Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Lại nói về trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp


Từ góc độ quan hệ giữa nội dung và hình thức, sự phát triển hệ thống truyền thông luôn phải đi liền với chất lượng thông tin được truyền tải. Chính vì thế, vấn đề này đặt ra nhiều đòi hỏi khắt khe liên quan tới trình độ, thái độ trách nhiệm người làm nghề. Tuy nhiên, trong lĩnh vực truyền thông, thời gian qua lại xảy ra một số sai phạm rất đáng tiếc, có thể làm sai lệch mục đích truyền bá thông tin, liên quan đạo đức nghề nghiệp, làm người đọc lo ngại.
Dù sự ồn ào của dư luận quanh phóng sự đề cập tới hiện tượng học sinh và "khói trắng shisha" đã lắng lại, nhưng sự việc vẫn khiến không ít người, nhất là các bậc phụ huynh có con học phổ thông lo ngại. Bởi họ hiểu hơn ai hết hậu quả từ sự tổn thương tinh thần của con em mình nếu không may gặp một sự việc tương tự. Đáng tiếc, sau khi sự việc xảy ra, bị dư luận phản ứng, thay vì đứng ra làm chứng, bảo vệ các em, thì những người liên quan lại cư xử một cách thiếu trách nhiệm. Họ chỉ đứng ra xin lỗi sau khi bằng chứng sự việc được công bố, lý do được đưa ra là vì "non kém về nghiệp vụ" - một lý do liệu đã thỏa đáng? Nhắc lại sự kiện không phải muốn "té nước theo mưa" mà vì vấn đề hệ trọng hơn là đạo đức và lương tâm của người làm nghề; vì đó là thí dụ nóng hổi, tiêu biểu cho sự mất an toàn của truyền thông hiện đại, nếu trách nhiệm và đạo đức của người làm nghề không được đặt lên hàng đầu.
Xét về số lượng, có thể nói các ấn phẩm báo chí trong cả nước hiện đã đạt tới con số rất đáng tự hào (theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến ngày 25-12-2014, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương; 90 báo, tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp...). Đây cũng là lúc những tờ báo có tính chất thị trường xuất hiện ồ ạt, như: một tờ báo về nghệ thuật lại ra thêm chuyên đề về hôn nhân gia đình; một tờ báo của hội nghề nghiệp chuyên ngành lại có thêm vài ba tờ chuyên về đời sống mà xét từ tên ấn phẩm thì hầu như chẳng liên quan gì với hội nghề nghiệp kia! Một số tờ báo hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn ra nhiều phụ trương, chuyên đề. Một số tờ báo đang xa rời tôn chỉ, mục đích của mình, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả. Điều dễ thấy ở nội dung các ấn phẩm thuộc dòng này là tràn ngập tin bài về cướp - giết - hiếp. Thậm chí có vụ giết người man rợ, hiếp dâm được mô tả một cách chi tiết, khiến độc giả có cảm giác như những ấn phẩm này đang muốn cổ súy cho một loại tội phạm đáng sợ. Hậu quả là gì? Các tin bài đầy tính bạo lực đó rất dễ làm độc giả hoang mang, suy giảm lòng tin vào con người, nhìn cuộc sống với ánh mắt u ám vì lo ngại sự tiêu cực, thiếu nhân tính.
Bên cạnh tin, bài mang mầu sắc bạo lực, ở một số ấn phẩm thị trường lại đang xuất hiện "xu hướng nhảm nhí". Họ mò mẫm tìm kiếm trên in-tơ-nét để dựng lên một số nhân vật hết sức bình thường trong cuộc sống thành tên tuổi "hot". Mà điển hình là trường hợp anh LR làm nghề trồng ổi ở một vùng quê nghèo, rất thích hát, dù biết mình hát không hay. Anh mê ca hát đến mức có ngày đưa lên mạng tới 150 clíp âm nhạc của mình, với giọng hát vừa ngọng, vừa sai nhạc. Điều bất bình thường là lập tức anh được một số tờ báo "thổi" lên như một hiện tượng lạ, rồi người ta tung hô, tổ chức các sự kiện, các buổi trình diễn để anh xuất hiện như một "ngôi sao làng giải trí". Điều này hoàn toàn có thể đưa tới hậu quả là ảo tưởng rất không đáng có trong anh nông dân yêu ca hát; thứ nữa là sự ngộ nhận về con đường, cách thức trở thành "người nổi tiếng"; biến một người hiền lành chất phác thành trò giải trí cho một số người; ít nhiều làm tổn thương các nghệ sĩ chân chính... Quá bức xúc trước sự việc này, một nhà báo đã lên tiếng: "Vì tương lai của H, vì sự tử tế còn lại trong mỗi người, đã đến lúc mọi sự đu bám, ăn theo hiện tượng anh chàng nông dân có giọng hát kém cỏi này nên dừng lại. Đừng biến một con người tử tế thành một chú hề ngô nghê, nực cười và lố bịch"! Nhạc sĩ Trần Minh Phi thì coi đó "chỉ là trò hề rất hợp gu thị hiếu giải trí thấp kém đang đầy rẫy hiện nay. Một thị hiếu tuột đáy, cả thèm chóng chán đang quá bội thực với trai đẹp, gái đẹp "hát hay nhân tạo" nay quay qua đổi món với cực tương phản là xấu và "hát dở tự nhiên", nhất là dở một cách hạng bét". Anh viết tiếp: "Mọi sự trở nên bị thổi phồng và đánh đồng hơn nữa khi một bộ phận trong giới truyền thông thò cái vòi bạch tuộc của mình vào bằng sự khủng hoảng tự thân về trình độ và bản lĩnh người làm báo cùng cơn đói "view" của các tờ báo mạng. Họ lao vào bằng những bài viết nông cạn và thiếu hiểu biết về nghệ thuật, đánh đồng mọi khái niệm, kích thích thêm hiệu ứng bầy đàn ở những người dân trí thấp và kích thích tò mò ở tầng lớp dân trí không thấp để tạo nên lượt "like", đẩy sự việc đi theo tốc độ chóng mặt với lượng chia sẻ, tìm xem trên mạng xã hội tăng lên cấp bội số".
Thật đáng tiếc, tiếng nói của những người chân chính, luôn hướng tới sự lành mạnh lại như phải đứng trước nguy cơ bị lấn át bởi sự nhảm nhí ngày càng lan rộng trên một số ấn phẩm có tên là báo chí thị trường. Độc giả tiếp tục phải chóng mặt trước các "tước phong" được ban phát vô tội vạ. Nào là "nữ hoàng giải trí", "ông hoàng nhạc trẻ", "nữ hoàng nội y", "thánh bàn chải"... Nào là "lộ hàng", tình tay ba tay tư của nghệ sĩ. Thậm chí một số chương trình giải trí có nội dung phản cảm đã xuất hiện trên sóng truyền hình vào "giờ vàng". Để giữ an toàn cho bản thân và gia đình, nhiều người nổi tiếng tránh tiếp xúc và trả lời phỏng vấn báo chí. Họ sợ phát biểu của họ bị bóp méo. Họ sợ gia đình mình trở thành mục tiêu của giới truyền thông. Vì trên thực tế đã có hiện tượng bài phỏng vấn một nghệ sĩ xuất hiện trên báo chí trong khi chính nghệ sĩ không hề gặp phóng viên. Họ dở khóc dở cười vì bỗng dưng xuất hiện trên báo chí trong tư cách là "sản phẩm tưởng tượng" của nhà báo. Điều này hết sức nguy hại, nhất là khi nhà báo đưa vào bài phỏng vấn các nội dung "nhạy cảm", ảnh hưởng uy tín người khác. Thường thì sau khi vụ việc bị phát giác, người trong cuộc khiếu nại, địa chỉ đã công bố bài phỏng vấn lên tiếng xin lỗi, rút bài xuống. Nhưng các địa chỉ đăng lại vẫn như không có chuyện gì xảy ra, và thông tin sai lạc vẫn lù lù trên in-tơ-nét làm người đọc vì ngộ nhận mà hiểu lầm, ảnh hưởng tới công chúng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người có liên quan.
Hiện không hiếm những trang báo chỉ quẩn quanh với chuyện đời tư của ca sĩ, diễn viên. Facebook của các nhân vật "hot trong làng giải trí" luôn được một số "nhà báo thị trường" chăm sóc kỹ lưỡng. Chỉ cần người mẫu, diễn viên viết gì mới là lập tức trở thành "chất liệu" để chế biến ra bài báo giật gân với các "nghi án" đại loại như người mẫu X và ông bầu T có tình ý với nhau, diễn viên H sắp bỏ chồng, ca sĩ N là người đồng tính, cầu thủ C hẹn hò với ca sĩ M... Cách đây không lâu là sự việc liên quan một cầu thủ trẻ. Nghi ngờ về tuổi thật của cầu thủ này khiến một số phóng viên về quê của cậu, lần tìm và cung cấp rộng rãi trên truyền thông rất nhiều thông tin đời tư của cầu thủ, mà không nghĩ rằng, hành động này đã phạm luật về quyền bí mật đời tư. Gần hơn nữa, sự việc nữ kiện tướng dancesport (khiêu vũ thể thao) có bầu năm tháng lập tức được nhiều báo chí tập trung khai thác. Các tấm ảnh đời tư của nữ kiện tướng này tải trên facebook được lôi ra mổ xẻ, phân tích, từ đó kết luận "như đúng rồi" về mối tình của cô với một học trò kém 12 tuổi, ảnh hai người chụp chung được trưng ra làm minh chứng! Những nhất cử nhất động của cô đều bị một số báo thị trường dõi theo. Đời tư của cô, vì vậy, đang trở thành nơi bị người hiếu kỳ nhòm ngó. Xét từ góc độ pháp luật, thì những bài viết này đang xâm phạm nặng nề đến đời tư nữ kiện tướng dancesport.
Hiến pháp năm 2013 dành hẳn Chương II để nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; trong đó Điều 21 quy định rõ: "1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác". Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định rất rõ về Quyền bí mật đời tư. Chiểu theo những quy định này, thì hành vi khai thác thông tin, hình ảnh đời tư trên facebook cá nhân của nữ kiện tướng dancesport để viết bài mà không được sự đồng ý của chủ nhân là hành vi xâm phạm quyền con người, trong đó có quyền bí mật đời tư.
Đáng tiếc là hằng ngày, qua các phương tiện thông tin đại chúng, công chúng vẫn tiếp xúc với một số sản phẩm truyền thông kém chất lượng, những bài báo sao chép, chắp vá, sai lệch thông tin, coi nhẹ trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra nhiều hình thức xử lý, tuy nhiên sự chuyển biến rất chậm. Điều này cho thấy, hệ thống truyền thông đã và đang có biểu hiện mất cân đối giữa số lượng các phương tiện truyền thông với chất lượng sản phẩm truyền thông. Để xây dựng và phát triển hệ thống truyền thông thật sự có tính nhân văn, trong khi quan tâm tới vấn đề quy hoạch, khẳng định vai trò tổ chức, quản lý của cơ quan chức năng, cần nhấn mạnh hơn nữa tới trách nhiệm của nhà báo và tòa soạn - khâu quan trọng nhất của quá trình ra đời - công bố sản phẩm truyền thông, và đặc biệt là quá trình đào tạo phóng viên từ trong nhà trường. Nếu quá trình đào tạo phóng viên thiếu định hướng trong trau dồi tri thức và ý thức về phẩm cách nghề nghiệp thì khi ra trường, nếu ai đó coi nghề báo chỉ là việc mưu sinh, sẽ rất dễ ngộ nhận và chạy theo những xu hướng lệch lạc.
THÀNH NAM

Đừng nhân danh khoa học để xuyên tạc lịch sử

Đừng nhân danh khoa học để xuyên tạc lịch sử
Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi. Nhưng 40 năm qua, một số người không thừa nhận thất bại vẫn tìm mọi cách xuyên tạc, hạ thấp ý nghĩa của sự kiện lịch sử này. Đáng tiếc là có tác giả còn nhân danh nghiên cứu khoa học để hỗ trợ cho sự sai trái...
Sau khi ra mắt tại NXB Đại học North Carolina (Mỹ), cuốn sách Cuộc chiến của Hà Nội (đầy đủ: Cuộc chiến của Hà Nội - lịch sử quốc tế của cuộc chiến tranh vì hòa bình ở Việt Nam - Hanoi's war -international of war for peace in Vietnam) của Liên Hằng lập tức được một số người hết lời ca ngợi. BBC, VOA, RFA,... cũng vội vã nhập cuộc, không chỉ giới thiệu, mà còn thi nhau phỏng vấn, tạo điều kiện để Liên Hằng quảng bá "kết quả nghiên cứu". Rồi ngày 19-3 mới đây, RFA trở lại với Liên Hằng, chị ta lại có cơ hội khoác lác về mấy điều của cuốn sách vừa xuất bản, qua bài viết có nhan đề Đập tan các huyền thoại về Việt Nam(Exploding the Myths About Vietnam)!
Ngày 16-11-2012, trong bài đã đăng trên BBC, tác giả Bùi Văn Phú cho rằng với cuốn sách, Liên Hằng đưa ra "một cách nhìn khác về cuộc chiến..., đó là chiến tranh do Hà Nội chủ động, từ khởi xướng vào những năm cuối thập niên 1950 cho đến lúc thành công vào tháng 4-1975". Đúng vậy, qua tám chương và phần kết luận, Liên Hằng chỉ xăm xăm đạt tới mục đích duy nhất là huy động tài liệu chứng minh lãnh đạo miền bắc Việt Nam đã gây ra chiến tranh!
Do vậy, về bản chất, "cái nhìn" của Liên Hằng không có gì mới, chỉ là sự nối dài luận điệu "miền bắc cưỡng chiếm miền nam" mà một số kẻ vẫn rêu rao suốt 40 năm qua. Và khi kết luận: "Chìa khóa chiến thắng sau cùng của Hà Nội không phụ thuộc vào việc đã tiến hành các trận tổng công kích, hoặc ngay cả việc chiếm được lòng dân ở miền nam, thay vào đó, nằm ở chiến dịch quan hệ quốc tế của họ để hỗ trợ cho các phong trào phản chiến trên thế giới", Liên Hằng đã đánh tráo sự thật. Vì sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam rất quan trọng, nhưng yếu tố cơ bản nhất để dân tộc Việt Nam đi tới ngày 30-4-1975 là sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ý chí và tinh thần quả cảm, là nỗ lực và sự hy sinh đến mức đã trở thành huyền thoại của hàng triệu con người để hiện thực hóa "giấc mơ truyền qua các thế hệ, từ các bậc ông cha đã chống lại ách cai trị của người Pháp và chính quyền tay sai, sau này là Hoa Kỳ", như Tiến sĩ N. Turse (Tơ-xơ) ở Mỹ, viết ngày 23-2-2015 vừa qua trên thenation.com.
Để đánh giá kết luận của Liên Hằng, chỉ cần đề cập quá trình can thiệp của Mỹ ở Việt Nam và cố gắng xây dựng, nuôi dưỡng chế độ Ngô Đình Diệm để phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), tận diệt phong trào cách mạng và chia cắt Việt Nam, sẽ thấy tác giả đã nghiên cứu để xuyên tạc sự thật như thế nào. Trước hết, dù Liên Hằng rất tự đắc vì huy động rất nhiều tài liệu, nhưng mấy trăm trang sách của chị ta hầu như lại không có các tài liệu mà không cần mò mẫm trong thư viện trường đại học lớn, hay thư viện của tổng thống Mỹ, chỉ cần tìm trên in-tơ-nét sẽ thấy.
Thí dụ: Tháng 9-1950, Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) được thành lập để giám sát việc sử dụng trang thiết bị quân sự viện trợ của Mỹ hỗ trợ Pháp chống lại Việt minh; tháng 9-1954, Mỹ và Pháp thỏa thuận "chống lại sự phát triển ảnh hưởng hay sự kiểm soát của Việt minh, ủng hộ Diệm thành lập, duy trì một chính phủ mạnh, chống cộng, theo chủ nghĩa quốc gia"; tháng 11-1954, Eisenhower (Ai-xen-hao) cử Colin (Cô-lin) (Tham mưu trưởng lục quân) làm Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, Colin tuyên bố: "Hoa Kỳ chủ trương tăng cường lực lượng quân sự cho miền nam Việt Nam... huấn luyện quân đội miền nam và 90% trang bị sẽ là của Hoa Kỳ"; tháng 2-1955, Mỹ quyết định giao viện trợ quân sự trực tiếp cho chính quyền Diệm, trách nhiệm quân sự chuyển từ phía Pháp sang cho MAAG...
Về phía Ngô Đình Diệm, sau khi được Mỹ đưa về miền nam làm thủ tướng trong chính phủ Bảo Đại, rồi phế truất ông vua bù nhìn này để giành toàn bộ quyền lực, được sự hỗ trợ của Mỹ, Ngô Đình Diệm ra sức cự tuyệt việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ (như: tuyên bố "tổng tuyển cử là không thể thực hiện", bác bỏ đề nghị của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tổ chức Hội nghị hiệp thương,...), tiến hành các chiến dịch "tố cộng, diệt cộng", ban hành Luật 10/59 để giết hại những người kháng chiến, yêu nước...
Phớt lờ tính liên tục lịch sử, lại bỏ qua yêu cầu khách quan và toàn diện, nên hầu như Liên Hằng không đề cập tới các sự kiện trên. Nếu đề cập, chẳng hóa ra bài toán đã chuẩn bị trước lời giải của chị ta lại trở nên vô nghĩa. Vì các sự kiện đó và vô số sự kiện tương tự đã diễn ra cả chục năm trước khi Nghị quyết 15 của Đảng Lao động Việt Nam - nay là Đảng Cộng sản Việt Nam - ra đời. Các sự kiện đó là sự thật chứng minh ngay từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Mỹ đã thực hiện rất nhiều biện pháp trực tiếp, cụ thể để thực hiện âm mưu thay thế Pháp ở Việt Nam.
Trong bối cảnh cách mạng miền nam bị đàn áp tàn bạo, đất nước bị đẩy vào tình huống chia cắt lâu dài,... không còn con đường nào khác, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã buộc phải quyết định chuyển hướng chiến lược để đưa sự nghiệp cách mạng vào thời kỳ mới là xây dựng, bảo vệ miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đây là tình thế "kẻ thù buộc ta ôm cây súng" như ca từ một ca khúc của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Đó là cơ sở lý giải tại sao các đời tổng thống Mỹ từ Eisenhower đến Ford (Pho) dù đã triển khai nhiều chiến lược, liên tục "leo thang" chiến tranh lên các tầng nấc cao hơn, tốn kém vũ khí và tiền bạc, làm tổn hại sinh mạng của quân nhân Mỹ nhưng vẫn thất bại, đành phải bỏ rơi "đứa con Việt Nam cộng hòa". Đó là tình thế Liên Hằng không hiểu, hoặc chị ta cố tình không hiểu để biện hộ cho cái ác, cái xấu, đánh tráo sự thật để xuyên tạc sự thật.
Đọc danh sách vô số tổ chức, cá nhân được Liên Hằng liệt kê để cảm ơn sau khi thực hiện cuốn sách, tiếp cận hàng trăm trang ghi chú tài liệu tham khảo, người đọc dễ lầm tưởng công phu nghiên cứu khoa học của Liên Hằng. Song đọc kỹ sẽ thấy đây chỉ là tài liệu khai thác từ một phía và tác giả chỉ chọn tài liệu nào phù hợp với mục đích của mình, rồi xào xáo, nhào trộn các tài liệu này với đủ thứ tin đồn, sự kiện mơ hồ, thông tin không được kiểm chứng để... đoán mò theo kiểu "ắt hẳn" nghĩ thế này, "có lẽ" đã làm thế kia! Bằng thủ pháp bịa đặt, gán ghép, tác giả xưng xưng mô tả quá trình tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh thống nhất đất nước là quá trình thực hiện tham vọng, đầy âm mưu, thủ đoạn, triệt hạ lẫn nhau, hầu như trận đánh nào cũng thất bại (điều này đúng là liều thuốc an thần cho một số người vẫn tự an ủi "đã thắng trong các trận đánh nhưng thua một cuộc chiến tranh"!).
Lối mô tả đó kết hợp với việc coi "chìa khóa chiến thắng" phụ thuộc vào nước ngoài nhằm phủ nhận các nguyên nhân quan trọng nhất đưa tới thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Một cách lắt léo, Liên Hằng cố gắng trả lời hai câu hỏi mà chị ta có sẵn đáp án: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Mỹ đã gây ra chiến tranh? Ai là người chịu trách nhiệm ở bên gây ra chiến tranh? Với câu hỏi thứ nhất, đã phân tích chỉ rõ sự xảo trá của Liên Hằng. Với câu hỏi thứ hai, việc chị ta tìm mọi cách gán trách nhiệm vào một cá nhân lãnh đạo của Việt Nam là hết sức kỳ quặc, vì người viết hoàn toàn không tìm hiểu bản chất, tính chất, nguyên tắc tổ chức của cách mạng Việt Nam.
Bởi nhấn mạnh vai trò quan trọng của cá nhân, song cách mạng Việt Nam khẳng định nhân dân mới là lực lượng có vai trò quyết định trong tiến trình cách mạng. Nếu không có khối đoàn kết toàn dân tộc, thiếu niềm tin vào lý tưởng, thiếu ý thức tự tôn, thiếu tinh thần sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do thì nhân dân Việt Nam đã không thể đương đầu, đánh bại đội quân có sức mạnh vật chất mạnh hơn gấp nhiều lần. Với các phẩm chất ấy, hàng triệu thanh niên đã vượt Trường Sơn ra trận, hàng vạn bà mẹ đã tiễn người con duy nhất vào quân ngũ, hàng vạn người đã làm nên hình ảnh cao đẹp với khăn rằn, mũ tai bèo, khẩu súng trong tay của nữ du kích miền nam...
Viết cuốn sách Cuộc chiến của Hà Nội, xét cho cùng, Liên Hằng cũng không thoát khỏi "vòng kim cô" của xu hướng biện hộ cho thất bại vốn là nỗi cay đắng của một số người ở đất nước mà chị ta là công dân.
Chỉ có điều không hiểu vì sao BBC, VOA, RFA,...không nhận ra điều đó, mà còn tiếp tay cho những phát ngôn xằng bậy? Chẳng lẽ họ không biết ngay sau khi cuốn sách ra đời, trong bài Những gì đã thực sự xảy ra tại Việt Nam: miền bắc, miền nam, và sự thất bại của Mỹ,tác giả F. Logvall (P.Lốc-van), thuộc Đại học Cornell (Mỹ), thẳng thừng nhận xét: "Cuộc chiến của Hà Nội chỉ đóng góp một cách rất hạn chế cho các nghiên cứu có tính chất xét lại về cuộc chiến...
Tác phẩm này rốt cuộc đã không hề thách thức quan điểm thịnh hành hiện nay cho rằng Mỹ và đồng minh nam Việt Nam luôn phải đối đầu với các bất lợi trường kỳ trong cuộc chiến. Sự tận tụy hy sinh, sự kiên trì không thể lay chuyển, khả năng chiến đấu tài tình của đối phương, từ đầu chí cuối là phi thường... Trong khi đó, chính phủ Sài Gòn đã bị què quặt từ đầu vì ba khuyết tật chính mà không sự can thiệp nào của Mỹ có thể khắc phục: sự yếu kém của một quân đội chuyên nghiệp, tham nhũng tràn lan, thiếu hậu thuẫn của dân chúng"!
VŨ HỢP LÂN

Hãy để thời gian trả lời bằng sự thật


 
LTS - Sinh tại Việt Nam, lớn lên tại Mỹ, mấy năm gần đây trong tư cách Tổng thư ký tuần báo Việt Weekly (Mỹ), Etcetera Nguyễn có dịp trở về Việt Nam để tác nghiệp. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Etcetera Nguyễn gửi tới Báo Nhân Dân bài viết nói lên suy nghĩ của mình về thực chất hoạt động "chống cộng" ở hải ngoại, về vai trò của Việt Weekly trong khi đưa tin khách quan, trung thực về tình hình đất nước... Chúng tôi trích giới thiệu với bạn đọc bài viết này (đầu đề là của Tòa soạn).
Trên bề mặt, nếu nhìn vào các sinh hoạt nổi bật ở Little Saigon (California) vào tháng 4 hằng năm, đặc biệt là ngày 30-4, người Mỹ bản địa và những vị khách chưa hiểu biết một cách thấu đáo về vấn đề, vẫn bị thu hút bởi mầu vàng của lá cờ "3 sọc đỏ" được treo khắp các con phố, trục lộ chính, nơi có nhiều cơ sở thương mại của người Mỹ gốc Việt buôn bán, làm ăn. Rồi nhiều cuộc hội họp, lễ lạt mang tính chất "tố cộng" được tổ chức rầm rộ. Các hội đoàn chính trị, các chính khách địa phương tập hợp tại "Tượng đài Việt - Mỹ" ở trung tâm TP Westminster để kể lại trận chiến bị thua, về vết thương còn âm ỉ! Các sinh hoạt chính trị đó được các tờ báo của cộng đồng ghi lại, thổi lên thành "ngọn lửa căm thù chế độ cộng sản, căm thù chính phủ Việt Nam". Việc này lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua, và tất nhiên, có tác động đến những ai bị mất mát của cải, địa vị xã hội, quyền lợi chính trị từng có trước đây. Nhìn bề mặt thì như thế, nhưng theo ghi nhận của tôi, có yếu tố "đằng sau hậu trường" đáng ngạc nhiên. Và tôi có thể khẳng định rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở Nam California, không cực đoan như các tờ báo cộng đồng cố tình mô tả.
Kể từ sau năm 1995, sau khi bang giao Mỹ và Việt Nam được thiết lập, đã có những người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở về Việt Nam để tìm lại hình ảnh quê nhà thân thương, để thăm viếng; đã có những doanh gia lặng lẽ về nước tìm cơ hội làm ăn, giao thương buôn bán. Hơn 20 năm qua, các chuyến thăm thân, du lịch, giao dịch không còn là việc làm âm thầm, đơn lẻ nữa. Con đường nhỏ nay đã trở thành đại lộ thênh thang, không hạn chế bất cứ ai. Những năm gần đây, vị thế chính trị, kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế đã trở nên quan trọng, được đánh giá là một nước có nhiều tiềm năng kinh tế, phát triển tại Đông - Nam Á.Các chuyến thăm hữu nghị của các cấp lãnh đạo Việt Nam ra quốc tế và ngược lại diễn ra đều đặn, ngày một nhiều hơn... Tuy nhiên, những thông tin tích cực ở Việt Nam đã không đến được với người dân bản địa. Có chăng thì đều bị bóp méo, xuyên tạc bởi những "nhà chính trị", các "tổ chức chính trị" có quan điểm khác với Chính phủ Việt Nam. Bức tranh thực tế của đất nước đã bị một lớp sương mù bao phủ, làm nhiễu loạn có mục đích. Vậy mục đích, động cơ của các "nhà hoạt đầu chính trị cộng đồng" là gì?Họ muốn điều gì để rồi luôn luôn có thái độ thù nghịch với Chính phủ Việt Nam?
Nếu như trước đây, các cá nhân hám danh lợi, các tổ chức và hội đoàn chính trị từng có tham vọng "lật đổ chế độ cộng sản" bằng bạo lực, để phục hồi quyền lực đã có một thời, thì theo thời gian, họ biết rằng không thể làm được điều đó vì không có khả năng, thực lực. Khi biết không thể làm thay được quyền lãnh đạo đất nước, các "nhà hoạt động chính trị" này lại nỗ lực tự biến mình thành một thứ chính quyền trong cộng đồng nhỏ, họ áp đặt "chủ nghĩa chống cộng cực đoan" lên người có cùng cảnh ngộ. Họ muốn biến "cộng đồng tị nạn" thành một tập thể cực đoan, luôn hô hào chống cộng dưới mọi hình thức để trục lợi cho cá nhân, tổ chức của mình. Quyền lợi chính trị này không đến từ Việt Nam, mà đến từ chính nước sở tại vào mùa tranh cử hai hoặc bốn năm một lần ở các cấp từ tiểu bang tới liên bang. Để có lá phiếu của cử tri gốc Việt, các ứng cử viên người bản xứ tìm đến vận động, xin hay "mua" từ những nhà lãnh đạo cộng đồng qua chiêu bài "chống cộng", hay "dân chủ, tự do, nhân quyền". Vào mùa tranh cử, các tổ chức chống cộng cấu kết với các cơ quan "truyền thông chống cộng" thao túng sinh hoạt cộng đồng. Các khó khăn, vấn nạn xã hội, hiện tượng tiêu cực ở Việt Nam là "nguyên liệu tốt" cho những nhà hoạt đầu chính trị cộng đồng nhào nặn thành "bánh vẽ", tạo nên chiếc khiên đỡ, che đậy các động cơ chính trị tư lợi. Vào dịp đó, cộng đồng Việt ở Nam Cali thường hoạt động rất sôi nổi, đây là dịp cho những tay hoạt đầu chính trị nhảy ra chiếm diễn đàn để chống cộng, để chụp mũ nhau loạn xạ, bất kể đúng sai, nhao nhao muôn vàn hình thức "chống cộng" như biểu tình phản đối chính quyền Việt Nam, đòi tự do cho "nhà bất đồng chính kiến" v.v... Biểu tình chống phá Việt Nam để tạo tiếng vang, ghi thành tích; biểu tình đe dọa, chụp mũ lẫn nhau là cộng sản để cạnh tranh buôn bán xảy ra thường xuyên (và biết đâu là giành cho được ngân sách tranh cử rơi vào túi của họ?). Chiếc bánh quyền lợi được chia đều cho một thiểu số tổ chức đấu tranh, các tay lãnh đạo cộng đồng; một số tờ báo, cơ quan truyền thông chống cộng cũng được hưởng quyền lợi thông qua việc quảng cáo tranh cử. Vì thế, quyền lợi vật chất, chính trị của một thiểu số sẽ tiếp tục tồn tại, nếu đa số người Mỹ gốc Việt thiếu thông tin khách quan, trung thực về Việt Nam.
Trong sự ngột ngạt đó, từ năm 2006, các phóng viên Việt Weekly quyết định tìm về Việt Nam làm tin tức tại chỗ. Với chủ trương đi tận nơi, tìm hiểu đưa tin khách quan, trung thực để một làn gió mới về thông tin từ Việt Nam được đưa thẳng tới cộng đồng. Đã có hàng loạt phóng sự về đời sống vùng miền, các cuộc phỏng vấn, trao đổi trực tiếp từ người dân đến các cấp lãnh đạo từ địa phương tới trung ương... Hoạt động này mang lại nhiều điều mới mẻ, khác lạ giúp kiều bào khắp nơi trên thế giới thấy và hiểu hơn về Việt Nam. Đặc biệt là những chuyến đi thăm biển, đảo được Nhà nước Việt Nam, qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các năm gần đây, đã cho thấy thực chất những gì đang diễn ra ở vùng biển chủ quyền đất nước, giúp độc giả ở hải ngoại hiểu hơn tình hình thực địa chủ quyền biển, đảo. Từ năm 2013 tới nay, cá nhân tôi, là phóng viên người Mỹ gốc Việt duy nhất hiện sống và làm việc công khai thường trực tại Việt Nam. Tôi đã có cơ hội đi nhiều nơi, tự mình tìm hiểu đời sống thực tế của người dân. Tới đâu tôi cũng chú ý lắng nghe, ghi nhận tường tận và cụ thể những câu chuyện người thật, việc thật. Hỏi chuyện, đại đa số người dân đều muốn yên ổn làm ăn. Họ cố gắng làm việc với ước mong một cuộc sống ngày càng khá hơn. Ai nấy đều muốn hòa bình để làm kinh tế. Điều gây ấn tượng nhất đối với tôi khi làm việc ở Việt Nam chính là thế hệ trẻ. Trong những ngày ở Việt Nam, tôi chọn bờ hồ Gươm ở Hà Nội làm "văn phòng lưu động" vừa làm báo, vừa ngồi vẽ tranh cho du khách, tôi có cơ hội thấy nhiều học sinh, sinh viên ra đây gặp khách ngoại quốc để thực tập tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Nhật, v.v. Tôi chia sẻ với những ước vọng của họ, những hoạt động xã hội của họ và nghĩ đến đất nước trong tương lai. So với Mỹ hay những nước phương Tây, Việt Nam còn nhiều điều cần đổi mới, cần chấn chỉnh từ luật pháp tới hành pháp, từ kinh tế tới giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Nhưng tựu trung, so với thời trẻ của tôi hồi còn ở trong nước, giới trẻ hiện nay sống vui, có điều kiện hơn nhiều. Những người ngoại quốc đến làm ăn, du lịch ở Hà Nội và các vùng miền mà tôi đã gặp đều nhận xét tích cực, lạc quan về con người, đất nước Việt Nam. Mùa Giáng sinh vừa qua, tôi có dịp về quê nội ở Nam Định. Về thăm quê, tôi kinh ngạc khi thấy vô số nhà thờ lớn nhỏ, cũ mới đan xen nhau theo từng họ đạo. Tôi đã ghi hình các buổi lễ với vài nghìn giáo dân đứng tràn ra ngoài đường phố. Sau Tết Nguyên đán, tôi lại có dịp tham quan, ghi nhận nhiều lễ hội ở miền bắc. Người dân được tự do bày tỏ tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo của mình. Những gì tôi thấy thực tế ở Việt Nam là hoàn toàn khác so với hình ảnh Việt Nam "đàn áp tôn giáo" được nói đến ở hải ngoại...
Ở hải ngoại, phần lớn người Mỹ gốc Việt chọn thái độ im lặng để sống yên ổn. Con cái họ đã thành công trong công việc, nhiều người lớn tuổi đã về hưu hưởng phúc lợi xã hội. Sự thầm lặng của đám đông không đồng nghĩa với cực đoan mà chúng ta thấy. Số đông này vẫn có những mối liên hệ trực tiếp với Việt Nam. Số đông này ngày càng hiểu hơn khi được tiếp cận với các thông tin khác nhau đến từ mạng xã hội, đến từ các cơ quan truyền thông như Việt Weekly. Do đó, việc thông tin trực tiếp, khách quan từ báo chí độc lập như Việt Weekly đã góp phần tích cực, thuyết phục với những người xa xứ. Bản thân tôi có được một chút kinh nghiệm làm báo ở Việt Nam nhờ sống tại chỗ, tham gia nhiều sự kiện diễn ra hằng ngày ở Hà Nội. Các bài viết, phóng sự, video chúng tôi thực hiện trong thời gian qua, được độc giả khắp nơi đón nhận và khen ngợi, động viên. Độc giả đòi hỏi chúng tôi đi nhiều hơn, làm nhiều hơn nữa, để giúp họ được hiểu biết Việt Nam hơn. Đó chính là phần thưởng và động lực, nguồn động viên cho công việc báo chí của Việt Weekly.
40 năm suy nghĩ về sự kiện lịch sử 30-4, là một nhà báo sống ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc, tôi thấy công việc của mình ngày càng thú vị, hữu ích hơn cho độc giả của Việt Weeklyở khắp nơi trên thế giới. Có lẽ, chọn lựa trở về của tôi và anh chị em trong Việt Weeklychẳng khác nào những "con cá dám vượt vũ môn" từ một cộng đồng xa xôi, vẫn còn một nhóm người cực đoan, chống phá Nhà nước Việt Nam. Hãy cứ để thời gian trả lời bằng sự thật. Và chúng tôi, các nhà báo nguyện làm công việc khách quan, trung thực, để cung cấp những thông tin chính xác, nhanh nhạy đến người ở ngoài nước, không may mắn có được cơ hội tiếp cận thực tế.
ETCETERA NGUYỄN - Tổng thư ký tuần báo Việt Weekly (Mỹ)

Một báo cáo "mất cân đối một cách nghiêm trọng và mang tính phân biệt" (Tiếp theo và hết)

- Ðoạn 9: BCVÐB nêu "Một trong những nét đặc biệt ấn tượng trong sự phát triển về tôn giáo gần đây ở Việt Nam là sự gia tăng lớn số lượng người theo đạo Tin lành, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc hoặc tôn giáo thiểu số. Ðồng thời, điều này cũng dẫn đến vài trường hợp đáng lo ngại về sự ngược đãi tôn giáo". Thực tế là nếu có sự ngược đãi, ngăn cấm thì không thể có sự gia tăng lớn số lượng người theo đạo Tin lành...
Tại khu vực Tây Bắc, hiện nay có khoảng gần 200.000 tín đồ, trong đó hầu hết là người dân tộc thiểu số với 90% là người Mông. Trong thời gian qua, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho đồng bào theo đạo Tin lành sinh hoạt tôn giáo tại gia đình hoặc tập thể theo điểm nhóm. Ðến nay, đa số các điểm nhóm Tin lành tại các tỉnh Tây Bắc sinh hoạt bình thường, trong đó có hơn 400 điểm nhóm đăng ký với chính quyền. "Sự ngược đãi" mà BCVÐB nêu có thể là do sự nhầm lẫn với sự xung đột bình thường giữa đạo Tin lành với các tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số.
- Ðoạn 10: BCVÐB cho rằng "điều kiện mà những cá nhân hay các nhóm có thể thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng vẫn không thể đoán trước được, thường phụ thuộc vào thiện chí của chính quyền địa phương, và đặc biệt là các cơ quan Chính phủ liên quan". Nhận định này là không có cơ sở thực tế vì quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định trong Hiến pháp, pháp luật như chính BCVÐB đã ghi nhận. Cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận trong quá trình Rà soát UPR chu kỳ II rằng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc củng cố khuôn khổ pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Việt Nam đang xây dựng và dự kiến sẽ thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào năm 2016.
- Ðoạn 11: Theo Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, mọi người dân được bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các cá nhân được tạo điều kiện để thực hành tôn giáo, không có việc "kiểm soát chặt chẽ" hay "ngược đãi tôn giáo" như BCVÐB nêu. Ðiều này giải thích vì sao có khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có hơn 24 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau trên tổng số 90 triệu dân. Mặt khác, cũng chính tại đoạn này, BCVÐB cũng thừa nhận "không gian cho việc hành đạo đã được mở rộng".
Về phần"những hạn chế về tự do tôn giáo và tín ngưỡng": BCVÐB cho rằng trong khuôn khổ pháp luật của Việt Nam có những quy định có thể được viện dẫn để hạn chế hoặc cấm việc thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; các điều 87, 88 và 258 của Bộ luật Hình sự Việt Nam (BLHS) mập mờ, thường được áp dụng một cách tùy tiện để trừng phạt những người bị kết tội vi phạm các hạn chế theo quy định của pháp luật về tự do tôn giáo, tín ngưỡng... Những nhận định này của BCVÐB là không chính xác.
Xuất phát từ quan điểm tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người nên Nhà nước Việt Nam chủ trương nhất quán là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam cũng coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng. Ðiều này được thể hiện trong Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (1946 - trước cả khi Tuyên ngôn Nhân quyền 1948 đề cập), được phản ánh xuyên suốt đến Hiến pháp 2013, cũng như các văn bản pháp luật liên quan khác,... Việt Nam khẳng định ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm. Các trường hợp truy tố, xét xử và kết án là do vi phạm pháp luật, không phải vì lý do chính kiến hay tôn giáo; được thực hiện theo đúng các quy trình, thủ tục như quy định của pháp luật.
Về "các quy định hành chính và thực tiễn về các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng" (từ đoạn 26-35): - Ðoạn 26: Báo cáo nêu việc các cộng đồng tôn giáo hoặc tín ngưỡng phải đăng ký hoạt động với Ban Tôn giáo Chính phủ là không chuẩn xác. Trên thực tế, các cộng đồng tôn giáo đăng ký hoạt động tại các cấp chính quyền khác nhau tùy vào phạm vi, quy mô hoạt động của mình, thí dụ các điểm, nhóm (không phải là một cấp hành chính đạo của tổ chức tôn giáo, chỉ là tập hợp một nhóm người có niềm tin theo tôn giáo) chỉ phải đăng ký hoạt động với UBND cấp xã...
Về "các biện pháp trợ giúp pháp lý" (từ đoạn 36-39): BCVÐB nêu các thành viên Tòa án Nhân dân Tối cao không biết đến một trường hợp kiện tụng nào liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Chính phủ Việt Nam khẳng định ở đây có sự hiểu nhầm. Tại cuộc gặp giữa BCVÐB và Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 22-7-2014, đại diện của Tòa án đã thông tin rằng Tòa án các cấp trong thời gian gần đây đã xử lý gần 200 vụ việc có liên quan đến yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng. Tại đoạn 39, BCVÐB cũng khẳng định "một số trường hợp đơn kiện được nộp lên cơ quan chức năng ở cấp cao hơn, kể cả Thủ tướng, đã giúp giải quyết mâu thuẫn". Tại Việt Nam, Tòa án hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử. Hoạt động tố tụng được tiến hành trên nguyên tắc bảo đảm cho những người tham gia tố tụng được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình một cách đầy đủ, công bằng và dân chủ; đồng thời, bảo đảm cho việc xét xử được công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ðiều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan...
Về "thái độ tiêu cực đối với các cộng đồng tôn giáo chưa được công nhận" (từ đoạn 40-49): Chính phủ Việt Nam cho rằng báo cáo sẽ khách quan hơn nếu tiêu đề phần IV.A không có chữ "tiêu cực" và cách tiếp cận trong phần này cần được chỉnh sửa cho phù hợp với tinh thần đó, trong đó cần bỏ các nội dung chưa được kiểm chứng như: "lợi ích của đa số đã được viện dẫn với ý đồ rõ ràng nhằm gạt bỏ các đòi hỏi của những nhóm thiểu số hoặc cá nhân đối lập", "hành vi trấn áp nặng nề", "sự can thiệp của Chính phủ", "ép gia nhập các tổ chức chính thức" v.v. Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Bản thân những vấn đề này đã được chính các tổ chức tôn giáo như Hội Thánh thất Cao đài Tây Ninh tại tỉnh Vĩnh Long và Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định khi gặp BCVÐB...
Ngoài ra, tại đoạn 46, đề nghị BCVÐB thay từ Khmer Krom bằng người dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, vì ở Việt Nam không có dân tộc nào gọi là "Khmer Krom" mà chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Thuật ngữ "Krom" gắn với tư tưởng ly khai muốn tách khỏi Việt Nam của một nhóm người dân tộc Khmer. Nhân đây, Chính phủ Việt Nam khẳng định, đối với các cộng đồng thiểu số, quyền tự do, bình đẳng và tôn giáo được bảo đảm, hoạt động tôn giáo của họ được Nhà nước bảo trợ, hỗ trợ phát triển. Ðối với người dân dân tộc Khmer, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ và nhập Kinh sách Phật giáo bằng tiếng Khmer phục vụ nhu cầu đào tạo và sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông tại miền Tây Nam Bộ...
Về "đất đai, tài sản" (từ đoạn 55-58): BCVÐB nêu "việc ở Việt Nam đất đai thuộc quyền quản lý của Nhà nước và không ai có quyền sở hữu đất đai là một nhân tố bổ sung dẫn đến tình trạng thiếu an ninh pháp lý đối với các cộng đồng, vì Nhà nước có thể lấy lại đất khi họ cần thiết", "việc thiếu quy định pháp lý hiệu quả", hay "để phục vụ cho phát triển kinh tế và các dự án hiện đại hóa, vài cộng đồng tôn giáo đã mất hoặc có nguy cơ bị mất diện tích lớn đất đai của họ, cùng với các địa điểm thờ tự có giá trị lịch sử". Những nhận định này chưa phản ánh đúng thực tiễn đất đai, tài sản liên quan đến tôn giáo ở Việt Nam... Tại các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, Nhà nước Việt Nam xác định rõ: đất đai thuộc sở hữu nhà nước; không giải quyết việc cá nhân, tổ chức đòi lại đất Nhà nước đã bố trí sử dụng trước năm 1991; việc cấp đất cho các cơ sở, tổ chức tôn giáo được giải quyết trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, quy hoạch và quỹ đất của địa phương... Thời gian qua, chính quyền các cấp đã cấp đất có diện tích lớn cho nhiều tổ chức để sử dụng vào mục đích tôn giáo, như cấp 15 ha đất để xây dựng Trung tâm hành hương La Vang tại tỉnh Quảng Trị, 10.000 m2 đất được giao cho Tòa Giám mục Ðác Lắc, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam được cấp 2.000 m2 để xây trường đào tạo tôn giáo...
Về "Báo cáo về những vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng" (từ đoạn 64 - 79): Phần này phản ánh không đúng thực tế thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, không có những dẫn chứng cụ thể. Chính phủ Việt Nam đề nghị bỏ toàn bộ phần này. Việc báo cáo có mục riêng về những vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng đi ngược lại với mục tiêu thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Hầu hết các cáo buộc trong phần này có thể do có sự hiểu nhầm. Một nguyên nhân quan trọng khác là một số nhóm, cá nhân lợi dụng vai trò của BCVÐB và chuyến thăm để dàn dựng, thổi phồng nhiều vụ việc nhằm gây ra những hiểu lầm không đáng có và trực tiếp phá hoại sự hợp tác giữa BCVÐB và Việt Nam. Ngoài ra, trong phần này, nhiều vấn đề đã được các bộ, ngành Việt Nam cung cấp thông tin làm rõ, giải thích trước đó với BCVÐB nhưng không được phản ánh. Phần này cũng đề cập đến một số vụ việc xảy ra tại những địa điểm mà BCVÐB chưa có dịp đến trong khuôn khổ chuyến thăm.
Ðoạn 64 nhắc đến PA41 nhưng không có đơn vị nào như thế trong hệ thống các cơ quan Chính phủ Việt Nam ở tất cả các cấp.
Ðoạn 69 nêu tình hình người dân tộc thiểu số Ê Ðê ở Tây Nguyên trong khi BCVÐB hủy chương trình đi Tây Nguyên. Thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm tốt tại khu vực Tây Nguyên, được dư luận quốc tế ghi nhận. Hiện tại, ở đây có khoảng 448.000 tín đồ, trong đó đại bộ phận là người dân tộc thiểu số, đang sinh hoạt tại 201 chi hội và 1.331 điểm nhóm đăng ký với chính quyền địa phương; số tín đồ sinh hoạt tại các chi hội và điểm nhóm nói trên chiếm khoảng 95% tổng số tín đồ. Ðể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ dân tộc thiểu số, khoảng 30.000 quyển Kinh thánh song ngữ (Việt-BaNa, Việt-Ê Ðê, Việt-Jrai) đã được phát hành.
Ðoạn 69 cũng nêu "sự ngược đãi hà khắc đối với những tín đồ của các chi hội người Thượng như dân tộc thiểu số Ê Ðê". Thông tin này không chuẩn xác. Ðề nghị BCVÐB không sử dụng thuật ngữ "Người Thượng", thuật ngữ này đã từng được sử dụng để phục vụ chính sách "chia để trị" dưới chế độ thực dân, trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam không có "dân tộc Thượng"...".
Phần cuối bản Ðóng góp viết: "Chính phủ Việt Nam cho rằng các kết luận và khuyến nghị của BCVÐB không chính xác, không xác đáng do dựa trên những thông tin một chiều" và cho rằng "các kết luận và khuyến nghị này đi ngược với mục tiêu thúc đẩy đối thoại, hợp tác trong lĩnh vực này". Ðồng thời khẳng định "thái độ thiện chí, sẵn sàng trao đổi, đối thoại với các Thủ tục đặc biệt trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau theo tinh thần của Hiến chương LHQ, các nghị quyết 5/1 và 5/2 của HÐNQ", nhấn mạnh "đối thoại, hợp tác chỉ thực sự có hiệu quả và bảo đảm khi các bên thể hiện thái độ chân thành, cầu thị và lắng nghe với thiện chí".
* Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 17-3-2015.

Một báo cáo "mất cân đối một cách nghiêm trọng và mang tính phân biệt" (Kỳ 1)


 
LTS- Vừa qua, tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng đã trình bày Báo cáo về chuyến thăm Việt Nam, và đại diện Việt Nam đã có bản Ðóng góp (tài liệu tiếng Anh được LHQ phổ biến có ký hiệu A/HRC/28/66/Add.4) với báo cáo này. Trong hai số báo ra ngày 17-3 và 20-3, chúng tôi trích đăng một số nội dung của bản Ðóng góp, giúp dư luận có cái nhìn đúng đắn về một số vấn đề đặt ra trong Báo cáo.
Sau khi khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo các chuẩn mực quốc tế, mọi đường lối, chủ trương của Việt Nam đều hướng tới mục tiêu phục vụ con người, vì con người,... bản Ðóng góp cho biết, Chính phủ Việt Nam xem chuyến thăm của ông H. Bê-lê-phen - Báo cáo viên đặc biệt (BCVÐB) về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là bước tiếp nối đà hợp tác giữa Việt Nam và các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ (HÐNQ), là cơ hội để BCVÐB tìm hiểu thực tiễn tự do và đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam, là dịp để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự,... chia sẻ với BCVÐB những kinh nghiệm, bài học, cũng như khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong lĩnh vực này. Bản Ðóng góp khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác, tạo điều kiện tối đa cho chuyến thăm của BCVÐB.
Theo đề nghị của phía BCVÐB, đã có bảy cơ quan của Chính phủ, ba địa phương đón tiếp chu đáo, cởi mở, trao đổi thẳng thắn với BCVÐB (theo đề nghị của phía BCVÐB, ba tỉnh An Giang, Gia Lai, Kon Tum đã thu xếp tiếp đón, làm việc với BCVÐB nhưng các cuộc gặp đã không diễn ra do BCVÐB tự ý thay đổi lịch trình). BCVÐB cũng được tạo điều kiện đến thăm một trại giam, được hỗ trợ thu xếp gặp tám tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự tại Việt Nam (cũng theo đề nghị của BCVÐB, Bộ Ngoại giao Việt Nam liên hệ trước với Ðại chủng viện Xuân Lộc, Thánh thất Hồi giáo Jamiul Muslimin, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo để thu xếp tiếp đón, trao đổi với BCVÐB nhưng các cuộc gặp đã không diễn ra do BCVÐB hủy cuộc gặp mà không báo trước). Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, lắng nghe, đáp ứng ở mức cao nhất yêu cầu của BCVÐB trong quá trình chuyến thăm diễn ra; luôn tôn trọng tính độc lập, riêng tư của BCVÐB, không can thiệp, cũng không yêu cầu được thông tin về gặp gỡ riêng của BCVÐB, phù hợp với tinh thần của các nghị quyết 5/1 và 5/2 của HÐNQ.
Bản Ðóng góp cho biết, Chính phủ Việt Nam ghi nhận một số đánh giá tích cực của BCVÐB trong báo cáo như khẳng định: "Nhiều đại diện các cộng đồng tôn giáo khác nhau thừa nhận rằng hiện nay có nhiều không gian hơn cho việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là so với tình hình sau năm 1975. Ðời sống tôn giáo là một thực tế rõ ràng, bằng chứng là những cơ sở thờ tự thuộc về nhiều tôn giáo hay hệ phái khác nhau và sự tham gia hành đạo của người dân từ nhiều tôn giáo và tín ngưỡng"; "Trong những năm gần đây, rõ ràng đã có những cố gắng để bảo tồn hoặc phục hồi những nghi lễ truyền thống của các nhóm dân tộc hoặc tôn giáo thiểu số"; "thừa nhận sự đa dạng bên trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam"...
Báo cáo ghi nhận việc Hiến pháp Việt Nam thông qua ngày 28-11-2013 có một chương về "quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân", "Ðiều 24 của Hiến pháp 2013 liên quan đến tự do tôn giáo và tín ngưỡng là tất cả mọi người, không như Hiến pháp 1992 chỉ giới hạn đối với công dân Việt Nam. Ðiều này cũng được cho là thể hiện một thái độ tích cực hơn đối với tự do tín ngưỡng, tôn giáo"; "việc thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện một bước tiến trong việc xây dựng cơ sở pháp lý cho các cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng";
"Ðiều 38 của Pháp lệnh cũng quy định các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia sẽ có giá trị cao hơn các quy định của Pháp lệnh trong trường hợp mâu thuẫn. Nghị định cụ thể hóa việc thực hiện Pháp lệnh (Nghị định 92) được thông qua ngày 8-11-2012, tiếp tục quy định chi tiết hơn các biện pháp thực hiện Pháp lệnh"; "một số đại diện các cơ quan Chính phủ cũng thể hiện sẵn sàng xem xét một số sửa đổi thực chất đối với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay trong tiến trình chuẩn bị xây dựng dự án luật tôn giáo". Báo cáo cũng phản ánh "số lượng các cơ sở đào tạo chức sắc các tôn giáo - Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Ðài và những tôn giáo khác - tăng lên đáng kể trong những thập kỷ vừa qua"; khẳng định "các cộng đồng tôn giáo có thể bổ nhiệm, sắc phong chức sắc tôn giáo theo quy định, giáo luật của họ. Nhìn chung, được biết là họ không cần sự chấp thuận của nhà chức trách đối với các quyết định của họ"; "Liên quan đến việc bãi nhiệm các chức sắc, tăng ni (vốn rất hiếm), các quyết định nhìn chung cũng thuộc về các cộng đồng tôn giáo, theo giáo luật của họ"; và ghi nhận "đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích rằng họ sẽ tăng cường làm Phật sự trong trại giam, bao gồm thuyết giảng khai trí đạo đức và xã hội của tù nhân. Các linh mục Công giáo dường như thi thoảng cũng làm phép cho tù nhân theo đạo".
"Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam rất lấy làm tiếc vì nội dung báo cáo mất cân đối một cách nghiêm trọng và mang tính phân biệt
8. Khi đề cập đến các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc khi miêu tả đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, BCVÐB chỉ nêu một cách rất sơ sài, rải rác và rất ít thông tin, số liệu minh họa dù các thông tin này đã được cung cấp đầy đủ trong chuyến thăm. Vì vậy, báo cáo không phác họa được bức tranh toàn cảnh và cân bằng về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt là những tiến triển tích cực thực chất của Việt Nam từ 1986 khi tiến hành Ðổi mới, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam năm 1998 của cố BCVÐB Amor Abdelfatah. Trong khi đó, báo cáo lại tập trung nêu đậm những điều mà BCVÐB gọi là "vi phạm" quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, dựa trên những thông tin một chiều và không được kiểm chứng.
9. Việt Nam tôn trọng sự độc lập của các Thủ tục đặc biệt và luôn ủng hộ tính chuyên nghiệp, khách quan, không thiên vị trong hoạt động của các Thủ tục đặc biệt được quy định tại NQ 5/1 và Bộ Quy tắc ứng xử tại NQ 5/2. Việt Nam cho rằng báo cáo về chuyến thăm Việt Nam cần được tiến hành một cách công bằng, phổ quát dựa trên những tiêu chí tương tự các chuyến thăm mà cá nhân BCVÐB đã tiến hành đến các nước thành viên khác trước đó. Khoản 3.e) của Bộ quy tắc ứng xử quy định rõ các Thủ tục đặc biệt phải đề cao các tiêu chuẩn cao nhất của tính hiệu quả, năng lực, tính toàn vẹn, trong đó (nhưng không bao gồm hết) có tính chính xác, công bằng, không thiên vị, trung thực, thiện chí.
Do đó, Việt Nam cho rằng, báo cáo sẽ đáp ứng tốt hơn những yêu cầu nêu tại Khoản 3.e) của Bộ quy tắc ứng xử và sẽ góp phần thúc đẩy sự đối thoại và hợp tác nếu phản ánh đầy đủ thông tin từ nhiều phía và không có một số phần mà riêng bản thân tiêu đề đã mang tính tiêu cực, thí dụ như phần VI "Báo cáo về các vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng".
10. Mặc dù BCVÐB đã thừa nhận Việt Nam có một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng phong phú nhưng trong quá trình xây dựng chương trình và suốt chuyến thăm, BCVÐB chỉ tập trung quan tâm một số nhóm, cá nhân nhất định và không tính đến các tôn giáo khác, thí dụ như cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam. BCVÐB cũng không tỏ sự quan tâm đến những tín ngưỡng truyền thống lâu đời của đại đa số người dân Việt Nam như tôn thờ tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh các anh hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, thờ cúng thần thánh, các biểu tượng tâm linh... Do đó, báo cáo chưa phản ánh đầy đủ sự phong phú và sinh động của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.
Dự thảo báo cáo có nhiều thông tin, nhận định, đánh giá không chuẩn xác
11. Chính phủ Việt Nam lấy làm tiếc vì trong báo cáo có nhiều nhận định, đánh giá chưa khách quan và chưa chuẩn xác với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân có thể là do với một chuyến thăm kéo dài 11 ngày, khó có thể có một bức tranh tổng thể về việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở một đất nước đa tín ngưỡng và tôn giáo như Việt Nam. Trên tinh thần hợp tác, đối thoại và nhằm làm rõ hơn bức tranh toàn cảnh về việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có ý kiến về các đoạn trong báo cáo như sau:
Về phần "Giới thiệu":
- Các đoạn 3, 4, 5: Bộ Ngoại giao đã gặp, trao đổi thẳng thắn với BCVÐB về các vấn đề này, đã khẳng định có sự hiểu nhầm đáng tiếc và đã cung cấp các thông tin khách quan liên quan đến những vụ việc nêu trong báo cáo; đồng thời nhấn mạnh với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho BCVÐB.
Về phần "Khái quát về bối cảnh tôn giáo ở Việt Nam":
- Nội dung phần này chưa phản ánh đầy đủ về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo hết sức phong phú, đa dạng và cởi mở ở Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng và tôn giáo với sự hiện diện của hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới. Tôn giáo Việt Nam rất đa dạng, với sự hiện diện của cả các tôn giáo được truyền từ ngoài vào như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, có tôn giáo hình thành trong nước như Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, nhiều tôn giáo có bề dày lịch sử như Phật giáo, Hồi giáo cũng như có tôn giáo mới phát triển tại Việt Nam như Cao Ðài, Baha'i... Người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, khách du lịch khi đến Việt Nam đều rất ngạc nhiên và ấn tượng trước đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, sinh động tại đây với gần 9.000 lễ hội tín ngưỡng dân gian mỗi năm, người dân Việt Nam đi lễ chùa, đi lễ tại nhà thờ thường xuyên và các lễ hội tín ngưỡng đều có sự tham gia của đông đảo người dân.
- Ðoạn 6: Một số con số thống kê trong đoạn này chưa chính xác. Thực tế hiện nay có 38 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành được Nhà nước công nhận. Khoảng 95% dân số trên tổng số 90 triệu dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó đại đa số thực hành tín ngưỡng dân gian và trên 24 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau, gồm 11 triệu người theo đạo Phật; 6,5 triệu người theo đạo Công giáo; 2,5 triệu người theo đạo Cao đài; 1,5 triệu người theo đạo Tin lành; trên 1,3 triệu người theo Phật giáo Hòa hảo; khoảng 78 nghìn người theo đạo Hồi; 7 nghìn người theo đạo Baha'i;... Số lượng cơ sở thờ tự tại Việt Nam có khoảng 25 nghìn và khoảng 83 nghìn chức sắc tôn giáo, 250 nghìn chức việc, 46 trường đào tạo chức sắc tôn giáo...
(Còn nữa)

"Nhận thức lại" hay xuyên tạc và phủ nhận lịch sử ?



Nhân những ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2015, trên in-tơ-nét lại xuất hiện một số ý kiến xuyên tạc và phủ nhận lịch sử. Như vừa qua trên BBC, đã có người cho rằng Cách mạng Tháng Tám là "việc không nên làm" vì "khi thay thế Pháp, Nhật đã có chính quyền Trần Trọng Kim" (?).
Thực ra ý kiến coi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là "việc không nên làm" vì "khi thay thế Pháp, Nhật đã có chính quyền Trần Trọng Kim" của ông tiến sĩ nọ cũng không có gì mới. Trước đó đã có một vài giọng điệu lạc lõng khác cho rằng "ngày độc lập của Việt Nam là 11-3-1945" (11-3-1945 là ngày vua bù nhìn Bảo Đại ký đạo dụ "Tuyên cáo Việt Nam độc lập" sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và tuyên bố "trao lại độc lập cho Việt Nam")! Nói cách khác thì ý kiến của ông tiến sĩ chỉ là nối dài việc "đánh lận con đen" để tảng lờ thực chất việc phát-xít Nhật giành quyền kiểm soát Đông Dương chỉ là cố gắng tuyệt vọng khi thất bại là không tránh khỏi, thêm nữa cũng để chặn trước nguy cơ bị quân đội Pháp ở Đông Dương tiến công. Tư liệu lịch sử cho thấy các sự kiện (như: hành động quân sự, lựa chọn nhân vật chính trị, thành lập chính quyền bù nhìn...) diễn ra theo kịch bản đã được tình báo của hải quân Nhật ở Đông Dương chuẩn bị kỹ lưỡng.
Sau cuộc tập kích bất ngờ vào quân Pháp đêm 9-3-1945, vấn đề quan trọng nhất đối với quân Nhật là duy trì bằng được "trật tự và ổn định" nhằm tìm nguồn cung ứng vật chất tại chỗ cho gần 100.000 lính Nhật và để phòng thủ. Tuy nhiên, đúng lúc đó, bộ máy hành chính thực dân mà Nhật muốn kế thừa từ Pháp đã tan rã, vì thế việc lập một bộ máy cai trị tay sai bản xứ đặt ra như một đòi hỏi cấp bách. "Chính phủ" Trần Trọng Kim ra đời trong bối cảnh đó.
Đánh giá về sự kiện này, trong bài báo nhan đề Trần Trọng Kim, chính khách bất đắc dĩ? đã đăng trên tiasang.com.vn ngày 18-2-2014, sau khi khái quát các sự kiện liên quan, tác giả Trần Văn Chánh viết: "có thể thấy ngày càng rõ hơn việc đưa Trần Trọng Kim đứng ra lập nội các cho Bảo Đại trước sau đều do người Nhật đạo diễn một cách khéo léo để dẫn dụ Trần Trọng Kim vào "tròng"..."! Sáng 10-3-1945, trên đường đi săn, Bảo Đại bị một toán quân Nhật áp giải về kinh thành. Đại sứ Nhật ở Huế là Masayuki Yokoyama (Ma-xa-y-u-ki Y-ô-kô-y-a-ma) đề nghị ông ra tuyên bố độc lập và sớm thành lập chính phủ để hợp tác với Nhật. Ngày 11-3, Bảo Đại ban bố một đạo dụ cam kết "... hợp tác toàn tâm toàn ý với đế quốc Nhật Bản". Bảo Đại hai lần gửi điện tín vào Sài Gòn mời Ngô Đình Diệm ra Huế lập nội các, nhưng rồi người được Nhật chọn vào vai trò này là Trần Trọng Kim. Ngày 30-3-1945, Trần Trọng Kim đang ở Băng-cốc được Nhật đưa về Sài Gòn, sau đó ra Huế thành lập "chính phủ" vào ngày 17-4 với bản tuyên cáo bày tỏ sự tri ân: "... không thể quên ơn nước Đại Nhật Bản đã giải phóng cho ta" và tin tưởng: "trên nhờ lòng tin cậy của đức Kim Thượng (Bảo Đại), dưới nhờ sự ủng hộ của quốc dân, ngoài tin vào lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản" để "mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu" (Dẫn theo Phạm Hồng Tung - Nội các Trần Trọng Kim, bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, H.2009, tr.191, tr.193).
Không biết khi viết tuyên cáo, ông Trần Trọng Kim có thành thực tin như vậy không, nhưng trong hồi ký Một cơn gió bụi, ông viết: "Nhật Bản trước vốn là một nước đồng văn đồng hóa ở Á Đông, nhưng về sau đã theo Âu hóa, dùng những phương pháp quỷ quyệt để mở rộng chủ nghĩa đế quốc của họ, trước đã thôn tính Cao Ly và Mãn Châu, sau lại muốn xâm lược nước Tàu và các nước khác ở Á Đông đã bị người Âu châu chiếm giữ. Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu "đồng minh cộng nhục" và lấy danh nghĩa "giải phóng các dân tộc bị hà hiếp" nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình.
Bởi vậy chính sách của họ thấy đầy những sự trái ngược, nói một đằng làm một nẻo" (Phạm Hồng Tung, Sđd)? Tồn tại trong thời gian ngắn từ ngày 17-4-1945 đến ngày 23-8-1945, "chính phủ" Trần Trọng Kim tập hợp được một số trí thức có uy tín thời đó với nhiệt thành, thực tâm yêu nước như Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Trịnh Đình Thảo... và cũng cố gắng làm một số công việc hữu ích như: thống nhất về danh nghĩa phần đất Nam kỳ vào lãnh thổ Việt Nam; quy định chữ quốc ngữ và tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức ở công sở, trường học; triển khai chương trình giáo dục bằng tiếng Việt; thành lập lực lượng "thanh niên tiền tuyến" (bộ phận thanh niên yêu nước trong tổ chức này sau được "Việt Minh hóa" đã hoạt động tích cực trong khi giành chính quyền ở Huế và trong kháng chiến sau này)... Dù vậy, "chính phủ" Trần Trọng Kim thực chất vẫn được Nhật Bản bảo hộ.
Không phải ngẫu nhiên ngay buổi đầu ông Trần Trọng Kim trình danh sách nội các với Bảo Đại lại có sự hiện diện "tình cờ" và phê duyệt của viên cố vấn tối cao Nhật Bản tại Huế là Masayuki Yokoyama. Cũng nên chú ý tới một sự kiện là ngày 5-8-1945, "chính phủ" Trần Trọng Kim đã trình Bảo Đại một văn bản xin từ chức, được Bảo Đại chấp nhận nhưng lại yêu cầu ở lại tạm thời làm việc, chờ tìm người lập nội các mới.
Tuy ít nhiều nắm bắt được nguyện vọng độc lập của quốc dân, và nhận thức được ý nghĩa của khối đoàn kết dân tộc, đề ra được một số chủ trương cải cách tiến bộ, ích quốc lợi dân, nhưng "chính phủ" Trần Trọng Kim lại không quy tụ, phát huy được ý chí, sức mạnh của dân tộc. Bởi đây thực chất chỉ là một tổ chức bù nhìn, bất lực trước các nhiệm vụ tự nó đặt ra lúc đầu. Ngay một công việc cấp bách khi đó là vận chuyển gạo từ miền nam ra miền bắc để cứu đói mà "chính phủ" này cũng không thực hiện nổi. Nhưng với khẩu hiệu "Phá kho thóc Nhật" của Việt Minh đã đáp ứng nguyện vọng, quy tụ sức mạnh đấu tranh của đông đảo quần chúng.
Đeo bám vào biểu tượng quân chủ đã lỗi thời và một ông vua bù nhìn, công khai xác nhận mối gắn bó, sự phụ thuộc nặng nề vào thế lực xâm lược ngoại bang, gây chiến tranh phi nghĩa và đang trên đường bị tiêu diệt, "chính phủ" Trần Trọng Kim không thể là biểu tượng quy tụ ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam; do đó việc "được Nhật trao độc lập" không phản ánh tính chính danh chính trị của "chính phủ" này, chính vì thế nó đã tự đặt mình vào thế đối lập với xu thế thời đại. Dù tập hợp được một số trí thức có uy tín và muốn giương lên ngọn cờ yêu nước nhưng "chính phủ" Trần Trọng Kim, với hình hài và tinh thần thân Nhật, với sự ra đời và chịu sự bảo trợ, chi phối của Nhật,... chỉ là sản phẩm trực tiếp của chính sách chiếm đóng, cai trị của phát-xít Nhật trước thất bại không tránh khỏi, nên việc "chính phủ" đó sớm cáo chung là điều tất yếu.
Ngược lại với sự hình thành, bất lực rồi nhanh chóng tan rã của "chính phủ" Trần Trọng Kim, Mặt trận Việt Minh thành lập theo sáng kiến của Hồ Chí Minh (tháng 5-1941, khi Nhật Bản còn chưa tham chiến) đã nhanh chóng phát huy được vai trò của mình, nhanh chóng có ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội. Với quyết tâm "làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do", Mặt trận Việt Minh giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đông đảo các tầng lớp nhân dân được tổ chức trong những Hội Cứu quốc là thành viên của Việt Minh, như: Nông dân cứu quốc; Công nhân cứu quốc; Thanh niên cứu quốc; Phụ nữ cứu quốc; Phụ lão cứu quốc; Văn hóa cứu quốc... đã làm cho Mặt trận ngày càng phát triển trên khắp các địa bàn từ nông thôn, thành thị, tới miền núi, từ bắc vào nam đã hình thành nên phong trào Việt Minh sôi nổi, đưa tới các chuyển biến mạnh mẽ, tạo nên thế và lực của phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tiếp cận từ nhãn quan chính trị khác nhau cho nên còn có khác biệt trong đánh giá nguyên nhân, bản chất của Cách mạng Tháng Tám, nhưng trong nghiên cứu của phần lớn sử gia phương Tây đều thừa nhận vai trò to lớn của Mặt trận Việt Minh, tinh thần dân tộc phù hợp với xu thế thời đại, cũng như tầm tư tưởng vượt trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thí dụ trong cuốn sách Hồ Chí Minh - một cuộc đời (Ho Chi Minh - a life), tác giả Wiliam Duiker (Uy-li-am Điu-cơ) bình luận về vai trò Hồ Chí Minh trong cách mạng: "... những đánh giá như vậy (xu hướng hạ thấp ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 - TP) không thể che giấu sự thật rằng cuộc Cách mạng Tháng Tám là một thành tựu phi thường... trong khi những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa khác bằng lòng ở lại nam Trung Quốc và đợi đến khi quân Nhật bị quân Đồng minh đánh bại, ông Hồ và các đồng sự của ông mới chứng tỏ khả năng có thể đối phó với thách thức và đặt cả thế giới trước sự đã rồi" (bản dịch của Phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao, năm 2000, tr.332).
Sự thật lịch sử đã rõ như ban ngày. Chính sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, ý chí của toàn dân khi được phát huy đến cao độ dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành động lực làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Về điều này, theo tác giả Trần Văn Chánh trong tiểu luận nhan đề Tản mạn về nhân vật lịch sử Trần Trọng Kim qua những trang hồi ký (đã được một số trang mạng đăng tải) thì trong thư viết ngày 8-5-1947 tại Sài Gòn - nay là TP Hồ Chí Minh, gửi học giả Hoàng Xuân Hãn, ông Trần Trọng Kim bàn về tình hình chính trị Việt Nam năm 1945 và vai trò của Việt Minh như sau: "Còn về phương diện người mình, thì tôi thấy không có gì đáng vui. Phe nọ đảng kia lăng nhăng chẳng đâu vào đâu cả.
Ai cũng nói vì lòng ái quốc, nhưng cái lòng ái quốc của họ chỉ ở cửa miệng mà thôi, nhưng kỳ thực là vì địa vị và quyền lợi, thành ra tranh giành nhau, nghi kỵ nhau rồi lăng mạ lẫn nhau... Tôi thấy tình thế có nhiều nỗi khó khăn quá, mà mình thì thân cô thế cô, không làm gì được, cho nên chỉ giữ cái địa vị bàng quan mà thôi... Tôi vẫn biết việc chống Pháp chỉ có Việt Minh mới làm nổi... Nay Việt Minh đứng vào cái địa vị chống Pháp, tất là có cái thanh thế rất mạnh...". Không rõ trước khi "nhận thức lại", ông tiến sĩ có đọc những dòng này?
THIÊN PHƯƠNG

Về một "thần tượng" rác rưởi


Sau thất bại thảm hại của rất nhiều cố gắng lùng sục, tạo dựng tiếng tăm cho những kẻ chống phá đất nước, những ngày gần đây, một số trang tin, diễn đàn của các thế lực thù địch với Việt Nam lại có dịp ồn ào vì "khai quật" được Nah Aka Nguyễn Vũ Sơn, vậy, người này là ai?
Thời gian qua, dẫu chỉ là một "ca sĩ tin đồn" nhưng Nah Sơn - tên thật là Nguyễn Vũ Sơn, lại trở thành "phao cứu sinh" cho BBC, RFA,... cùng một số blog, trang facebook, và được quảng cáo là "hiện tượng trong phong trào đấu tranh dân chủ"! Phải nói rằng sự xuất hiện của Nah Sơn với BBC, RFA là rất đúng lúc, vì hàng chục năm nay, từ BBC, RFA đến mấy blog, trang facebook của các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam dù tốn nhiều công sức để chế tạo vài tên tuổi vu vơ, nặc danh thành "đại diện cho giới trẻ Việt Nam", thậm chí có "nhà dân chủ" phải "giả gái" để tăng "sức nặng" mà vẫn không hiệu quả!
Nah Sơn đến với BBC, RFA bằng một lý lịch hơn hẳn mấy "người hùng" khác, như: "người chơi nhạc rap (rapper) nổi tiếng", cử nhân đại học về ma-két-tinh ở Xin-ga-po, đang theo học tại Ô-cla-hô-ma (Oklahoma - Mỹ), nhất là lại mang trong mình một "tinh thần chống cộng triệt để". Và để chứng tỏ, Nah Sơn tung ra một loạt "sáng tác" (nếu đó có thể gọi là sáng tác) mà riêng phần ca từ cũng đủ khiến các "nhà dân chủ thứ thiệt" phải kính nể vì sự bẩn thỉu, tục tĩu. Ðội lốt nghệ thuật, Nah Sơn công bố trên internet một số sản phẩm với nội dung thể hiện qua một thứ văn vần nhai lại những lời lẽ cũ rích mà mấy tổ chức, diễn đàn thù địch với Việt Nam truyền bá lâu nay. Nhưng như vậy cũng đủ giúp Nah Sơn có mặt trong talkshow trên truyền hình SBTV của một số kẻ ở Mỹ luôn lấy chống phá Việt Nam làm công việc thường ngày, trở thành nhân vật của mấy bài viết trên BBC, RFA,... Nếu thật sự là một "rapper nổi tiếng" như chính Sơn tự nhận thì sự có mặt của anh ta trên internet không phải là điều lạ, nhưng đáng ngạc nhiên là nhiều bình luận trên các diễn đàn internet lại không biết... Nguyễn Vũ Sơn là ai?!
Tìm hiểu kỹ thì hóa ra, trái với những gì mà mấy địa chỉ truyền thông chống cộng quảng cáo, Nguyễn Vũ Sơn chỉ là một "ca sĩ tin đồn". Anh ta tham gia ca hát từ khi còn trẻ, nhưng là ca hát trong giới "rap ngầm" (Rap Underground) tại Việt Nam. Cộng đồng nhạc rap ở Việt Nam vốn khá khiêm tốn so với cộng đồng nhạc pop, mà người nghe "rap ngầm" ở Việt Nam thì còn ít ỏi hơn nhiều, vì thế việc Nah Sơn tự ngợi ca mình nổi tiếng nhưng không mấy ai biết tên, biết mặt đã trở thành sự lố lăng mà người có liêm sỉ không bao giờ làm. Về âm nhạc, đáng chú ý là sau khi du nhập, phần lớn người chơi nhạc rap ở Việt Nam đều ý thức được rằng, rap là một thể loại âm nhạc, không phải là công cụ tuyên truyền chính trị. Nhưng giống như nhiều rapper ở hải ngoại là dân anh chị, hoặc là kẻ nuôi lòng hận thù với Ðảng và Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Vũ Sơn không ý thức được điều này. Ðể "nổi tiếng" và sớm có vai vế, Sơn chọn VietDragon (viết tắt là VD, tên thật là Tommy Truong, một rapper Việt kiều tại Ô-xtrây-li-a) làm "thầy". Nhưng Nah Sơn không học được gì từ rapper tai tiếng này ngoài tính du côn và suy nghĩ méo mó. Ðồng thời, Nah Sơn cũng sớm lộ rõ bản chất một kẻ kém tài, nhiều thủ đoạn. Anh ta ăn cắp lời bài hát tiếng Anh trong một số nhạc phẩm quốc tế, rồi tung ra các clip rap tiếng Anh. Không chỉ vậy, Sơn còn "tài năng" hơn một vài rapper trẻ ở khoản ăn cắp nhạc nền (beat), nói cách khác là lợi dụng việc mượn beat là công việc phổ biến của các rapper, Sơn bê nguyên nhiều đoạn beat hay của người khác về sử dụng mà không có bất kỳ biến tấu nào. Việc làm dối trá này không qua mắt được các rapper khác. Bị phát hiện, Nah Sơn tuyên bố bỏ rap, nhưng chỉ được một thời gian anh ta lại quay trở lại. Và có lẽ để người khác quên tiền án ăn cắp, Sơn quay sang chỉ trích VietDragon. Nguyên do là lúc bấy giờ một số rapper Việt Nam muốn chuyển sang dòng nhạc thị trường, một số người như VietDragon đã sử dụng những bản Gangz, Dizz (dòng rap chuyên nhằm khích bác, mỉa mai) để phản đối. Vì bắt đầu kinh doanh nên khi thấy "thầy" cản trở mình, Sơn liền lao vào trận "đấu võ mồm" đầy tai tiếng với giới "rap ngầm". Cãi không lại VietDragon, Nah Sơn dùng thủ đoạn vạch áo cho người xem lưng, bằng cách phô ra một số thói hư, tật xấu của "thầy". Không dừng ở đó, anh ta còn thể hiện thói hung hãn khi dằn mặt một số rapper đã ủng hộ VietDragon. Nhưng "thầy" của Nah Sơn cũng không phải tay vừa. VietDragon và một số rapper khác liền lôi hết thành tích bất hảo của Sơn ra kể: nào là ăn cắp nhạc, nào là lừa người yêu, nào là nghiện hút, ăn gian nói dối với nhiều rapper khác để nổi tiếng, rồi nói xấu bạn hữu, tiêu pha bạt mạng tiền bạc của gia đình nhưng lại khoe mẽ là "triệu phú"... Ðể tỏ ra quân tử, Nah Sơn đã tuyên bố chấm dứt đấu khẩu, nhưng những người nghe nhạc "rap ngầm" đều hiểu anh ta đã thua cuộc!
Dù công việc làm ăn ế ẩm, Sơn vẫn tự huyễn hoặc mình nổi tiếng hơn một số người làm nghề kinh doanh đĩa nhạc. Hồi rapper Karik (Phạm Hoàng Khoa) bắt đầu được chú ý, Sơn quay sang mạt sát, thóa mạ là người chạy theo dòng nhạc thị trường. Vậy nhưng năm 2013, Nah Sơn lại gia nhập Trung tâm Làng văn (một công ty âm nhạc của người Việt ở Mỹ). Cuối năm 2014, trong một lần về Việt Nam, Nah Sơn kết hợp với một số rapper, trong đó có Karik, làm clip âm nhạc có tên là Làm việc nước. Nội dung của bài hát trong clip này là sự phê phán chung chung, nhưng khi Làm việc nước ra đời, Nah Sơn lại nhanh chóng xuyên tạc, cố tình biến thành một sản phẩm để chống phá Ðảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Kết hợp với một vài rapper khác, Nah Sơn đang tâm bán đứng những rapper còn lại như Karik, Rap Soul và Andree (An-đrê). Tuy không nói ra, nhưng người nghe nhạc rap ở Việt Nam cũng như những người biết về sự kiện này đều có thể đặt câu hỏi: Phải chăng Nah Sơn định hạ bệ ba người kia để trở thành "ngôi sao" trong làng nhạc rap?! Và ở đây, có lẽ buồn nhất là Karik. Trên trang facebook cá nhân, ngày 27-12-2014, Karik viết: "Tất cả thành viên một group ban đầu thống nhất là làm chung một track để có cái kỷ niệm với nhau và giải trí là chính chứ không phải là để đi sâu vào vấn đề chính trị, cho nên tất cả những điều bạn phổ biến và kêu mọi người làm theo là bất khả thi vì nó hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta đề ra ban đầu". Một người khác là Andree cũng viết những dòng tương tự: "Nếu em muốn sản phẩm làm chung này theo mục đích của cá nhân em thì tốt nhất em nên nói ngay từ đầu (...) Những hình ảnh liên quan đến sản phẩm này cắt anh ra vì không theo mục đích của anh". Một rapper đàn anh là G.Li (J.Lee) thì nhận xét trong bài hát viết cho Nah Sơn: "Em đưa vào nhạc Rap để kêu gọi lòng nhân đạo? Hay là dùng nó châm ngòi cho những việc làm tào lao". Tuy nhiên, Nah Sơn tảng lờ như không biết gì đến tâm tư của các đồng nghiệp, anh ta vẫn tiếp tục xuyên tạc bài hát theo ý đồ xấu.
Tiếng là cử nhân đại học và hiện đang theo học tại một trường đại học ở Mỹ, nhưng Nah Sơn cư xử như một kẻ thiếu văn hóa, và thiếu cả những tri thức tối thiểu. Ngoài việc gieo vần, đọc những chữ hỗn tạp, tục tĩu mà anh ta cho là nghệ thuật, các "sản phẩm" tự chúng nói lên sự hiểu biết nông cạn về chính trị, lịch sử Việt Nam. Sơn đã tự chứng tỏ mình là một chiếc máy phát chỉ biết tuôn ra những gì được nhồi sọ, cùng với sự hoang tưởng muốn "làm việc nước" (như tên một facebook page và một bài hát mà anh ta tham gia) ngày càng lộ rõ. "Làm việc nước" của Nguyễn Vũ Sơn là chỉ bó gọn trong việc kêu gọi treo hình đầu lâu lên ảnh đại diện (avatar) facebook, viết những lời chửi tục lên tiền giấy và khu vực công cộng, đòi tự do sử dụng vũ khí để thoải mái đâm chém, hút cần sa, ma túy tổng hợp, cốt để... bán thật nhiều áo. Từ đầu chí cuối, bán áo có in hình đầu lâu Zombie Nguyễn và vài logo khác có vẻ là đích cuối cùng của Nah Sơn. Một mặt, Sơn và đồng bọn kêu gọi mua áo là tiếp thêm sức mạnh cho "phong trào đấu tranh" trên bàn phím (!); mặt khác, mấy người này cố tình bán áo với giá cao bằng lời quảng cáo đây là áo có nguồn gốc, chất liệu từ Mỹ! Nhận thấy phong trào ngày càng thêm phi lý, đậm màu vụ lợi, nhiều bạn trẻ từng ủng hộ Nah Sơn đã lên tiếng phản đối, nhất là phản đối việc kích động đòi tự do sử dụng cần sa, vũ khí. Không rõ từ khi khởi đầu phong trào, Nah Sơn đã bán được bao nhiêu áo để "làm việc nước", nhưng có lẽ "đâm lao phải theo lao", nên Nah Sơn và mấy kẻ chung chí hướng càng dấn sâu vào sự bỉ ổi. Bằng chứng gần nhất là họ sử dụng photoshop để chỉnh sửa một số bức hình có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam rồi công bố để đánh lừa người xem!
Mới đây, ngày 18-2, sau khi bị cộng đồng rap và nhiều người phản ứng dữ dội, Sơn tuyên bố: "Tôi xin lỗi, tôi đã sai", nhưng đọc cái gọi là "15 mảng tối cuối cùng của Nah" vẫn thấy thiếu vắng bóng dáng của sự chân thành. Trong vô số ý kiến phản đối, người có nick Nguyễn Bảo khuyên anh ta "nên tập trung học tập, làm ăn để phát triển đất nước", thiết nghĩ đó là lời khuyên chí tình và Nah Sơn nên tham khảo. Qua chuyện Nah Sơn và sự tung hô của BBC, RFA,... có thể thấy nếu không tỉnh táo mà hoang tưởng, để bị kẻ xấu lôi kéo thì một người trẻ tuổi có thể sa ngã như thế nào. Cũng qua đây, BBC, RFA,... đã tự chứng tỏ sự bất chấp liêm sỉ của các cơ quan truyền thông này. Ðáng nói hơn, khi phải dùng đến những thứ rác rưởi để chống phá Việt Nam, thì BBC, RFA,... cũng đã tự chứng minh sự bất lực của họ.
SƠN HOÀNG

RSF cần lương thiện và trung thực !

Trong những năm gần đây, mỗi khi nói đến tình hình tự do báo chí ở Việt Nam là Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) lại đưa ra những đánh giá tùy tiện, thiếu trung thực. Đầu năm 2015, trong phần nhận xét về tình hình báo chí ở Việt Nam của cái gọi là "báo cáo thường niên", tổ chức này tiếp tục lặp lại các luận điệu bất chấp sự thật, đổi trắng thay đen để vu cáo, xuyên tạc.
Ngày 20-1-2015, trang williamblum.org của học giả người Mỹ U.Blăm (William Blum) đăng bài Giết hại nhà báo - họ và chúng ta (Murdering journalists... them and us),và sau đó đã đăng trên tạp chí Coldtype số 93 - tháng 2-2015. Trong bài, sau khi nhắc tới một số sự kiện thời sự trên thế giới liên quan tới tự do ngôn luận, để chỉ rõ "sự đạo đức giả của phương Tây", hiện tượng "tán tụng bất tận sự trả thù của thế giới NATO cho nhà báo và tự do ngôn luận", tác giả liệt kê một số vụ nhà báo bị sát hại và các cơ quan truyền thông bị tiến công, như: năm 1999, Đài truyền hình nhà nước Serbia (RTS) bị tiến công, sinh mạng của nhiều nhân viên nhà đài bị tước đoạt, hai chân của một người sống sót bị cắt bỏ để có thể đưa anh ra khỏi đống đổ nát; năm 2003, tên lửa không đối đất bắn vào văn phòng Al-Jazeera ở Bát-đa (Baghdad) khiến ba nhà báo chết tại chỗ, bốn người khác bị thương, cùng năm này, khách sạn Palestine tại Baghdad bị tiến công, hai nhà quay phim ngoại quốc thiệt mạng; năm 2007 tại I-rắc (Iraq), hai nhà báo của hãng Roi-tơ (Reuters) bị sát hại, v.v. Đáng nói là, dù tự khoác lên mình vai trò "bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt, và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ" nhưng RSF hầu như tảng lờ các sự kiện đã được học giả William Blum liệt kê. Hẳn là vì thế, không ngẫu nhiên trên Wikipedia người ta lại viết: "Những nhà phê bình cáo buộc RSF đã tường trình về việc phân biệt đối xử nhà báo một cách có chọn lọc trước. Việc chọn lọc các nước mang định hướng của sự chọn lọc từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bỏ qua tất cả các tường trình về hoạt động chống lại nhà báo trong những nước đồng minh của Hoa Kỳ, hay chính trong Hoa Kỳ"!?
Cho nên, thật mỉa mai khi liên hệ giữa "sứ mạng cao cả" của RSF với bản tin Phóng viên nhiếp ảnh Sudan về nước sau 6 năm tù ở Guantanamo trên VOA tiếng Việt ngày 14-1-2010. Bản tin này cho biết, nhà quay phim Al-Haj của Đài truyền hình Al-Jazeera - người bị quân đội Pa - ki- xtan (Pakistan) bắt cuối năm 2001, đã trở về nhà sau khi bị giam giữ sáu năm không có cáo trạng trong một nhà tù của quân đội Mỹ tại vịnh Guantanamo (Cuba); sau khi trở về nhà, ông nói với truyền hình Al-Jazeera: "chuột được đối xử nhân đạo hơn các tù nhân tại Guantanamo, mỗi ngày tình hình càng tồi tệ hơn"! Nói cách khác, căn cứ vào việc RSF im lặng trước các trường hợp như của ông Al-Haj (bị bắt trái phép, giam giữ không cáo trạng, bị hành hạ...) với việc RSF liên tục soi mói, vu cáo, xuyên tạc vấn đề tự do báo chí ở một số nước có thể nói hành xử nêu trên là bằng chứng cụ thể của việc thực thi quan niệm "tiêu chuẩn kép" (double standard). Điều này được xem là "thành kiến, không công bằng về mặt đạo đức nếu nói theo nguyên tắc tất cả đều bình đẳng, tự do" và là "một sự phi lý bởi chúng vi phạm một cách mạnh mẽ câu châm ngôn cơ bản của luật học hiện đại: Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật".
Đối với Việt Nam cũng vậy, không chỉ trang tiếng Việt của VOA, RFA, BBC,...thường xuyên phỏng vấn người có tên là B-I-xmai (Benjamin Ismail) giữ cương vị "đặc trách châu Á của RSF" và tạo cơ hội giúp người này vu cáo Nhà nước Việt Nam rồi thi thoảng lại đưa ra một "yêu cầu" nào đó, mà cái gọi là "báo cáo thường niên" của RSF cũng luôn trơ tráo lặp lại mấy luận điệu cũ rích này, bất chấp thực tế phát triển báo chí tại Việt Nam, và đánh đồng một số người có hành vi vi phạm pháp luật với người hoạt động báo chí!
Có một sự thật không thể chối cãi là nhiều năm nay, RSF luôn cố tình tảng lờ sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của hệ thống báo chí và truyền thông ở Việt Nam. Bởi theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đến hết năm 2014 cả nước có: 845 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm, hằng năm phát hành khoảng 650 triệu bản; 67 đài phát thanh - truyền hình, 105 kênh chương trình truyền hình quảng bá và 75 kênh chương trình phát thanh quảng bá, sáu kênh truyền hình hoạt động không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng; 33 đơn vị cung cấp truyền hình cáp với 74 kênh truyền hình và chín kênh phát thanh trên hệ thống truyền hình trả tiền, 40 kênh truyền hình nước ngoài được khai thác trên hệ thống truyền hình trả tiền, thuê bao truyền hình trả tiền là 6,6 triệu (trong đó thuê bao truyền hình cáp khoảng 83%); 98 cơ quan báo chí điện tử, 1.525 trang tin điện tử tổng hợp, 207 trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí. Theo Hội Nhà báo Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2014, số hội viên của Hội là 21.688 người, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh và thành phố, 19 Liên chi hội, 206 chi hội trực thuộc. Và theo báo cáo giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì tới năm 2014 đã có hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ làm việc tại các tòa soạn từ Trung ương đến địa phương; tỷ lệ nhân lực ngành báo chí có trình độ đại học tăng từ 85% lên 91% và trên đại học là từ 4% lên 4,9%...
Dù còn có những hạn chế trong quá trình hoạt động (như: một số báo chí chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, công bố thông tin giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, đăng bài vở và hình ảnh ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, khai thác thông tin mạng xã hội không kiểm chứng, vi phạm bản quyền báo chí,...) vẫn phải khẳng định hệ thống báo chí Việt Nam đã làm tốt chức năng cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, là diễn đàn phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Trong khi phát hiện, phản ánh, nêu gương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, trong phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, tích cực cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ chủ quyền của đất nước, góp phần xây dựng văn hóa mới,... báo chí ở Việt Nam cũng luôn đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân...
Các số liệu, kết quả nêu trên tự chúng là các nội dung "biết nói". Nhưng RSF không dám thừa nhận sự thật đó, vì nếu thừa nhận tức là RSF không còn cơ sở để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam. Nhìn rộng ra, nếu thật sự quan tâm bảo vệ nhà báo, chí ít RSF cũng phải quan tâm "bảo vệ" nhà báo gốc Việt ở nước ngoài. Như ở Mỹ chẳng hạn, việc nhà báo Đạm Phong (chủ nhiệm tuần báoTự do tại Hu-xtơn - Tếch-dát (Houston - Texas) bị bắn chết tại nhà riêng năm 1982, nhà báo Hoài Điệp Tử bị hỏa thiêu đến chết tại nơi làm việc là tuần báo Mai ở Oét-min-xtơ - Ca-li-phoóc-ni-a (Wesminster - California) xảy ra ở thời điểm RSF chưa ra đời thì không nói làm gì; nhưng tại sao năm 1990 nhà báo Tú Rua bị bắn chết tại Vơ-gi-ni-a (Virginia), hoặc tuần báo Việt Weekly với nguyên tắc tác nghiệp độc lập, khách quan, trung thực, minh bạch liên tục bị đe dọa, bị vu cáo là "thân cộng", bị biểu tình phản đối trong thời gian dài,... thì RSF lại im lặng? Thiết nghĩ, trước khi đánh giá tự do báo chí ở Việt Nam, RSF nên xem vi-đê-ô cờ-líp (video clip) nhan đề Ngày nhà báo 21-6: Etcetera Nguyễn tâm tình công bố trên youtube. Trong video-clip, Etcetera Nguyễn - nhà báo của Việt Weekly, đã tâm sự với bạn đọc sau một năm làm "phóng viên người Mỹ gốc Việt về Việt Nam làm việc công khai, hợp pháp" rằng: Vẫn với nguyên tắc tác nghiệp độc lập, khách quan, trung thực, minh bạch, song ở Việt Nam, Etcetera Nguyễn luôn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của các ban, ngành, đồng thời nhận được rất nhiều tình cảm tốt đẹp và sự hỗ trợ của bạn bè, thân hữu. Anh cho biết mình đã có một năm hạnh phúc, vì đã tìm được chìa khóa căn bản cho cuộc sống và công việc của bản thân. Thử hỏi, nếu tự do báo chí ở Việt Nam được mô tả một cách tùy tiện như RSF vẫn đưa ra trong các "báo cáo thường niên" thì liệu nhà báo Etcetera Nguyễn có thể tâm sự như vậy?
Để tổ chức, điều chỉnh, quản lý mọi hoạt động, quan hệ trong xã hội,...phù hợp với định hướng phát triển, mỗi quốc gia đều xây dựng hệ thống luật pháp của mình. Với ý nghĩa tích cực và lành mạnh, hệ thống luật pháp ấy luôn hướng tới việc bảo vệ quyền của con người, bảo đảm xã hội vận hành ổn định và phát triển, đồng thời nghiêm khắc xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người, ảnh hưởng tới trật tự xã hội, an ninh quốc gia,... Xây dựng hệ thống luật pháp như thế không phải là việc riêng của quốc gia nào, mà là yêu cầu phổ quát trên toàn thế giới. Về phương diện nghề nghiệp, hệ thống luật pháp quy định rất cụ thể buộc mỗi người phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện mới được hành nghề luật sư, bác sĩ, giáo viên, kiến trúc sư, thậm chí là cấp bằng lái xe, chứng chỉ tay nghề... Với nghề làm báo, không phải ai cũng được coi là nhà báo nếu không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện. Vì thế, không thể coi mấy người viết blog, facebook, twitter hay mạng xã hội nào đó cũng là nhà báo. Nhưng RSF lại không như vậy, với thủ đoạn lập lờ đánh lận con đen, họ cố tình biến mấy người này thành "nhà báo" nhằm mục đích vu cáo Nhà nước Việt Nam và biện hộ, bao che cho một số người phạm tội "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân",... Nhìn vào cách hành xử của RSF lâu nay, không thể đặt niềm tin vào ý kiến của tổ chức này, và các đánh giá của họ về tự do báo chí ở Việt Nam. Uy tín, sự tin cậy với bất kỳ tổ chức nào cũng được xây dựng trên tinh thần hướng thiện, thái độ khách quan và trung thực. Thử hỏi, có khi nào, những người ở RSF tự vấn về uy tín và hình ảnh của mình trước dư luận?
HỒNG QUANG

Ðừng mang danh nghệ thuật để truyền bá trụy lạc


Vài năm trở lại đây, với một số cách thức khác nhau, đề tài đồng tính đã bắt đầu xuất hiện trong nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi bằng tài năng, và sự chia sẻ, một số nghệ sĩ khai thác được một số khía cạnh phức tạp của đề tài này, thì một số người lại mang danh nghệ thuật để tạo ra một số văn hóa phẩm dung tục, đồi trụy.

Những ngày này, vào trang mạng diendanlequydon.com (được giới thiệu là diễn đàn của Trường THPT Lê Quý Ðôn ở TP Hồ Chí Minh?), người đọc sẽ không khỏi kinh ngạc khi thấy đây là một trang mạng tạp nham, bừa bãi, thông tin không được chọn lọc; thậm chí ở địa chỉ này còn có chủ đề dành cho "đam mỹ" với các sản phẩm như: "Duyên nợ đào hoa", "Em không biết", "Quán cà-phê XY"... Nếu đây là diễn đàn của một trường THPT thì không lẽ thầy, cô giáo và người có trách nhiệm ở trường này lại không biết, hoặc nếu biết thì họ đã nghĩ gì khi trang mạng diễn đàn của trường hầu như rất ít tin tức về thành tích học tập, các phong trào hoạt động tích cực, lành mạnh của học sinh mà lại thấy nhiều tiểu thuyết suy đồi đạo đức nguồn gốc từ nước ngoài (thí dụ, người ta giới thiệu một trong số các sản phẩm đó như sau: "Bạn hoàng đế ban đầu không có cảm tình với bạn thụ, vì bạn í đã có người tình (nam) mà anh ni thì không làm hoàng hậu được vì là ngoại tộc. Tuy nhiên, qua vài lần tiếp xúc thì cả bạn thụ lẫn hoàng đế đều thay đổi quan điểm, tỏ ra có thiện cảm với nhau, rồi nảy sinh tình cảm luôn. Mà bạn hoàng đế vẫn giấu bạn thụ chuyện bạn í có tình nhân, xem như bắt cá hai tay rùi...")?
Vài năm gần đây ở Việt Nam, với danh nghĩa "hủ nữ", "hủ nam" (người hâm mộ Ðam mỹ - đam mê cái đẹp, nói riêng và Yaoi - "tiểu thuyết dành cho nữ giới tập trung vào chủ đề mối quan hệ đồng tính nam lãng mạn thường được viết bởi tác giả là nữ", nói chung) một bộ phận bạn trẻ tuổi (chủ yếu là nữ giới) thành lập một số diễn đàn, fanpage, blog cá nhân để chia sẻ truyện dài, truyện tranh, hoạt hình, phim, bài hát liên quan thể loại này. Một số người bắt đầu sáng tác vì thấy câu chuyện họ đọc không diễn ra như ý muốn; đồng thời, họ mở những cuộc tranh luận liên quan vấn đề "hủ nữ, hủ nam chân chính"! Bằng in-tơ-nét và công cụ dịch, một số người đắm chìm trong một thế giới ảo tưởng, mà đó là thế giới không đàn bà, một thế giới toàn là đàn ông. Một vài người thì nhìn đâu cũng chỉ thấy "công", "thụ" rồi thở dài vì: "trai đẹp đã ít, còn yêu nhau"! Số khác tìm đến Ðam mỹ, Yaoi để thỏa mãn nhu cầu bệnh hoạn, suy nghĩ lệch lạc... Báo chí từng nhiều lần cảnh báo về nội dung xấu ẩn chứa trong Ðam mỹ, nhưng số người đọc lại có vẻ vẫn gia tăng tại Việt Nam? Ðiều này trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Ðam mỹ (Damei, Tanbi) vốn có nguồn gốc từ Yaoi (gồm nhiều sản phẩm như truyện tranh, truyện dài, truyện ngắn, hoạt hình, phim truyện) dành cho phái nữ ở Nhật Bản. Yaoi được hiểu đơn giản là "tình trai" (Boys' love). Chủ đề của các ấn phẩm này đi sâu khai thác mối quan hệ đồng tính lãng mạn giữa một hoặc nhiều cặp đồng tính nam và tác giả phần lớn là nữ, có trường hợp là những người song tính, dị tính, đồng tính. Trái với nhiều người lầm tưởng, Yaoi không chung dòng với nền văn học đồng tính. Dù còn có ý kiến khác nhau, song nhiều tác giả nghiên cứu đều cho rằng Yaoi có ba đặc trưng lớn: tính nhại, quan hệ tình dục đồng giới nam - nam và sự phát triển tự phát. Tính nhại là cảm hứng để hình thành các tác phẩm Yaoi tại Nhật Bản. Theo đó, các tác giả Yaoi vẽ, viết ra sản phẩm dựa trên ham muốn chứng kiến tình yêu diễn ra giữa các "thần tượng" của họ. Ban đầu, "thần tượng" là nhân vật nam trong truyện tranh Nhật Bản (manga); sau đó được mở rộng là các nhân vật nam trong phim hoạt hình, phim truyện, tiểu thuyết Nhật Bản và nước ngoài. Khi bộ truyện Harry Potter xuất bản và trở nên nổi tiếng, các tác giả Yaoi lập tức say sưa mô tả "tình yêu" giữa hai nhân vật Harry Potter và Darco Malfoy. Những diễn viên, ca sĩ có vóc dáng mảnh mai, trắng trẻo cũng trở thành tâm điểm cho các hình tượng nhân vật trong sản phẩm Yaoi. Dường như nắm bắt được nhu cầu kỳ quặc của người hâm mộ, một số nghệ sĩ ở một số nước châu Á cũng cố gắng chinh phục "fan" bằng phong cách ăn mặc trung tính (unisex), ôm hôn, đánh mắt với bạn diễn. Gần đây, hưởng ứng trào lưu, những "hủ nữ" và "hủ nam" tại Việt Nam cũng bắt chước chế ảnh hai nghệ sĩ trẻ là Sơn Tùng MTP với Hoài Lâm, thành viên của 365 band, v.v... Không phải sản phẩm Yaoi nào cũng là 18+, 21+ với hình ảnh, nội dung phản cảm, nhưng Yaoi thường tập trung mô tả quan hệ tình dục giữa nhân vật nam, và do sùng bái thể loại truyện tranh, các tác giả Yaoi đã vẽ các bức họa không khác gì hình ảnh khiêu dâm tục tĩu. Sự khác biệt của Yaoi với các phim khiêu dâm đồng tính ở chỗ phần nào đó vẫn có một cốt truyện sơ sài như khẩu hiệu "không cao trào, không điểm nhấn, không ý nghĩa". Trong Yaoi có hai kiểu nhân vật nam giới là seme và uke. Trong đó, seme có khuynh hướng nam tính, như người đàn ông thực thụ; uke có thiên hướng nữ tính có vóc dáng được vẽ giống nữ giới. Từ xu hướng dung tục, các kiểu nhân vật ngày một đa dạng, biến thái, và cuối cùng Yaoi phát triển hoàn toàn một cách tự phát. Ở Nhật Bản, dù thống kê được một số họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ, nghiệp đoàn sản xuất ấn phẩm người lớn có tham gia "thị trường" này, thì Yaoi vẫn phát triển chủ yếu dựa trên cơ chế Dòjinshi (tạm hiểu là tự xuất bản). Dòjinshi có sự khác biệt với một loại hình "tự xuất bản" khác là Samizdat. Trong khi, Samizdat là một hoạt động chính trị với vũ khí là văn bản, thì Dòjinshi là trao đổi, mua bán các ấn phẩm một cách công khai tại các hội chợ truyện tranh hằng năm ở Nhật Bản. Do có một lượng "người hâm mộ" nhất định và tác giả Yaoi có kinh phí để tiếp tục "chế tác" các sản phẩm đồi trụy.
Lý giải sự phát triển của Yaoi tại Nhật Bản, trong bài viết Tình trai, Yaoi với giáo dục nghệ thuật, những vấn đề về quyền lực và mô phạm (csuchico.edu), dựa trên sự khảo sát quá trình từ ý thức tới vô thức của phụ nữ trẻ Nhật Bản, hai tác giả Brent Wilson và Masami Toku từ Hoa Kỳ cho rằng tình yêu nam - nam chỉ là hình thức ẩn giấu cho tình yêu nam - nữ. Trong xã hội nam quyền, khi phụ nữ lấy chồng cũng là kết thúc ngày tháng lãng mạn. Người phụ nữ phải đảm nhiệm nhiều vai trò của người vợ, người mẹ, người quản gia thay vì được tự do, sống với sự khao khát. Trong khi đó bằng những cách khác nhau, tình bạn giữa nam giới vẫn phát triển mà không bị cản trở. Nó được "chuyển hóa" thành những mối tình lãng mạn trong suy nghĩ của phụ nữ. Và phụ nữ Nhật Bản cho rằng đó là thứ tình yêu cao cấp, không bị ngăn trở bởi ghen tuông và các giá trị xã hội khác. Ðiều này khiến cho nhiều nhân vật trong Yaoi, Tanbi (Ðam mỹ theo tiếng Nhật) mang phẩm tính nữ, đôi khi là "ái nam, ái nữ" (androgynous). Sự say mê đó gắn liền khát khao tình dục. Bởi vậy, Yaoi tràn ngập các câu chuyện tình trai, thậm chí là các mô tả ghê tởm. Ðây cũng là quan điểm được nhiều nhà văn hóa học, tâm lý học, xã hội học, nhà nữ quyền đồng tình. Tuy nhiên, nếu có thì chỉ nên coi Yaoi là hệ quả xấu nảy sinh từ sự thoái hóa của xã hội nam quyền, khó có thể coi là một biểu tượng văn hóa, nghệ thuật như một số người tung hô. Trong thời kỳ đầu, do nhầm lẫn, một số nhà hoạt động chính trị, nhân quyền cho người đồng tính, dị tính, song tính của Nhật Bản đã gộp chung những người sáng tác Yaoi vào "cùng hội, cùng thuyền". Rồi họ nhanh chóng nhận ra sai lầm. Nhiều ý kiến cho thấy Yaoi là sản phẩm về tình dục, phần nào đó là sự xúc phạm, nhìn nhận lệch lạc về người đồng giới. Ở Nhật Bản, một số người còn vớt vát Yaoi là minh chứng khát khao được bình đẳng của phụ nữ Nhật, nhưng sang nước ngoài ý nghĩa đó đã biến mất... Yaoi lộ nguyên hình là những sản phẩm khiêu dâm cấp thấp. Ở Thái-lan, nhiều phụ nữ thừa nhận họ đọc Yaoi... cho vui! Ðến Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Yaoi biến tướng thành Ðam mỹ. Các tác giả ở đây đã sử dụng ngôn ngữ viết thay vì vẽ như các tác giả ở Nhật Bản. Mức độ tình dục trong Ðam mỹ so với Yaoi có giảm chút ít, nhưng tinh thần khiêu dâm thì vẫn vậy. Ðặc biệt từ cặp nhân vật "seme" và "uke", người viết Ðam mỹ đã "sáng tạo" ít nhất 38 kiểu đôi nhân vật công (seme) và thụ (uke). Nhiều kiểu nhân vật thoáng nghe đã rùng mình bởi sự thô thiển, như các kiểu nhân vật: "thích ngược đãi kẻ khác, bị ngược đãi mà vẫn thích; sử dụng đạo cụ để hành hạ đối phương cả tinh thần lẫn thể xác..."! Xu hướng như Thanh thủy văn (loại Ðam mỹ đã được xuất bản ở Việt Nam) khá cảm động, cốt truyện tinh tế, một số đặc điểm giống với văn học đồng tính trên thế giới, nhưng người đọc Ðam mỹ ở Việt Nam không ưa chuộng loại này. Giống như ở Nhật Bản, Trung Quốc, ở Việt Nam nhiều "hủ nữ, hủ nam" đọc Ðam mỹ chỉ vì có mô tả tình dục quái dị. Ðó là căn nguyên cho thấy tại sao họ lại chấp nhận đọc trên mạng, sử dụng các phần mềm dịch để thỏa mãn "nhu cầu" bệnh hoạn. Một số người cũng thừa nhận họ thất vọng với các bản dịch của nhà xuất bản, bởi biên tập viên đã lược bỏ những đoạn mà họ được xem trước trên mạng!
Ðây đó ở Việt Nam đã có ý kiến coi đọc Ðam mỹ là ủng hộ người đồng tính, nhưng xem xét từ nguồn gốc, bản chất của hiện tượng thì đó hoàn toàn chỉ là ý kiến ngụy biện, hoặc chưa tìm hiểu kỹ Ðam mỹ hay Yaoi (chưa kể việc dịch bằng công cụ máy móc khiến nhiều "dịch giả bất đắc dĩ" tạo ra văn bản ngô nghê, sai văn phạm, làm hỏng tiếng Việt, dẫn đến cuộc tranh luận vô bổ). Ðọc sách là công việc luôn được xã hội khuyến khích, vì đó là tiền đề cho một xã hội học tập. Ðọc sách để tìm hiểu, rồi từ đó cảm thông, chia sẻ với người đồng tính không phải là việc cần phê phán. Nhưng lợi dụng đề tài đồng tính để truyền bá các sản phẩm có nội dung trụy lạc là điều đáng phải bị lên án, nếu nghiêm trọng thì phải xử lý trước pháp luật; đặc biệt, khi các sản phẩm loại này hướng tới người đọc trẻ, nhất là học sinh, thì càng cần phải nghiêm khắc hơn. Vì thế không chỉ nhà xuất bản, cơ quan quản lý in-tơ-nét,... mà các nhà trường cũng cần phải tổ chức, quản lý, điều hành diễn đàn trên mạng của nhà trường một cách lành mạnh, bổ ích.




HIẾU VĂN

Một góc nhìn về báo chí phương Tây

Thời gian qua, tự do báo chí theo kiểu phương Tây đang là "mô hình lý tưởng" mà một số người tự nhận là "nhà báo độc lập", "người yêu nước, nhà dân chủ" ở Việt Nam lên internet hô hào và đòi hỏi, bất chấp thực tế dư luận ở phương Tây đã nhiều lần vạch rõ đó là mô hình mị dân, bị các nhóm có thế lực về chính trị - kinh tế chi phối... Bài viết của tác giả Hồ Ngọc Thắng (CHLB Ðức) sẽ cung cấp thêm một góc nhìn về vấn đề này, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Ðã thành thông lệ, cứ đến đầu năm, ở CHLB Ðức, tổ chức chăm lo giữ gìn và phát triển tiếng Ðức (tên viết tắt là GfdS), lại bình chọn từ một năm đã qua các "từ ngữ của năm" và "từ ngữ bất hảo của năm". Trước đây, người ta bàn luận nhiều về "từ ngữ của năm", nhưng cuối năm 2014, người ta lại bàn luận rất sôi nổi về "từ ngữ bất hảo của năm" đã được chọn. Năm 2014, giữ vị trí thứ nhất là từ "báo chí dối trá" (tiếng Ðức: Luegenpresse), giữ vị trí thứ hai là "các phương pháp thẩm vấn mở rộng" (tiếng Ðức: Erweiterte Verhoermethoden - là cách gọi khác của phương pháp tra tấn mà CIA - Cục tình báo trung ương Mỹ, sử dụng trong một số "chiến dịch chống khủng bố"), giữ vị trí thứ ba là "người thông cảm cho nước Nga" (tiếng Ðức: Russland-Versteher) - từ ngữ do truyền thông Ðức phát minh dùng ám chỉ những ai không lên án nước Nga và Tổng thống Pu-tin.
Theo tổ chức GfdS, "từ ngữ bất hảo của năm" (tiếng Ðức: Unwort des Jahres) là từ ngữ không hay, không đẹp, không phản ánh đúng bản chất vấn đề, nên tránh sử dụng. Ðể giải thích cho quyết định chọn "báo chí dối trá", hội đồng bình chọn cho rằng đó là từ ngữ bút chiến chủ chốt được sử dụng từ chiến tranh thế giới thứ nhất và lực lượng Ðức Quốc xã sau này sử dụng để phỉ báng báo chí độc lập. Trong thời gian qua, ở Ðức đã hình thành một phong trào "những người yêu nước châu Âu phản đối sự Hồi giáo hóa phương Tây" với tên viết tắt là "Pegida". Nhiều người tham gia biểu tình do phong trào này tổ chức đã giương cao khẩu hiệu "báo chí dối trá". Tuy nhiên, rất nhiều người lại không bằng lòng với sự lựa chọn của hội đồng bình chọn (gồm bốn nhà ngôn ngữ học, một nhà báo chuyên nghiệp). Mọi người đã gửi tới hội đồng bình chọn tổng cộng 733 từ ngữ khác nhau. Riêng từ "báo chí dối trá" chỉ có bảy lần được đề nghị, từ "người thông cảm cho nước Nga" có 60 lần. Có người cho rằng, "báo chí dối trá" đáng lẽ phải là "từ ngữ của năm" và "người thông cảm cho nước Nga" là "từ ngữ bất hảo của năm". Bởi "báo chí dối trá" không phải phát minh của Ðức Quốc xã, ngược lại, những người hoạt động chống đối Hitler cũng đã dùng từ ngữ này để lên án bộ máy tuyên truyền phát-xít. Họ gọi Giô-dép-phơ Quê-ben (Joseph Goebbels) - Bộ trưởng thông tin và tuyên truyền của nhà nước Ðức Quốc xã là "thợ cả của báo chí dối trá" (tiếng Ðức: Meister der Luegenpresse).
Lúc đầu, nhiều đại diện của các đảng phái ở CHLB Ðức đã phê phán phong trào "Pegida" và cho rằng phong trào này truyền bá tư tưởng bài người nước ngoài và chống lại đạo Hồi. Nhưng, những người đại diện và ủng hộ phong trào cho rằng không phải như vậy, động cơ của họ là muốn làm cho người dân "thức tỉnh" và "sự Hồi giáo hóa chỉ là một phần" của những điều đáng lo ngại, trước tiên là thực tế "chính phủ đã và đang phớt lờ người dân" và "báo chí đã dối trá". Dần dần, nhiều người dân và chính trị gia nổi tiếng cũng phải thừa nhận rằng nhiều điều lo ngại của phong trào này không phải hoàn toàn vô căn cứ. Thí dụ, trong một bài viết ngày 24-1-2015 đăng trên tờ Thời gian (Zeit) cho biết, Chủ tịch Ðảng dân chủ xã hội (SPD), Phó Thủ tướng Ðức Sic-ma Ga-bri-en (Sigmar Gabriel), đã tham gia một cuộc hội thảo do "Pegida" tổ chức tại trụ sở của trung tâm bồi dưỡng chính trị tiểu bang Saxony. Với tư cách là "người dân bình thường tham gia hội thảo", theo ông, không phải tất cả những người hưởng ứng "Pegida" đều là người phân biệt chủng tộc và ông sẽ thảo luận với người không đi theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Hiện nay, không chỉ người dân mà cả những người trong làng báo chí Ðức tranh luận rất sôi nổi, tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu báo chí có dối trá hay không. Ngày 15-1-2015, tạp chí Tấm gương (Spiegel) đăng bài Báo chí dối trá hay không? Trong bài viết, tác giả trích dẫn lời bà I-net-sơ Pô-lờ (Ines Pohl) - Tổng biên tập tờ báo danh tiếng "taz". Theo bà, cách phát tán hình ảnh cuộc tuần hành của lãnh đạo thế giới ở Paris vào ngày 11-1-2015 qua Ðài Truyền hình Ðức và qua báo Thế giới (Le Monde) ở Pháp là bằng chứng chỉ ra rằng, "báo chí dối trá" không phải là điều ảo tưởng của những người đại diện và ủng hộ phong trào "Pegida". Vì, với truyền thông phương Tây, nhiều khi hiệu ứng của những bức ảnh quan trọng hơn cả việc dẫn chứng sự thật. Thí dụ, khi xem những bức ảnh đã xử lý, người ta tưởng rằng các nhà lãnh đạo thế giới dẫn đầu đoàn tuần hành lịch sử ở Paris sau khi tòa soạn của tạp chí Charlie Hebdo bị tiến công. Trong thực tế không phải như thế. Bức ảnh được chụp theo dàn dựng ở một đường phố hầu như vắng người, chỉ có những nhà lãnh đạo thế giới đứng xếp hàng ngang với nhau trước ống kính, và phía sau họ là khoảng trống mênh mông.
Liên quan cuộc tranh luận về "báo chí dối trá", ngày 19-1-2015, tạp chí Ngôi sao (Stern) đăng bài bình luận của nhà báo Hen-ry Luy-bơ-xờ-tết (Henry Lueberstedt) nhan đề Chính phủ hằng ngày điều khiển tôi như thế nào. Theo tác giả, tất cả các nhà báo, mọi tờ báo, tạp chí đều bị điều khiển và cũng nói dối tất. Với văn phong khá hài hước, tác giả đã làm cho người đọc phải cười, nhưng cười trong nước mắt. Cũng liên quan cuộc tranh luận này, ngày 18-12-2014 tờ Tấm gương hằng ngày (Tagesspiegel) đã đăng bài phỏng vấn GS, TS Vô-phơ-gang Ðôn-xơ-bách (Wolfgang Donsbach) đang giảng dạy tại Học viện Khoa học truyền thông (IfK) thuộc Trường đại học tổng hợp Dresden, trong đó có đoạn nói: "... Không chỉ ở Ðức, hệ thống truyền thông đã mất đi uy tín và sự đáng tin cậy. Bây giờ người dân không chỉ chán chường chính trị mà chán chường cả truyền thông. Có những nguyên nhân khác nhau đẫn đến thực trạng này...". Tối 28-1-2015, Học viện Khoa học truyền thông (IfK) đã tổ chức cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà báo và nhà khoa học trên lĩnh vực truyền thông. Chủ đề chính xoay quanh câu hỏi: Có điều gì là thật trong lời tố cáo "báo chí dối trá"?
Nhiều người quan tâm vấn đề cho rằng một trong các nguyên nhân của tình trạng đó là sự dính líu của cơ quan tình báo. Thí dụ như sự dính líu của Cơ quan tình báo đối ngoại Ðức (BND) đối với tập đoàn truyền thông kếch xù Axel Springer với 12.800 nhân viên, doanh thu của năm 2013 đạt tới 2,8 tỷ EUR, là nơi sản xuất nhiều tờ báo, tạp chí lớn ở Ðức và các nước khác. Cụ thể, trong tháng 11-2014, các tờ báo lớn, tạp chí ở Ðức đều đồng loạt đưa tin về sự kiện phanh phui một sự việc liên quan đến tự do báo chí: Trong quá khứ, BND có bảy nguồn "nằm vùng" trong tập đoàn Axel Springer. Một người có mật danh "Klostermann" đã thường xuyên cung cấp thông tin bí mật, trong đó cả thông tin về nhân sự và kế hoạch chiến lược của tập đoàn (bình thường, theo pháp luật của CHLB Ðức, thì cơ quan BND không được hoạt động trong nước). Trước đó, tờ Báo miền nam nước Ðức (tiếng Ðức: Suedeutsche Zeitung) vào ngày 19-5-2010 đăng bài viết về việc cơ quan BND do thám một số nhà báo của tạp chí FOCUS bằng cách nghe trộm điện thoại. Ngày 11-11-2005, hãng tin Làn sóng Ðức (DW) cũng cho đăng một bài viết với nội dung tương tự. Tháng 5-2013, nhiều tờ báo ở châu Âu đưa tin, trong năm 2012, Chính phủ Mỹ đã tiến hành do thám hãng tin AP. Những sự việc tương tự xảy ra trong các năm qua ở Pháp với tờ Le Monde, ở Hà Lan với tờ De Telegraaf, ở Xlô-va-ki-a với tờ Pravda...
Chưa biết cuộc tranh luận "báo chí dối trá" sẽ dẫn tới kết cục thế nào, nhưng có điều chắc chắn là sự chán chường hệ thống truyền thông đã gây ảnh hưởng xấu đến sự tiêu thụ báo chí trong xã hội. Các số liệu vừa công bố cho biết so sánh quý 4 của năm 2014 với cùng kỳ năm 2013 cho thấy: tờ Báo miền nam nước Ðức đã bán 381.844 tờ, giảm 18.803 (-4,7%); báo Frankfurt khái quát đã bán 305.257 tờ, giảm 24.448 (-7,4%); báo Thế giới đã bán 200.854, giảm 21.868 (-9,8%); báo taz đã bán 53.812, giảm 4.309 (-7,4%); Nước Ðức mới đã bán 30.409, giảm 1.681 (-5,2%). Duy nhất tờ Thương mại có sự tăng trưởng là bán 118.034 tờ, tăng 2.689 (+2,3%). Vừa qua, một số nhà báo của tờ Thương mại cũng tham gia tranh luận, trong đó một bài viết đã nêu quan điểm: tập đoàn truyền thông là tập đoàn kinh tế, vì vậy không thể trung lập được, nếu không sẽ mất nhiều đơn đặt hàng! Và như ý kiến của Bên Ðê-vít (Bain Dewitt) trong bài Tìm lại bản sắc châu Âu, đề cập Identitarianism (được dịch giả trên một blog trong nước tạm gọi là chủ nghĩa định danh, giữ gìn truyền thống, bảo tồn phát triển dân tộc và định hướng bản sắc văn hóa ở châu Âu...) thì một trong những điều Identitarianism chống lại là thao túng truyền thông đại chúng vì: "Dân chủ là khối số đông được trao quyền hợp pháp, số đông bị kiểm soát, bị tước đoạt, và bị quây nhốt bởi ngành công nghiệp hàng loạt, sản xuất hàng loạt, phương tiện truyền thông hàng loạt và ảo giác hàng loạt"!