Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Bùi Tín - kẻ tráo trở, xuyên tạc lịch sử



                         
 Bùi Tín, sinh năm 1927, là con của cố Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (cụ Bùi Bằng Đoàn). Thủa trẻ, ông ta được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện học tập, phấn đấu và từng bước trưởng thành với quân hàm đại tá, nhà báo, Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân Việt Nam. Năm 1990, khi được cấp trên cử sang dự hội nghị hằng năm của báo Nhân đạo (thuộc Đảng Cộng sản Pháp), Bùi Tín đã trốn ở lại để “ăn nhờ, ở đậu” ở nước mẹ Đại Pháp. Từ đó đến nay, Bùi Tín luôn tự cho mình là “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”. Dưới cái mác nhà báo tự do, Bùi Tín đã trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích hèn hạ của các thế lực chống cộng, ra sức xuyên tạc lịch sử, nói xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Nhưng “bàn tay không che nổi mặt trời”, bộ mặt tráo trở của Bùi Tín đã bị nhân dân Việt Nam, những người yêu chuộng công lý, hòa bình trên thế giới nhận rõ và lên án. Trong con mắt của họ, Bùi Tín là kẻ có tâm địa xấu xa, mưu toan “cõng rắn, cắn gà nhà”, “rước voi dày mả tổ”, phản bội lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam.
Vào ngày 30-4-2015, trong khi cả dân tộc Việt Nam hân hoan chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng (30-4-1975/30-4-2015), Bùi Tín lại trơ tráo đưa ra bài viết “Về ngày 30/4: Chỗ đứng của Đảng Cộng sản phải là vành móng ngựa” và được BBC nhanh nhảu đăng tải. Trong bài viết, Bùi Tín đã “cố gắng độc lập suy nghĩ bằng đầu óc tỉnh táo,…” và “chỉ lấy sự thật và lẽ phải làm mục tiêu”,… để đi đến kết luận là “Đảng Cộng sản Việt Nam đã liên tiếp phạm phải sai lầm này đến sai lầm khác”. Đó là: “đã sai lầm chọn chủ nghĩa Mác – Lê-nin,…”; “… chủ động gây nên cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn,… “; “đày đọa, trả thù hàng chục vạn viên chức và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa,…”, v.v. Cần phải khẳng định ngay rằng, đây là hành động trơ tráo, vô liêm xỉ, trắng trợn xuyên tạc sự thật lịch sử của Bùi Tín - kẻ trở cờ, bán nước hại dân. Vì sao nói vậy?
Thứ nhất, về cái gọi là sai lầm “lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lê-nin”(!) Cần khẳng định ngay rằng, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kết hợp đúng đắn giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Như vậy, cơ sở ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mang tính khách quan, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của cách mạng Việt Nam, có cơ sở chính trị, xã hội vững chắc. Vốn là người đã được nghiên cứu kỹ về mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tự nguyện viết đơn xin vào Đảng, có “44 năm ở trong Đảng Cộng sản”, là “Đại tá, nhà báo” chắc Bùi Tín chẳng bị mù, hay thiểu năng trí tuệ mà không biết. Từ năm 1930 đến nay, đứng vững trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phất cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đề ra cương lĩnh, đường lối đúng đắn, lãnh đạo nhân dân phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước chân chính, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, “đánh Pháp, đuổi Nhật”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, đóng góp quý báu vào phong trào giải phóng dân tộc, vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Việt Nam trở thành biểu tượng của nhân loại tiến bộ trong công cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức, bất công do chủ nghĩa thực dân cũ và mới gây ra. Đây là sự thật lịch sử không thể bác bỏ! Từ ngày 30-4-1975 đến nay, kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước Việt Nam “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, thành tựu về xóa đói giảm nghèo, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thế và lực mới của Việt Nam trên trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Trong vòng 40 năm (1975 - 2015), đất nước, con người Việt Nam đều đổi mới. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi những cuộc chiến tranh xâm lược và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thực dân, đế quốc, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng nước nghèo, trở thành nước phát triển trung bình, với tốc độ tăng trưởng GDP gần 7%/năm, thu nhập bình quân 2.200 đôla/người/năm (năm 2015); có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 54 dân tộc anh em luôn đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ, chung sức dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với trên 180 quốc gia, vùng lãnh thổ; là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước là ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; là thành viên có uy tin và trách nhiệm với nhiều tổ chức lớn trong khu vực và trên thế giới, v.v. Việt Nam là điểm sáng trong thu hút các nguồn vốn ODA, FDI từ các thể chế kinh tế, tài chính lớn của thế giới. Việt Nam luôn đồng hành cũng các dân tộc, quốc gia để bảo vệ hòa bình, xây dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và cùng nhau phát triển.
Thứ hai, về cái gọi là “… chủ động gây nên cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn”(!) Bùi tín biết rõ, sau khi Mỹ thất bại ở Việt Nam đã có nhiều nhà lịch sử, nhà khoa học, nhiều chính khách, tướng lĩnh trên thế giới, trong đó có cả của nước Mỹ đã đi tìm nguyên nhân. Câu trả lời mà họ nhận được là: Mỹ thua, bởi Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Việt Nam thắng, bởi Việt Nam đã tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chính nghĩa. Đó là sự thật khách quan.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ buộc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt nam (năm 1954); trong đó quy định rõ, năm 1956, Việt Nam sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, với âm mưu thế chân Pháp, xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam nhằm chia cắt Việt Nam thành hai miền, có hai chế độ khác nhau. Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa ký, chưa ráo mực, Mỹ - Diệm đã ra sức đàn áp, khủng bố nhân dân và chiến sĩ cách mạng miền Nam bằng súng, đạn và máy chém. Đế quốc Mỹ đã trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nền độc lập, thống nhất dân tộc Việt Nam lại đứng trước một thử thách to lớn. Quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”, cả dân tộc Việt Nam lại đứng lên “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Từ năm 1954 đến 30-4-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam ra trận đánh bại hết chiến lược chiến tranh này, đến chiến lược chiến tranh khác của đế quốc Mỹ. Thất bại của chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ, sử dụng pháp đài bay B.52, ném bom Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam, nhằm “đưa Hà Nội, miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá” đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (1973), rút quân về nước. Mỹ đã “cút”, nhưng ngụy chưa “nhào”. Với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ đã đổ đô-la, vũ khí và hệ thống cố vấn quân sự vào miền Nam Việt Nam, âm mưu biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Để đánh cho “ngụy nhào”, đập tan chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân Việt Nam đã liên tục tiến công và nổi dậy đánh tan hệ thống ngụy quân, ngụy quyền trên khắp miền Nam. Sau chiến thắng Phước Long (1974), thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã xuất hiện rõ. Mùa Xuân 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta mở đầu bằng đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột, phát triển đến chiến dịch Huế - Đà Nẵng và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30-4-1975, tổng thống của cái gọi là Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, miền Nam sạch bóng quân thù, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Thời khắc này là mốc son chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Điều này chắc Bùi Tín biết rõ và nhớ lắm. Ông ta trước đây từng nhận vơ là “sĩ quan cao cấp, nhà báo đầu tiên vào dinh Độc Lập” mà(!) Và cũng chính ông ta đã đăng nhiều bài viết trên Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân Dân để ca ngợi chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Thế mà, bây giờ chính ông ta lại phủ nhận điều đó. Đây chỉ có thể là hành động của những kẻ “trở cờ”, phản bội lại lợi ích của dân tộc, nhằm phục vụ cho những thế lực chống cộng. Sau ngày Chiến thắng (30-4-1975), có không cái gọi là “cuộc tắm máu”; sự ngược đãi những sĩ quan, nhân viên của chế độ cũ,… như Mỹ đã tuyên truyền và đến giờ Bùi Tín “sủa lại”? Không, không và không bao giờ có điều đó! Những luận điệu trên là phi thực tế, phi lịch sử, nhằm lừa bịp, kích động, bôi xấu bản chất của chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thế giới có câu châm ngôn, đại thể là: ai bắn vào lịch sử bằng súng lục, kẻ đó sẽ nhận ở tương lai bằng đại bác. Là một kẻ trở cờ, phản bội dân tộc, xuyên tạc, bôi đen lịch sử, chà đạp lên anh linh của hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam, Bùi Tín đã và đang “cõng rắn, cắn gà nhà”, “rước voi dày mả tổ”, nhất định bị nhân dân vạch mặt, lên án.

   Minh Quân

Ủy ban bảo vệ nhà báo lại đổi trắng thay đen



Mấy ngày qua, một số phương tiện truyền thông của các thế lực thù địch, các tổ chức thiếu thiện chí với VN lại thêm một lần hí hửng vì kiếm được miếng mồi ngon do cái gọi là Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York (Mỹ) quăng ra. Chẳng là mới đây, với sự hợp tác của Phân khoa báo chí Đại học bang Maryland, bắt đầu từ Viện Bảo tàng báo chí ở Washington, CPJ đứng ra phát động cái gọi là chiến dịch “tháo còng báo chí” với mục đích để “lưu ý mọi người về các nhà báo bị tù đày khắp nơi trên thế giới chỉ vì họ thông tin phục vụ lợi ích công cộng”. Kèm theo cái “chiến dịch” này, CPJ công bố danh sách chín người mà CPJ coi là đã “bị bỏ tù chỉ vì nhà cầm quyền sợ tự do thông tin báo chí”! Theo C.Radsch – Giám đốc vận động “chiến dịch” của CPJ, thì những người này “bị tù đày chỉ vì bị quy chụp cho tội chống nhà nước hoặc chỉ là trả thù”, rồi bà ta “hy vọng gia tăng áp lực quần chúng để đòi trả tự do cho họ, lôi cuốn sự quan tâm đến hàng trăm người khác đã bị các nhà cầm quyền của họ bịt miệng”!
Thật ra thì lâu nay các trò diễn của CPJ đã quá nhàm chán, song dẫu thế, mỗi khi CPJ diễn trò thì vẫn phải lên tiếng, nhất là khi tổ chức này nấp dưới danh nghĩa “bảo vệ nhà báo” để xuyên tạc hoạt động báo chí tại VN. Như trong cái danh sách có chín người kia chẳng hạn, không biết tại sao CPJ lại đưa vào đó Tạ Phong Tần - người đang phải chấp hành án tù vì đã có hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự? Bởi trước hết Tạ Phong Tần không phải là nhà báo, chị này chỉ là một blogger. Báo chí VN đã vạch rõ blog chị ta lập ra “là nơi chứa đựng những quan điểm sai trái, những luận điệu vu khống xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và hơn hết, là nơi để Tạ Phong Tần kiếm “đô-la” từ những thế lực cực đoan, phản động ở nước ngoài”. Báo chí VN cũng công bố rất cụ thể điều Tạ Phong Tần đã từng thừa nhận: “Tính đến tháng 5-2009, tôi đã viết 864 bài trên blog Công lý – Sự thật. Viết và trả lời cho các đài phát thanh BBC, RFI, RFA trên 100 bài. Cứ mỗi bài, BBC trả tôi 28 bảng Anh (khoảng 40 USD). Tổng cộng từ năm 2007 đến nay, tôi nhận được gần 15.000 USD từ nhiều báo, đài như vừa kể”. Năm 2012, tại phiên tòa xét xử Tạ Phong Tần, công tố viên khẳng định chị ta cùng đồng bọn đã “bóp méo sự thật về Đảng và Nhà nước, tạo ra sự bất an trong quần chúng nhân dân và tiến hành các âm mưu nhằm lật đổ chính phủ”, tòa án cũng cho rằng chị ta cùng đồng bọn đã “gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế”. Vì thế, bản án 10 năm tù cùng 5 năm quản chế mà tòa tuyên phạt là đúng người, đúng tội.
Xét đến cùng, việc CPJ nhập nhằng giữa nhà báo với người viết blog chính là cố tình đổi trắng thay đen để biện hộ cho người đã có hành vi vi phạm pháp luật VN. Bằng vào việc làm của CPJ, có thể nhận ra bản chất xấu xa của quá trình biến một blogger thành “nhà báo”, rồi không phân biệt việc làm của “nhà báo” đó với hành vi vi phạm pháp luật nhằm vu cáo Nhà nước VN. Cho nên, nếu thật sự có lương tri trong việc “bảo vệ nhà báo” thì CPJ đã không hành xử như vậy!
Phương Huyền 

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Biểu tượng niềm tin của một dân tộc

Thành Công
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc VN luôn tôn kính, nặng nghĩa ân tình, biết ơn những bậc tiền nhân đã có công khai thiên lập địa, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước và giữ gìn giang sơn gấm vóc VN trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đạo lý biết ơn đó đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người Việt, trở thành một trong những nét nhân cách văn hóa đặc trưng tiêu biểu của dân tộc VN.
Những nhân vật lịch sử tiêu biểu đó đã in đậm vào trong tiềm  thức của mọi người dân, được nhân dân tôn kính, thờ phụng ở rất nhiều nơi. Trong đó, Quốc tổ Hùng Vương được thờ phụng ở hơn 1.400 di tích; “Đức thánh Trần” Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ phụng ở hơn 400 làng xã và di tích lịch sử tại nhiều địa phương. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo thống kê của các cơ quan chức năng đã có hơn 600 di tích, địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ tại gần 30 tỉnh, thành phố; 103 tượng đài Bác Hồ được xây dựng trong khuôn viên, trụ sở của các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc. Một câu hỏi đặt ra là, tại sao các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, đặc biệt là Quốc tổ Hùng Vương, Trần Quốc Tuấn và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được nhân dân ta tôn kính, thờ phụng ở khắp nơi như vậy? Bởi vì trong thực tế cho thấy, các vua Hùng đã có công khai cơ lập quốc, xây nền đắp móng cho giang sơn VN từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc để Tổ quốc ta trường tồn đến hôm nay và mai sau. Trần Quốc Tuấn là vị anh hùng dân tộc gắn liền với 3 lần chiến thắng quân xâm lược Mông-Nguyên, để lại một dấu son chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc VN và mang tầm thời đại ở thế kỷ XIII. Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất ở thế kỷ XX; người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản VN; người khai sinh ra nước VN dân chủ cộng hòa, chế độ dân chủ công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á; người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc VN.
Đúng như những đánh giá ở trên, lịch sử vốn khách quan, lòng dân là công tâm nhất. Không ai có thể phong “thánh” cho ai, mà “thánh” xuất phát từ lòng dân, sống mãi trong lòng dân. Thế nên, dân gian mới có câu “Thương dân, dân lập đền thờ…”. Lòng dân VN đối với Bác Hồ, có lẽ không câu nào sâu sắc hơn câu đối mà ông Nguyễn Văn Từ đã viết cách nay 55 năm, nhân dịp mừng sinh nhật Bác tròn 70 tuổi (19-5-1960) “Lo vì Dân, nghĩ vì Dân, vui khổ cũng vì Dân, dốc chí thờ Dân, công Bác với Dân thiên thu bất tận/ Bố gọi Bác, con gọi Bác, cháu chắt lại gọi Bác, nối dòng theo Bác, lòng Dân mong Bác vạn thọ vô cương”. Nhân dân VN tôn kính Bác Hồ như một tình cảm tự nhiên, vì Người đã làm “rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Nhưng không chỉ có vậy, tên tuổi Hồ Chí Minh đã vượt qua biên giới lãnh thổ VN, lan tỏa sâu rộng trên nhiều nước và trở thành một trong những nhân vật mang dấu ấn thời đại. Dưới đây là những minh chứng cụ thể cho điều đó:
Tờ New York Times, số ra ngày Chủ nhật 9-5-1954 viết: " Người không những là thần tượng của nhân dân VN mà còn được Pháp công nhận là người phát ngôn đầu tiên của VN... Người VN này từng để lại ấn tượng sâu sắc và đặc biệt có cảm tình đối với các quan chức và nhà báo nước ngoài. Một người Pháp, sau này trở thành Cao ủy Pháp tại Đông Dương, cũng phải thừa nhận ông Hồ là người có tính cách rất mạnh mẽ và đáng tôn kính...Ngày nay, không một tên tuổi nào ở Châu Á lại nổi tiếng như nhà cộng sản và dân tộc chủ nghĩa lão thành Hồ Chí Minh. Người chính là biểu tượng, là nhân vật truyền thuyết hơn là một con người bằng da bằng thịt".
Tạp chí Time, số ra ngày 22-11-1954 đã đăng trên trang bìa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành năm trang nói về thân thế và sự nghiệp cùng với việc VN chiến thắng Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tạp chí này nhấn mạnh: "Với thắng lợi (Điện Biên Phủ), uy tín của Ông Hồ Chí Minh đã vươn tới đỉnh cao mới tại Châu Á. Các nhà dân tộc chủ nghĩa tại nhiều nước, mặc dù họ chống cộng, cũng không thể không lấy làm tự hào trước chiến công của một quân đội một nước Châu Á đánh bại những kẻ từng là "ông chủ" của họ từ Châu Âu tới... Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, lực lượng Việt Minh đã có được một quân đội chiến đấu trong rừng có hiệu quả nhất Đông Nam Á, có vị tướng tài ba nhất Đông Nam Á là Võ Nguyên Giáp, có một tổ chức chính trị vững chắc nhất do Hồ Chí Minh đứng đầu và có trình độ lãnh đạo lão luyện".
Tờ New York Times, số ra ngày Chủ nhật 28-3-1965, trong bài Bác Hồ bất chấp chú Sam, đã viết: "Khuất trong rặng hoa và cây xanh bao quanh tòa nhà của cựu Toàn quyền Pháp ở Hà Nội là một ngôi nhà nhỏ với những đồ đạc giản dị. Trước đây là căn phòng của người làm vuờn, nay là nhà của một cụ già mảnh khảnh có nụ cười luôn ấm lòng người khác. Cụ chính là người đã phá tan hệ thống thuộc địa Pháp ở Đông Dương và giờ đây lại bất chấp sức mạnh của Mỹ trong cuộc chiến tranh mới, có thể là tiền đề cho một sự sụp đổ hoặc một chiến thắng vĩ đại nhất". 
Tờ Washington Post, có số phát hành và ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ, sau Lễ tang Bác tháng 9 năm 1969, đã viết: "Không một nhà hoạt động lớn nào trong thập kỉ cách mạng dân tộc đầy sôi động này lại sống lâu, có ảnh hưởng lớn trên thế giới, thực hiện nhiều sách lược đường lối với nhiều thách thức to lớn như vị lãnh tụ cộng sản VN - Ông Hồ Chí Minh. Con người mảnh khảnh,nhưng đôi mắt tinh anh sáng rực, đã trải qua nhiều nghề nghiệp, từ khi còn là bồi bàn trên tàu thủy, rồi làm nghề rửa bát, cấp dưỡng, giáo viên, thợ rửa ảnh và trở thành nhà tổ chức không mệt mỏi, vươn lên trên những nhân vật đương thời".
Tờ New York Times, số ra ngày 4-9-1969: "Trong số các chính khách của thế kỉ 20, ông Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ, dẻo dai và lòng kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho VN và thành công trong việc dung hòa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc".
Trong bài viết “Hồ Chí Minh - Chiến thắng một tầm nhìn” trên Tạp chí In Asien của Đức, tác giả Dierk Szekielda nói rằng sự ngưỡng mộ của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với nhân dân VN đầy sức sống đã thôi thúc ông viết bài báo này. Ông ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước và là người soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân VN, một người có phẩm chất phi thường.
Nhà báo Canađa George Fogarasi kể lại trong bài “Con phượng Hoàng của Bác Hồ đứng dậy từ tro tàn của cuộc chiến tranh” trên Tờ The Straits Times của Singapore: “Tôi hỏi một người đạp xích lô về Bác Hồ, người này đã có thời kỳ đi học tập cải tạo vì từng đứng trong hàng ngũ của chế độ Sài Gòn cũ. Nhưng anh vẫn kính trọng đạo đức của Bác Hồ, và gọi Bác là một người VN chân chính”.
Trên Tờ Time (Mỹ), nhà báo, tác giả cuốn “VN - Một lịch sử” Stanley Karnow đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành giản dị. Nhưng Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: Mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Không có sự dao động trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển ý chí của Người, ngay cả khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất nước, người vẫn giữ niềm tin đối với nền độc lập của VN. Dưới con mắt phương Tây, điều dường như không thể tưởng tượng được là Hồ Chí Minh có thể cống hiến sự hy sinh to lớn như ông đã làm”. Và Time đã bình chọn Bác Hồ là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX.
Xã luận trên tuần Báo Bằng chứng Thiên Chúa giáo viết “Cụ Hồ Chí Minh là một trong những chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ 3, của các dân tộc nghèo đói và khát khao cuộc sống cho ra con người”.
Tờ Manila Times thì viết: “Cụ Hồ là một biểu tượng của Châu Á. Không những Cụ đã thành công trong sự lãnh đạo một cách mẫu mực, toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của nhân dân mà còn nêu một chân lý chưa từng thấy: Một dân tộc dù nhỏ bé nếu có quyết tâm thì có thể chống lại cả những cường quốc quân sự mạnh nhất”.
Tờ Tiến lên của Xri Lanca nhận định: “Người (Hồ Chủ tịch) đã làm nên lịch sử hiện đại, là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại chúng ta. Sự lãnh đạo lâu dài và vẻ vang của Người trong cuộc đấu tranh giành tự do ở VN có ảnh hưởng không chỉ đối với VN mà còn ảnh hưởng với quá trình phát triển các sự kiện toàn thế giới”.
Đặc biệt, tháng 8 năm 1969, nhà quay phim Ishigaki Misao, người Nhật nói: " Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh làm khán giả Nhật Bản đặc biệt ấn tượng. Đó là hình ảnh tấm lòng người dân VN đối với lãnh tụ trong Ngày Quốc tang, nỗi đau đớn tiếc thương không cần dùng lời bình để tả "...
Cách đây 32 năm, sau khi tập hợp ý kiến của 300 nhà khoa học trên thế giới, cuốn từ điển tiểu sử mang tên “Văn hóa thế kỷ XX” (XXth Century culture) được Nhà xuất bản Harper and Row (Mỹ) xuất bản năm 1983, trong đó có tiểu sử Hồ Chí Minh. Được xếp vào tiểu sử danh nhân văn hóa thế giới, vì ý kiến của 300 nhà khoa học đều có chung nhận định: “Hồ Chí Minh là người khởi xướng, giương cao ngọn cờ giải phóng các dân tộc thuộc địa và trở thành người dẫn đường chủ chốt được mặc nhiên thừa nhận và kính trọng của châu Á và của thế giới thứ ba”.
Cuối tháng 12-1999, khi nhân loại sắp kết thúc thế kỷ XX và thiên niên kỷ thứ hai để bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba, tờ The Times (Thời báo) hàng đầu nước Mỹ cùng Hãng truyền hình CBS đã công bố 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ XX. Đây là kết quả được bầu chọn bởi 7 triệu người dân của nhiều nước trên thế giới. Trong số 100 nhân vật được bầu chọn, The Times lại chọn ra danh sách 20 nhà lãnh đạo và nhà cách mạng có uy tín nhất thế giới, trong đó có Hồ Chí Minh.  
Lòng thương người bao la mang tầm nhân loại của Hồ Chí Minh đã được minh chứng bằng cả cuộc đời hoạt động vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của người VN và nhân dân lao động trên thế giới. Bản thân cuộc sống riêng tư khiêm tốn, bình dị, trong sáng của Người, ngay cả khi đã đứng ở đỉnh cao của quyền lực nhưng không bị quyền lực làm cho tha hóa, cũng đủ cho thấy sự đồng cảm sâu lắng của Người đối với con người lao động bình thường. Một nếp nhà sàn nhỏ bằng gỗ, một đôi dép lốp cao su, hai bộ quần áo vải kaki bạc màu và chỉ một ham muốn, một ham muốn suốt đời sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Với lòng ngưỡng mộ Bác Hồ như vậy, bên cạnh việc đặt tên đường, tên trường học, tên quảng trường, tên vườn hoa, tên công viên mang danh “Hồ Chí Minh” ở nhiều nước trên thế giới, đến nay có 15 nước thuộc các chế độ khác nhau ở nhiều châu lục như: Nga, Pháp, Anh, Cu-ba, Thái Lan, Phi-líp-pin, Mông Cổ, Mê-xi-cô, Xri Lan-ca, Ma-đa-gát-xca… đã dựng tượng đài Hồ Chí Minh.
Thưa các bạn, những “con số biết nói” trên đây như những minh chứng rõ ràng hơn về Hồ Chí Minh đã nằm trong trái tim nhân dân VN và bạn bè quốc tế sâu sắc đến nhường nào!. Trong khuôn khổ bài viết khó có thể nói hết tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy vậy, những dẫn chứng trên đây thêm một lần khẳng định: Nhân dân ta kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh như một tình cảm và sự tôn kính tự nhiên và rất đỗi thiêng liêng. Vì Người là tinh hoa của lịch sử dân tộc mấy ngàn năm hội tụ, là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng VN và là biểu tượng văn hóa bất tử của dân tộc VN. Lý tưởng, niềm tin, lẽ sống của Bác Hồ là lý tưởng, niềm tin và lẽ sống của cả dân tộc VN cũng như  tình cảm và sự ngưỡng mộ của nhân dân thế giới dành cho Người là những dẫn chứng cụ thể không thể phủ nhận. Chính vì vậy khi đụng chạm đến biểu tượng niềm tin của một dân tộc VN là đụng chạm đến tình cảm thiêng liêng, sâu đậm của hàng triệu con người. Thế nên, theo thời gian, dù đã sử dụng bất kỳ thủ đoạn nào đi chăng nữa, những tiếng nói “lạc bầy”, cố ý bôi nhọ, xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ không bao giờ được lòng dân VN chấp thuận. Trong hoàn cảnh đó lại càng làm khắc sâu thêm lòng tôn kính của nhân dân và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.