Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

10 “điểm nhấn” của kinh tế Việt Nam năm 2013


Năm 2013 sắp kết thúc, đánh dấu một năm đầy biến động của nền kinh tế Việt Nam. Đây là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.
10 “điểm nhấn” của kinh tế Việt Nam năm 2013
ảnh minh họa
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2013 do bạn đọc của Người Đồng Hành lựa chọn.
Lạm phát được kiểm soát
Năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra của Quốc hội và Chính phủ, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng kinh tế. Từ mức 18,13% năm 2011, Việt Nam đã đưa chỉ số CPI xuống còn 6,04% năm 2013, thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo kết quả khảo sát gần đây, lạm phát trong năm 2014 được các tổ chức tín dụng kỳ vọng chỉ tăng ở mức một con số, với mức tăng trung bình 6,74%, mức kỳ vọng này nằm trong ngưỡng mục tiêu đề ra của Quốc hội (khoảng 7%).
Ngành nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng lên ngôi
Năm 2013 có thể gọi là một năm thuận lợi của nông nghiệp Việt Nam khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là những mặt hàng nông thủy sản như gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê….
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng trong năm 2013 tiếp tục tạo được lợi nhuận ổn định, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó có rất nhiều doanh nghiệp chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ qua các năm như Masan, Vinamilk, Kinh Đô… và điểm nổi bật là có tới 3/10 doanh nghiệp Việt Nam được Forbes Asia bình chọn là doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất Châu Á hoạt động trong lĩnh vực này bao gồm PAN Pacific (PAN) , Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung Ương (NSC), Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC).
Ngành nông nghiệp cũng đón nhận sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ với việc chỉ đạo tập trung thực hiện công tác quy hoạch nhằm tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ trên thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong những ngày cuối cùng của năm 2013, Thủ tướng chính phủ đã ký nghị định số 210/2013/NĐ-CP, đưa ra hàng loạt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó bao gồm cả các hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt, giảm tiền sử dụng đất với những doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực này
Việt Nam có tỷ phú USD đầu tiên
Năm 2013, Việt Nam vinh dự được nhắc đến trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới 2013 của tạp chí Forbes. Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - Phạm Nhật Vượng đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên. Ông Vượng xếp thứ 974 trong danh sách với 1,5 tỷ USD tài sản, chủ yếu nhờ 53% cổ phần trong Vingroup.
Được biết, ông Vượng đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam từ đầu những năm 2000. Ông trở thành tỷ phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7/3/2011, liên tục giữ vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán trong 4 năm 2010-2013. Tập đoàn Vingroup với vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng là công ty có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vingroup hiện có một danh mục đầu tư với 31 dự án bất động sản khắp cả nước, trong đó 12 dự án đã được hoàn thành, 3 dự án đang được xây dựng và phần còn lại đang trong giai đoạn quy hoạch.
Nâng trần bội chi ngân sách từ 4.8% lên 5,3%
Năm 2013, hụt thu ngân sách của Việt Nam là 63.630 tỉ đồng so với dự toán. Đây là năm đầu tiên VN không hoàn thành dự toán thu ngân sách, buộc phải đề nghị tăng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% để bù đắp.
Giải trình trong phiên họp Quốc hội ngày 2/11/2013, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nguyên nhân hụt thu chủ yếu là do dự toán Ngân sách năm 2013 xây dựng cao so với khả năng thực hiện. Dự toán thu nội địa từ đất và thu thuế xuất-nhập khẩu năm 2013 đều tăng xấp xỉ 20% so với thực hiện năm 2012 - là mức quá cao so với khả năng kinh tế. Nguyên nhân thứ hai là năm 2013 phải thực hiện các chính sách miễn-giảm, dãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước. Nguyên nhân còn lại là tăng trưởng thấp hơn dự kiến, cùng với việc quản lý điều hành cũng có lúc chưa hiệu quả nên một số đối tượng đã lợi dụng, gian lận và trốn lậu thuế.
Khởi tố và xét xử nhiều vụ án kinh tế lớn
Năm 2013, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo quyết liệt việc điều tra và xử lý các vụ án kinh tế lớn. Nhờ vậy, cuối năm 2013, 3 vụ án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), CTCP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã được đưa ra xét xử. Nhiều bị cáo cầm đầu trong các vụ tham nhũng này đã phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Ngoài ra, một vụ án kinh tế lớn khác cũng đã được Viện KSND tối cao ra cáo trạng truy tố 23 bị can trong vụ “lừa đảo” chấn động ngành ngân hàng. Phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm dự kiến kéo dài trong 3 tuần từ 6-25/1/2014. Trong vụ án này, hàng loạt các công ty, các ngân hàng đã bị dính líu và chịu thiệt hại nặng nề, nhiều quan chức lãnh đạo cao cấp cũng bị vướng vào vòng lao lý.
Thị trường chứng khoán duy trì mức trên 500 điểm
Trong năm 2013, VnIndex nhiều lần vượt mức trên 500 điểm. Đặc biệt trong những tháng cuối năm, chỉ số này liên tục duy trì ngưỡng điểm đầy thử thách này. Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, so với cuối năm 2012, VN-Index tăng trên 22%, HNX-Index tăng 13%. Sự gia tăng của các chỉ số đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới. Mức vốn hoá thị trường năm 2013 cũng tăng so với năm 2012, đạt khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương mức 31% GDP. Tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trong năm 2013 vẫn tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,27 triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 55%.
Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 11,9% so với năm 2012
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê cho rằng, trong năm 2013, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.
Tuy nhiên, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2013 là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%.
Huy động kỷ lục trái phiếu Chính Phủ trên HNX
Thị trường TPCP năm 2013 tiếp tục tăng vọt sau khi bùng nổ từ năm 2012. Tính từ đầu năm đến ngày 7/12/2013, tổng giá trị phát hành TPCP (gồm cả trái phiếu Chính phủ bảo lãnh) đã đạt 178.400 tỷ đồng, vượt 6% so với khối lượng của cả năm 2012. Riêng trái phiếu KBNN của giai đoạn này đã tăng 17% so với cả năm 2012, theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, dù thị trường trái phiếu giảm nhưng Việt Nam vẫn là nước có thị trường trái phiếu tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 25 tỷ USD. Trong đó thị trường trái phiếu chính phủ tăng 24,8%, đạt 24 tỷ USD, thị trường trái phiếu công ty tính đến quý 3 vẫn đứng ở mức 700 triệu USD.
Phát hiện nhiều doanh nghiệp FDI trốn thuế, có dấu hiệu chuyển giá
Năm 2013, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cuộc thanh tra, rà soát hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Kết quả cho thấy có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, phát hiện hàng loạt bất thường và sai phạm, có dấu hiệu của việc chuyển giá nhưng chưa đủ cơ sở để xử lý. Nhiều DN kê khai lỗ lớn trong nhiều năm nhưng tốc độ tăng doanh thu hằng năm vẫn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng, nhiều DN đã có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu.
Qua 399 DN tại các khu chế xuất trên địa bàn TP.Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, Thanh tra Chính phủ phát hiện có tới 125 DN khai báo lỗ dù vẫn có doanh thu "khủng" lên tới 32.563 tỉ đồng. Đặc biệt, có 36 DN hạch toán lỗ trong 3 năm liên tiếp với tổng số lỗ hơn 2.856,8 tỉ đồng. Và 69 DN khác đã bị lỗ trong 2 năm liền với số lỗ trên 1.829,8 tỉ đồng.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong 3 quý đầu năm, ngành thuế đã phát hiện 122 doanh nghiệp FDI tại 23 tỉnh, thành bị ngành thuế thanh tra đặc biệt do nghi án chuyển giá với tổng số tiền bị buộc truy thu hơn 200 tỷ đồng. Kết quả, các doanh nghiệp này đã buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng. Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng. Qua đó, tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp này tăng lên là 2.599 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp FDI phải tăng thu nhập chịu thuế của kỳ tính thuế sau thời kỳ thanh tra, kiểm tra, tức từ năm 2013 trở đi là 839 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp “rỗng ruột”
Trước diễn biến khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ những điểm yếu của mình khi ghi nhận mức thua lỗ lớn, nợ lớn hơn nhiều lần so với tài sản, buộc phải tái cơ cấu nếu không muốn phải “biến mất”. Tính đến hết quý III/2013, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng gần như không có doanh thu, lỗ lớn, vốn chủ sở hữu ngày càng bị “ăn mòn”…
Đơn cử như trên thị trường chứng khoán, mặt dù có hơn 100 CTCK được cấp phép hoạt động, nhưng số lượng CTCK tồn tại theo đúng nghĩa hiện dễ đếm hơn là lượng công ty đã “chết lâm sàng”. Thống kê kết quả kinh doanh của các CTCK tính đến hết quý III/2013 cho thấy, toàn thị trường chỉ có tối đa 40 CTCK hoạt động có hiệu quả, để lại dấu ấn thực sự. Còn lại, nhiều CTCK đang rơi vào tình trạng gần như “4 không”: không còn tiền, không doanh thu, không lợi nhuận, không bảo toàn được vốn.
Ngoài ra, rất nhiều các doanh nghiệp niêm yết khác, thậm chí cả các ngân hàng đã rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, buộc phải hủy niêm yết, chịu bị thâu tóm sáp nhập.

Đại đoàn kết - sức mạnh bền vững bảo vệ Tổ quốc

QĐND - Đại đoàn kết là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta, là nền tảng tạo nên sức mạnh bền vững bảo vệ Tổ quốc. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, thực tiễn lịch sử chứng minh rõ: Thời đại nào giữ được "trong ấm ngoài êm", thì đất nước được bình yên, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc được giữ vững. Ngược lại, thời đại nào trong nước bất hòa, láng giềng bất thiện, thì đất nước khó có thể bình yên, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc sẽ bị xâm hại.
Theo quan điểm thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), ngày nay Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang chủ động hội nhập quốc tế để công nghiệp hóa và hiện đại hóa, xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là cơ sở quan trọng để củng cố ngày càng vững chắc, luôn luôn bền chặt khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, tạo sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, các thế lực thù địch lại luôn tìm cách đẩy mạnh chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng và an ninh. Về chính trị, chúng tận dụng khai thác những tồn tại trong lãnh đạo, quản lý và điều hành xây dựng và bảo vệ đất nước; đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Về kinh tế, kẻ thù lợi dụng mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự lệch lạc trong định hướng xã hội chủ nghĩa, sự yếu kém trong sản xuất và kinh doanh của các tập đoàn kinh tế để hạ thấp vai trò quản lý của Nhà nước. Về văn hóa, chúng đẩy mạnh tuyên truyền lối sống thực dụng, buông thả, chạy theo tiền tài, danh vọng, lợi ích cá nhân và bộ phận; lãng quên văn hóa truyền thống sống vì mọi người, vì quốc gia và dân tộc, làm nhụt tinh thần và ý chí đấu tranh của nhân dân ta. Về quốc phòng và an ninh, các thế lực thù địch tích cực truyền bá tư tưởng thù địch, kích động các hoạt động chống phá, nổi dậy, gây rối, gây bạo loạn...
Mục đích chống phá trên nhiều lĩnh vực của kẻ thù nhằm tạo ra hiệu ứng dây chuyền, làm suy giảm tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, phai mờ mục tiêu lý tưởng và thành quả cách mạng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân, gây nghi ngờ trong nội bộ. Chúng kích động các phần tử tiêu cực nổi dậy chống đối, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, sự ủng hộ và giúp đỡ của kiều bào ta ở nước ngoài, cũng như cộng đồng quốc tế, tạo thế để chúng chuyển hóa chế độ, hoặc tiến hành cuộc chiến tranh can thiệp lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, càng phải ra sức xây dựng và củng cố ngày càng vững chắc khối đoàn kết trong hệ thống chính trị; làm cơ sở để xây dựng ngày càng bền chặt khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh xây dựng và bảo vệ đất nước, như chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã xác định.
Để củng cố ngày càng vững chắc khối đại đoàn kết trong hệ thống chính trị, trước hết cần giữ vững khối đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới trong các cơ quan ban, ngành. Khối đoàn kết đó phải được xây dựng trên tinh thần phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong công việc, gương mẫu đi đầu trong tổ chức và thực hiện thành công mục tiêu lý tưởng, đường lối cách mạng của Đảng, thực thi nghiêm túc pháp luật và chính sách của Nhà nước. Từng người phải tuyệt đối trung thành với Đảng, hết lòng gắng sức phục vụ nhân dân và đất nước, lời nói đi đôi với việc làm, luôn đặt lợi ích của nhân dân và đất nước lên trên lợi ích cá nhân và bộ phận. Đây là yếu tố quan trọng làm tăng niềm tin cho nhân dân, là cơ sở vững chắc để chúng ta xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, từng cấp phải gắn bó mật thiết trong từng hộ gia đình, từng bản làng, thôn ấp, dòng tộc, tổ dân phố, cộng đồng dân cư; trong các dân tộc và tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở khắp các vùng, miền trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Khối đại đoàn kết toàn dân cần được xây dựng trên tinh thần đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, tương thân tương ái, chung lòng góp sức giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Mọi công dân phải tôn trọng phong tục tập quán của từng dân tộc và tôn giáo, truyền thống văn hóa, lợi ích của quốc gia và dân tộc, bình đẳng trước pháp luật, hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân với đất nước.
Đồng thời phải tăng cường mối quan hệ, đoàn kết giúp đỡ giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, nhất là lúc khó khăn, hoạn nạn. Mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế, xây dựng lòng tin, củng cố mối quan hệ giữa nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế, tạo thế và lực mạnh xây dựng và bảo vệ đất nước. Xây dựng khối đoàn kết giữa các quốc gia và dân tộc trên cơ sở tôn trọng nền độc lập và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của từng quốc gia và dân tộc, theo đúng công ước và luật pháp quốc tế.
Cùng với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, các cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm rõ âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Nhất là các thủ đoạn mua chuộc, kích động và lôi kéo, nhằm chống phá Đảng, hạ thấp vai trò của Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân. Đây là nhân tố quan trọng để chúng ta ngăn ngừa không cho kẻ thù phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, mối quan hệ mật thiết giữa các vùng miền; sự gắn bó chặt chẽ giữa các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, đoàn kết quốc tế, làm giảm sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, từng ngành cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, hạn chế sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền, trong các giai tầng xã hội, làm tăng niềm tin cho nhân dân. Đây là nhân tố để triệt tiêu sự kích động và mua chuộc của kẻ thù, giữ vững khối đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh đó, cần chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, giúp mọi người dân nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình với đất nước và dân tộc. Từng người biết vận dụng sáng tạo nhiều loại hình đấu tranh, đấu tranh trên nhiều lĩnh vực để bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc, chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc, theo đúng luật pháp trong nước và quốc tế, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết với các quốc gia và dân tộc trên thế giới. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cơ sở là đoàn kết trong hệ thống chính trị, là điều kiện quan trọng để động viên nhân dân chung lòng, góp sức xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho toàn dân, tạo sự công bằng xã hội, mở rộng dân chủ, đưa tiến bộ về văn hóa và xã hội, khoa học và công nghệ tới mọi người dân, chính là cơ sở để củng cố ngày càng vững chắc, luôn luôn bền chặt khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế.
Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế là nhân tố căn bản tạo ra sức mạnh bền vững để ta ngăn ngừa, đánh thắng cả thù trong và giặc ngoài, bảo vệ vững chắc đất nước, để Tổ quốc ta trường tồn.


Thiếu tướng PGS, TS BÙI THANH SƠN

Việt Nam đang có bước đi vững chắc về nhân quyền

QĐND - Tự nhận mình là một người Việt Nam yêu nước đơn thuần, cựu thiếu úy thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam Cộng hòa trước đây Nguyễn Ngọc Lập gần đây đã có những phát biểu gây chú ý bởi lập trường cởi mở, thẳng thắn...
Từ Mỹ, chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lập cho rằng: “Việt Nam đang có các bước đi chắc chắn nhằm cải thiện và đảm bảo các quyền của công dân mà vẫn đề cao cảnh giác nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, là hoàn toàn phù hợp”. Không đồng tình với một số nhìn nhận không khách quan của giới quan sát nhân quyền về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, ông nói: “Giới quan sát nhân quyền giống như gà mái đẻ tìm ổ trong khi ổ rơm ngay trước mặt”.
- Ông có thể cho biết từ đâu và vì những lý do nào đã khiến ông có những thay đổi và có cách nhìn nhận khách quan hơn về vấn đề hòa giải dân tộc cũng như tình hình trong nước như hiện nay?
Tôi còn nhớ khi đó, ông Sơn đã nói rằng, “Thôi anh Lập ơi, chiến tranh cũng qua lâu rồi. Mình là người Việt Namcả. Tôi cũng thấy anh là người có tấm lòng yêu nước qua các phát biểu. Tết này mời anh về Hà Nội rồi tới nhà riêng của tôi uống rượu”. Khi đó tôi đã không thể tin nổi vào tai mình vì là bạn thì mới mời nhau rượu.- Tôi kính trọng những người yêu nước đã xây dựng và hồi phục đất nước từ đống đổ nát bởi sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh. Cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, khi ông sang Mỹ năm 2012, quả thực đã khiến tôi phải suy nghĩ nhiều. Sự chân thành, thẳng thắn của ông Sơn, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp có trình độ, đã gây cho tôi ấn tượng mạnh. Cuộc gặp đã tạo cho tôi mối thiện cảm đối với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam với chính sách đại đoàn kết dân tộc và nỗ lực thúc đẩy hòa hợp, hòa giải dân tộc.
- Vậy ông đánh giá thế nào trước xu thế tích cực tiếp cận cộng đồng từ trong nước hiện nay và thực tế cách nhìn nhận cực đoan của nhiều người trong cộng đồng hiện nay cũng đang dần có sự thay đổi?
- Câu trả lời rất đơn giản. Không phải là nhìn mà là cách nhìn. Không nên nhìn vào quá khứ để soi mói, hận thù nhau mà hãy nhìn vào tương lai để hòa giải, tha thứ và xây dựng. Chúng ta đều là người ViệtNam, mang chung dòng máu Lạc - Hồng. Vả lại, khi xu thế hòa bình mạnh, xu thế thù hận tất phải yếu đi.
- Nhưng trên thực tế, sau nhiều chục năm kể từ ngày thống nhất đất nước, hòa hợp, hòa giải dân tộc vẫn còn là một vấn đề cần giải quyết, theo ông vì sao lại như vậy?
- Hòa giải phải vượt qua chính mình. Muốn hòa giải, trước tiên phải hóa giải hiểu lầm và trên cơ sở tôn trọng nhau. Hòa hợp hòa giải dân tộc là một chính sách đã rõ ràng thì nên được thực hiện một cách thống nhất từ trên xuống dưới.
Chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc dựa trên chính nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa trên chính nghĩa yêu nước nên thành công khi đã đoàn kết được toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến cứu nước. Hôm nay Việt Nam trong thời bình, xây dựng đất nước, phát triển kinh tế cũng phải dựa vào lòng yêu nước. Được như vậy không lo gì sẽ không thành công trong việc đoàn kết được những người Việt yêu nước bên trong và bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
- Từng là người trong cuộc, ông suy nghĩ thế nào về việc bộ phận chống đối cực đoan trong cộng đồng vẫn dựa vào những chiêu bài cũ là dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, để chống phá Nhà nước Việt Nam và gần đây nhất là vấn đề gìn giữ hải đảo, biên giới, lãnh thổ?
- “Tự do, dân chủ, nhân quyền” là những danh từ trừu tượng, không ăn uống được. “Cơm áo” mới là danh từ cụ thể. ở đây phải phân biệt được thế nào là đấu tranh vì yêu nước và “đấu tranh vì dịch vụ”. Đấu tranh vì yêu nước là đấu tranh có ý thức, có cân nhắc. Nhưng dựa vào chiêu bài chống cộng về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do để đả phá cá nhân, triệt hạ kinh tế người khác như các phần tử chống đối cực đoan ở cộng đồng hiện nay vẫn làm, thì việc dùng chiêu bài đó cũng như một “dịch vụ” vì miếng cơm, manh áo mà thôi.
Chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do chỉ là âm mưu của một bộ phận những người ích kỷ, trí trá. Rất nhiều đài phát thanh, truyền hình tuyên truyền không chính xác về trong nước do các ông “cổ cồn” cà vạt tự mở ra và tự đóng cửa tại hải ngoại, vì không thể tồn tại. Khán giả, thính giả khôn ngoan và tỉnh táo lắm chứ.
Người dân ở Việt Nam suy nghĩ như thế nào và thực sự được thụ hưởng những gì mới là quan trọng, hơn cả những đánh giá từ bên ngoài. Những thành tựu phát triển của Việt Nam được cả thế giới công nhận, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt và thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đang dẫn đầu thế giới. Việt Nam đang có các bước đi chắc chắn nhằm cải thiện và đảm bảo các quyền của công dân mà vẫn đề cao cảnh giác nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, là hoàn toàn phù hợp. Giới quan sát nhân quyền giống như gà mái đẻ tìm ổ trong khi ổ rơm trước mặt.
- Được biết ông đã tới xem cuộc triển lãm “Trường Sa trong mắt chúng tôi” do anh Etcetera Nguyễn của Vietweekly mở ra sau chuyến tác nghiệp thực tế ở Trường Sa. Trong khi đó nhiều người chống cộng cực đoan đã không dám tới xem triển lãm này vì họ sợ đối diện với sự thật. Triển lãm đã để lại cho ông những ấn tượng như thế nào?
- Ấn tượng lớn nhất đối với tôi tại cuộc triển lãm này chính là hình ảnh của rất nhiều tôn giáo khác nhau đã tham gia để tưởng niệm, cầu nguyện cho những người đã đổ máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Có đủ các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Hòa hảo, Hồi giáo, Tin lành đã tham gia tế lễ tại lễ cầu siêu. Hình ảnh thực tế này chứng tỏ Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo, để mọi người thoải mái tưởng niệm theo tín ngưỡng của mình, theo những phương cách đa dạng, hoàn toàn khác nhau. Điều đó rất đúng với những quy định về tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng trong Hiến pháp mới được thông qua của Việt Nam.
Cuộc triển lãm đã cho chúng tôi thấy được những nỗ lực gìn giữ chủ quyền biển đảo của chính quyền Việt Nam. Nó cũng cho chúng tôi thấy rằng, việc đó cần phải có rất nhiều sức mạnh nên càng cần sự đoàn kết, đóng góp sức mạnh từ hải ngoại. Cần thấy rằng, thiện chí yêu nước của Đảng Cộng Sản ViệtNam muốn gìn giữ chủ quyền biển đảo mà vẫn bảo đảm hòa bình, không để đất nước xảy ra chiến tranh. Vì người ngã xuống đầu tiên sẽ là những người dân nghèo và những chiến sĩ ở Trường Sa. Vậy không có lý gì để người trong nước và hải ngoại không thể hòa giải, đoàn kết lại vì mục tiêu chung của dân tộc.
- Ông từng phát biểu rằng, muốn khuyên con cái khi nào học thành tài thì phải trở về quê hương đóng góp xây dựng đất nước chứ không ở lại Mỹ sống hưởng thụ. Vì sao ông lại có ý muốn này và ông có ý định sẽ quay trở lại Việt Nam hay không? Nếu có thì đó là khi nào ông sẽ thực hiện điều này, thưa ông?
- Tôi luôn giáo dục con cái mình đâu là cội nguồn. Con tôi hiện đang học đại học Mỹ nhưng nói thành thạo tiếng Việt, không giống như nhiều bạn trẻ gốc Việt bên đó. Vợ và con tôi đang tham gia các lớp dạy tiếng Việt tình nguyện ở cộng đồng. Vợ và con tôi đã được Đức cha Mai Thanh Lương, Giám đốc Trung tâm Công giáo ở cộng đồng ngỏ ý muốn họ về Việt Nam dạy cho trẻ em để bổ túc chuyên môn dạy tiếng Việt.
Về phần tôi, tôi sẵn sàng trở về vào một dịp thích hợp, khi các con tôi đã hoàn tất việc học hành và tôi tròn nghĩa vụ người cha. ở Mỹ hay đi bất kỳ đâu, chỉ nghe được giọng nói Hà Nội thôi cũng làm chúng tôi rất nhớ quê hương.
- Xin cảm ơn ông!


XUÂN PHONG (thực hiện)

Hiến pháp mới đã tiếp cận căn bản các chuẩn mực quốc tế về quyền con người

QĐND - LTS:  Từng nghiên cứu luận án tiến sĩ luật học, chuyên ngành Lý luận Nhà nước và Pháp quyền với đề tài “Đảm bảo quyền con người trong hoạt động của Quốc hội ở Việt Nam”, PGS, TS Tường Duy Kiên là một trong những chuyên gia nghiên cứu về quyền con người ở Việt Nam. Tại cuộc tọa đàm do Báo Quân đội nhân dân và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ tổ chức mới đây, ông đã khẳng định, Hiến pháp mới tiếp cận căn bản các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, thậm chí có một số nội dung rất tiến bộ so với tiêu chuẩn quốc tế. Dưới đây là nội dung chính trong tham luận của PGS, TS Tường Duy Kiên.
Nhìn lại quá trình xây dựng Hiến pháp của chúng ta, có thể thấy được những tiến bộ rất lớn trong nhận thức về vấn đề quyền con người.
Trước đây, khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhận thức về quyền con người còn những hạn chế nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ, đưa được vấn đề quyền con người vào trong Hiến pháp đã là một tiến bộ rất đáng ghi nhận. So với các bản Hiến pháp trước thì việc Hiến pháp năm 1992 đưa được khái niệm quyền con người vào cũng là một bước tiến lớn.
Tại Điều 50 của Hiến pháp 1992 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Ðiều 51 quy định: “Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội. Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định”.
Như vậy, ở đây, quyền con người có nội hàm rộng nhưng lại được thu nạp vào quyền công dân. Khi đó, nhận thức của chúng ta, của Ủy ban sửa đổi Hiến  pháp vào thời điểm năm 1992 về quyền con người là như vậy. Cũng phải nhìn nhận bối cảnh và tư duy hội nhập thời điểm đó, nhận thức về nhân quyền từ khái niệm đến các nội dung còn nhiều quan điểm khác nhau. Tại bản Hiến pháp mới năm 2013 lần này, vấn đề quyền con người được chính thức đưa vào một cách đầy đủ, toàn diện, có hẳn một chương trong Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này là kết quả tất yếu của quá trình hội nhập và nỗ lực phấn đấu  bảo đảm quyền con người của Đảng, Nhà nước ta. Bảo đảm quyền con người luôn được xác định là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, làm cho mỗi người và mọi người phát triển tự do và toàn diện như nghị quyết của Đảng nhiều lần đề cập. Trước đây, khi tổ chức hội nghị về nhân quyền, Việt Nam thường bị một số hãng truyền thông nước ngoài phê phán, giờ vị thế của Việt Nam đã khác. Chúng ta đã hội nhập căn bản, rồi trở thành ủy viên không thường trực, trúng cử vào Ủy ban nhân quyền thế giới và mới đây trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền thế giới với tín nhiệm rất cao… Vị thế của chúng ta thay đổi chính từ những thành tựu đạt được, trong đó có đổi mới về tư duy nên mới được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như vậy.
Trong bản Hiến pháp mới, so với Hiến pháp năm 1992 và so với dự thảo ban đầu, chương về quyền con người được chuyển từ vị trí Chương 5 lên Chương 2 không phải là một sự thay đổi cơ học thuần túy mà đánh dấu một sự thay đổi lớn về nhận thức. Quyền con người cũng không chỉ đề cập ở Chương 2 mà ở nhiều chương khác.
So với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp mới đã tách bạch quyền con người và quyền công dân. Đây là nhận thức đúng, quyền con người là đối với mọi người, còn công dân thì chỉ là người Việt Nam mà không bị tước quyền công dân. Các quyền tự do ngôn luận, báo chí, đi lại, cư trú theo Hiến định Nhà nước cũng không can thiệp.
Đặc biệt, chương về Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đều có chế định Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát phải bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Viện Kiểm sát có trách nhiệm bảo vệ quyền công tố, quyền con người; Tòa án có trách nhiệm bảo vệ công lý, quyền công dân. Như vậy, bộ máy Nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người này một cách căn bản giống như các nhà nước trên thế giới.
Qua đó có thể thấy, một trong những điểm quan trọng nhất là lần đầu tiên trong Hiến pháp mới của chúng ta quy định, trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện những công ước quốc tế, trong đó có những công ước liên quan đến quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Trong Hiến pháp mới cũng quy định rất rõ ràng, Nhà nước tôn trọng, thừa nhận và bảo đảm quyền con người.
Hơn thế, quyền con người được quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam không chỉ tiệm cận, mà có những điểm tiến bộ hơn các quy định cơ bản của quốc tế, như vấn đề nghĩa vụ của Nhà nước về quyền con người. Theo luật pháp quốc tế về nhân quyền, nghĩa vụ của nhà nước trong thực hiện quyền con người được thể hiện ở 3 cấp độ là “tôn trọng, bảo vệ, thực hiện” quyền con người. Vượt lên trên cả 3 cấp độ đó, trong Hiến pháp mới của chúng ta quy định, nghĩa vụ của Nhà nước là “tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm” quyền con người. Ở đây, “bảo đảm” là bao trùm nhất, theo tôi như vậy là rất tiến bộ so với tiêu chuẩn quốc tế.
 Nguyên tắc suy đoán vô tội - tuy được đưa vào Hiến pháp 1992 song chưa rõ lắm - thì nay đã được quy định rõ hơn trong Hiến pháp mới. Nguyên tắc này được quy định trong luật pháp quốc tế từ năm 1966 đến năm 1988 ta mới đưa vào Bộ luật Tố tụng hình sự, năm 1992 đưa vào Hiến pháp. Giờ trong Hiến pháp mới quy định rõ hơn thì sẽ thay đổi toàn bộ quy trình tố tụng. Với quy trình hỏi cung bị can, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phải quay camera để chống ép cung, bức cung, nhục hình. Giờ ta đã ký công ước chống tra tấn cũng là một tiến bộ. Hay quy định không xét xử 2 lần với một hành vi phạm tội, là nội dung được đưa vào Hiến pháp mới đã tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Như vậy, trong Hiến pháp mới đã thể hiện rất rõ việc Nhà nước ta tôn trọng thực hiện các điều ước quốc tế nói chung. Một nguyên tắc đã được thừa nhận ngay tại Điều 12, Chương 1 của Hiến pháp là Nhà nước ta “tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam là thành viên”.
Cho nên, có thể khẳng định, nội dung về quyền con người trong Hiến pháp mới thể hiện sự thay đổi căn bản cả nhận thức, tư duy, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước. Trong toàn bộ bản Hiến pháp, Chương 2 là chương có sửa đổi nhiều nhất, lớn nhất và có giá trị rất lớn.


NGUYÊN MINH (lược ghi)

10 thành tựu nổi bật của quốc phòng Việt Nam năm 2013 (II)



(Soha.vn) - Phát triển máy bay không người lái nội địa, đóng tàu đổ bộ vỏ thép 80 tấn... là những thành tựu nổi bật của quốc phòng Việt Nam trong năm 2013.

Cùng với việc mua sắm và tiếp nhận thêm nhiều thiết bị quân sự, vũ khí hiện đại của nước ngoài, trong năm 2013, ngành nghiên cứu khoa học và công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng vũ trang, tiến tới ngày càng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
Xin điểm lại 10 thành tựu quốc phòng nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2013:
6. Đóng và hạ thủy tàu đổ bộ vỏ thép 80 tấn
Tiếp nối những thành công rực rỡ của ngành công nghiệp đóng tàu hải quân, ngày 10/9/2014, tại Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn thuộc Xí nghiệp Liên hợp Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã làm lễ hạ thủy tàu đổ bộ 80 tấn đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế chế tạo, con tàu mang tên ST-2300.
Tàu ST-2300 có vỏ thép, ca-bin bố trí phía đuôi tàu, phía trước bố trí sàn và cầu đổ bộ. Tàu do Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn thiết kế với các thông số: Chiều dài 27,5m; rộng 6,8m; cao 2,8m; lượng chiếm nước đầy tải: 153 tấn; vận tốc lớn nhất là 12 hải lý/giờ. Tàu có thể hoạt động liên tục với thời gian 60 giờ.
Nhờ thiết kế với sự năng động, tàu ST-2300 có thể thực hiện đổ bộ bộ đội, vũ khí trang bị kỹ thuật; vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần; tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn; sẵn sàng thực hiện một số nhiệm vụ khác.
Lễ hạ thủy tàu đổ bộ 80 tấn ST-2300.
Lễ hạ thủy tàu đổ bộ 80 tấn ST-2300.
Việc hạ thủy tàu ST-2300 đánh dấu bước tiến rõ rệt của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn về nhiều mặt, nhất là trình độ quản lý sản xuất và tay nghề thi công.
7. Phát triển máy bay không người lái nội địa
Có thể nói, 2013 chính là năm "khởi đầu" chính thức cho kỷ nguyên máy bay không người lái (UAV) quân sự của Việt Nam với hàng loạt mẫu UAV đã được gới thiệu và thử nghiệm.
Viện Công nghệ Không gian (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã hoàn thành 5 mẫu máy bay không người lái và thực hiện cuộc bay thử thành công 2 mẫu vào ngày 3/5/2013. Sự kiện này đánh dấu bước tiến lớn trong sự phát triển máy bay không người lái tại Việt Nam.
Các mẫu máy bay được thiết kế chế độ điều khiển tự động bay theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số. Trên các máy bay đều có khả năng mang camera máy ảnh tác nghiệp trong điều kiện ngày và đêm. Chúng có thể cất cánh từ đường bay, nóc ô tô, bệ phóng hoặc trên tay người.
5 mẫu máy bay không người lái của Viện Công nghệ Không gian.
5 mẫu máy bay không người lái của Viện Công nghệ Không gian.
Trong số 5 mẫu máy bay không người lái (gồm AV.UAV.MS1, AV.UAV.S1, AV.UAV.S2, AV.UAV.S3, AV.UAV.S4), loại to lớn nhất là AV.USV.S4 có trọng lượng tối đa tới 170kg, dài 4,2m, sải cánh 5m, tải trọng có ích 50kg. Máy bay trang bị động cơ cánh quạt cho phép đạt tốc độ lớn nhất 180km/h, trần bay 3.000m, bán kính hoạt động tới 100km. Tuy nhiên, để có thể hoạt động tốt trong vai trò UAV quân sự, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Sau Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) thuộc Bộ Quốc phòng cũng đã bất ngờ tuyên bố sản xuất thành công máy bay không người lái VT-Patrol với các tính năng hoạt động ưu việt hơn hẳn các mẫu UAV của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Kiểu dáng chiếc UAV trinh sát VT-Patrol.
Kiểu dáng chiếc UAV trinh sát VT-Patrol.
Những chiếc máy bay không người lái quân sự VT-Patrol của Viettel được thiết kế để đáp ứng các nhiệm vụ của quân sự và hoạt động phù hợp địa hình, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam, đây là những đặc điểm quan trọng và cấp thiết nhất đối với yêu cầu hiện đại hóa của quân đội hiện nay, và Viettel đang từng bước chứng minh khả năng của mình.
Để từng bước làm chủ công nghệ máy bay không người lái (UAV), Viettel đã chủ động tự nghiên cứu chế tạo vật liệu composite hàng không chất lượng cao để bảo đảm độ bền, nhẹ cho UAV VT-Patrol.
Qua các chuyến bay thử nghiệm thực tế cho thấy, máy bay không người lái VT-Patrol có khả năng bay với vận tốc từ 100 đến 150 km/giờ, cự ly hoạt động 50km, trinh sát bằng camera quang hồng ngoại full HD có thể nhận dạng và phân biệt mục tiêu người lính trong khoảng cách 600m. Có thể nói, sự ra đời của VT-Patrol chính thức đánh dấu một bước "đột phá" trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ UAV ở Việt Nam.
8. Chế tạo thiết bị phóng nổ cơ động
Phóng nổ là kỹ thuật dùng một lượng thuốc nổ nhỏ phóng một lượng nổ lớn hơn để phá hoại và tiêu diệt các loại mục tiêu, có thể áp dụng trong nhiều hình thức chiến thuật. Yêu cầu cao nhất của phóng nổ là đúng thời cơ, tiêu diệt được mục tiêu, bảo đảm an toàn.
Trong những năm qua, kỹ thuật phóng thuốc nổ thường dùng hố phóng cố định. Phương pháp này bộc lộ một số hạn chế như: Thời gian chuẩn bị tại thực địa dài khoảng 40 phút; Chỉ phóng được lượng nổ theo một hướng nhất định, không đáp ứng được yêu cầu chiến đấu, bởi vì trong thực tế mục tiêu luôn thay đổi vị trí; Phải bố trí trước, dễ bị địch phá hoại; Hố phóng phải đào nơi đất liền thổ, trong huấn luyện, diễn tập với thao trường có diện tích hạn chế sẽ khó lựa chọn vị trí.
Thiết bị phóng nổ cơ động.
Thiết bị phóng nổ cơ động.
Từ thực tế huấn luyện, các giảng viên Bộ môn Công binh (Khoa Binh chủng, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị phóng nổ cơ động để khắc phục những hạn chế của phương pháp phòng nổ trước đây.
Ống phóng nổ cơ động sử dụng nguyên liệu sẵn có như: Gỗ, tre, nứa, được đan hoặc đóng theo hình hộp, kích thước 40 x 22 x 22cm. Ống phóng cơ động có ưu điểm như: giảm thời gian chuẩn bị tại thực địa; đặt ống phóng được ở những nơi đất xốp, diện tích hẹp, xác định góc phóng dễ dàng, lượng nổ lõm được đúc sẵn thuận tiện trong thực hiện nhiệm vụ, có thể tận dụng thuốc nổ của mìn định hướng tròn đã hỏng làm lượng phóng và thuốc nổ trong bom, đạn không nổ để đúc theo phương pháp thủ công; khả năng cơ động cao, đáp ứng kịp thời các tình huống.
9. Chế tạo robot chiến đấu, robot do thám
Nhằm ứng dụng trong trinh sát; chiếm lĩnh trận địa; chiến đấu bí mật, bất ngờ; tác chiến trên đường phố; chống bạo loạn... Trung tâm công nghệ, Học Viện Kỹ thuật Quân sự đã bước đầu nghiên cứu chế tạo thành công chế tạo thành công robot chiến trường.
Robot chiến trường có trọng lượng nhỏ hơn 120kg; kích thước không lớn hơn 1500x800x1000mm với hệ thống cơ khí vững chắc, ổn định; hệ thống điều khiển tin cậy, rô-bốt có thể di chuyển linh hoạt qua các địa hình không bằng phẳng, gồ ghề, mấp mô (địa hình tự nhiên); rẽ phải, trái, tiến, lùi, dừng một cách linh hoạt; quan sát được xung quanh nhờ các camera không dây, gửi được ảnh camera về giao diện máy tính tại vị trí điều khiển, ghi được video camera và có thể ngắm bắn qua ảnh camera và gá lắp được súng AK hoặc B41…
Robot chiến trường
Robot chiến trường
Đáp ứng với yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập của học viên, cũng như có thể ứng dụng phục vụ công tác quốc phòng và phát triển kinh tế biển, trường Sĩ quan Thông tin đã nghiên cứu chế tạo thành công robot do thám dưới nước Yết Kiêu-01 (YK-01).
Trong các hoạt động quân sự diễn ra ở môi trường nước độc hại, robot sẽ thay thế và hỗ trợ phần nào cho bộ đội đặc công nước, người nhái.
YK-01 có thể di chuyển độc lập theo hành trình lập sẵn và nhận lệnh hoặc lựa chọn hành trình từ trung tâm điều khiển trên bờ, trên tàu mẹ mà không bị giới hạn bởi dây cáp điều khiển. YK-01 được trang bị camera với thiết bị nhớ ghi lại các thông tin quan sát được trong hành trình.
Robot do thám dưới nước Yết Kiêu-01.
Robot do thám dưới nước Yết Kiêu-01.
Đặc biệt, robot thậm chí còn có khả năng mang mìn, bộc phá để tấn công các mục tiêu như là tàu địch đang neo đậu tại các công trình quân sự của địch khi gắn thêm các cơ cấu công tác. Sản phẩm YK-01 sẽ tiếp tục được phát triển hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
10. Hạ thủy 2 tàu tên lửa tối tân Molniya
Trong tất cả những thành tựu quốc phòng nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2013, việc hạ thủy thành công và tiến hành thử nghiệm 2 tàu tên lửa cao tốc nội địa Project 1241.8 Molniya được coi là thành tựu quan trọng và nổi bật nhất. Với việc hạ thủy và thử nghiệm 2 tàu tên lửa Molniya, Việt Nam đang dần dần làm chủ công nghệ đóng tàu chiến hiện đại.
Hợp đồng xây dựng cho Việt Nam các tàu tên lửa Project 1241.8 trang bị hệ thống tên lửa đối hạm 3K24E Uran-E đã được Việt Nam và Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport ký kết trong năm 2006. Hợp đồng bao gồm việc cung cấp cho Việt Nam hai tàu tên lửa dự án 12418, và đóng tại Việt Nam sáu tàu như vậy với sự hỗ trợ của Nga. Tổng giá trị của hợp đồng lên tới 1 tỷ USD.
Tàu tên lửa Molniya của Việt Nam ra biển thử nghiệm với các ống phóng tên lửa chống hạm Uran-E
Tàu tên lửa Molniya của Việt Nam ra biển thử nghiệm
Theo hợp đồng này, nhà máy đóng tàu Vympel cùng với Cục thiết kế Almaz sẽ hỗ trợ Việt Nam đóng tàu Molniya dự án 12418 theo giấy phép của Nga. Hai chiếc tàu tên lửa thuộc Project 1241.8 đã được hoàn thành và bàn giao cho Hải quân nhân dân Việt Nam trong năm 2007 (số hiệu HQ-375 và HQ-376).
Hai tàu đầu tiên thuộc Project 1241.8 đã được khởi đóng tại nhà máy Ba Son trong mùa thu năm 2010 và mới được hạ thủy trong tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2013. Việc cung cấp các thiết bị bổ sung cho 6 tàu tên lửa Molniya đóng tại Việt Nam sẽ được Vympel thực hiện cho đến năm 2015.
Theo một số nguồn tin từ báo chí Nga, 2 tàu Molniya đầu tiên đóng tại nhà máy Ba Son dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối năm 2013. Bốn tàu còn lại sẽ được hoàn thiện và bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối năm 2015.
Tàu tên lửa Molniya được trang bị 16 ống phóng tên lửa chống hạm cận âm Kh-35 Uran-E đạt tầm bắn xa 130km, 01 pháo hạm 76mm AK-176M, 02 ụ pháo phòng thủ tầm gần 6 nòng 30mm AK-630 và tên lửa phòng không Igla. Đây là loại tàu chiến hiện đại hàng đầu của Hải quân Việt Nam, chỉ sau 2 tàu Gepard 3.9.

10 thành tựu nổi bật của quốc phòng Việt Nam năm 2013 (I)



(Soha.vn) - Nghiên cứu chế tạo thành công súng bắn tỉa hạng nặng cỡ nòng 12,7mm, súng phóng lựu tự động AGS-17... là những thành tựu quốc phòng xuất sắc của VN trong năm 2013.

Cùng với việc mua sắm và tiếp nhận thêm nhiều thiết bị quân sự, vũ khí hiện đại của nước ngoài, trong năm 2013, ngành nghiên cứu khoa học và công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng vũ trang, tiến tới ngày càng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
Xin điểm lại 10 thành tựu quốc phòng nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2013:
1. Buồng lái mô phỏng tiêm kích Su-27
Đáp ứng yêu cầu tăng thời gian thực hành, huấn luyện sát thực tế đơn vị, khí tài trang bị mới, hiện đại của người học và yêu cầu về đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao của quân chủng đang tiến thẳng lên hiện đại. Trong năm 2013, Học viện Phòng không-Không quân đã chế tạo thành công buồng lái mô phỏng tiêm kích Su-27.
Đây là thiết bị mô phỏng phục vụ huấn luyện được nghiên cứu, thiết kế thành công bằng trí tuệ, công sức của các cán bộ khoa học của học viện và sự giúp đỡ của một số viện nghiên cứu.
Thiết bị buồng lái mô phỏng dùng để đào tạo kỹ sư hàng không
Thiết bị buồng lái mô phỏng dùng để đào tạo kỹ sư hàng không
Hệ thống mô phỏng tiêm kích Su-27 được thiết kế để mô phỏng mở máy động cơ máy bay ở mặt đất; mở máy động cơ máy bay ở trên không (trong khi bay); mở máy lạnh động cơ máy bay và máy khởi động tua bin khí TC-21, cũng như chấm dứt quá trình khởi động động cơ để quay máy lạnh bọc dầu ở mọi chế độ khi ấn nút “CTO?”. Các chế độ và chu trình khởi động đều diễn ra đúng như mở máy thực trên máy bay.
Việc đưa thiết bị vào huấn luyện rất tiết kiệm, do giá thành thấp hơn so với thiết bị nhập ngoại. Giúp tăng cường luyện tập cho người học sát thực tế, khí tài, trang bị; nâng cao trình độ, khả năng làm chủ và nghiên cứu khoa học của cán bộ. Thiết bị còn có thể nghiên cứu, nâng số lượng bài tập thông điện lên hàng trăm bài khi nâng cấp số cổng kết nối truyền thông RS232 và lập trình thêm các bài huấn luyện.
2. Súng bắn tỉa hạng nặng 12,7mm cùng kính ngắm
Bên cạnh loại súng bắn tỉa nhập khẩu, Việt Nam đã chế tạo thành công súng bắn tỉa hạng nặng cỡ nòng 12,7mm.
Theo báo Quân đội Nhân dân, bằng tinh thần tự lực, các cán bộ Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã nghiên cứu chế tạo thành công súng bắn tỉa hạng nặng cỡ nòng 12,7mm cùng kính ngắm.
Loại súng này ngoài khả năng tiêu diệt bộ binh đối phương còn rất hữu hiệu khi tấn công trang thiết bị quân sự, xe bọc thép hạng nhẹ.
Trước đối phương có khả năng cơ giới hóa mạnh, di chuyển bằng xe thiết giáp, sử dụng rộng rãi việc cơ động quân bằng trực thăng, cơ giới thì việc có một loại súng bắn tỉa 12,7mm để sử dụng đại trà là rất cần thiết.
Theo một số nguồn tin, súng bắn tỉa Việt Nam được làm theo mẫu của súng bắn tỉa xuyên giáp KSVK của Nga. Súng được thiết kế với hộp tiếp đạn nằm sau cò súng. Giúp tăng chiều dài nòng súng mà không ảnh hưởng đến chiều dài tổng thể.
Thử nghiệm súng bắn tỉa cỡ 12,7mm và kính ngắm N12 do Việt Nam tự sản xuất.
Thử nghiệm súng bắn tỉa cỡ 12,7mm và kính ngắm N12 do Việt Nam tự sản xuất.
Súng có chiều dài tổng thể 1,35m (trong đó nòng dài 1m), trọng lượng 12,5 kg, sử dụng hộp tiếp đạn 5 viên cỡ 12,7x108mm. Khi bắn thử, sơ tốc đầu đạn là 840m/s, tầm bắn hiệu quả 1.200m, súng bắn tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Súng được trang bị kính ngắm quang học N12 do Việt Nam chế tạo với độ phóng đại 10 lần, phạm vi quan sát 1.800m, thị giới 3mm, mức phân biệt 6 giây.
Kính ngắm N12 có khả năng chịu được thời tiết nóng ẩm, chịu rung xóc, va đập, lấy góc bắn nhanh chóng, thuận tiện.
3. Súng phóng lựu tự động AGS-17
Theo kênh truyền hình Quốc phòng TV, nhà máy Z125 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) đã chế tạo thành công súng phóng lựu liên thanh AGS-17 của Nga. Trước đây, chúng ta đã từng mua một số lượng nhỏ AGS-17 và đã đưa vào biên chế trang bị.
Để đạt được kết quả như vậy, nhà máy Z125 đã trải qua nhiều khó khăn và một trong những yếu tố quyết định là chế tạo rãnh xoắn nòng.
Súng phóng lựu liên thanh AGS-17 do nhà máy Z125 chế tạo
Súng phóng lựu liên thanh AGS-17 do nhà máy Z125 chế tạo
Súng phóng lựu liên thanh AGS-17 được thiết kế và đưa vào sử dụng từ năm 1967 trong các lực lượng vũ trang Liên Xô. AGS-17 là loại súng phóng lựu liên thanh được đánh giá là có tốc độ sát thương mạnh, tốc độ bắn cao.
AGS-17 chuyên dùng để yểm trợ cho cho bộ binh, được gắn trên giá 3 chân hoặc trên các phương tiện chiến đấu, dùng loại đạn lựu 30 mm. Đạn được đặt trong thùng có sức chứa tới 29 quả và được gắn với súng. Nòng súng có thể tháo rời để tiện cho di chuyển. Giá 3 chân có cần nâng để súng có thể chuyển từ bắn thẳng sang bắn cầu vồng.
Súng phóng lựu AGS-17 có chiều dài 0,84m, đạt tầm bắn 800m với thước ngắm cơ khí hoặc 1,7km với kính ngắm quang học, tốc độ bắn 350-400 phát/phút.
4. Cải tiến xe tăng, xe thiết giáp
Nhằm tăng cường khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng tăng thiết giáp (TTG) trong tình hình mới, Cục Kỹ thuật binh chủng (Tổng cục Kỹ thuật) đã nghiên cứu cải tiến thành công số lượng lớn TTG hiện có.
Cục Kỹ thuật binh chủng chỉ đạo, tổ chức thu hồi, cấp phát, điều chuyển hàng trăm xe TTG, xe chuyên chở tăng; tiếp nhận, lắp đặt hơn 700 bộ đài thông tin liên lạc cho các đơn vị TTG toàn quân.
Hình minh họa máy thu phát vô tuyến điện sóng ngắn cầm tay VRP612 dùng cho quân đội để sử dụng liên lạc trong dải tần số từ 2MHz đến 11,9999MHz.
Hình minh họa máy thu phát vô tuyến điện sóng ngắn cầm tay VRP612 dùng cho quân đội để sử dụng liên lạc trong dải tần số từ 2MHz đến 11,9999MHz.
Công tác nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa tập trung cho các loại xe tăng T-54, PT-76, BMP-1; xây dựng cấu hình xe tăng T-54B cải tiến; khôi phục đồng bộ, nâng cấp tính năng kỹ thuật, chiến thuật cho các loại xe thiết giáp V-100, BTR-152, không chỉ phục vụ SSCĐ, mà còn làm nhiệm vụ phòng chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn.
Ngoài việc cải tiến, Tổng cục Kỹ thuật cũng đã nghiên cứu đồng bộ xe TTG và xây dựng quy trình công nghệ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất vũ khí trang bị kỹ thuật ngành TTG.
Sau đồng bộ, xe TTG đều có tình trạng kỹ thuật tốt, các hệ thống thiết bị đặc biệt trên xe như hệ thống bơi nước, thiết bị quan sát và ngắm bắn ban đêm, thiết bị chống cháy và phòng, chống vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ... được khôi phục tính năng ban đầu.
Theo ước tính đến năm 2010, Quân đội Việt Nam có 850 xe tăng loại T-54/55 do Liên Xô chế tạo. Ngoài ra, tại Việt Nam còn có khoảng 350 xe tăng hạng trung T-59, là phiên bản hiện đại hóa của T-54.
5. Cải tiến tàu đổ bộ Mỹ
Đại úy Vũ Văn Cường (máy trưởng tàu HQ-470), thuộc Lữ đoàn 127 Hải quân đã cải tiến thành công hệ thống hạ cửa tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8 do Mỹ chế tạo.
Với đề tài sáng kiến mang tên “Hệ thống hạ cửa đổ bộ tàu LCM-8”, Đại úy Cường đã thành công khi thực hiện các giải pháp kỹ thuật hệ thống hạ cửa tàu đổ bộ LCM-8 bằng thiết bị điện 24V-DC chỉ mất từ 1-1,5 phút và chỉ cần một người điều khiển, bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tàu của mình để giảm thời gian hạ cửa tàu đổ bộ. Đây là một sáng kiến mang đậm chất sáng tạo và góp phần không nhỏ vào việc chuyển trạng thái từ chuẩn bị đổ bộ sang đổ bộ cho các binh sỹ, bởi bình thường, hệ thống này muốn hạ phải mất từ 25-30 phút và cần đến 3 người.
Tàu đổ bộ cơ giới kiểu LCM-8 với cửa lớn ở mũi tàu dùng để các phương tiện, binh lính di chuyển lên bờ.
Tàu đổ bộ cơ giới kiểu LCM-8 với cửa lớn ở mũi tàu dùng để các phương tiện, binh lính di chuyển lên bờ.
LCM-8 là tên của loại tàu đổ bộ cơ giới cỡ nhỏ do Mỹ sản xuất từ năm 1959 và được viện trợ rất nhiều cho Hải quân quân đội Sài Gòn. Sau 1975, chúng ta đã thu giữ không ít loại tàu đổ bộ này và dù gặp nhiều khó khăn do thiếu linh kiện, phù tùng (Mỹ đang áp đặt lệnh cấm vận) nhưng chúng ta vẫn duy trì hoạt động các tàu LCM-8 cho tới tận ngày nay.
Tàu đổ bộ cơ giới LCM-8 có lượng giãn nước toàn tải 111,4 tấn, dài 22,26m, rộng 6,4m, mớn nước có tải 1,6m. Tàu trang bị 2 máy diesel cho phép đạt tốc độ tối đa 17 hải lý/h (có tải), thủy thủ đoàn chỉ cần 4-6 người, trang bị 2 đại liên 12,7mm. LCM-8 chở tối đa hơn 50 tấn gồm hàng hóa hoặc các phương tiện cơ giới.