếu tu dưỡng rèn luyện vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng yêu cầu công an các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về việc định kỳ lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân cũng như mở rộng thêm các hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh của công dân; chú trọng tổ chức diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân" để chủ động phát hiện, chấn chỉnh kịp những khuyết điểm tồn tại đưa phong trào xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ của lực lượng công an đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.      
Quỳnh Trang

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo



(Chinhphu.vn) - Theo đánh giá của Oxfam, một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo khi tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58% năm 1992 xuống còn 7,6% cuối năm 2013.

Chính sách hỗ trợ giảm nghèo phải đặc biệt quan tâm đến cho vay vốn ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất.


Ngày 28/3, Oxfam đã công bố dự án “Theo dõi và phân tích chính sách giảm nghèo tại Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu dự án sẽ là tài liệu cần thiết cho các cơ quan quản lý hoạch định chính sách giảm nghèo trong thời gian tới. Trong vòng ba năm từ 2014 tới 2016, dự án sẽ theo dõi và phân tích chính sách giảm nghèo triển khai tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đăk Nông, Ninh Thuận, Trà Vinh.

Bà Lê Thị Kim Dung, đại diện Oxfam tại Việt Nam cho biết, dự án sẽ theo dõi và đánh giá chính sách giảm nghèo để đưa ra những phát hiện và ý kiến khuyến nghị tới các nhà hoạch định chính sách cấp tỉnh, cấp trung ương về việc đổi mới xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người nghèo tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu rà soát chính sách của Oxfam, tính đến hết tháng 3/2014, tổng số văn bản chính sách liên quan đến giảm nghèo là 501, trong đó có 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo đang có hiệu lực và 313 văn bản liên quan gián tiếp.
Đánh giá về hệ thống chính sách giảm nghèo của Việt Nam hiện nay, có chuyên gia cho rằng còn trùng lặp khiến các địa phương khó khăn trong việc triển khai. Đặc biệt, đa số chính sách còn nặng về bao cấp, hỗ trợ cho không nên tạo cho người dân tâm lý không muốn thoát nghèo. Chính vì vậy, việc rà soát đánh giá các chính sách để thiết kế lại hệ thống chính sách đang rất cần thiết.
Dự án “Theo dõi và phân tích chính sách giảm nghèo tại Việt Nam” sẽ giám sát thường niên các chính sách giảm nghèo ở cấp cơ sở và phân tích sâu các chính sách theo bốn khía cạnh chính: Nghèo của người dân tộc thiểu số; Khoảng cách giàu nghèo; Nghèo đô thị và Quản trị địa phương.
Trong bối cảnh Việt Nam đã  trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, các chính sách xóa đói giảm nghèo hướng đến đa số người dân như trước đây không còn phù hợp. Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần được tư vấn cải cách chính sách dựa trên bằng chứng chính xác, trong đó những kết quả của dự án này cũng sẽ là tài liệu cần thiết cho các cơ quan quản lý hoạch định chính sách giảm nghèo trong thời gian tới.
Thu Cúc
 

Việt Nam tham gia tích cực công việc chung của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Khóa họp lần thứ 25 Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) đã diễn ra từ ngày 3 đến 28/3 tại Geneva Thụy Sĩ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Họp Cấp cao tại phiên khai mạc Khóa họp này. Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã làm Trưởng đoàn Việt Nam tại các phiên họp tiếp theo. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

Bên cạnh Hội nghị Cấp cao, Hội đồng Nhân quyền tổ chức ba phiên thảo luận cấp cao về quyền của người di cư, án tử hình và các cách tiếp cận mang tính phòng vệ trong hệ thống LHQ để bảo đảm quyền con người.  Có Trụ sở tại Geneva, Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên, đại diện cho tất cả các khu vực, được bầu với nhiệm kỳ 3 năm, là cơ quan chịu trách nhiệm chính và quan trọng nhất của LHQ trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Cùng với Việt Nam, các thành viên khác của Hội đồng Nhân quyền trong phiên họp thứ 25 này gồm: Argentina, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Mỹ, Venezuela...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (hàng trên, bên trái) tại hội nghị.

Trưởng Phái đoàn Thường trực, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, cho biết: Trên cơ sở quan tâm đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã chủ động tham gia công việc chung của Hội đồng, tích cực đóng góp vào quá trình thảo luận và thông qua các nghị quyết, quyết định của Khóa họp lần thứ 25 này trên tinh thần thúc đẩy việc bảo vệ và mở rộng thụ hưởng các quyền của người dân, tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp và thực tiễn quốc tế, có tính đến một cách thỏa đáng các đặc thù về kinh tế, truyền thống văn hóa và phát triển của các quốc gia, khu vực. 
    
Hơn 30 nghị quyết đã được thông qua bằng đồng thuận liên quan đến nhiều vấn đề thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế như thực hiện các quyền kinh tế-văn hóa-xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế về nhân quyền, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong chống khủng bố, bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, quyền lương thực, quyền nhà ở, môi trường và quyền con người, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tiếp cận pháp lý của trẻ em, xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em, quyền của các nhóm xã hội yếu thế như trẻ em, người thiểu số, người khuyết tật, vấn đề chống phân biệt chủng tộc... 

Trong số 10 nghị quyết được thông qua bằng bỏ phiếu, đáng chú ý là các nghị quyết liên quan đến tình hình tại Syria, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Sri Lanka, Iran, các vùng lãnh thổ Palestin bị chiếm đóng, vấn đề sử dụng máy bay không người lái trong chống khủng bố, vấn đề tính thống nhất của hệ thống tư pháp trong bảo vệ quyền con người.
    
Đoàn Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm; tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và việc tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách khách quan, cân bằng, tổng thể và toàn diện; đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của LHQ về nhân quyền.    
     
Trong bối cảnh quyền con người tiếp tục được các nước và dư luận quốc tế quan tâm, Hội nghị đã thu hút được sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo của hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John W. Ashe đã nhấn mạnh: Kể từ khi được thành lập, Hội đồng Nhân quyền đã ngày càng có nhiều tiến triển theo tiêu chuẩn toàn cầu trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên khắp thế giới, song cũng cần có các biện pháp ứng phó kịp thời với những thách thức không ngừng biến đổi.
    
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, ông Guy Mettan, nhà nghiên cứu chính trị và hiện là Giám đốc Câu lạc bộ Báo chí Geneva, cho biết: Hội đồng Nhân quyền LHQ là một cơ chế mang tính toàn cầu và việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền thực sự có ý nghĩa. Việt Nam không chỉ thể hiện tiếng nói, bảo vệ quan điểm của quốc gia, mà còn có cơ hội trao đổi, chia sẻ hiệu quả với các nước khác như các quốc gia châu Á, châu Phi ... trong Hội đồng Nhân quyền. Ông Guy Mettan cho rằng nhiều nước cũng như Việt Nam đều coi trọng việc tập trung vào các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng như vấn đề bảo vệ quyền con người. Do vậy, việc lắng nghe ý kiến của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền là rất quan trọng.

Cũng trong phiên họp này, hầu hết phát biểu của các nước đang phát triển tại Á, Phi, Mỹ Latinh đều chia sẻ quan điểm cho rằng Hội đồng Nhân quyền cần tránh chính trị hóa, tiêu chuẩn kép trong quá trình xử lý công việc của mình, tránh áp đặt, nhấn mạnh trao đổi cởi mở, thẳng thắng, hợp tác hữu hiệu và đối thoại xây dựng. Vai trò và đóng góp của các cơ chế cụ thể của Hội đồng Nhân quyền cũng được các nước ghi nhận và đánh giá cao tại Hội nghị. Trong đó, Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) được xem là cơ chế hoạt động hiệu quả và có đóng góp vào việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác cũng như tiến bộ trên thực tiễn về quyền con người tại các nước. 
                
Tin, ảnh: Tố Uyên – Hoàng Long