Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Kỳ vọng về con rồng châu Á mới

20 năm trước, Australia đã rất kỳ vọng Việt Nam trở thành "con rồng châu Á" mới khi dành riêng những ưu tiên, cơ hội về thương mại, kinh tế.
Trong suốt giai đoạn những năm khó khăn của thời kỳ bao vây, cấm vận kéo dài, từ những năm cuối thập niên 1970 cho đến đầu những năm 1990, Việt Nam vẫn có những cánh cửa mở cơ hội hợp tác với bên ngoài.
Tháng 5/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm chính thức Australia. Đó cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sau 20 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ông Kiệt đã trở về mang theo những cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế, đầu tư. Nhưng không phải từ chuyến thăm này, Australia trước đó là một trong những nước sớm bãi bỏ lệnh cấm buôn bán với Việt Nam (1991), ký kết nhiều hiệp định khi Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận.
Cơ hội
Những công ty của Australia đã tiên phong, mở đường cho làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.

       
Doanh nghiệp Australia đi tiên phong, mở đường cho làn sóng đầu tư ớm mạnh mẽ vào Việt Nam    

Như Telstra những năm 1980 đã đầu tư hàng trăm triệu đô la, giúp thiết lập mạng viễn thông đầu tiên của Việt  Nam. Hay BHP là một trong những công ty dầu khí phương Tây đầu tiên thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, ANZ mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam ngay từ những ngày đầu khi luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam có hiệu lực...
Đã có những cú hích mở ra nhiều tham vọng về biên độ quan hệ giữa hai nước, trong đó, Australia đã từng kỳ vọng Việt Nam trở thành "con rồng châu Á" mới sau Trung Quốc.
Trong thập niên 1990, đã có nhiều hội thảo, hội nghị xúc tiến, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh được tổ chức theo nhiều kênh ở cả hai nước. Có những doanh nghiệp Australia năng động tự tổ chức kênh tiếp cận tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. Thậm chí có những doanh nghiệp Việt kiều cũng đã bắt sóng để làm mối cho nhà đầu tư Australia đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư.
Một trong những lĩnh vực từng được Australia rất ưu ái dành cho Việt Nam là dệt may. Trong khi dành những ưu ái lớn cho thị trường Trung Quốc 30 năm về trước với kỳ vọng nước này trở thành con rồng châu Á hàng đầu, thì với Việt Nam, Australia cũng muốn dành những cơ hội riêng với kỳ vọng về một con rồng châu Á mới nổi lên sau Trung Quốc.

       
   

"Họ không muốn dành hết ưu đãi cho Trung Quốc. Trong khi dệt may là lĩnh vực người Australia tin Việt Nam có thể làm tốt hơn vì tay nghề khéo léo" - một nhân viên từng làm trong Bộ Ngoại giao nước này những năm 1990 kể với VietNamNet.
Có những kết nối thành công về kinh tế, thương mại song phương. Nhưng đã có không ít cơ hội lớn bị bỏ lỡ. Như dệt may sau đó doanh nghiệp Australia chuyển hướng đầu tư sang thị trường Trung Quốc. Trong suốt thập niên qua, Bắc Kinh làm mưa gió, thống lĩnh vị trí công xưởng gia công số 1 không chỉ cho thị trường của Australia
Một công ty khoáng sản lớn của nước này cũng kể họ đã từng đặt kỳ vọng, đầu tư chi phí cơ hội nhưng sau cùng lại phải dừng chân ở cửa thị trường Việt Nam vì không thích ứng được tập quán kinh doanh thời kỳ đầu của nền kinh tế thị trường.
Lý giải cho những cơ hội bỏ lỡ, cựu nhân viên ngoại giao trên cho rằng, về cơ bản Việt Nam khi đó mới đang trong giai đoạn đầu mở cửa nền kinh tế thị trường. Đó là giai đoạn khi những yếu tố kỹ thuật cơ bản của một nền kinh tế muôn thu hút FDI vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Luật pháp về kinh doanh chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính cồng kềnh, cơ chế xin-cho chi phối, cơ sở hạ tầng kém phát triển, tham nhũng, hối lộ...là những điểm nghẽn khiến nhưng cơ hội đến rồi lại đi.
Có những cuộc rút lui khỏi thị trường Việt Nam, không tiếp tục mở rộng hoạt động của những doanh nghiệp Australia như Telstra.
Gió đổi chiều
Song sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm đổi mới đã và đang làm "gió đổi chiều".
Jimmy Jackson, Tổng giám đốc phát triển và thương mại hóa sản phẩm của công ty Woolmark thuộc sở hữu của Tổ chức Đổi mới len tại Australia - tổ chức dệt may len hàng đầu thế giới từng đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư từ năm 1994.

       
Ông Jimmy: Thập kỷ tới sẽ là của Việt Nam    

Đã có những mối quan hệ Jimmy thiết lập từ giai đoạn đó như Vinatex (Tập đoàn dệt may Việt Nam). Ông cũng từng đến làm việc tại trụ sở Bộ Công nghiệp Việt Nam để tìm kiếm hậu thuẫn, ủng hộ.
Nhưng quyết định đầu tư năm đó lại dành cho thị trường Trung Quốc. “Lúc đó, chúng tôi mải mê với Trung Quốc” - ông kể.
18 năm từ chuyến thăm đó của Jimmy, Woolmark mới chính thức bước vào thị trường Việt Nam.
2012 là năm Woolmark triển khai dồn dập các kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam. Nói về thị trường này, vị tổng giám đốc khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Bây giờ là thời của Việt Nam”.
"Chúng tôi đến muộn hơn những công ty khác. Nhưng chúng tôi không nghĩ không còn cơ hội nào. Thập kỷ tới sẽ là của Việt Nam. Chắc chắn sẽ có rất nhiều sự quan tâm dành cho thị trường này" - Jim nói.
Theo lời doanh nghiệp này, cách đây 40-50 năm, Nhật Bản thống lĩnh về sản xuất dệt may. Những năm 80, cuộc đổi ngôi dành cho Đài Loan và Hàn Quốc. Sau đó những năm 90 là của Trung Quốc. Và giờ là Việt Nam.
Jimmy đưa ra 5 cơ sở cho nhận định về yếu tố "thắng" của thị trường Việt Nam. Đó là: rủi ro về chủ quyền thấp, cơ sở hạ tầng và công nghiệp sản xuất dệt may đã được thiết lập tốt, nguồn lao động có kỹ năng dồi dào, sản phẩm dệt may và xuất khẩu phát triển phong phù, nhiều cơ hội thương mại quốc tế lớn như là nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Mỹ sau Trung Quốc, đặc biệt Việt Nam đã ký các hiệp định kinh tế với Nhật Bản, tham gia FTA của ASEAN với Hàn Quốc.
Trong khi đó, Mike Smith, CEO của Ngân hàng ANZ ngồi trong trụ sở đầu não của ANZ ở Docklands, Victoria, Australia, không thể bỏ mắt khỏi những thông tin từ thị trường Việt Nam. Nền kinh tế ảm đạm kéo dài 3 năm qua ở Việt Nam cùng những biến động của thị trường tiền tệ, đặc biệt sức khỏe của tiền đồng làm ông quan tâm đặc biệt.
"Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn. Một trong những thách thức là chỉ số lạm phát còn khá cao. Dù đã được kiểm soát nhưng chỉ số hiện tại so sánh với các nước trong khu vực rõ ràng vẫn là chỉ số cao"- ông Mike nói.  

       
Theo CEO ANZ, việc củng cố cơ sở hạ tầng, cải thiện các hệ thống, chống tham nhũng mạnh mẽ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nữa với các nhà đầu tư nước ngoài    

Điều doanh nghiệp này trông đợi là giai đoạn khó khăn của nền kinh tế Việt Nam sớm qua đi, tiền đồng ổn định và nền kinh tế sẽ tiến nhanh hơn trong 5 năm tới. Đó là nền tảng cho những chiến lược sắp tới mà ANZ đã định sẵn.
Woolmark và ANZ khác nhau kiểu “người mới - người cũ”. Nhưng trong bản kế hoạch chiến lược phát triển ở thị trường Việt Nam của cả hai, có rất nhiều gạch đầu dòng.
Ông Mike kỳ vọng: “Việt Nam có những tiềm năng để phát triển thành công. Nhưng ngay lúc này, hãy nhanh chóng củng cố cơ sở hạ tầng, cải thiện các hệ thống, chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa”.
Kể từ khi thiết lập bang giao, đến nay, Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác kinh tế thương mại quan trọng của nhau, trong đó kim ngạch thương mại tăng trưởng mạnh mẽ trên 20% mỗi năm và đạt trên 5 tỷ đô la vào năm 2012, tăng 150 lần so với hơn 20 năm trước.
Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 15 của Australia, Australia là đối tác thương mại thứ 13 của Việt Nam. Hiện nay, với tổng số vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Australia là nhà đầu tư lớn thứ 21 của Việt Nam.
Sau bản hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia cùng ASEAN ký với Australia năm 2009, việc cả hai đang cùng hướng tới Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hứa hẹn sẽ mở ra những bứt phá về trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư.
Xuân Linh

Góp ý nội dung tôn giáo trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

(VOV) - So với điều 70 của Hiến pháp hiện hành, điều 25 của Dự thảo sửa đổi hiến pháp đã có bước tiến rõ rệt.
Quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung lớn được thể hiện trong các bản Hiến pháp kể từ khi lập nước tới nay và tiếp tục được khẳng định tại Điều 25 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong những ngày qua, các tổ chức tôn giáo trên cả nước đã có những đóng góp cụ thể đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Ghi nhận những bước tiến căn bản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, 2 vấn đề nhận được nhiều ý kiến hiện nay là tài sản hợp pháp và tư cách pháp nhân của các tôn giáo.
So với điều 70 của Hiến pháp hiện hành, điều 25 của Dự thảo sửa đổi hiến pháp đã có bước tiến rõ rệt. Đó là ý kiến của nhiều vị chức sắc và các tín đồ tôn giáo.
Với việc thay đổi cụm từ “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” bằng cụm từ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, bản chất của vấn đề đã thay đổi căn bản. Ông Bùi Thế Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Hà Nội cho rằng: “Thay cụm từ “công dân” bằng cụm từ “mọi người” là thể hiện một cách chính xác quyền của mọi người đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với người công giáo, trẻ em khi mới sinh ra được lãnh nhận bí tích rửa tội để trở thành người công giáo hay những người bị tù tội dù mất quyền công dân nhưng họ vẫn mong muốn được thực hiện những nghi thức tôn giáo trong quá trình chịu án phạt của mình”.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Theo PGS - TS Ngô Hữu Thảo – Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo của Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam, viết như vậy thiên về trách nhiệm cá nhân. Do đó, phải nói rõ hơn là “Không một tổ chức hoặc cá nhân nào được xâm phạm tự do, tín ngưỡng tôn giáo”.
Việc sửa đổi như vậy nhằm xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật đều bị xử lý trước pháp luật.
Liên quan đến tài sản tôn giáo, PGS - TS Ngô Hữu Thảo cho rằng, tài sản của tôn giáo bao gồm cả cơ sở thờ tự và nơi làm việc. Vì vậy, nếu Dự thảo viết rằng “Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ” là chưa đầy đủ.
“Các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng tôn giáo theo tôi nên viết là các cơ sở hợp pháp của tín ngưỡng tôn giáo. Bởi vì các tôn giáo có nhiều cơ sở. Nhiều tôn giáo cơ sở thờ tự chính là cơ sở chung của tôn giáo và thường dành làm nơi thờ tự. Tuy nhiên, một số tôn giáo khác ngoài cơ sở thờ tự, còn có trụ sở làm việc. Do đó, nên viết là “Các cơ sở hợp pháp của tín ngưỡng tôn giáo được pháp luật bảo hộ”, thay vì “cơ sở thờ tự của tín ngưỡng tôn giáo”, PGS - TS Ngô Hữu Thảo nói.
Liên quan đến tư cách pháp nhân của các tôn giáo, một số ý kiến đề nghị thay cụm từ “Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” thành “Tổ chức tôn giáo hợp pháp có tư cách pháp nhân và bình đẳng trước pháp luật”, bởi vì, tôn giáo không phải là chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật.
Hơn nữa, việc quy định tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân sẽ tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo, qua đó góp phần cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội.
Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa nhiều mặt trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều 25 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 liên quan trực tiếp và điều tiết mối quan hệ chính trị - xã hội của các thành phần tôn giáo. Đây sẽ là định hướng để hình thành các văn bản luật liên quan đến mối quan hệ tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh tình hình mới./.
Hương Giang - Lại Hoa/VOV – Trung tâm tin

Xuất siêu tháng 1/2013 cao kỷ lục: Không nên mừng vội!

(GDVN) - Theo báo cáo chi tiết tình hình xuất nhập khẩu tháng 1/2013 của Tổng cục Hải quan, mức xuất siêu tháng 1/2013 của cả nước gần bằng cả năm 2012 là 780 triệu USD. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng không phải xuất siêu là thu được nhiều tiền.
Theo báo cáo chi tiết tình hình xuất nhập khẩu tháng 1/2013 của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 1 cả nước đạt 11,47 tỷ USD, tăng 10,8% so với tháng 12/2012 và tăng 54,7% so cùng kỳ 2012.
Mức xuất siêu tháng 1/2013 của cả nước gần bằng mức xuất siêu của cả năm 2012 là 780 triệu USD. Nhân định về "kỷ lục" này, TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế cho rằng việc xuất siêu trong tháng 1 vừa qua cũng là điều dễ hiểu. Thông thường mặt hàng nhập khẩu tháng Tết thường ít hơn và các doanh nghiệp đều nhập khẩu về trước đó.
Hơn nữa, tháng 1 các mặt hàng dệt may và nhóm hàng điện tử các loại và linh kiện là 2 nhóm hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu cao vì những nhóm hàng này đều nằm trong diện “trả đơn hàng”. Theo lý giải của ông Phong, những hợp đồng đã ký với nước ngoài trước đó và doanh nghiệp phải trả hàng. Còn các mặt hàng về sản xuất chưa nhiều vì nhu cầu sản xuất cũng chưa cao vào dịp đầu năm.
Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng con số trên cũng chưa thể đánh giá được tình hình kinh tế năm nay sẽ hơn năm ngoái bởi một tháng không thể so sánh với một năm. Hơn nữa, phần lớn các sản phẩm xuất siêu trong tháng 1 chủ yếu là hàng gia công, hàng dệt may, linh kiện.
Mặc khác, nhìn tổng quan những mặt hàng xuất khẩu này không bền vững vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài về và hưởng lợi nhuận lắp ráp, gia công thêm. Nguồn lợi từ mặt hàng này không cao. Vừa có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, vừa phải phụ thuộc lớn lượng nguyên vật liệu nhập từ bên ngoài rõ ràng, hiệu quả xuất khẩu không cao và cũng không bền vững.
Cũng theo Ts Nguyễn Minh Phong, con số xuất siêu chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp FDI. Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài khối doanh nghiệp FDI trong tháng 1 đã xuất siêu 350 triệu USD (không kể dầu thô) và con số xuất siêu lên tới 1,07 tỷ USD nếu tính cả xuất khẩu dầu thô.
B.A



Tự tin với công nghệ Việt Nam

Có những công nghệ, kỹ thuật trước đây vốn chỉ do người nước ngoài đảm nhận thì nay các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trẻ Việt Nam đã tự tin tạo ra những thiết bị “made in Việt Nam” đáng tự hào.
“Viên gạch” đầu tiên
Để lại cho người đối diện ấn tượng về sự giản dị, kỹ sư Bùi Hoàng Điệp - “nhạc trưởng” của công trình giàn công nghệ Trung tâm Hải Thạch - thuộc dự án Biển Đông 1, tổ hợp giàn khoan dầu khí lớn nhất Việt Nam tính đến nay - nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: “Đây là công trình thể hiện khả năng và trí tuệ tập thể của những kỹ sư dầu khí Việt Nam”.
Phát biểu tại lễ hạ thủy công trình vào năm 2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, đây là “viên gạch” đầu tiên chongành cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí Việt Nam tiến ra thế giới. Còn theo kỹ sư Bùi Hoàng Điệp, công trình giàn công nghệ Trung tâm Hải Thạch có ý nghĩa to lớn với Công ty CP dịch vụ cơ khí hàng hải - PTSC M&C (thuộc Tổng công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí - PTSC) và ngành dầu khí. Vì những công trình có khối lượng lớn như thế này chưa từng được thi công, tổ hợp và hoàn thiện tại Việt Nam bởi chính các kỹ sư và công nhân Việt Nam.

Đáng nói hơn, khi nhận dự án từ chủ đầu tư, điều kiện cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, kinh nghiệm và trình độ quản lý của PTSC M&C để thực hiện dự án giàn khoan khổng lồ này gần như ở số 0. Không chỉ thiếu máy móc, thiết bị, công cụ đặc chủng, phần lớn các kỹ sư đều còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm. Ngay cả hạ tầng nền bãi của PTSC M&C cũng không đủ “tải” để đặt được những cần cẩu có sức nâng tới 1.300 tấn.

    
      Biển Đông 1 là một dự án phát triển mỏ tại lô 5.2 và 5.3 ở khu vực bể Nam Côn Sơn, bao gồm 3 giàn cố định bằng thép ở độ sâu 133 mét nước: giàn đầu giếng Mộc Tinh 1 (WHP-MT1), giàn đầu giếng Hải Thạch 1, giàn công nghệ Trung tâm Hải Thạch (PQP-HT). PTSC M&C đóng vai trò là tổng thầu - EPCI cho cả 3 hạng mục giàn trên. Tổng khối lượng chế tạo, lắp đặt của dự án Biển Đông 1 lên tới 60.000 tấn, trong đó riêng chân đế giàn công nghệ Trung tâm Hải Thạch nặng 16.500 tấn, khối thượng tầng nặng 14.000 tấn. Để hoàn thành giàn công nghệ Trung tâm Hải Thạch, PTSC M&C đã dùng 11.000 bản vẽ thiết kế.      
   
   
Với sự điều hành hợp lý và hiệu quả, vừa gấp rút gia cố nền bãi vừa triển khai thi công, đồng bộ từ thiết kế thi công đến đàm phán thương mại, mua sắm thiết bị; dự án đã về đích với tiến độ kỷ lục trong 26 tháng. Thời gian cao điểm, có đến 3.300 kỹ sư, công nhân ngày đêm làm việc, với hơn 100% sức lực.
Thành công từ sức trẻ
Anh Điệp cho biết, phương thức chế tạo giàn khoan được PTSC M&C áp dụng cũng là phương thức chế tạo giàn khoan hiện nay trên thế giới, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất. Nhiều vật liệu mới lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam cũng đã được anh em kỹ sư, công nhân mày mò lắp đặt thành thạo. Thành công của dự án bởi thế là một dấu mốc lớn, khẳng định tay nghề cơ khí trong chế tạo giàn khoan lớn của các kỹ sư, công nhân Việt Nam.
“Thành công của dự án Biển Đông 1 là động lực cho chúng tôi tiếp cận, chào thầu các dự án khác trong và ngoài nước có quy mô tương tự hoặc lớn hơn, phức tạp hơn”, anh Điệp tự tin.
Niềm tự hào của người “nhạc trưởng” này là có đội ngũ kỹ sư trẻ với kiến thức cơ bản, khả năng ngoại ngữ tốt, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm. “Chúng tôi đã cho anh em thấy những khoảng trống cần lấp đầy trong hành trang vào nghề, vào đời của họ để cùng cố gắng nỗ lực, nghiên cứu, bàn bạc, chia sẻ, đào tạo. Đặt niềm tin vào tuổi trẻ đúng lúc, đúng chỗ là điểm mấu chốt cho thành công của dự án Biển Đông 1, dự án đầu tiên do người Việt thực hiện hoàn toàn”, anh Điệp tâm sự.
Mai Hà - Thu Hằng

Thị trường điểm sáng XK Việt Nam

Châu Á-Thái Bình Dương được coi là thị trường điểm sáng trong thành tích 114,8 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2012.
Dự báo năm 2013, theo ông ĐÀO NGỌC CHƯƠNG, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, hàng hóa Việt Nam vào thị trường này vẫn sẽ tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu và tính bổ sung trong phát triển kinh tế của các thị trường trong khu vực.
- PV: - Xin ông cho biết những nét nổi bật trong quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua?
Ông ĐÀO NGỌC CHƯƠNG: -Năm 2012, thị trường Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là thị trường có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ước đạt 57,3 tỷ USD, gấp 2,53 lần kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu, và tăng 2,51 lần xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ và chiếm tỷ trọng 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Bất chấp những khó khăn chung của kinh tế trong nước và khu vực, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Châu Á - Thái Bình Dương vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định và có mức tăng trưởng cao nhất so với các khu vực thị trường khác.
Trong khi xuất khẩu sang thị trường châu Phi giảm, xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ đều tăng trưởng chậm lại so với 2011 thì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Châu Á - Thái Bình Dương vẫn tăng trưởng khá ở mức 22%, trong đó khu vực thị trường Châu Đại Dương tăng cao nhất với 26,1%.
Nếu xét về thứ hạng các đối tác thương mại, trong số năm đối tác có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2012, thì có bốn đối tác thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia.
Trong số mười thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thì bảy thị trường thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Những thị trường có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước là Hồng Kông (68%), Malaysia (61%), Lào (52%) và Thái Lan (50%).
Năm 2012 cũng đánh dấu những thành công đáng khích lệ khi Việt Nam xuất khẩu được số lượng lớn các sản phẩm mới với hàm lượng công nghệ cao và tìm kiếm được những thị trường mới cho các sản phẩm truyền thống trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong đó phải kể đến việc xuất khẩu sản phẩm linh kiện điện tử các loại với tốc độ tăng trưởng đột biến trên 60% với hầu hết các thị trường trong khu vực.
Ngoài ra, năm 2012 cũng ghi nhận thị trượng Trung Quốc nhập khẩu gạo Việt Nam với khối lượng cao kỷ lục, 1,7 triệu tấn, đạt 826 triệu USD (tăng 442% so với cùng kỳ năm ngoái).
Có thể khẳng định, thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện vẫn là thị trường mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh và là thị trường xuất khẩu tiềm năng do hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đã và đang được ký kết.
Cụ thể, chúng ta đã có các hiệp định thương mại tự do ASEAN+ với với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Astralia và New Zealand và Ấn độ trong khuôn khổ ASEAN.
Đối với Nhật Bản, hai bên đã và đang triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán FTA song phương với Hàn Quốc và các FTA đa phương với các nước khác trong khu vực như RCEP và TPP.
- Những nét bổ sung của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là gì và đâu là lợi thế cạnh tranh, thưa ông?
-Năm 2012 vừa qua là một năm nhiều biến động trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế khu vực nàyg những năm gần đây luôn ở mức cao hơn các khu vực khác.
Thêm vào đó, do nhu cầu và tính bổ sung trong cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu của các nước trong khu vực, Châu Á - Thái Bình Dương vẫn được coi là khu vực thị trường đang và sẽ đem lại những động lực mới và mạnh mẽ cho xuất khẩu Việt Nam.
Với đà tăng mạnh trong năm 2012, có thể tự tin về xu hướng chung đối với xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tại khu vực này năm 2013 vẫn sẽ tăng trưởng ổn định.
Điều nổi bật nhất, Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực thị trường truyền thống đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, văn hóa, thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với người Việt nên doanh nghiệp có nhiều thuận lợi.
Đặc biệt, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc nên bên cạnh phương thức vận chuyển truyền thống bằng đường biển, trao đổi thương mại với thị trường này qua đường bộ cũng rất sôi động.
Việc Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường lớn trong khu vực cũng là một thuận lợi lớn cho doanh nghiệp.
-Trong năm 2013 được dự báo còn nhiều khó khăn, vậy theo ông các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì khi xuất khẩu hàng hóa vào khu vực thị trường này?
- Vì đa phần là quy mô vừa và nhỏ nên khi xuất khẩu sang thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, doanh nghiệp Việt cần lưu ý hiểu rõ những đặc điểm của thị trường, xây dựng chiến lược xâm nhập, đẩy mạnh xuất khẩu tại từng thị trường trong khối.
Việc đa dạng hóa, cá biệt hóa sản phẩm xuất khẩu sang từng thị trường cho phù hợp với thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người dân nước sở tại là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của doanh nghiệp.
Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng và đầu tư nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm; vấn đề nhãn mác, thương hiệu sản phẩm.
Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu là điều rất quan trọng khi xuất khẩu hàng hóa, tránh tình trạng bị kiện về tranh chấp thương hiệu, hay bị mất thương hiệu vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, yêu cầu mang tính phổ quát chung cho mọi thị trường là vấn đề nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Trong khi đó, dù không phải là khu vực thị trường quá khó tính nhưng Châu Á-Thái Bình Dương cũng đang ngày càng khắt khe hơn về tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và tác động môi trường của sản phẩm.
Để đẩy mạnh xuất khẩu nói chung và sang khu vực này nói riêng, một điểm nữa doanh nghiệp cần lưu ý là phải tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức: tại các hội chợ triển lãm, qua Internet và các phương tiện thông tin khác.... bên cạnh việc tăng cường liên kết, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và để mất thị phần vào tay doanh nghiệp ngoại.
- Xin cảm ơn ông.

Giới trẻ Việt Nam tự tin hội nhập quốc tế 

(ĐCSVN) - Trong hai ngày 31/1 và 1/2/2013, đại diện của Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh thanh niên tại Liên hợp quốc (Youth Assembly at the United Nations) lần thứ 11, được tổ chức tại thành phố New York, Hoa Kỳ.
Tới tham dự Hội nghị lần này có các quan chức cấp cao của Liên Hhp quốc, các tập đoàn hàng đầu như: American Express, Microsoft, Quatar Foundation, các tổ chức phi chính phủ và hơn 500 đại diện thanh niên ưu tú từ khắp nơi trên thế giới.
Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm, quy tụ các thanh niên đang thực hiện các dự án cộng đồng có ý nghĩa đến giao lưu, học hỏi lẫn nhau và đưa ra các ý kiến đóng góp cho chương trình Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (Millenium Development Goals).
Tại Hội nghị năm nay, tổ chức Youth’s View, Voice and Vision in Society – YVS (Tầm nhìn, Tiếng nói và Triển vọng của giới trẻ trong xã hội) – được sự bảo trợ của Trung ương Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam đã thay mặt các dự án cộng đồng của thanh niên Việt Nam thuyết trình trước các đại diện quốc tế về dự án phát triển kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện cho giới trẻ Việt Nam trong thời gian qua.
Ngoài việc giới thiệu về sự năng động, sáng tạo của giới trẻ Việt Nam nói chung, YVS cũng đưa ra những thành quả đã đạt được trong việc tổ chức các sân chơi lành mạnh cho giới trẻ tham gia trau dồi các kỹ năng quan trọng trên và thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề trong cuộc sống. Trong suốt hai ngày làm việc, YVS cũng đã thay mặt giới trẻ Việt Nam đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực cho Liên hợp quốc trong các vấn đề biến đổi khí hậu, phát hiện và đào tạo các tài năng trẻ…
Các đại biểu thanh niên đến từ nhiều nước như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ... đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới triển vọng của giới trẻ Việt Nam trong tương lai. Đại diện của Nepal chia sẻ sự sự ngưỡng mộ và ủng hộ những hoạt động có ý nghĩa do thanh niên Việt Nam tạo ra trong thời gian qua và mong muốn các bạn trẻ Việt Nam tiếp tục thành công trong thời gian tới.
Đại diện của Việt Nam là sinh viên Trần Hà Dương đang theo học tại Đại học Swarthmore, Hoa Kỳ và là Chủ tịch của YVS tham dự Hội nghị lần này. Chia sẻ về sự kiện trên, sinh viên Trần Hà Dương tâm sự: Tại Hội nghị lần này, YVS đã đạt được thành công trong việc giới thiệu tới bạn bè quốc tế về tiềm năng của giới trẻ Việt Nam trong việc đóng góp các giải pháp xóa đói giảm nghèo, khắc phục ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia. Để đạt được điều đó, giới trẻ cần trang bị cho mình không chỉ kiến thức mà còn các kỹ năng tư duy, giao tiếp hiệu quả để có thể tự tin hội nhập với thanh niên các nước khác. Ngoài ra, việc khuyến khích các bạn trẻ tham gia những hoạt động như hội nghị lần này là rất cần thiết trong việc mở rộng tầm nhìn của giới trẻ, thúc đẩy tạo ra những dự án có ý nghĩa, đóng góp tích cực cho xã hội.
 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, còn gọi là Mục tiêu Thiên niên kỷ là 8 mục tiêu được 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015. Những mục tiêu này (gọi tắt là MDGs từ tiếng Anh: Millennium Development Goals) được ghi trong bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 9 năm 2000 tại trụ sở Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất ấn tượng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đã hoàn thành một số mục tiêu – ví dụ, mục tiêu 1 về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói mặc dù còn rất lâu nữa mới đến thời hạn năm 2015. Việt Nam cũng đang trong tiến trình hướng tới hoàn thành một số mục tiêu khác nữa. (Nguồn: UNICEF Việt Nam).
HA.NV

Người Việt trẻ tham gia diễn đàn thanh niên ASEAN

Nhằm năng cao vai trò của lớp trẻ trong việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa các nước, diễn đàn thanh niên tiên phong Đông Nam Á đã được tổ chức tại Hàn Quốc trong những ngày đầu tháng 2.
Diễn đàn quy tụ gần 150 thanh niên ưu tú đến từ 10 nước ASEAN, trong đó có gần 60 thanh niên và điều phối viên của nước đối thoại. Việt Nam có 3 đại biểu là Trần Quốc Duy đến từ tỉnh đoàn Bình Phước, Phan Văn Quang thuộc tỉnh đoàn Hà Tĩnh và Đào Diệp Tâm của tỉnh đoàn Quảng Ninh.
Tại diễn đàn, các thanh niên ưu tú của các nước sẽ có cơ hội thảo luận, chia sẻ, đóng góp ý kiến trong các hội thảo về các chuyên đề: hợp tác kinh tế, biến đổi khí hậu và trao đổi văn hóa - du lịch, tham dự các mô hình mẫu của hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hàn Quốc, giao lưu văn hóa - nghệ thuật, thực hiện các chuyến công tác từ thiện và học tập, tham quan tại xứ Hàn.
Trong vai trò là lãnh đạo đoàn Việt Nam, anh Quốc Duy (Phó chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Phước) cho biết, đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà đặc biệt là giới thiệu vai trò của thanh niên Việt trong giao lưu và hợp tác quốc tế đa lĩnh vực. Mỗi thành viên của đoàn là một đại sứ văn hóa trong diễn đàn thanh niên quốc tế lần này.
"Diễn đàn sẽ là nhịp cầu nối giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc trong việc cùng nhau đưa ra các ý tưởng, giải pháp hợp tác, trao đổi, giao lưu trên nhiều phương diện để sát cánh bên nhau, chinh phục tương lai trong kỷ nguyên hội nhập hóa toàn cầu", anh Duy cho biết thêm.
Những năm trước, Quốc Duy từng đồng hành cùng Người đẹp du lịch Việt Nam Huỳnh Thị Ngọc Hân trong các hoạt động quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam đến với bạn bè quốc tế khi giữ vai trò là đại sứ sinh viên quốc tế và đại sứ hữu nghị tại thành phố Brisbane, Australia.
Diễn đàn thanh niên tiên phòng ASEAN do Hiệp hội Trao đổi châu Á tổ chức cùng Bộ ngoại giao và thương mại Hàn Quốc nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu cho các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN trong tương lai. Chương trình diễn ra từ ngày 31/1 đến 7/2.
Hải Duyên

Bàn về vấn đề tôn giáo hiện nay


Lịch sử hình thành và phát triển của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Nhất là vào thời kỳ nước ta bị thực dân, đế quốc xâm lược, chính quyền thực dân, đế quốc đã lợi dụng các tổ chức tôn giáo vào mục đích chính trị.
Có tổ chức tôn giáo bị thực dân, đế quốc lợi dụng trở thành lực lượng tiếp tay cho âm mưu xâm lược. Nhiều tôn giáo đã phải thành lập lực lượng vũ trang để bảo vệ chỗ đứng của mình trong xã hội, dẫn đến các tôn giáo chống đối lẫn nhau, đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của tôn giáo và đạo lý của nhà tu hành, làm cho dân tộc ta lâm vào cảnh “nồi da nấu thịt”. Hậu quả đó còn kéo dài dai dẳng đến ngày nay.
Ngay sau khi dân tộc ta giành được độc lập năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhà nước xây dựng Hiến pháp của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó nêu rõ: Quyền tự do tín ngưỡng là một trong 6 quyền cơ bản của công dân (tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước và đi ra nước ngoài).
Hiến pháp năm 1959 tiếp tục khẳng định đầy đủ, rõ ràng hơn: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26).
Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định và bổ sung: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước” (Điều 60).
Đặc biệt, Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành đã được các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục kế thừa những nội dung cơ bản.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/6/2004, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định nguyên tắc của chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.
Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật để bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được diễn ra bình thường, hướng vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân.
Cả nước hiện có hơn 23 triệu tín đồ của 31 tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân hoạt động, chiếm khoảng 25% dân số. Trong đó, Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) có khoảng 1,3 triệu tín đồ và khoảng 1.500 chức việc.
Trước năm 1975, thực dân và đế quốc đã lợi dụng một số chức việc không chân chính trong PGHH lôi kéo nhiều tín đồ cầm súng chống lại cuộc kháng chiến cứu quốc của dân tộc ta. Sau ngày thống nhất đất nước, với đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, sau thời gian dài củng cố, xây dựng, những nhà tu hành chân chính đã khôi phục lại hoạt động của PGHH với nhiều thành quả tốt đẹp.
Với đường hướng hành đạo là: “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, đồng bào theo PGHH đã được tự do tu hành, đoàn kết giúp nhau làm ăn, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, tôn trọng chính quyền địa phương, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, sống tốt đời, đẹp đạo. Nhiều chức việc, tín đồ PGHH trở thành tấm gương sáng trong cuộc sống, công tác, sản xuất kinh doanh và trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trở thành nhân tố đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Tuy nhiên, hiện nay lại có một số kẻ trơ tráo xuyên tạc đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta. Trước đây, họ đã từng làm tay sai cho giặc ngoại xâm, có kẻ làm đến Tỉnh trưởng của Ngụy quyền Sài Gòn, sống sa đọa, hưởng lạc trên xương máu đồng bào bằng những đồng tiền tham nhũng đến mức bị kỷ luật, mất chức vì tội hối lộ. Nay lại tự xưng là Hội trưởng PGHH, dụ dỗ một số người nhẹ dạ cả tin, mù quáng, mượn danh nghĩa tu hành lôi kéo họ tham gia vào việc truyền đạo trái pháp luật, tán phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước ta, tập trung đông người rồi dùng luận điệu rằng Nhà nước đàn áp tôn giáo để kích động một số người gây rối trật tự công cộng.
Mục đích của họ là tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hùa theo luận điệu “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” của phương Tây để mong kiếm được ít tiền tài trợ của nước ngoài. Đó thật sự là hành động phá đạo, hại đời, để mong trục lợi, đe dọa đến sự phát triển lành mạnh của PGHH.
Những giáo dân chân chính của PGHH cần kiên quyết chống lại những hành vi nguy hiểm đó để bảo vệ sự trong sạch của PGHH. Một số người vì mù quáng, ngoan cố đã bị lợi dụng và lôi kéo vào những hoạt động bất hợp pháp, gây rối trật tự công cộng hoặc chống lại chính quyền đã phải trả giá cho những ảo vọng chính trị đó bằng những ngày tháng trong tù.
Để giành được độc lập, tự do như ngày nay, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều hy sinh mất mát. Ngày nay, hơn 25 năm đổi mới, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đất nước, đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành thành viên (không thường trực) Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2007 - 2009, sánh vai các cường quốc năm châu. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên nhiều lần, trong đó có sự đóng góp quan trọng và to lớn của các tôn giáo.
Những người lợi dụng PGHH với cái họ gọi là “Lời tâm huyết”, Thư ngỏ của PGHH Thuần túy” chỉ là trò lừa bịp rẻ tiền, rất dễ làm. Đó chỉ là những suy nghĩ hoang tưởng, không ai tin.
Mong rằng, những ai đang có lòng thành mong muốn PGHH phát triển lành mạnh hãy cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của những kẻ lợi dụng PGHH và kiên quyết nói “không” trước sự lôi kéo vào những hành động gây rối trật tự công cộng bằng những hoạt động mà họ gọi là “sinh hoạt tôn giáo thuần túy”.
   
Thanh Lâm

Khoan hồng là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam

QĐND - Theo nhiều phương tiện thông tin đại chúng, ông Lê Công Định  - người phải chịu hình phạt tù với mức án 5 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, đã được ra tù sáng thứ tư, 6-2-2013, trước thời hạn hơn 1 năm, và hiện còn phải chịu 3 năm quản chế tại địa phương.
Sự kiện này đã được một số trang mạng đưa tin nhằm xuyên tạc bản chất chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta. Theo họ, việc ông Lê Công Định được trả tự do sớm là “Sự trở về mang hy vọng”. Đó là “tín hiệu… cho thấy các tác động của cả từ bên trong lẫn bên ngoài, cũng như của những thay đổi trong môi trường chính trị toàn cầu và chính ngay trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam”, hàm ý theo con đường dân chủ! Có người còn suy luận rằng: "Việc trả tự do cho hai ông Lê Công Định và Nguyễn Quốc Quân khiến người ta nghĩ rằng, Việt Nam đang mong muốn điều gì đó từ phía Mỹ".
Tại phiên tòa ngày 20-1-2010, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên phạt 5 bị cáo gồm: ông Trần Huỳnh Duy Thức (44 tuổi) mức án 16 năm tù, ông Nguyễn Tiến Trung (27 tuổi) nhận 7 năm, ông Lê Công Định (42 tuổi) và Lê Thăng Long (43 tuổi) cùng mức án 5 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự. Ngoài ra, tòa cũng buộc các bị cáo phải chịu sự quản thúc tại địa phương từ 3 đến 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Tại phiên xét xử phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử đã tuyên: Sửa một phần bản án sơ thẩm - giảm 1 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Lê Thăng Long. Bác kháng cáo, giữ nguyên mức hình phạt theo án sơ thẩm đối với hai bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Tại phiên xét xử sơ thẩm (20-1-2010), bị cáo Lê Thăng Long đã khẩn thiết xin tòa cho hưởng khoan hồng để "hoàn thành chữ hiếu" (theo nguyên văn lời đề nghị của Lê Thăng Long). Với lời đề nghị mang đậm truyền thống dân tộc và vì đã nhận tội, Tòa đã giảm mức án từ 5 năm tù xuống còn 3 năm 6 tháng. Ngày 4-6-2012, Lê Thăng Long đã được trả tự do trước thời hạn 6 tháng tuy vẫn đang chịu 3 năm quản chế.
Còn việc ông Lê Công Định được mãn hạn tù sớm cũng không phải là ngẫu nhiên.
Còn nhớ, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, trong lời nói sau cùng, Lê Công Định đã thừa nhận: “Luật pháp và hiến pháp Việt Nam quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội Việt Nam. Vì vậy, những lời kêu gọi đa nguyên, đa đảng mặc nhiên là muốn thay đổi thể chế chính trị Việt Nam. Những tổ chức nào chủ trương đa nguyên đa đảng là đương nhiên vi phạm vào Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam".
Từ góc nhìn pháp lý, bị cáo Lê Công Định đã thừa nhận những việc mình làm là vi phạm pháp luật, do xuất phát từ chủ quan, bị ảnh hưởng quan niệm về dân chủ, nhân quyền phương Tây và những tổ chức, cá nhân có hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam mà ông này tiếp xúc.
Hiện tại, còn hai bị cáo trong vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, bị tòa xét xử  ngày 20-1-2010, đang chấp hành án tù. Đó là Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung, những kẻ cầm đầu trong vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nói trên.
Như vậy việc ông Lê Thăng Long, ông  Lê Công Định được mãn hạn tù sớm là bình thường, không có gì được gọi là “Sự trở về mang hy vọng”; “ là tín hiệu… cho thấy các tác động của cả từ bên trong lẫn bên ngoài” đối với Việt Nam; hoặc Việt Nam “đang mong muốn điều gì đó từ phía Mỹ”… như người ta suy diễn. Về bản chất, việc ông Lê Công Định được mãn tù sớm là do chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và do chính sự ăn năn hối cải của bản thân người phạm tội. 
Năm 2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Số: 49-NQ/TW Hà Nội, ngày 2-6-2005). Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp là:
 “Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm…”.
Theo Trung tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, hiện tại có hơn 100.000 phạm nhân đang phải cải tạo, giam giữ tại các trại giam, trại tạm giam trên cả nước. Trong dịp Quốc khánh (2-9-2012), đã có hơn 10.000 người được đặc xá, tha tù trước thời hạn, chiếm 10% tù nhân cả nước, trong đó có 1.300 phạm nhân nữ, 11 phạm nhân là người nước ngoài.
Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đang tích cực thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, liên quan đến nhiều hoạt động tư pháp, không loại trừ công tác cải tạo giam giữ. Tuy nhiên không nên nghĩ rằng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam từ bỏ con đường xây dựng xã hội XHCN, từ bỏ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thực hiện chính sách tư pháp do sức ép từ một quan hệ quốc tế nhất thời nào đó.
Những suy luận vô căn cứ, thiếu trách nhiệm chẳng những có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường xã hội, quan hệ quốc tế ổn định mà còn khuyến khích những hành vi xâm hại an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đồng thời còn dẫn người ta vào vòng lao lý.
ĐỨC GIANG



Đảng, Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng

[(VTV News)-] Tại buổi làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật; coi nhiệm vụ đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, công tác vận động quần chúng trong đồng bào có đạo là hết sức quan trọng.
Theo Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, hiện cả nước có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với gần 24 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Báo cáo đánh giá: Tình hình tôn giáo thời gian qua chuyển biến tích cực và ổn định; về cơ bản các tổ chức tôn giáo đồng thuận và các hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật; các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội; mở rộng các hoạt động quốc tế góp phần làm cho thế giới hiểu về Việt Nam, về chính sách đổi mới đối với tôn giáo và chuyển biến đời sống sống tôn giáo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn hiện tượng giảng đạo, truyền đạo trái phép diễn ra ở một số vùng; tình trạng chức sắc phong chui, tự nhận tuy có giảm nhưng vẫn tiếp diễn; xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới, thường gọi là đạo lạ và tà đạo với các biểu hiện dị đoan…Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như các văn bản pháp luật, pháp quy về tín ngưỡng và tôn giáo còn thiếu, nhiều quy định chưa theo kịp thực tiễn; tổ chức và cán bộ của hệ thống quản lý nhà nước về tôn giáo còn nhiều bất cập.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định tầm quan trọng của công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo cũng như vận động quần chúng trong đồng bào có đạo là hết sức quan trọng, vì đây là vấn đề liên quan đến hơn 1/4 dân số, đến sự ổn định chính trị - xã hội, đến nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành tôn giáo, mà là nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, không tôn giáo. Chúng ta coi đó là một thực tế khách quan, một nhu cầu khách quan về tinh thần của một bộ phận quần chúng và chủ trương của Đảng, luật pháp của Nhà nước ta đều thể hiện rõ điều này. Trên tinh thần đó, nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với Đảng, Nhà nước ta đối với công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, công tác vận động quần chúng trong đồng bào có đạo là rất quan trọng”.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống, chính sách, pháp luật về tôn giáo; tăng cường sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời với việc thực hiện nghiêm pháp luật trong thực tế. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu; tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc gắn với việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.
Tại cuộc làm việc cũng như tại buổi nói chuyện với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tôn giáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị những người làm công tác tôn giáo bên cạnh việc thực hiện đúng, tạo điều kiện để bảo đảm nhu cầu chính đáng của người dân về tín ngưỡng, tôn giáo cần phải hết sức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo để bịa đặt, xuyên tạc, chống phá; âm mưu bạo loạn, gây rối, lật đổ, nhen nhóm hình thành các nhóm, tổ chức chống đối nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đối ngoại nhằm cho nhân dân trong nước và quốc tế có đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật; về thực tế tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; cũng như sự phát triển của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. 
Đăng Học

Sự hồ đồ của ủy ban Bảo vệ ký giả quốc tế

QĐND - Đánh giá của ủy ban Bảo vệ ký giả quốc tế (CPJ) trong báo cáo hằng năm về tình hình tự do báo chí toàn cầu công bố ngày 14-2 cho rằng, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia cầm tù nhiều ký giả nhất trên thế giới. Đó là sự đánh giá vô căn cư, bởi những lý lẽ mà ủy ban này đưa ra không thuyết phục và không đúng với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa và phong tục tập quán của ViệtNam.
Theo CPJ, “các nhà báo bị bỏ tù tại Việt Nam chủ yếu vì bị cáo buộc tội “chống phá nhà nước”, một trong những tội danh mà Việt Nam thường dùng để trấn áp những tiếng nói chỉ trích chính phủ”. Chỉ qua đó thôi đã cho thấy, thứ nhất, CPJ đã nhập nhèm “đánh lận con đen” giữa nhà báo với blogger. ở Việt Nam, nhà báo hành nghề được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ hành nghề, còn blogger viết ý kiến cá nhân, họ không phải là nhà báo. Thứ hai, ở Việt Nam không có nhà báo nào bị bỏ tù chỉ vì họ hành nghề báo chí như CPJ cáo buộc. Điều đó nói lên rằng, CPJ đã vu khống. Thứ ba, một số blogger bị phạt tù vì họ vi phạm pháp luật Việt Nam. Khi tòa án xét xử, họ đều có luật sư bào chữa nhưng với những chứng cứ phạm tội rõ ràng, họ phải cúi đầu nhận tội. Luật sư bào chữa của họ cũng phải thừa nhận phiên tòa xét xử đúng người đúng tội. Việt Nam không thể bỏ tù bất kỳ ai một cách vô cớ và không bỏ tù ai chỉ vì họ “nói lên những gì nhà nước không thích”, như CPJ nhận xét.
Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi hoạt động của xã hội được quản lý và điều chỉnh theo luật pháp. Nhà nước Việt Nam là nhà nước của nhân dân, không phải của riêng cá nhân nào mà lại nói “thích” hay “không thích”. Nếu cứ hành xử một cách tùy tiện, thì còn gì là luật pháp nữa. ở Việt Nam, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nếu vi phạm pháp luật đều bị xử phạt theo quy định của luật pháp; pháp luật phải được thượng tôn, không ai đứng ngoài pháp luật, đứng trên pháp luật. Trên thực tế, ở Việt Nam không có phóng viên hay nhà báo nào bị bỏ tù mà chỉ có người vi phạm pháp luật bị xử phạt theo quy định của luật pháp.
CPJ đánh giá về tự do báo chí ở Việt Nam mà không nghiên cứu kỹ luật pháp Việt Nam, tự đưa ra các đánh giá sai lệch. Thật đáng tiếc! Cần thấy rằng, nước nào cũng có hệ thống luật pháp riêng, không thể đem luật pháp nước này áp dụng cho nước khác được. Luật pháp mỗi nước tùy thuộc vào các yếu tố: Kinh tế, chính trị, văn hóa, phong tục tập quán, trình độ của nhân dân… Bởi thế, ngay mỗi luật hay bộ luật của một nước cũng có sự điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tế mỗi nước trong mỗi giai đoạn.
Không dừng ở đó, CPJ lại còn khuyến nghị với các tổ chức như Liên minh châu âu, với các thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các công ty Internet và các công ty công nghệ quốc tế... phải đưa vấn đề tự do báo chí, tự do Internet làm điều kiện để đặt quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Đến đây, người ta thấy rõ mục đích, động cơ chính trị không trong sáng của CPJ. Họ hành động đâu phải vì người dân Việt Nam. Sự đánh giá sai lệch với động cơ không trong sáng chứng tỏ CPJ là tổ chức không đáng tin cậy, cho dù có khoác cái tên rất hay: “ủy ban Bảo vệ ký giả quốc tế”.
NGUYỄN VĂN






Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lý, hợp tình

1. Đảng kế tục lịch sử và làm nên lịch sử

QĐND - Với tất cả tinh thần khiêm tốn, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh và lãnh đạo Đảng ta khẳng định: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao”. Chứng minh sự vĩ đại ấy không phải là mục đích của bài viết, vả lại đã có rất nhiều người làm rõ một sự thật hiển nhiên này. Với sự hiểu biết của mình về lịch sử chúng tôi chỉ xin nói: Đảng kế tục lịch sử và làm nên lịch sử.
Có những người “phán xét” lịch sử, hồ đồ tuyên bố: Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là “một sai lầm lịch sử”. Lẽ ra cuộc cách mạng năm 1945 và sau này nên đi theo con đường thỏa hiệp “hòa bình” để tránh đổ máu!!!... Đó là những lời nói không hiểu lịch sử. Không hiểu (hay cố tình không hiểu) lịch sử hiện đại, đã đành và cố nhiên càng không hiểu quá khứ vẻ vang của cha ông. Về lịch sử hiện đại, họ đã làm ngơ trước những sự thật ai cũng biết. Chỉ cần đưa ra một vài số liệu: Trước năm 1945, 95% dân số nước ta mù chữ, trong khi đó, thực dân Pháp “khai hóa” đất nước này bằng rượu cồn và thuốc phiện. Con số đã nói lên bản chất của vấn đề: “…hằng năm người ta cũng đã tọng từ 23 đến 24 triệu lít rượu cho 12 triệu người bản xứ, kể cả đàn bà và trẻ con” (1); “…người An Nam lại đã có những 10 trường học, những 1.500 đại lý rượu và thuốc phiện cho 1000 làng…” (2). Còn đây là “dân chủ” thực dân: Một “hội đồng quản hạt” được lập ra để “bảo vệ” những cái “có lợi” cho người An Nam có những 18 người Pháp, và chỉ có… 6 người An Nam! (3). Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc với thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” đã mượn lời của Vin-hê Đốc-tông, một nhà văn Pháp để lột trần bản chất bóc lột của người Pháp, đúng là bóc lột đến tận xương tủy người dân An Nam khốn khổ: “Sau khi cướp hết những ruộng đất màu mỡ, bọn cá mập Pháp đánh vào những ruộng đất cằn cỗi những thứ thuế vô lý gấp trăm lần thuế đất thời phong kiến”(4). Đỉnh cao của tội ác, tức sự thật thứ hai: Năm 1945 thực dân Pháp và phát-xít Nhật đã làm hai triệu dân ta chết đói, tức là chúng đã phạm tội diệt chủng, giết chết gần 1/10 dân số một đất nước. Có thể nói trong lịch sử hàng nghìn năm chưa bao giờ đất nước vẻ vang “con Rồng cháu Tiên” lại rơi vào thảm cảnh khốn cùng như thế. Để cứu một dân tộc đang bị tàn lụi vì bị đầu độc, đang bị chết đói bởi sự dã man thú vật của kẻ thù, lại có một con đường “thỏa hiệp” với chính kẻ đang hút máu nhân dân mình ư? Và kẻ thù xâm lược ấy chỉ có một mục đích là hút máu nhân dân mình, thì thử hỏi “thỏa hiệp” với ai và bằng cách nào? Đúng là một lối nghĩ ảo tưởng, mơ hồ!
Những người cộng sản lãnh đạo dân tộc ta làm nên kỳ tích lịch sử năm 1945 không hề thỏa hiệp với kẻ thù nhưng rất biết nhân nhượng với kẻ thù vì mục đích hòa bình. Hãy đọc lại Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-12-1946: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!” (5).
Đấy chỉ là một vài lời nhắc về những chuyện mà dân tộc ta không thể quên trong thế kỷ XX.
Còn quá khứ. Cũng chẳng cần nói lại lịch sử đánh giặc giữ nước của cha ông ta, mà chỉ đưa ra những số liệu đã được thừa nhận, những vấn đề đã được chứng minh:
Tính cách người Việt luôn hướng tới cái trong sáng, cái cao cả, chết trong còn hơn sống đục. Dù có đang sống nơi giàu sang nhưng vẫn hướng về quê nhà, không đâu bằng quê nhà, có thể là nghèo nhưng trong sáng êm đềm: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Con cò trong ca dao là biểu trưng cho người nông dân Việt dù chẳng may chịu cảnh sa cơ lỡ bước, dù có chịu chết nhưng vẫn hướng tới sự trong sạch: ...Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. Tính cách này đã tạo ra một đặc điểm tôn thờ, ngưỡng vọng cái cao cả, cái anh hùng trong tâm lý dân tộc Việt.
Sinh sống ở mảnh đất có nhiều kẻ thù, cả "hai chân, bốn chân và không chân" nên người Việt rất sùng bái những anh hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi. Theo thống kê của GS Ngô Đức Thịnh thì riêng tỉnh Bắc Ninh, trong số 600 vị Thành hoàng thì có 469 là nhân thần, trong đó đa số là các nhân vật lịch sử hay nhân vật huyền thoại nhưng đã được lịch sử hóa. Ở Hà Tây (cũ) trong số 185 vị Thành hoàng là nhân thần thì có khoảng 2/3 là nhân vật lịch sử. Tỉnh Nam Hà (cũ) Trần Hưng Đạo được thờ ở 400 làng xã (6). Trong các vị “tứ bất tử” thì có hai vị là anh hùng, Phù Đổng Thiên Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Đấy là cách người Việt ghi công các anh hùng, như Thánh Gióng đuổi giặc hai chân là kẻ thù xâm lược, như Sơn Tinh đuổi giặc bốn chân là thú dữ và không chân là thiên tai. Thậm chí sự ngưỡng vọng của người Việt còn nâng đến mức tuyệt đối là cho thần tượng bay lên trời sống cùng các vị Tiên và dĩ nhiên là phong thánh bất tử cho họ. Cho nên cũng dễ hiểu Đền thờ Đức Thánh Trần có ở rất nhiều nơi trên đất nước ta. Có thể nói phẩm chất anh hùng quyết không bao giờ chịu nô lệ cho kẻ ngoại bang có ở trong máu của mỗi người Việt, nhất là mỗi khi có kẻ thù xâm lăng thì phẩm chất ấy càng trỗi dậy mạnh mẽ.
Trí tuệ của Đảng ta là đưa cách mạng Việt Nam vào đúng cái mạch của lịch sử. Có thể nói, cách mạng tháng Tám vĩ đại, sự thắng lợi mang tầm thời đại là đuổi hai đế quốc xâm lược Pháp và Mỹ, không chỉ có sức mạnh của dân tộc thế kỷ XX mà còn là sức mạnh của lịch sử, sự kế thừa và tiếp bước lịch sử.
2. Bài học “Quốc trị, thiên hạ mới bình”
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ tư Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, phóng viên báo Praxa Thipatay (Thái Lan) phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề hòa bình trong khu vực. Người nói: “Việt Nam phải kháng chiến tranh lại thống nhất và độc lập thật sự đã, sau mới có thể bàn đến việc khác. Đức Khổng Tử có dạy rằng: "Quốc trị, thiên hạ mới bình”(7).
Mỗi quốc gia hãy thật yên ổn đã, thì tự nhiên thế giới sẽ hòa bình. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay bài học này càng đậm tính thời sự. Bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động là không bao giờ thay đổi. Muốn vậy chúng sẽ tìm mọi cách gây mất ổn định chính trị để từ đó tạo cớ can thiệp hoặc làm suy yếu để dễ bề xâm lấn, tiến đến thôn tính. Do vậy đối với tình hình cách mạng nước ta hiện nay mục tiêu cơ bản, bao trùm là giữ vững ổn định chính trị để phát triển đất nước.
Chỉ có Đảng ta chứ không thể có bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác gánh vác thay, làm thay sứ mệnh cực kỳ hệ trọng này. Và cũng không thể có bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác có đủ uy tín, đủ năng lực, đủ vai trò để làm công việc lớn lao đó.
Một Đảng từ hai bàn tay trắng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân; một Đảng đã lãnh đạo toàn dân đuổi các đế quốc xâm lược lớn nhất thế giới; một Đảng đã lãnh đạo công cuộc đổi mới tạo ra những thắng lợi thành tựu ấn tượng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá, xã hội... thì Đảng đó đủ tín nhiệm, đủ trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin... để lãnh đạo toàn dân ta tiếp tục tiến bước theo con đường đã chọn đưa dân tộc lên đài vinh quang, đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc.
Lịch sử thế giới đương đại cho chúng ta một bài học: Thể chế chính trị nào không được dân tin, không được dân ủng hộ lại bị thế lực nước ngoài can thiệp, o bế, nuôi dưỡng, giúp đỡ lực lượng phản động bên trong thì thể chế chính trị ấy sớm muộn sẽ bị diệt vong. Với vai trò là một Đảng cầm quyền, Đảng ta đang đứng trước những thử thách lớn: Một là, tăng cường hơn nữa niềm tin của dân vào Đảng. Muốn thế, không còn cách nào khác Đảng phải tự làm trong sạch mình, tự mình trau dồi bản lĩnh, trí tuệ của mình bằng cách tăng cường mối liên hệ mật thiết với dân, xứng đáng hơn nữa “là người đầy tớ thật trung thành” của nhân dân. Hai là, mở rộng đối ngoại đa phương với phương châm Việt Nam là bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lợi ích, tôn trọng độc lập tự chủ của các bên. Ba là, không được một phút lơ là mất cảnh giác mà phải luôn mài sắc tinh thần chủ động chống lại sự can thiệp từ bên ngoài và trấn áp các phần tử đi ngược lại lợi ích dân tộc.
3. Đảng lãnh đạo thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"
Một Đảng đã đưa dân tộc này theo đúng quỹ đạo của lịch sử thì sẽ được lịch sử ủng hộ. Không một thế lực nào, một đảng phái nào làm thay được vai trò lịch sử của Đảng ta.
Có những kẻ cơ hội dựa vào một số sai lầm của Đảng ta để kêu gọi sửa đổi Điều 4 Hiến pháp đòi thay đổi vị trí lãnh đạo cách mạng của Đảng. Phải thấy một chân lý giản đơn rằng, con người ta ai cũng có sai lầm, có làm việc là có sai lầm, có cái sai mới dẫn đến có cái đúng. Với quan niệm rộng lượng mà triết lý, cụ thể mà phổ quát, người Việt ta có câu “ngọc còn có vết” là vì thế. Huống hồ Đảng ta lãnh đạo toàn dân ta làm cách mạng đổi thay cả một thời đại, công việc cực kỳ phức tạp như thế, biết bao khó khăn gian nan chồng chất, thù trong giặc ngoài hiểm nguy như vậy, lại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thì tránh sao được sai lầm. Nhưng Đảng ta đã nhanh chóng nhận ra và sửa chữa để rồi qua 27 năm đổi mới đưa nước ta có những bước tiến vượt bậc. Và dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận một thực tế là vẫn có nhiều, còn nhiều “những con sâu” ở ngay trong hàng ngũ Đảng. Nhưng ai là những người “bắt sâu”? Đảng ta, dân ta, tất cả chúng ta cùng chung tay “bắt”, đừng đứng ngoài mà kêu làm rối công việc chung.
Việc đòi bỏ điều 4 Hiến pháp vừa phi lý, vừa chẳng hợp tình. Phi lý ở chỗ với vai trò lịch sử của mình không một ai có thể làm thay Đảng ta công cuộc đưa đất nước phát triển, lớn mạnh; chẳng hợp tình ở chỗ cố tình quên lịch sử, cố tình quên những hy sinh xương máu của Đảng ta, dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cố tình quên công lao, đóng góp, vai trò lãnh đạo tiên phong của Đảng ta trong công cuộc đổi mới đã và đang thắng lợi toàn diện. Thậm chí có thể nói đó là việc làm nguy hiểm bởi nó đe dọa sự tồn vong của cả dân tộc này.
Khép lại bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều: "Dẫu rằng vật đổi sao dời/ Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh" Thiên tài Nguyễn Du đã nhắc nhở: Đứng giữa giông gió của cuộc đời, hơn lúc nào hết phải kiên định một bản lĩnh, một lập trường, một niềm tin. Đó là bản lĩnh cộng sản, là lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và một niềm tin vào Đảng ta vĩ đại!

Nhà văn, PGS, TS, NGUYỄN THANH TÚ
(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, các trang: 36, 38, 46, 74.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tr 480.
(6) Nhiều tác giả - Văn hóa Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận - Nxb Giáo dục, 2007, tr 169.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia, 1996, tr 676.

Cách nhìn quá lỗi thời, sai lệch

 QĐND - Ngày 31-1, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York đã công bố bản báo cáo tình hình thế giới dày 660 trang, trong đó phần báo cáo về Việt Nam dài 8 trang.

Một lần nữa, phần nội dung chính trong 8 trang liên quan đến Việt Nam này lại là kết quả của cách nhìn méo mó, thiên kiến và đơn giản là sự sắp xếp, tập hợp những thông tin cắt xén, bịa đặt của các tác giả báo cáo HRW.

Với ngôn từ như trong những bản cáo trạng, các tác giả báo cáo của HRW cao giọng: “Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa và trấn áp những người lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước, vạch trần quan chức tham nhũng hoặc kêu gọi thay đổi chế độ độc đảng bằng các giải pháp dân chủ. Công an sách nhiễu, đe dọa các nhà hoạt động và người thân của họ. Nhà cầm quyền tùy tiện bắt bớ các nhà hoạt động, giam giữ biệt lập trong thời gian dài, không cho họ gặp gỡ gia đình hoặc tiếp cận với các nguồn trợ giúp pháp lý, tra tấn và truy tố họ ra trước các tòa án bị chính trị tác động, áp đặt các mức án tù thật nặng với các tội danh mơ hồ về xâm phạm an ninh quốc gia”!

Đây quả thật là đỉnh cao óc tưởng tượng lệch lạc của những người viết báo cáo HRW!

Gần như ngay lập tức, những người có lương tri, hiểu lẽ phải đã có những ý kiến phản hồi, cho thấy tính không chính xác trong những điều mà báo cáo của HRW nêu ra liên quan đến ViệtNam.

Trang BBC tiếng Việt thứ sáu, ngày 1-2 đưa tin một số nhà nghiên cứu về Việt Nam trong Nhóm nghiên cứu về Việt Nam (Vietnam Studies Group) đã tranh luận về báo cáo của HRW, không đồng tình với một số nội dung mà báo cáo nêu ra.

Trang này dẫn lời ông Ben Kerkvliet, một học giả nổi tiếng từ Đại học Quốc gia Australia, khẳng định rằng những nhận định của HRW không giống tư liệu ông thu thập được ở Việt Nam: “Nhiều nhà chỉ trích không bị đàn áp, nhiều cuộc biểu tình diễn ra mà không bị công an can thiệp”; “Công nhân, nông dân thường xuyên biểu tình chống tham nhũng, điều kiện làm việc, thu hồi đất… mà không bị sách nhiễu, đánh đập, tạm giữ, bắt giữ hay vào tù”.

Tiến sĩ Thomas Jandl từ Đại học Hoa Kỳ cho rằng, ở Việt Nam, phê phán chính sách thông qua các tổ chức phi chính phủ là điều được cho phép. Lẽ dĩ nhiên, những phê phán đó phải mang tính xây dựng, không làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia.

Mặc dù cố tình bóp méo trên hầu hết các nội dung về quyền con người ở Việt Nam nhưng các tác giả bản báo cáo của HRW cũng không thể chối bỏ nổi một thực tế hiển nhiên là quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam đã được tôn trọng khi phải thừa nhận ngay trong báo cáo rằng: “Quyền ngôn luận cá nhân, báo chí công và thậm chí ngôn luận chính trị ở Việt Nam có những dấu hiệu cho thấy được tự do hơn”.

Báo cáo HRW phải dẫn ra một ví dụ về ý kiến thẳng thắn được đưa ra trên diễn đàn Quốc hội Việt Nam họp hồi tháng 11-2012 để thừa nhận điều này, dù cố vớt vát bằng một câu quy chụp khá vô duyên và không có cơ sở rằng “vẫn tồn tại làn sóng ngầm của bàn tay đàn áp có chủ trương nhằm vào những người có phát ngôn đi quá giới hạn”! 

Mang danh một báo cáo về nhân quyền, thế nhưng báo cáo của HRW lại có những chi tiết cứ như báo cáo của cơ quan cảnh sát, rằng “sau hàng loạt vụ bắt giữ các quan chức doanh nghiệp nhà nước và các đại gia nhiều vây cánh” (thực tế, những người này vi phạm pháp luật Việt Nam và bị bắt), rồi suy diễn ra một cách rất hồ đồ rằng (ở Việt Nam), các “phe phái” đang “tranh nhau giành quyền kiểm soát bộ máy kinh tế chính trị, dẫn đến một cuộc tranh giành quyền lực hiện vẫn đang tiếp diễn”!

Thật là nực cười cho đầu óc tưởng tượng của các vị “tác giả” báo cáo HRW!

Liên quan đến vấn đề tôn giáo ở Việt Nam, báo cáo HRW, như thường lệ, vẫn bóp méo thực tế, đưa ra đánh giá bịa đặt rằng: “Chính quyền hạn chế tự do tôn giáo bằng các quy định pháp luật, quy định đăng ký hoạt động, đồng thời sách nhiễu và đe dọa các nhóm tôn giáo không được công nhận…”.

Phụ họa cho luận điệu sai trái này, ra vẻ bám sát thực tế, báo cáo HRW dẫn ra một số trường hợp, trong đó có vụ án “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” ở tỉnh Phú Yên, như sau: “Trong tháng Hai và tháng Ba (năm 2012-TG), Công an tỉnh Phú Yên bắt giữ ít nhất 18 thành viên của một chi phái tín ngưỡng có gốc Phật giáo, tự đặt tên là Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn”.

Hỡi ôi! Có cái gọi là “chi phái tín ngưỡng” nào lại dự kiến hành động lật đổ chính quyền (để thành lập nhà nước Đại Nam Kinh), rồi lập ra cả một bộ máy chính quyền trung ương, có cả quốc kỳ, quốc ca, thủ đô, thậm chí sắc phong cho 72 tướng lĩnh!

Chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, từ lâu đã được chủ trương và thể chế hóa trong các văn kiện của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi rõ: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương, giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng”. Quan điểm này tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện trong các kỳ đại hội tiếp theo, được đề cập trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).

Không giới hạn ở quan điểm chủ trương, tự do và phát triển tôn giáo đã được cụ thể hóa trên thực tế. Hiện cả nước Việt Nam có 12 tôn giáo với trên 22 triệu tín đồ, 80 nghìn chức sắc tôn giáo, nhà tu hành, 32 tổ chức và trên 25.000 nơi thờ tự. Việc xây dựng mới, tôn tạo, tu bổ nơi thờ tự được tạo điều kiện thuận lợi diễn ra khắp nơi trên đất nước. Các dịp lễ trọng, sinh hoạt tôn giáo trở thành ngày hội chung của toàn dân, lôi kéo hàng vạn người tham gia…

Chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo của dư luận quốc tế. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa I-ta-li-a mới đây, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican trong bầu không khí thẳng thắn, cởi mở, hiểu biết lẫn nhau…

Những thực tế hiển nhiên đó bác bỏ mạnh mẽ những luận điệu xằng bậy về tôn giáo ở ViệtNam trong báo cáo của HRW!

Một trong những nội dung chính luôn lặp đi lặp lại trong các báo cáo của HRW là tố cáo Việt Nam “đàn áp” các nhà hoạt động nhân quyền và báo cáo lần này cũng không phải là ngoại lệ. Báo cáo đã cố tình xuyên tạc hành động của các cá nhân, tổ chức có hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam, coi đó như các nhà “vận động nhân quyền”.

Nhưng có một thực tế khác mà báo cáo đã lờ đi, đó là Việt Nam luôn cương quyết trừng trị những người có hành vi vi phạm pháp luật, nhưng cũng rất khoan dung đối với những người lầm đường lạc lối.

Trên tinh thần nhân đạo, mới đây Việt Nam đã trả tự do cho công dân Mỹ gốc Việt Nguyễn Quốc Quân (tên Mỹ là Richard Nguyễn) là một ví dụ. Một ngày trước hôm HRW phát hành báo cáo xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, ngày 30-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland, trong buổi tiếp xúc với báo giới, đã xác nhận rằng Mỹ cảm thấy hài lòng về việc công dân Mỹ Richard Nguyễn được trả tự do và đấy là một “tin vui”…

Tất cả những lý lẽ cũng như dẫn chứng nêu trên cho thấy Báo cáo tình hình thế giới 2013 của HRW, phần liên quan đến Việt Nam, hoàn toàn không chính xác, là một sự xúc phạm nhân dân Việt Nam. Đó là cách đánh giá lỗi thời, sai lệch và cần phải bị lên án.

TƯỜNG MINH

Công tác đối ngoại nhân dân 2012 đạt nhiều kết quả

Ngày 30-1, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cùng tham dự và chủ trì có đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân.
Báo cáo của Ban Đối ngoại Trung ương và tham luận của các đại biểu cho thấy, công tác đối ngoại nhân dân năm 2012 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thiết thực trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, góp phần củng cố quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước, mở rộng mạng lưới bạn bè, đối tác quốc tế của Việt Nam; chủ động hội nhập quốc tế, đóng góp có trách nhiệm cho các phong trào nhân dân khu vực và thế giới, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam; tích cực vận động và tranh thủ nguồn lực nước ngoài, đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác quốc tế để góp phần phát triển đất nước; tham gia vận động đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh đã biểu dương những thành tích của đối ngoại nhân dân trong năm qua, yêu cầu Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đối ngoại, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội trong năm bản lề 2013.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị các ban, bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục củng cố phát triển lực lượng, tăng cường các điều kiện cho đối ngoại nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bế mạc Hội nghị, đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, xác định rõ các nhiệm vụ, trọng tâm và yêu cầu đối với công tác đối ngoại nhân dân trên các mặt hoạt động đối ngoại, tăng cường công tác quản lý, xây dựng cơ chế phối hợp và phát triển lực lượng nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 04 của Ban Bí thư, phát huy tối đa lợi thế của hoạt động đối ngoại trong tình hình mới, góp phần to lớn hơn nữa vào hoạt động đối ngoại chung của cả nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhà nước./.
Theo: TTXVN

"Đại đoàn kết là nền tảng thành bại của đất nước"

Chủ tịch nước khẳng định việc động viên toàn dân nỗ lực vượt qua khó khăn, đại đoàn kết toàn dân là nền tảng thành bại của đất nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn trong năm qua, việc động viên toàn dân nỗ lực vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất có ý nghĩa quan trọng, bên cạnh đó có thể khẳng định công tác đại đoàn kết toàn dân là nền tảng thành bại của đất nước.
Ngày 22/1, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2012.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Chủ tịch nước cho rằng, các chương trình phối hợp giữa hai bên đã góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân do dân, vì dân.
Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng quan tâm đến việc nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng phối hợp để động viên phong trào thi đua yêu nước, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước những yêu cầu thực tế đặt ra đòi hỏi sự phối hợp giữa hai cơ quan phải chặt chẽ hơn, tổ chức thường xuyên các cuộc gặp gỡ, họp chuyên đề, tích cực tham gia lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992, trao đổi tìm biện pháp giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, sớm ban hành Quy chế giám sát phản biện xã hội làm cơ sở để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đơn vị, cá nhân cùng tham gia giám sát đóng góp xây dựng đất nước ngày càng dân chủ phát triển phồn vinh.
Chủ tịch nước cho rằng năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm của Đại hội Đảng XI. Chính vì vậy cùng với toàn Đảng, toàn dân, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hết sức nặng nề, đòi hỏi các tổ chức thành viên cần nỗ lực trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị và đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao phó
Năm 2012, trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn thách thức, Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quan tâm phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực, kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc; kiến nghị Nhà nước ban hành nhiều cơ chế chính sách về an sinh xã hội, nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các gia đình chính sách.
Trong các chuyến đi thăm và làm việc tại các nước, Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước luôn quan tâm động viên khích lệ kiều bào, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về xây dựng quê hương đất nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoạt động ngày càng thiết thực đi vào chiều sâu, đáp ứng được nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với thăm hỏi động viên nhân dân vùng bị thiên tai, bão lũ, tích cực vận động nhân dân cả nước, các tổ chức cá nhân chia sẻ ủng hộ đồng bào vùng bị nạn, khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống, Chủ tịch nước đã có thư khen những gương người tốt việc tốt, giúp nhau trong hoạn nạn, đồng thời quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành phòng chống và khắc phục hậu quả.
Hai bên cũng phối hợp tốt trong động viên phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  phát động: “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,” “Ngày vì người nghèo.” Những hoạt động xây dựng “Quỹ xóa đói giảm nghèo,” “Quỹ tấm lòng vàng” đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, thu hút được sự tự giác, của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; huy động được hàng ngàn tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội cho xóa đói giảm nghèo.
Hai bên cũng đã tích cực phát huy dân chủ chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên một số những tồn tại trong thực hiện quy chế phối hợp. Do đặc thù công việc của hai bên khá độc lập, nên chế độ thông tin giữa hai bên chưa kịp thời. Việc tổ chức họp chuyên đề giữa hai bên chưa được thực hiện như dự kiến. Hoạt động trao đổi giữa Văn phòng Chủ tịch nước với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong một số trường hợp đặc biệt chưa được thực hiện. Việc giải quyết một số khiếu nại tố cáo của công dân đến nay vẫn chưa có sự phối hợp để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Một số đại biểu cho rằng, cần phải có chính sách tháo gỡ khó khăn cho cán bộ, giáo viên ngành giáo dục nhằm khuyến khích động viên nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa Chủ tịch nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và các tôn giáo.

Báo chí Nhật Bản ca ngợi thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam

Trong những ngày qua, một số báo và kênh truyền hình lớn ở Nhật như Thời báo Nhật Bản, TBS, Đài Truyền hình Kansai đã liên tục đăng bài và phát phóng sự về Việt Nam. Các bài báo này đều đánh giá, tình hình chính trị - xã hội của nước ta trong năm 2001 rất ổn định, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP lên mức cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Thời báo Nhật Bản số ra ngày 17/1 đã trích lời Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Dũng nói với tổng biên tập báo này rằng, từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2001, mặc dù gặp nhiều khó khăn kinh tế và phải cắt giảm 10% tổng kim ngạch ODA, nhưng viện trợ của Nhật dành cho Việt Nam vẫn tăng 8%.
Trong một chương trình truyền hình ngày 17/1, ông chủ hãng truyền hình cáp Kansai đã phỏng vấn ông Sakaue Yoshihide, thành viên Ban nội các Hạ viện Nhật Bản, và Đại sứ Vũ Dũng. Ngài Sakaue cho rằng năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kinh tế xã hội, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Báo chí nước này cũng cho rằng, Việt Nam là một đất nước bình yên, phong cảnh vẫn giữ được những nét đẹp của thiên nhiên, con người mến khách, ẩm thực phong phú. Lượng du khách Nhật đến Việt Nam do vậy đã tăng đều đặn 40-50% mỗi năm, và đạt mức kỷ lục là 200.000 người năm 2001. Thời báo Nhật Bản nhấn mạnh rằng với việc mở thêm đường bay trực tiếp Tokyo - Hà Nội vào tháng 6 tới, giao thông và giao thương giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng lên.
(Theo TTXVN)

Lần đầu tiên xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt Thái Lan

(ThanhtraVietnam) - Năm 2012, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của cả nước tăng 2,72% so với năm 2011. Nhiều nhóm hàng nông sản tăng khá về lượng xuất khẩu: Sắn và sản phẩm sắn tăng 55,2%; cà phê tăng 37,9%; cao su tăng 23,8%; hạt điều tăng 25,6%; gạo tăng 13,1%; chè tăng 10,4%... Lần đầu tiên xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt Thái Lan, đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD.
Khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của nông thôn Thủ đô
Đó là một trong những thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới ở nước ta do đồng chí Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành uỷ khoá XV về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”.
Trên địa bàn Thành phố, hiện có 1.312 trang trại gia cầm; 724 trang trại gia súc. Trong đó có 15 hộ chăn nuôi tập trung, quy mô từ 15.000 đến 60.000 con gà; 2.000 đến 20.000 con lợn. Sản lượng bình quân của các hộ nuôi lợn từ 900-1200 tấn/năm; hộ lớn nhất đạt 3.000 tấn/năm; 12 khu nuôi trồng thuỷ sản với tổng diện tích 990 ha…
Trên toàn Thành phố, tổng số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi ở cả 4 cấp: TW, Thành phố, huyện và cơ sở là hơn 190 nghìn hộ; trong đó cấp TW có 166 hộ; cấp Thành phố có 2.065 hộ; cấp huyện có 32.332 hộ.
Một trong những thành tựu nổi bật của Thành phố trong hai năm qua là công tác xây dựng nông thôn mới. Diện mạo của nông thôn  ngoại thành, nhất là những địa phương đã triển khai xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc và thay đổi nhanh chóng. Nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, yêu cầu, nội dung, giải pháp xây dựng nông thôn mới được nâng lên một bước. Công tác quy hoạch nông thôn mới được coi trọng, công tác bố trí, quản lý, sử dụng đất đai, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng đi vào nền nếp và có hiệu quả hơn. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới trên toàn bộ 401 xã toàn Thành phố. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả bước đầu các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp như: Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; đề án phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; chương trình sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao; chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; các dự án giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản…
Trong những việc đã làm được, đồng chí Phạm Quang Nghị đặc biệt đánh giá cao những kết quả nổi bật của công tác dồn điền đổi thửa. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tốt (22,6 ngàn ha), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (là 19,4 ngàn ha). Điển hình là các huyện: Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Đây là việc làm rất khó, không phải chỉ khắc phục, vượt qua nếp nghĩ lâu đời nay của nông dân, làm ruộng phải có gần, có xa, có tốt, có xấu, có nông, có sâu, có lúa, có mầu, v.v... Mà còn phải vượt qua được những tính toán, lợi ích riêng tư đối với những hộ có ruộng tốt, ở vị trí thuận lợi, được giấu diện tích... Để làm được việc này, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm cao và gương mẫu, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Có thể nói, công tác dồn điền đổi thửa là một khâu đột phá để xây dựng nông thôn mới. Có dồn điền đổi thửa, mới quy hoạch được đồng ruộng; mới giải quyết tốt vấn đề giao thông, thuỷ lợi nội đồng; mới đưa tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng; mới cơ giới hoá được sản xuất, thực hiện được thâm canh, chuyên canh, sản xuất hàng hoá; mới thuận lợi cho công tác phòng chống sâu bệnh, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; mới sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai... Có dồn điền, đổi thửa mới góp phần đổi mới được tư duy, khắc phục tư tưởng manh mún, tự cung tự cấp, tiến tới sản xuất hàng hóa để làm giàu.
Qua 2 năm thực hiện Chương trình 02 và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, toàn Thành phố đã có 161/401 xã (40%) đạt và cơ bản đạt từ 10 - 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, 62 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí, 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí. Thành phố đã huy động được một nguồn lực rất lớn, trên 8,5 nghìn tỷ đồng, trong đó bước đầu đã huy động được những nguồn xã hội hoá tham gia xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư. Đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người 2 năm qua tăng từ 15 triệu đồng lên 17 triệu đồng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng có khu vực nông thôn rất rộng lớn và giàu tiềm năng phát triển, với hơn 80% diện tích đất tự nhiên, số dân hơn 4 triệu người; có 401 xã trên tổng số 577 xã, phường, thị trấn; 18 huyện trên 29 quận, huyện, thị xã. Nhận thức rõ đặc điểm, vị trí, tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thủ đô, Thành uỷ đã cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố bằng 9 chương trình công tác lớn; trong đó, Chương trình số 02 xác định: “Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng nông thôn mới phát triển theo quy hoạch, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái, cảnh quan sạch đẹp, gắn kết hợp lý giữa phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nông dân…”
Vượt qua khó khăn để chung sức xây dựng nông thôn mới
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay, trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước hai năm gần đây, nhất là sản xuất công nghiệp - xây dựng và dịch vụ gặp phải những khó khăn chưa từng có: Tốc độ phát triển kinh tế thấp hơn nhiều những năm trước (năm 2012 chỉ đạt 5,03%); công nghiệp - xây dựng tăng 4,52%; dịch vụ tăng 6,42%).
Năm 2012, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, Đảng bộ và chính quyền Thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; gắn với thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, trong đó có sự đóng góp to lớn, hiệu quả của nông dân, Thành phố đã đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực: kiềm chế được lạm phát dưới 10%, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,1%; thu ngân sách đạt 100,2% kế hoạch; văn hóa - xã hội phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được những kết quả đáng khích lệ. Một số lĩnh vực đạt được kết quả nổi bật, được nhân dân ghi nhận như: quy hoạch đô thị, trật tự an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, hoạt động đối ngoại của Thành phố, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…
Trong những thành tựu của Thủ đô trong năm 2012, đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn, rất quan trọng của nông thôn Thủ đô. Vượt lên những khó khăn do điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, dịch bệnh, giá vật tư tăng cao, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường nông sản v.v.. Sản xuất nông nghiệp của Thủ đô tiếp tục có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 199 triệu đồng/ha, tăng 5,3% so năm 2011.
Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản và dịch vụ nông nghiệp. Đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá với năng suất và chất lượng cao, như: sản xuất lúa, trồng rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh... Chăn nuôi có bước phát triển đột phá theo hướng hình thành các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; thuỷ sản phát triển theo hướng tập trung, thâm canh.
Những kết quả bước đầu đáng phấn khởi nói trên đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Thành phố; là kết quả của tinh thần quyết tâm cao độ và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành của Thành phố. Đồng chí Phạm Quang Nghị đánh giá cao vai trò chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, đã thể hiện nhiệt tình, tâm huyết, gắn bó, sâu sát với đồng ruộng, với người nông dân; hoan nghênh sự đóng góp, tham gia tích cực, với tinh thần “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” của bà con nông dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Thủ đô.
Từ một nước thiếu lương thực triền miên, phải nhập khẩu, nhận viện trợ về lương thực, hơn 10 năm nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thế giới cũng ca ngợi, đánh giá cao thành tích xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Mà nói đến thành công xoá đói, giảm nghèo, cũng có nghĩa nói đến thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn và là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời đòi hỏi sự nhiệt tình, gương mẫu, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và sự tích cực hưởng ứng của mỗi người dân. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng tin tưởng rằng, với nỗ lực và quyết tâm mới, Thành phố chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2013 và những năm tiếp theo./.

Gần 40% người Việt Nam thoát nghèo sau 20 năm

Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ gần 60% xuống 20,7% trong 20 năm qua. Tuy nhiên, bất ổn vĩ mô, những cú sốc bên ngoài... đang đặt ra những thách thức mới cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Thạch Thị Thanh, 41 tuổi, một nông dân ở tỉnh Trà Vinh ở ĐBSCL chia sẻ rằng trước kia gia đình bà chỉ thu hoạch một vụ lúa mỗi năm do thiếu hệ thống tưới tiêu và điện. "Đời sống ngày ấy rất vất vả. Giờ thì năng suất tăng, nhờ có thêm nhiều giống mới và có hệ thống mương do nhà nước làm. Nhà tôi bây giờ có thể trồng hai, ba vụ mỗi năm", bà Thanh chia sẻ
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), bà Thanh là một trong số khoảng 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Tỷ lệ nghèo giảm từ gần 60% hồi đầu những năm 1990 xuống 20,7% năm 2010, báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới có tên "Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải đích đến: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới" cho hay.
Việt Nam cũng đạt được những thành tựu trong giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo đạt hơn 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%. Bà Thanh chưa từng đi học, nhưng bà hy vọng cháu mình sẽ tốt nghiệp phổ thông để có thể tìm được việc làm tốt hơn với thu nhập ổn định. "Hiểu biết nhiều thì lương cao hơn", bà bày tỏ.
Trình độ học vấn tăng và sự đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp, như làm việc ở công trường, nhà máy hoặc làm người giúp việc tại nhà, cũng đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.
Bà Valerie Kozel, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, và là tác giả chính của báo cáo chia sẻ: "Những thành tựu đạt được rất ấn tượng. Tuy nhiên, tăng trưởng đang suy giảm trong những năm gần đây do các bất ổn vĩ mô và các cú sốc từ bên ngoài, bất bình đẳng gia tăng, nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số vẫn cao và khó xóa bỏ". Theo chuyên gia Kozel, những người nghèo còn lại ở Việt Nam khó để tiếp cận, họ phải đối mặt với những thách thức như sự cô lập, hạn chế về tài sản, trình độ học vấn thấp, sức khỏe kém.
Báo cáo cũng nhấn mạnh nghèo phổ biến trong nhóm dân tộc thiểu số là quan ngại của Việt Nam. Thực tế, 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm chưa tới 15% dân số quốc gia lại chiếm tới gần 50% số người nghèo trong năm 2010. Đa số các dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa và những vùng cao nơi năng suất lao động thấp.
Chuyển đổi và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng góp phần làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội. Một số người nghèo, đặc biệt những người sống ở khu vực nông thôn và thành phố nhỏ, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục và y tế chất lượng cao, cũng như việc làm tốt.
Cũng theo báo cáo này, với mức độ đô thị hóa nhanh, nghèo đô thị cũng trở thành thách thức mới ở Việt Nam. Số dân nông thôn di cư ra thành thị để làm việc trong khu vực tư nhân và dịch vụ đang tăng, chủ yếu là công việc không chính thức và không có những phúc lợi về an sinh xã hội hoặc việc làm, như bảo hiểm y tế và lương hưu.

       
Biểu đồ và số liệu do WB công bố.   
"Trong thời gian tới, công cuộc xóa đói giảm nghèo sẽ gian nan hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ phía Chính phủ, xã hội và bản thân người nghèo", bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhận định.
Chuyên gia Kozel chia sẻ thêm: "Quan trọng là phải để tăng trưởng mang lại lợi ích cho mọi nhóm dân, bằng cách mở rộng đầu tư vào khu vực nông thôn và tăng năng suất lao động nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lạo động....
"Việt Nam cũng nên cải thiện các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội để có thêm nhiều hộ nghèo được hưởng lợi. Hiện nay, chỉ khoảng 50% hộ nghèo nhất hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo của Chính phủ, và mức trợ cấp nhìn chung còn rất thấp", bà Valerie Kozel nhận định.

Năm 2010, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới cập nhật chuẩn nghèo mới, phản ánh tốt hơn điều kiện sống của người nghèo. Dựa trên chuẩn này và hệ thống theo dõi nghèo cập nhật, tỷ lệ nghèo của cả nước năm 2010 là 20,7% so với con số chính thức là 14,2% cùng kỳ tính theo chuẩn nghèo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.   
Anh Quân

WB ấn tượng thành tựu giảm nghèo của Việt Nam
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) hôm nay 24.1 cho biết, trong vòng 20 năm qua, có khoảng 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo.
Cụ thể, trong báo cáo của WB có tên Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới đã khẳng định, tỉ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ 60% hồi đầu những năm 1990 xuống còn 20,7% hiện nay.
Việt Nam cũng đạt được những thành tựu ấn tượng trong giáo dục và y tế, khi tỉ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo đạt mức hơn 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh, nghèo phổ biến trong nhóm dân tộc thiểu số là quan ngại đặc biệt của Việt Nam. Mặc dù 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm chưa tới 15% dân số quốc gia, nhưng lại chiếm tới gần 50% số người nghèo.
Ngoài ra, với mức độ đô thị hóa nhanh, nghèo đô thị cũng trở thành thách thức mới ở Việt Nam. Số dân nông thôn di cư ra thành thị để làm việc trong khu vực tư nhân và dịch vụ đang tăng, chủ yếu là công việc không chính thức và không có những phúc lợi về an sinh xã hội hoặc việc làm.
Hiện nay, chỉ khoảng 50% hộ nghèo nhất hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo của Chính phủ, và mức trợ cấp nhìn chung còn rất thấp.
Theo Thanh Niên

Hành vi phạm tội của các đối tượng rất rõ ràng

QĐND - Phiên tòa sơ thẩm xét xử nhóm đối tượng trong tổ chức phản động “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” đang diễn ra tại tỉnh Phú Yên. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, hiểu đúng bản chất vụ án và tổ chức phản động này, Báo Quân đội nhân dân xin làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng.
Dùng tôn giáo làm bình phong
Cầm đầu tổ chức phản động này là Phan Văn Thu. Năm 1969, nhân vật này cùng một số đồng phạm thành lập ra tổ chức tôn giáo “Ân đàn đại đạo”. Sau khi đất nước thống nhất, “Ân đàn đại đạo” bị xóa sổ,  Phan Văn Thu và các bị can cùng một số ngụy quân, ngụy quyền trốn trình diện đến khu vực núi Đá Đen (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Đồng Nai) xây dựng "căn cứ địa" gọi là Hồng Trúc Lâm nhằm hoạt động chống phá chính quyền cách mạng. Với hành vi trên, Phan Văn Thu bị Công an tỉnh Phú Khánh (cũ) xử lý theo quy định của pháp luật.

       

Ngày 6-5-1976, Phan Văn Thu di trú bất hợp pháp đến khu vực núi Chúa (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) tập hợp các phần tử phản cách mạng tiếp tục hoạt động chống phá chính quyền nhân dân. Ngày 26-8-1978, Phan Văn Thu bị bắt lại và tiếp tục được đưa đi tập trung cải tạo. Tháng 5-1983, Phan Văn Thu ra trại và bị quản thúc tập trung tại khu kinh tế Mai Liên (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Năm 1984, Huỳnh Hùng, Võ Thành Lê tổ chức cho Phan Văn Thu trốn quản thúc vào sinh sống tại ấp 8, xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Phan Văn Thu đã làm giấy chứng minh nhân dân đổi tên là Trần Công. Núp dưới cái tên mới, Phan Văn Thu tiếp tục liên lạc với một số đối tượng để tổ chức hoạt động “Ân đàn đại đạo” dưới tên “Hồng ân đại đạo”. Năm 1989, bị Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, các thành viên của tổ chức “Hồng ân đại đạo" đã bỏ trốn. Phan Văn Thu trốn vào trú ngụ tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Năm 1991, Vương Tấn Sơn, Nguyễn Kỳ Lạc cùng một số đối tượng trong tổ chức “Hồng ân đại đạo" vào Đồng Tháp đón Phan Văn Thu về Phú Yên nhằm phục hồi hoạt động của tổ chức này. Vương Tấn Sơn tuyên truyền kết nạp Nguyễn Dinh vào tổ chức và sử dụng nhà ở của Nguyễn Dinh tại thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa để Phan Văn Thu về tập hợp các đối tượng “Ân đàn đại đạo” cũ tuyên truyền, thuyết giảng Cửu kinh minh triết, củng cố và phát triển tổ chức.
Từ năm 1992 đến 2003, núp dưới chiêu bài tôn giáo, Phan Văn Thu cùng một số đồng phạm đã lén lút tuyên truyền, lôi kéo những người mê tín, nhẹ dạ, cả tin tham gia tổ chức “Ân đàn đại đạo” để phát triển lực lượng, củng cố tổ chức, hoạt động chống phá cách mạng.
Núp dưới danh nghĩa hoạt động du lịch
Dù cái gọi là “Ân đàn đại đạo” đã bị triệt phá từ lâu, nhưng với bản chất chính trị phản động, sau năm 2000, Phan Văn Thu mò lên Bình Định, Phú Yên, Đắc Nông để móc nối liên lạc với những đối tượng từng tham gia “Ân đàn đại đạo” và những phần tử xấu để mưu toan tập hợp lực lượng tiếp tục chống phá chính quyền cách mạng. Lợi dụng chính sách đổi mới kinh tế của Nhà nước ta, Phan Văn Thu cùng “đàn em” thành lập Công ty TNHH Hoàng Long ở Tây Nguyên. Tiếp đó, Phan Văn Thu xúi giục đồng bọn thành lập Công ty TNHH Hoàng Long tại Phú Yên (sau đổi thành Công ty TNHH Huỳnh Long) và đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Đá Bia.
Năm 2004, núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp hoạt động du lịch sinh thái, Phan Văn Thu cùng đồng bọn tập hợp lực lượng về căn cứ Bia Sơn thành lập tổ chức "Hội đồng công luật công án Bia Sơn", xây dựng trung tâm chỉ huy, củng cố và phát triển tổ chức ở cả hai cấp Trung ương (với 12 ban) và địa phương (với 26 pháp hội và 4 nhóm) với 293 đối tượng ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước tham gia, chờ đợi thời cơ lật đổ Nhà nước Việt Nam, thành lập cái gọi là Nhà nước Đại Nam Kinh Châu do Phan Văn Thu lãnh đạo. Để thực hiện mưu đồ đó, từ năm 2004 đến cuối năm 2010, Thu chỉ đạo xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, cương lĩnh hành động, định hướng hoạt động của tổ chức với mục tiêu chống phá Nhà nước Việt Nam. Phan Văn Thu cùng đồng phạm chọn phương thức đấu tranh “bất bạo động”, âm thầm phát triển lực lượng, xây dựng cơ sở vật chất, mô hình, chờ thời cơ lật đổ chính quyền nhân dân. Phan Văn Thu đã chỉ đạo Võ Thành Lê và Lê Duy Lộc sáng tác, biên soạn hệ thống các tài liệu của tổ chức như bộ “Cửu kinh minh triết”, “Công án thiên sách”, “Pháp Công án công luật”, “Cương lĩnh Công luật đại hóa”… Nội dung chủ yếu của các tài liệu là xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam để tuyên truyền, mê hoặc, gây phân tâm trong một số người dân thiếu hiểu biết... Nhưng tất cả những hành vi trên không qua được tai mắt nhân dân và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng. Ngày 5-2-2012, bộ mặt thật của Phan Văn Thu và đồng bọn lần lượt bị lật tẩy. Phan Văn Thu và các đồng phạm bị Công an Phú Yên bắt giữ. Các vật chứng thu giữ gồm hàng trăm tập tài liệu, đĩa (CD, VCD, DVD, MP3), băng cassette thể hiện nội dung chủ thuyết, cương lĩnh, điều lệ hoạt động, cơ cấu tổ chức, sổ ghi chép và tên những người đóng góp kinh phí cho tổ chức "Hội đồng công luật công án Bia Sơn".
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia
Ngày 28-1, tại TP Tuy Hòa, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã mở phiên tòa sơ thẩm công khai xét xử các đối tượng trong tổ chức phản động “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”. Phan Văn Thu cùng các nhân vật chủ chốt trong vụ án đã bị Viện KSND tỉnh Phú Yên truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, trực tiếp xâm phạm, uy hiếp sự tồn tại của chính quyền nhân dân. Hành vi của bị cáo Phan Văn Thu và đồng phạm đã đi ngược lại nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trước những chứng cứ mà Hội đồng xét xử đưa ra, Phan Văn Thu đã thừa nhận vai trò cầm đầu tổ chức cùng toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Phan Văn Thu cũng thừa nhận việc Viện KSND tỉnh Phú Yên truy tố y và các đồng phạm trong vụ án theo Khoản 1, Điều 79 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và mong được hưởng sự khoan hồng...
“Hội đồng công luật công án Bia Sơn” là tổ chức chính trị phản động. Với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, Phan Văn Thu và đồng bọn sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Từ vụ án này càng cho chúng ta thấy rõ chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam đang được các thế lực thù địch thực hiện dưới nhiều chiêu thức vừa công khai, trắng trợn, vừa bí mật kiểu "chiến tranh ngầm"... Các cơ quan bảo vệ pháp luật khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác để không mắc mưu, tiếp tay cho các thủ đoạn của kẻ xấu, sát cánh cùng các lực lượng chức năng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của chúng.

Các bị cáo bị truy tố gồm: Phan Văn Thu (tức Trần Công), sinh năm 1948, trú tại thị xã An Nhơn (Bình Định); Võ Thành Lê, sinh năm 1955, trú tại huyện Đông Hòa; Vương Tấn Sơn, sinh năm 1953; Đoàn Văn Cư, sinh năm 1962; Nguyễn Dinh, sinh năm 1968; Lê Trọng Cư, sinh năm 1966 cùng trú tại huyện Phú Hòa (Phú Yên); Võ Ngọc Cư, sinh năm 1951; Tạ Khu, sinh năm 1947; Phan Thanh Ý, sinh năm 1948; Phan Thanh Tường, sinh năm 1987; Lương Nhật Quang, sinh năm 1987; Đỗ Thị Hồng, sinh năm 1957; Trần Phi Dũng, sinh năm 1966 cùng trú tại huyện Tây Hòa (Phú Yên); Đoàn Đình Nam, sinh năm 1951; Võ Tiết; sinh năm 1952 cùng trú tại TP Tuy Hòa (Phú Yên); Nguyễn Kỳ Lạc, sinh năm 1951, trú tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên); Lê Phúc, sinh năm 1951; Nguyễn Thái Bình, sinh năm 1986 cùng trú TP Phan Rang - Tháp Chàm (Phú Yên); Lê Duy Lộc, sinh năm 1956, trú tại huyện Ninh Hải (Ninh Thuận); Từ Thiện Lương, sinh năm 1950, trú tại TP Phan Thiết (Bình Thuận); Trần Quân, sinh năm 1984, trú tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) và Lê Đức Động, sinh năm 1983, trú tại huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế).   
KIM LÂN