Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Hồ Chí Minh với việc khẳng định những giá trị cốt lõi trong mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

QĐND Online - Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một trong những nội dung trung tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh; trong đó, những luận giải rất phong phú của Người về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như một biểu trưng mẫu mực về sự nghiền ngẫm uyên bác những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin, về tinh thần sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê nin vào hoàn cảnh các nước thuộc địa. Đây là những luận điểm đặt tiền đề quan trọng và là kim chỉ nam cho cho hành trình tới tương lai tươi sáng của dân tộc, đặc biệt cho sự nghiệp đổi mới tư duy lý luận hiện nay.
Trong các di sản lý luận của mình, C. Mác và Ph. Ăng ghen đã nêu lên những dự đoán thiên tài về xã hội tương lai – xã hội cộng sản chủ nghĩa. Hai ông đã có công biến Chủ nghĩa xã hội vốn là học thuyết không tưởng thành học thuyết có cơ sở khoa học. Tuy vậy, do điều kiện lịch sử, các nhà sáng lập ra Chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ có thể dự đoán những nét chủ yếu, chứ không thể nêu lên một cách chi tiết những quan niệm của mình về xã hội tương lai. Hơn nữa, những dự đoán ấy được hình thành chủ yếu trên cơ sở nghiên cứu hiện thực xã hội tư bản chủ nghĩa phát triển tương đối cao ở một số nước Tây Âu. Có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất, chế độ cộng sản có thể áp dụng được ở châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng không? Thứ hai,có thể có một mô hình chủ nghĩa xã hội chung cho mọi quốc gia, dân tộc không?
Về vấn đề thứ nhất: Chế độ Cộng sản có thể áp dụng được ở châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng không? Vấn đề này được Hồ Chí Minh cùng những người cách mạng ở châu Á và Đông Dương quan tâm ngay từ năm 1921. Muốn hiểu biết vấn đề đó và muốn trả lời câu hỏi đó, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh cho rằng cần phải xem xét tình hình cụ thể ở lục địa châu Á về mặt lịch sử và địa lý. Bằng nhãn quan chính trị sắc sảo và sự hiểu biết sâu rộng, trên cơ sở nghiên cứu, xem xét các nước châu Á một cách toàn diện cả về lịch sử xã hội – văn hoá, kinh tế, chính trị… Người đi đến kêt luận: “Bây giờ hãy xét những lý do lịch sử cho phép Chủ nghĩa Cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu”[1]. Bởi ở châu Á, tư tưởng về cộng đồng xã hội, bình đẳng, giáo dục và đề cao giá trị nhân văn; tư tưởng phải đấu tranh cho hạnh phúc của con người, đề cao nhân dân.v.v.. đã phát triển sớm, trở thành cơ sở thuận lợi để tiếp nhận tư tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản. Cuối thế kỷ XX, một sự thật lịch sử là trong khi một mô hình chủ nghĩa xã hội tan rã ở các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu, thì chế độ xã hội chủ nghĩa lại được củng cố và phát triển ở các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc… Thực tế đó đã chứng minh nhận định thiên tài của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh.

Bác Hồ nói chuyện với bà con nông dân Hùng Sơn – Đại Từ – Thái Nguyên năm 1954.
Về vấn đề thứ hai: Có thể có một mô hình chủ nghĩa xã hội chung cho mọi quốc gia, dân tộc không? Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê nin đã có những dự đoán thiên tài về xã hội tương lai, song chưa lúc nào các ông cho rằng, trong tương lai chủ nghĩa xã hội sẽ chỉ có một mô hình duy nhất. Chủ nghĩa xã hội về bản chất và mục tiêu là thống nhất, nhưng có nhiều mô hình khác nhau, thể hiện sự đa dạng, phong phú trong việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Mô hình chủ nghĩa xã hội ở mỗi quốc gia bao giờ cũng mang trong nó những nét đặc thù về lịch sử, văn hoá, dân tộc của quốc gia đó.
Hồ Chí Minh đã tiếp cận Chủ nghĩa xã hội từ nhiều phương diện khác nhau: Từ chủ nghĩa yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc, từ phương diện đạo đức, từ góc độ văn hoá… Trên các phương diện Người đều thấy rằng, về bản chất Chủ nghĩa xã hội là một chế độ mới khác biệt về chất, một chế độ thực sự ưu việt, đầy tính nhân văn cao cả. Người chỉ rõ: “Chỉ có Chủ nghĩa Cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc…”[2]. Đối với Việt Nam, Chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Namlãnh đạo. Sau này, trong lý luận nhận thức về Chủ nghĩa xã hội, Người khẳng định thêm nhiều luận điểm quan trọng: “Không có một chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và đảm bảo cho nó được thoả mãn bằng chế độ Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa”[3]; Chủ nghĩa xã hội là “nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được no ấm và sống một đời hạnh phúc”[4]…
Giá trị xuyên suốt và đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình Chủ nghĩa xã hội gắn liền với khát vọng cháy bỏng của Người; đó là xã hội giải phóng thật sự con người, xã hội do nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Theo Hồ Chí Minh, xây dựng chế độ chính trị – xã hội ưu việt là nhằm giải phóng con người về mặt chính trị. Khi đó con người mới thực sự là mục tiêu theo ý nghĩa chân chính của nó. Mặt khác, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột và nô dịch trong xã hội có giai cấp đối kháng là một động lực mạnh mẽ, là công cụ chủ yếu để khai thác và phát huy mọi khả năng vật chất và tinh thần của con người vào sự phát triển xã hội. Một xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa theo Hồ Chí Minh quan niệm là một xã hội trong đó con người được tự do, bình dẳng, hạnh phúc. Con người có sự phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã nêu những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cả sáu vấn đề người đưa ra đều liên quan đến con người và giải phóng con người. Đó là:
Nhân dân đang đói, làm gì để thoát khỏi nạn đói.
Nhân dân đang dốt, làm gì để thoát khỏi dốt.
Nhân dân chưa được hưởng dân chủ, làm gì để nhân dân được hưởng tự do.
Nhân dân bị đầu độc bằng rượu và thuốc phiện, phải làm gì để thoát khỏi nạn này.
Nhân dân phải chịu nhiều thứ thuế, phải bỏ ngay các thứ thuế đó cho dân.
Nhân dân bị thực dân chia rẽ, phải làm gì để đoàn kết nhân dân lại.
Trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Người thường xuyên nhắc nhở Đảng và Chính phủ phải luôn lo cho dân: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người lại nhắc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”[5]. Như vậy, yêu thương những con người lao động, đấu tranh nhằm giải phóng con người khỏi ách áp bức bóc lột, bất công, khỏi sự nghèo đói, dốt nát là điểm xuất phát trong cách tiếp cận mô hình chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong lịch sử Việt Nam, các triều minh quân đều nhận thức: Yêu thương nhân dân là việc đầu tiên của vương chính; có đặt dân sinh lên chốn chiếu êm mới làm cho thế nước vững như Thái sơn, bàn thạch. Tư tưởng ái dân, nhân hậu với nhân dân, mưu lo cho dân an cư lạc nghiệp được Trần Hưng Đạo nâng lên thành thượng sách giữ nước và Nguyễn Trãi coi như biểu trưng của việc nhân nghĩa. Chủ trương ái dân và đã có những chính sách “chăn dân”, nhưng trên thực tế hầu như ở tất cả các triều đại xưa quyền làm chủ của người dân không được xác lập; có chăng nhân dân chỉ được hưởng cái “quyền” của mình khi đất nước lâm nguy, khi thái ấp của vua chúa có nguy cơ rơi vào tay giặc. Đặc biệt ở các triều đại vua chúa nhà Nguyễn (cuối thế kỷ XIX), “đức” thương dân của vương quan trong triều chỉ là đức thương của người cưỡi ngựa thương con ngựa; ái dân cốt để vinh thân, củng cố vương quyền. Và những khẩu hiệu: “Tự do, bình đẳng, bác ái” mà Chủ nghĩa tư bản rêu rao, được Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh khảo cứu bằng chính thực tế cuộc sống người lao động ở các nước: Pháp (1911), Hoa Kỳ (1912), Anh (1914)…, rốt cuộc chỉ là sự che đậy bản chất bất công tàn bạo và đê tiện của chủ nghĩa tư bản. Trên thực tế, ở đâu giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng bị áp bức bóc lột rất dã man. Cho đến nay, Chủ nghĩa tư bản đã kéo dài sự phát triển qua mấy thế kỷ, vẫn không thể xoá bỏ được những mâu thuẫn cố hữu giữa lao động và tư bản, giữa người bị áp bức, bóc lột và kẻ áp bức, bóc lột; sự phát triển ấy không những không thể khắc phục được mà ngày càng làm trầm trọng hơn sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội.

Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên HTX – NN Lai Sơn – Vĩnh Phúc ngày 30-3-1958.
Đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, Chủ nghĩa xã hội là xã hội duy nhất mà ở đó quyền con người trở thành hiện thực, là xã hội có khả năng phát huy cao nhất mọi tiềm năng con người (cá nhân, tập thể, cộng đồng). Với Hồ Chí Minh, con người là chủ thể tích cực của lịch sử, nhân dân là giá trị quý báu nhất, cao nhất; của dân, tài dân, sức dân là nguồn lực quan trọng nhất của phát triển. Không có dân ủng hộ giúp đỡ thì cách mạng không có sức mạnh, không thể thành công. Không có dân thì Đảng không có lực lượng. Có dân, được dân tin, dân yêu, dân phục, lại có đường lối đúng để dẫn dắt dân tranh đấu thì việc khó mấy cũng giải quyết được.
Nói đến quyền con người trong Chủ nghĩa xã hội không thể không nói đến tư tưởng dân chủ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là sự thể hiện quyền con người của cá nhân và cộng đồng ở mức cao nhất. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nếu trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân thì dân chủ là của quý báu nhất trên đời của nhân dân; dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ[6]. Quan niệm đó thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa tính nhân văn và tính pháp lý của dân chủ, được thể hiện thống nhất trong nội hàm dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân và vì nhân dân. Nhưng để nhân dân thực hiện được vai trò cách mạng của mình, đem lại hạnh phúc cho chính mình cần phải có sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới công việc thực tế để xây dựng nền dân chủ tiến bộ nhất thực sự là của dân, do dân, vì dân. Suốt cuộc đời của mình, Người luôn quan tâm xây dựng Đảng trên cả ba phương diện: Tư tưởng, lý luận; đường lối chính trị; tổ chức cán bộ. Người đòi hỏi Đảng phải thực sự là đạo đức, là văn minh, cán bộ đảng viên phải “chính tâm”, “nghiêm pháp”; phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp, của nhân dân, ngoài ra không còn lợi ích nào khác. Đảng và Nhà nước không phải là “cứu tinh” của nhân dân mà có trách nhiệm phụng sự nhân dân, là đày tớ của nhân dân. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Đảng phải quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chú trọng nâng cao dân trí; đặt dân sinh, dân trí, dân chủ trong quan hệ thống nhất.
Khi xác lập những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê nin cũng nhấn mạnh, chủ nghĩa xã hội không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải tuân theo, không phải là những sắc lệnh từ trên xuống, mà nó là một phong trào hiện thực, là sự nghiệp sáng tạo của bản thân quần chúng nhân dân. Vì thế, mọi sự gò ép, bất chấp hiện thực, công thức hoá những tư tưởng lý luận trên thực tế đều phải trả giá. Chủ nghĩa xã hội hiện thực luôn phát triển, do đó quan niệm về nó cũng phải được phát triển.
Chủ nghĩa xã hội và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thuộc phạm trù cách mạng vô sản nhưng được diễn ra ở một xứ thuộc địa không hoàn toàn giống một cuộc cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo ở phương Tây như các nhà kinh điển Mác – Lê nin đã chỉ ra. Vì vậy, tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê nin đòi hỏi sự vận dụng cần phải “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[7]. Đồng thời, nó phải được cụ thể hoá, phát triển và hoàn thiện trong quá trình cách mạng. Hơn nữa, Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội có nhiều nội dung, mỗi nội dung có quy luật phát triển riêng và luôn mang tính khả biến, gắn với diễn trình lịch sử trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng. Bởi vậy, để cách mạng thắng lợi đòi hỏi trong nghiên cứu, hoạch định đường lối cách mạng và chỉ đạo thực tiễn phải có quan điểm lịch sử cụ thể và phát triển; phải thấy rõ, phân tích và giải quyết tốt các mối liên hệ, có bước đi phù hợp, có những điều kiện cơ bản đảm bảo cho con đường cách mạng được hiện thực hoá. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phát hiện ra con đường cách mạng Việt Nam mà Người đã không ngừng phát triển hoàn thiện nó qua những thời kỳ lịch sử với những quan điểm cực kỳ đúng đắn, sáng tạo, chẳng những chỉ đạo cách mạng Việt Nam lúc sinh thời của Người mà còn có giá trị xuyên suốt tới ngày nay và mai sau.
Tính cách mạng khoa học, đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh trong xác định con đường cách mạng Việt Nam đã được lịch sử kiểm chứng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội, sau chiến thắng 30-4-1975 cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Sự phát triển không ngừng của đất nước trước những cam go, thử thách và biến động thăng trầm của lịch sử, những thành quả to lớn của cách mạng Việt Nam trong gần thế kỷ qua càng chứng minh giá trị và sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự vận động của thực tiễn cách mạng đòi hỏi lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội phải có bước phát triển mới. Việc xác định những đặc trưng cơ bản trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (1991) và việc tiếp tục bổ sung, phát triển quan niệm về Chủ nghĩa xã hội trong Nghị quyết Đại Hội XI của Đảng ta là sự tiếp nối kiên định, sự hiện thực hoá tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới của đất nước.
Con người – cuộc đời – sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội kết, chiết suất các giá trị và trở thành hệ giá trị vĩnh hằng đi sâu vào tâm thức mỗi người, thành biểu tượng thiêng liêng của lớp lớp các thế hệ không dễ phai nhạt. “Trong mọi sự biến đổi cũng có một số điều quan trọng không thể thay đổi, đó là lý tưởng Chủ nghĩa xã hội, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do dân chủ và công bằng xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng đó”[8]. Ai đó cố tình rêu rao cái gọi là “chọn sai đường” và “giá như”… là không thể chấp nhận với tất cả những ai có lương tri và biết trân trọng lịch sử.
——————–
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H. 1995, tr.35.
2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.1995, tr.461.
3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H. 1996, tr.291.
4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.1996, tr.17.
5 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H. 1996, tr.511.
6 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 1995, tr.515, 365
7 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H. 1995, tr.465.
8 Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích tham luận của đại biểu quốc tế UNESCO và Uỷ ban KHXHNV), H.1990, tr. 168.

Đại tá – Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG

Những kết quả kinh tế-xã hội quan trọng

(Chinhphu.vn) – Xuất khẩu 4 tháng đạt trên 39 tỷ USD, GDP tăng cao hơn cùng kỳ; tái cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả bước đầu; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh, quốc phòng được giữ vững, hoạt động đối ngoại đạt được những kết quả thiết thực.. là những kết quả quan trọng nêu trong Báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội sáng nay.

Khai mạc Kỳ họp 5, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Sáng ngày 20/5, ngay sau phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.
Theo đó, trong tổng số 15 chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, có thêm chỉ tiêu giảm nghèo vượt kế hoạch đề ra. Như vậy, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu không đạt. So với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn và 6 chỉ tiêu không đổi. Để đạt được kết quả trên, Chính phủ đã tập trung thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; kết hợp chặt chẽ việc kiểm soát, điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý với mục tiêu kiềm chế lạm phát; chú trọng bảo đảm cung-cầu hàng hoá thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường, nhất là trong các dịp Lễ, Tết...
Xuất khẩu 4 tháng đạt trên 39 tỷ USD, GDP cao hơn cùng kỳ
Về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2013, Báo cáo nêu rõ: Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,41% so với tháng 12/2012, đạt mục tiêu đề ra là thấp hơn cùng kỳ năm trước (2,6%) và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua… Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2-3%/năm so với cuối năm 2012; dư nợ tín dụng đã tăng trở lại, tính đến cuối tháng 4 tăng 2,11%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012; thị trường ngoại hối và tỷ giá  tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng cao, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng lên. Hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, thanh khoản tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, xuất khẩu 4 tháng đạt trên 39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) tăng 26,4%...
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đạt được kết quả bước đầu với việc đã thực hiện giãn, hoãn thuế theo thẩm quyền của Chính phủ và báo cáo Quốc hội về miễn, giảm thuế. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ tín dụng nuôi cá tra, triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Kết quả thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 4,89%, đạt mục tiêu đề ra là cao hơn cùng kỳ năm trước (4,75%). Khu vực dịch vụ tăng 5,65%, cao hơn các khu vực khác và cao hơn cùng kỳ năm trước (4,99%). Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng khá, hàng tồn kho giảm dần. Ngành xây dựng đang tăng trưởng trở lại. Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhất là sản xuất lúa gạo, khai thác hải sản…
Tái cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả bước đầu
Hoạt động tái cơ cấu kinh tế bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013-2020. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đầu tư và sớm phân bổ kế hoạch vốn năm 2013 và đẩy nhanh giải ngân cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Đồng thời, tăng cường thu hút vốn và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng…
Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ đã phê duyệt 40 đề án tái cơ cấu DNNN, xây dựng và phê duyệt Điều lệ tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính theo phương án đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu đã được phê duyệt. Triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu đối với những ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Thực hiện lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; rà soát, sửa đổi bổ sung, phê duyệt các quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng lãnh thổ… 
An sinh xã hội được bảo đảm
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm và cơ bản được bảo đảm. Đã tạo trên 475.000 việc làm mới, đạt 29,7% kế hoạch và tăng 9% so với cùng kỳ. Số người đăng ký và nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp giảm. Quan tâm giải quyết, hỗ trợ chế độ cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, phá sản…
Chính sách đối với người có công được tích cực thực hiện. Đến nay, trên 98% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Đã ban hành và tích cực chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ đối với 71.000 hộ trong năm 2013.
Để bảo đảm an sinh, Chính phủ đã xuất gần 40.000 tấn gạo để cứu đói trong dịp Tết và giáp hạt. Đồng thời, triển khai chính sách tín dụng lãi suất thấp cho hộ cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo lên 100%. Thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập và sinh hoạt cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và vùng khó khăn. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tích cực triển khai công tác bình đẳng giới, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người cao tuổi…
Giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường tiếp tục có bước tiến bộ như: Tích cực triển khai Luật giáo dục đại học, Chiến lược phát triển giáo dục về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung phát triển giáo dục, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; xây dựng, củng cố và mở rộng gần 13.500 trường mầm non ở hầu hết các địa bàn dân cư trong cả nước. Bên cạnh đó, chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đạt kết quả thiết thực; hoạt động hợp tác quốc tế, xây dựng một số trường đại học xuất sắc cũng được đẩy mạnh… 
Trong lĩnh vực y tế, đã tập trung thực hiện các giải pháp đã đề ra để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, nâng cao y đức. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, nâng tổng số người tham gia lên trên 60 triệu…
Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Đã hoàn thành việc xây dựng Đề án chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng, tài nguyên nước, bảo vệ và phát triển rừng.
Thực hiện nghiêm túc việc tổng kết Hiến pháp
Chính phủ thực hiện nghiêm túc việc tổng kết thi hành Hiến pháp và tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong toàn bộ hệ thống hành chính Nhà nước và đã có báo cáo tổng hợp với nhiều đề xuất, kiến nghị gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Bên cạnh đó, công tác thông tin truyền thông được tăng cường; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt những kết quả thiết thực. Chính phủ cũng tích cực triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính…
Đồng thời, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng được bảo đảm, quốc phòng được tăng cường. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh theo tinh thần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế với các hoạt động đối ngoại đa phương đã được triển khai có hiệu quả. Quan hệ song phương, nhất là với các đối tác lớn tiếp tục được tăng cường và đi vào chiều sâu.

Lê Sơn

Tái cơ cấu nền kinh tế: Kết quả bước đầu

(Chinhphu.vn) – Kiểm soát tốt việc bố trí vốn đầu tư, hoàn thành nhiều công trình quan trọng; xúc tiến tái cấu trúc 9 ngân hàng TMCP yếu kém; sắp xếp lại 27 doanh nghiệp Nhà nước; phê duyệt đề án tái cơ cấu 14 tập đoàn, tổng công ty… là những kết quả đạt được trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua.

Tái cơ cấu nền kinh tế bước đầu đã kết quả quan trọng.
Theo Báo cáo của Chính phủ, đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung vào 3 trọng tâm lớn là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng bước đầu đã đạt kết quả quan trọng.
Kiểm soát bố trí vốn, hoàn thành nhiều công trình
Trước hết, về tái cơ cấu đầu tư công, bước đầu khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thất thoát. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức rõ hơn và quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, bố trí vốn tập trung, đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán, nghiệm thu công trình.
Nhờ đó, việc bố trí vốn đầu tư đã có sự kiểm soát tốt, các dự án đầu tư về cơ bản được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. Số dự án khởi công mới giảm đáng kể, số dự án hoàn thành tăng cao.
Cụ thể, số vốn trong nước từ nguồn ngân sách Nhà nước bố trí đúng quy định chiếm tới 95,6% tổng số vốn rà soát; số vốn trái phiếu Chính phủ bố trí đúng quy định chiếm 99,7% tổng số vốn theo kế hoạch năm 2013. Tất cả các quyết định giao dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước (bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia) và kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành đúng thời hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.
Với việc bố trí vốn tập trung hơn, nhiều công trình quan trọng thuộc các ngành, lĩnh vực, như: giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, các chương trình mục tiêu quốc gia và xoá đói giảm nghèo... đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư nhiều công trình.
Có thể kể đến những công trình quan trọng đã hoàn thành như: Nhà máy Thủy điện Sơn La; các cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Đà Nẵng, Cần Thơ; các tuyến Quốc lộ 1 (đoạn Ninh Bình), 21B, 18, 38, 32, 39, 3 (đoạn Cao Bằng)...; các tuyến đường quan trọng của địa phương như: đường Gò Găng-Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Vị Thanh-Cần Thơ (Cần Thơ), Mậu Thân-sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), Đại lộ Đông Tây (TPHCM)… Các tuyến đường liên huyện, đường ô tô đến trung tâm xã được đầu tư, giao thông nông thôn miền núi được cải thiện. Nhiều cảng biển được hoàn thành, nâng cấp như: Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, mở rộng giai đoạn I cảng Đồng Nai, hoàn thành đầu tư, nâng cấp cảng biển Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Kỳ Hà, Quy Nhơn…
Tái cơ cấu 9 ngân hàng TMCP yếu kém
Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, các cơ quan hữu quan đã tập trung đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản; xây dựng và tổ chức triển khai phương án cơ cấu lại, trong đó ưu tiên xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; tập trung hỗ trợ thanh khoản để bảo đảm khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng; triển khai sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng trên nguyên tắc tự nguyện; tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hoạt động, hệ thống quản trị...
Đồng thời, đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém: Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn (SCB), Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa hợp nhất thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn; Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB); Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt  (Navibank); Ngân hàng Đại Tín (TrustBank); TienPhongBank; Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) hợp nhất với Tổng Công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC); và GP Bank.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước tập trung triển khai các giải pháp tự củng cố, rà soát các hoạt động kinh doanh chính, tham gia hỗ trợ thanh khoản và triển khai các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.
Sắp xếp 27 doanh nghiệp, tái cơ cấu 14 tập đoàn, tổng công ty
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cơ chế, chính sách sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước của tất cả các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91.
Trong năm qua, đã sắp xếp được 27 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 16 doanh nghiệp, sáp nhập 5 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp và chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 3 doanh nghiệp.
Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt (Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 6/9 tập đoàn kinh tế và 8/10 tổng công ty 91; các bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã phê duyệt đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.
Về cơ bản, các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã tập trung vào việc đổi mới mô hình tổ chức, cơ cấu lại sản phẩm, nguồn nhân lực, trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề, chiến lược phát triển, đảm bảo tập trung thực hiện các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính do Nhà nước giao; thực hiện thoái vốn, chuyển nhượng vốn không thuộc ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.
Có bước đi phù hợp để nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững
Các đề án tái cơ cấu kinh tế được chú trọng xây dựng và bước đầu triển khai thực hiện, trước mắt vẫn phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Tập trung điều hành giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay; điều hành lãi suất ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường và tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng, giám sát thực hiện các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và các tỷ lệ về an toàn hoạt động ngân hàng, chất lượng tín dụng và chấp hành các quy định pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015; khẩn trương đưa vào hoạt động Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia để góp phần xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, tăng khả năng cung ứng tín dụng của hệ thống TCTD đối với nền kinh tế.
Về trung và dài hạn, trong năm 2013, Chính phủ xác định tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 đã được phê duyệt. Đề ra các chương trình hành động, bước đi, các biện pháp triển khai bảo đảm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững nền kinh tế. Đặc biệt, tập trung tiếp tục triển khai tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp Nhà nước; tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại.
Phân bổ lại nguồn lực, tạo động lực khuyến khích mới
Tán thành cơ bản với với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bổ sung cần tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2013 trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công các dự án đầu tư xây dựng cơ bản để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra sự mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của một số địa phương. Ngoài những dự án buộc phải thực hiện cắt giảm theo chủ trương của Chính phủ, cần yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục chủ động rà soát để giảm việc đầu tư từ vốn nhà nước vào các dự án chưa thực sự cần thiết hoặc tính toán lại quy mô đầu tư để bảo đảm nguồn vốn Nhà nước được sử dụng một cách hiệu quả.
Đặc biệt, cần tiếp tục cụ thể hóa và tập trung thực hiện những chủ trương, mục tiêu đã được xác định trong đề án tổng thể về tái cơ cấu, hướng tới tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị sớm ban hành Đề án tái cơ cấu đầu tư công gắn với cải cách thể chế, đổi mới phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhằm thay đổi rõ rệt phương thức phân bổ nguồn lực công, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Rà soát, điều chỉnh các quy định về sở hữu của các tổ chức tín dụng, giám sát hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất, không gây xáo trộn trong hệ thống tổ chức tín dụng và đảm bảo an toàn tiền gửi của người gửi tiền; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trích đủ dự phòng rủi ro và đảm bảo tự xử lý nợ xấu phát sinh.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện thể chế, quy định rõ trách nhiệm trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước, yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải công bố công khai, minh bạch thông tin như quy định đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hoàn thiện mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà Nước.

Bình Minh

Nhìn rõ đường phố từ ảnh vệ tinh viễn thám Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam đã có thể gửi về những tấm ảnh tuyệt đẹp về mọi địa điểm trên trái đất. Viện Công nghệ vũ trụ Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này, việc căn chỉnh vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam trong quỹ đạo đang được thực hiện rất thuận lợi.
Sau khi phóng vệ tinh viễn thám vào quỹ đạo, sẽ có 2 yếu tố chính cần căn chỉnh là quỹ đạo và hệ thống quang học. Toàn bộ quá trình căn chỉnh vệ tinh dự kiến kéo dài trong 3 tháng và do các chuyên gia của nhà sản xuất vệ tinh là Astrium (Liên minh Châu Âu) thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, TS. Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, Trưởng Ban quản lý Dự án vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, đến hôm nay (18/5), việc căn chỉnh quỹ đạo của vệ tinh VNREDSat-1 đã hoàn thành.
“Vệ tinh hoàn toàn có thể được điều khiển để chụp ảnh bất cứ khu vực nào trên lãnh thổ Việt Nam và các khu vực trên trái đất”, ông Tuyên nói.

Ảnh Thành phố Huế do vệ tinh VNREDSat-1 chụp ngày 13/5 (chụp lại từ màn hình). ẢNh: VGP/Xuân Tuyến
Ông Tuyên cho biết, việc hiệu chỉnh hệ thống quang học trên vệ tinh sẽ mất nhiều thời gian hơn. Trong những ngày qua, các chuyên gia đã rất tích cực thực hiện và đạt kết quả tích cực.
“Hiện tại, hệ thống quang học đang được điều khiển theo chế độ manual (có sự can thiệp của con người). Sau khi quá trình hiệu chỉnh hoàn thiện, hệ thống quang học có thể hoạt động hoàn toàn tự động”, ông Tuyên cho biết.
Như vậy, chất lượng ảnh chụp của vệ tinh VNREDSat-1 đã gần như hoàn thiện, khác chăng là vẫn cần có sự can thiệp của con người để hệ thống quang học trên vệ tinh chụp được ảnh chất lượng cao nhất.
Đương nhiên, để chụp được một tấm ảnh hoàn hảo từ vệ tinh, còn phải tính đến các yếu tố khác như mây, điều kiện thời tiết cụ thể tại thời điểm chụp.

Toàn cảnh Thành phố Melbourne, Australia, do vệ tinh VNREDSat-1 chụp ngày 9/5 (chụp từ màn hình). Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Chẳng hạn như trong hai tấm ảnh chụp Thành phố Huế và Thành phố Melbourne (Australia) trong điều kiện quang mây, có thể nhìn rõ đường phố, xe cộ đi lại trên đường. Trong ảnh gốc do vệ tinh gửi về, bằng phần mềm chuyên dụng, các chuyên gia còn có thể quan sát được những chi tiết nhỏ hơn nữa trên mặt đất. Ông Tuyên khẳng định đây là những tấm ảnh vệ tinh đạt chất lượng hoàn thiện.
Theo thông tin từ nhà sản xuất vệ tinh Astrium, vệ hệ thống quang học của vệ tinh VNREDSat-1 là hiện đại nhất hiện nay.

Xuân Tuyến

Khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng – cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục kế thừa và phát triển bản Hiến pháp 1992, quy định thêm nội dung trong Điều 4 khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là đúng đắn, bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước.
Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được quy định từ Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một lần nữa khẳng định và bổ sung cho hoàn thiện quy định về vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng. Điều 4 Dự thảo quy định:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Những bổ sung trên càng cần thiết khi hiện nay, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vấn đề sửa đổi điều này hiện có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Để có được quan điểm đúng đắn khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cần làm rõ những vấn đề cơ bản sau:
Trước hết, về mối quan hệ Đảng và Nhà nước nên hiểu thế nào cho đúng? Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:“Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – đảng duy nhất, nhân dân ta đã làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Như vậy để khẳng định rằng, nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công thì không thể có nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là chân lý sáng ngời không thể phủ nhận.
Thứ hai là mục đích, mục tiêu lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước và ước nguyện của nhân dân có thống nhất? Đọc lại Cương lĩnh chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khi thành lập, chủ trương làm cách mạng vô sản mà Đảng đề ra là phải gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa; gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Con đường cách mạng đó là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của đông đảo nhân dân Việt Nam. Sau này, trong các cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam, mục tiêu nhất quán, bao trùm mà Đảng phải lãnh đạo luôn là: tất cả vì sự tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Để xứng đáng và làm được mục tiêu đó, Đảng luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, trung thành với giai cấp và lợi ích dân tộc, gắn bó với các tầng lớp nhân dân, vững vàng trước mọi thách thức, bình tĩnh và sáng suốt trong vai trò lãnh đạo của mình. Đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, trở thành những quan điểm cơ bản, cơ sở của các quy định cụ thể về cơ chế, chính sách, giải pháp trong nội dung Hiến pháp, pháp luật để các cơ quan, các cấp chính quyền ban hành và tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả; bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, nhân dân ta đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, chịu bao hậu quả của chiến tranh và sự phá hoại của các thế lực thù địch, từng bước khắc phục khó khăn, từng bước giành được thắng lợi trong tiến trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển và vững bước trên con đường dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng thống nhất ở mục đích, mục tiêu và lý tưởng. Công lao của Đảng được lịch sử ghi nhận: mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Pháp luật của Nhà nước ta là cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng, mà đường lối chính sách của Đảng lại xuất phát từ mục đích, mục tiêu của quốc gia, dân tộc, nhân dân lao động Việt Nam. Nói cách khác là mục đích, mục tiêu của Đảng, của Nhà nước và nhân dân cần đạt được là một. Một nguyên tắc tuy không thành văn nhưng đã thấm sâu vào tiềm thức của đông đảo người dân Việt Nam tôn trọng thực hiện là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quyết tâm xây dựng ngày càng có vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Vấn đề thứ ba là có cần phải xây dựng một đạo luật riêng về Đảng không? Hiện nay, tổ chức của Đảng được thiết lập từ tổ dân phố, làng, bản, phum, sóc, cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp ở cơ sở đến tổ chức Đảng ở các cơ quan Trung ương. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có hơn 3,6 triệu đảng viên. Trong nội bộ Đảng thì hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên được điều chỉnh bởi các quy định tại Điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Trong hoạt động quản lý nhà nước, đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, trí thức, người lao động, nông dân, bộ đội hoặc người công dân bình thường đều chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Nhiều đảng viên đang đảm trách các vị trí, chức vụ, nhiệm vụ chủ chốt, quan trọng của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước. Chỉ tính trong hệ thống các cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước, đảng viên là ĐBQH đã chiếm trên 90%, đảng viên là đại biểu HDND ở các cấp đã chiếm gần 95%. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Di chúc: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Là đảng cầm quyền nên đảng viên đương nhiên phải chịu sự điều chỉnh song trùng bởi các quy định của Đảng và bởi các quy định của pháp luật. Chính họ là nhân tố cơ bản trong việc xây dựng nên những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và rồi cụ thể hóa thành các quy định của pháp luật; đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật. Là đảng viên của Đảng cầm quyền nên hơn ai hết họ buộc phải hiểu muốn tồn tại và xứng đáng với vị trí, vai trò cầm quyền thì trước hết phải biết đâu là quyền và nghĩa vụ của đảng viên, đâu là quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, trí thức, người lao động, nông dân và công dân… Nếu đảng viên vi phạm, họ sẽ bị xử lý cả về Đảng và về chính quyền, đoàn thể. Những năm qua, cơ chế Đảng là lực lượng lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội luôn gắn với việc Nhà nước quản lý, điều hành, chưa thấy sự xung đột giữa quy định của Đảng và quy định của Nhà nước. Sự vận hành trong lãnh đạo và quản lý chưa xảy ra mâu thuẫn để đến mức không thể điều chỉnh, giải quyết được. Do đó, việc đòi hỏi phải có đạo luật về Đảng là không cần thiết, thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn.
Có cần phải quy định đa đảng cầm quyền không? Trước hết phải thừa nhận rằng ở Việt Nam cũng có thời kỳ đa đảng. Năm 1946, ngoài Đảng Cộng sản còn có sự tồn tại của hai đảng đối lập là Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội; khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng đó cũng cuốn gói chạy theo. Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có đại diện các đảng như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Quốc dân đảng tham gia. Sau này chỉ còn Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi tuyên bố tự giải tán và chỉ còn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội.
Hơn 80 năm qua, sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta đều do Đảng lãnh đạo. Vị trí, vai trò, trách nhiệm là lực lượng lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định, được thử thách trong gian khổ, hy sinh, như là một sự chọn lọc của tự nhiên và xã hội, mang tính khách quan trong lịch sử tồn tại và phát triển của đất nước, dân tộc. Nhân dân Việt Nam đã thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân che chở, xây dựng. Nhân dân Việt Nam trìu mến gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng ta”, “Đảng là mẹ hiền”… Bài học về sự đổ vỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa những năm đầu của thập kỷ 90, chúng ta đã được thấy có một nguyên nhân do sai lầm của đảng cộng sản và việc đa đảng cầm quyền. Tuy hiện nay Trung Quốc cũng có những đảng phái khác, nhưng đảng cầm quyền thì chỉ thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày nay trong bối cảnh thế giới và khu vực đang diễn ra phức tạp, sự đa đảng lãnh đạo Nhà nước chắc chắn là một nhân tố làm mất ổn định đất nước. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn ngày càng xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì đảng viên và các tổ chức của Đảng phải luôn nêu cao vũ khí đấu tranh tự phê bình và phê bình; quyết tâm khắc phục và sửa chữa những sai sót, khuyết điểm đã mắc trong thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Phải thấm nhuần và quyết tâm làm cho được theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Nguyễn Xuân Diên

Phó văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội

Nhà báo Anh phải lòng Việt Nam ngay lần đầu tới thăm

(Dân trí) – Ngay trong chuyến du lịch đầu tiên tới Việt Nam, phóng viên của tờ báo uy tín bậc nhất nước Anh đã mê mệt với vẻ đẹp của thắng cảnh cũng như con người nơi đây. Những trải nghiệm mới mẻ khiến vị khách thực sự thích thú, lưu luyến.
Đó chính là chia sẻ của bà Sandra Howard, phóng viên mảng du lịch và phụ nữ của Daily Mail, một trong những tờ báo nhiều độc giả nhất Anh quốc. Vừa trở về sau chuyến du lịch 10 ngày tại Việt Nam, bà Howard bị ấn tượng mạnh bởi những thắng cảnh dọc từ Hà Nội, Hạ Long tới Huế, Hội An và TP.HCM. Dưới đây là những chia sẻ của bà về những thắng cảnh du lịch Việt Nam.

Cảnh đẹp Hạ Long khiến nhiều du khách bị mê hoặc.
“Lần đầu tiên tới Việt Nam nhưng ngay khi trên đường từ sân bay về Hà Nội trong ánh sáng nhợt nhạt buổi sáng sớm, tôi đã cảm thấy phấn chấn, háo hức cứ như thể được trở lại tuổi 20 một lần nữa. Tôi đi thăm thú suốt cả ngày cho đến tận tối mịt”, Sandra Howard chia sẻ trên tờ Daily Mail trong bài viết có tiêu đề “Một chuyến du ngoạn tới Việt Nam: sự hưng phấn sành điệu và những khám phá mới tại một vùng quê châu Á đang lớn mạnh”.
Không chỉ ấn tượng mạnh, vừa sờ sợ lại vừa thích thú vì sự sôi động, huyên náo của đường phố Hà Nội với hàng triệu xe máy, bà Howard còn bị lôi cuốn bởi những quán cóc đầy món ăn lạ mắt và ngôi nhà theo kiến trúc Pháp cổ xưa. “Và ngay khi tôi có thể rời mắt khỏi những vỉa hè đầy lôi cuốn, thì ngay phía trên là những cửa hàng nhỏ san sát cả trăm tuổi, mang dáng dấp của những kiến trúc thời thuộc địa Pháp…”
Khi tới vịnh Hạ Long, bà Howard và chồng càng bị chinh phục bởi vẻ đẹp mà bà miêu tả là “mê hồn” của cảnh quan trên vịnh. “Những kiến tạo đá kỳ thú mọc lên từ mặt nước và bạn có thể tưởng tượng ra những hình thù kỳ lạ như: một cái đầu sư tử, một con rồng hay một cái chén có tay cầm”, tác giả chia sẻ.
Vị du khách người Anh càng sửng sốt hơn trước vẻ đẹp bên trong những hang động “rộng cỡ một sân vận động. Toàn bộ động được chiếu sáng thật tinh tế với rất nhiều thạch nhũ đẹp mắt và có thể phát ra tiếng kêu”. Tại Hạ Long, họ cũng lần đầu được thưởng thức món lẩu mặc dù ban đầu thấy “hoảng” vì nhân viên bưng lên toàn cá, sò và rau còn sống. “Cả món cá sau khi đã nấu chín, lẫn hóa đơn tính tiền đều “ngon””.
Sau khi rời Hà Nội, Sandra cùng cả đoàn tới Huế. Dù chỉ lưu lại 1 ngày nhưng bà đã có dịp thăm Đại Nội và cảm thấy tiếc vì rất nhiều di tích quý đã bị chiến tranh tàn phá. “Dù vậy Đại Nội vẫn thật đặc biệt và đáng nhớ”, nhà báo của Daily Mail tấm tắc.

Những gánh hàng rong cũng là một phần lôi cuốn của Việt Nam.

Và một lần nữa, những món ăn Việt nam tại Huế khiến cả bà Howard và chồng rất thích thú. “Người phục vụ mang ra một loạt các đĩa nhỏ, những chén súp thật thơm ngon, rất nhiều rau xanh và thịt bò cùng món salad xoài cay. Cô gái phục vụ chúng tôi rất dễ mến và một lần nữa hóa đơn của bữa ăn thấp đến khó tin”.
Trong 3 ngày tiếp theo tại Đà Nẵng, vị du khách hoàn toàn bị cuốn hút bởi những bãi biển dài cát trắng tinh khiết. “Một bãi biển tuyệt đẹp dài bất tận ở ngay ngoài cửa”, bà Sandra miêu tả. Còn thức ăn thì có quá nhiều món ngon để chọn khiến cặp vợ chồng này đôi lúc lúng túng.
“Tôi đã yêu thị xã nhỏ Hội An ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những cửa hàng nhỏ bán vải lụa với giá rất rẻ nhưng họa tiết thật tinh tế, những quán cà phê và nhà hàng sinh động nằm dọc bờ sông và cả cả cây cầu được thắp sáng bằng đèn lồng mỗi khi đêm xuống”.
Tới TP.HCM trong chặng cuối của chuyển đi, dù hơi thất vọng với buổi tham quan dinh Thống Nhất, bà Sandra vẫn rất hài lòng với chuyến du lịch trên đất Việt. “Chúng tôi tự hỏi nhờ đâu những người trẻ tuổi nơi này có nguồn năng lượng như bất tận để vượt qua quá khứ chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới”.
Để “gói” lại những cảm nhận của mình sau chuyến đi đáng nhớ, tác giả khẳng định: “Việt Nam có một sự hòa quện, đan xen khăng khít, dễ chịu, thoải mái bên trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, giàu có và không ngừng lớn mạnh, một vùng đất với sự đa dạng, phong phú bất tận và một điểm đến đầy lí thú”.
Thanh Tùng

Lược dịch theo Daily Mail

Vạch trần thủ đoạn của thế lực thù địch phá hoại Hiến pháp

Anh Nguyễn Đình Nam, ở Thạch Kim, Thạch Hà, Hà Tĩnh nói với chúng tôi: "Từ khi có Đảng đến ngày đất nước giành được độc lập (1945) chỉ có 15 năm mà đã có 4 Tổng Bí thư của Đảng ta bị giặc cầm tù, giết hại, trong 4 người thì Hà Tĩnh quê tôi có 2 người là Tổng Bí thư Trần Phú và Hà Huy Tập. Nếu không có Đảng, không có những Đảng viên hy sinh vì dân tộc như vậy thì liệu có ngày hôm nay không? Thế mà một số đối tượng đòi phá bỏ sự lãnh đạo của Đảng thì không thể chấp nhận được".
Chúng tôi đến Trường Đại học Hà Tĩnh, được biết: Trên một số trang mạng đưa tên của 106 sinh viên Hà Tĩnh ký tên "sửa đổi Hiến pháp 1992" để nhằm mục đích cá nhân thì có đến 85 em không có tên đang theo học tại trường, còn 21 em có tên thì tên rất chung chung trùng tên với rất nhiều em khác, có em đã ra trường, có em đang đi thực tập.
Thạc sĩ Lê Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho rằng, sinh viên Hà Tĩnh nói chung có tính truyền thống cách mạng rất cao, hầu hết các em xuất thân từ những làng quê chân lấm tay bùn nên các em luôn chăm chỉ việc học. Có định hướng rõ ràng, học để giúp đỡ gia đình, học để lập thân, lập nghiệp. Khi có trang mạng đưa tên sinh viên của trường với mục đích xấu, Đoàn trường, Hội Sinh viên gặp gỡ sinh viên để trao đổi một cách dân chủ, thoải mái, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em thì hầu hết sinh viên tỏ ra bất ngờ việc bị các đối tượng khác dùng tên của mình để đưa lên mạng. Đi vào tìm hiểu tâm tư của sinh viên, chúng tôi nhận thấy, hầu hết sinh viên của trường đều phấn đấu, có nguyện vọng vào Đảng. Vì vậy trong những năm qua công tác phát triển Đảng của trường rất được chú trọng, chỉ tính 3 năm trở lại đây đã có gần 100 sinh viên được kết nạp Đảng và gần 400 sinh viên ưu tú được cử đi học các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng.
Sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh sôi nổi thảo luận việc góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992.

Bên cạnh giả danh sinh viên ký tên, các đối tượng thù địch còn đưa giả danh sách 12 cán bộ, công chức y tế Hà Tĩnh và 13 công chức giáo dục Hà Tĩnh. Nhưng thực sự 12 cán bộ ngành Y tế thì chỉ có 2 người có tên và 13 công chức ngành Giáo dục thì trùng tên với hàng trăm, hàng ngàn công chức giáo dục, y tế khác. Tiếp xúc với nhiều cán bộ y tế và giáo dục Hà Tĩnh, chúng tôi đều nhận được sự khẳng định: Góp ý sửa đổi Hiến pháp ở Hà Tĩnh được cấp, ngành chủ quản tổ chức công khai, dân chủ thông qua các hội nghị, hội thảo của cơ quan, đoàn thể. "Ai hơi đâu mà đi làm những việc vô bổ, ký tên rồi đưa lên mạng như một số đối tượng lợi dụng", chị Trần Thị Lý, cán bộ ngành Y tế Hà Tĩnh nói vậy.
Sửa đổi Hiến pháp gắn liền với quyền lợi của đất nước, của nhân dân, đó là khẳng định không thể phản biện. Chính vì vậy, nhân dân vùng quê cách mạng Hà Tĩnh nói riêng đã sôi nổi tham gia góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp.
Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm mới để việc góp ý sửa đổi Hiến pháp thực sự dân chủ, có hiệu quả cao, vì vậy đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Tính đến ngày 8/4/2013, qua tổng hợp sơ bộ hiện nay đã có 98% các tổ chức, đơn vị, địa phương cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn cho nhân dân góp ý. Hà Tĩnh có gần 1,3 triệu dân nhưng đã có tới 767.000 lượt người dân đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp, chiếm tỷ lệ 62% dân số toàn tỉnh, trong đó có rất nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực. Các ý kiến của nhân dân phần lớn đều đồng tình rằng cần phải sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Đồng thời có đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều, chương của Dự thảo Hiến pháp. Trong đó có một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 4, Đảng phải có trách nhiệm trước nhân dân về quá trình lãnh đạo của mình. Trước những thủ đoạn xấu của thế lực thù địch, mạo danh, bôi nhọ người chân chính, đề nghị Công an và các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh sớm tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời có biện pháp bảo vệ người dân lương thiện, vạch rõ thủ đoạn xấu xa của kẻ địch, tuyên truyền để bà con không bị mắc mưu ý đồ xấu của thế lực thù địch.

Đại tá Trần Công Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh:
Hà Tĩnh là tỉnh có truyền thống cách mạng, là tỉnh luôn tạo được sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Việc một số chủ trang mạng giả mạo một số người dân Hà Tĩnh góp ý sửa đổi Hiến pháp để mưu đồ lợi ích riêng là nhằm làm giảm uy tín của lãnh đạo địa phương, đồng thời xúc phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Vì vậy, Công an Hà Tĩnh cương quyết phản đối các đối tượng đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân, đồng thời phân công các phòng, ban nghiệp vụ có kế hoạch đảm bảo cho mọi tầng lớp nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi góp ý sửa đổi Hiến pháp theo đường lối, chủ trương chung của Nhà nước. Lực lượng
Công an Hà Tĩnh nói riêng và nhân dân Hà Tĩnh nói chung khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết; sự lãnh đạo của Đảng là cần thiết; tăng cường vai trò của Quân đội là cần thiết, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Với những đối tượng đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Công an Hà Tĩnh đang tiếp tục tiến hành xác minh để có biện pháp ngăn chặn, xử lý đúng theo nguyện vọng của nhân dân.


Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Dương Thị Huyền Trang, sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh:
Thời gian qua Đoàn trường, Hội Sinh viên Đại học Hà Tĩnh tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để sinh viên chúng em góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, các bạn sinh viên tham gia rất nhiệt tình, sôi nổi. Trong nhiều điều, chương của Hiến pháp chúng em chưa hiểu thì các bạn tập trung thảo luận. Các chi đoàn phát tài liệu đến từng sinh viên để đọc, tham khảo, đóng góp ý kiến chúng em đều tham gia. Sinh viên tụi em đều tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Vừa qua có một số người phát tán trên mạng giả danh sinh viên Hà Tĩnh đóng góp ý kiến trái với tâm tư, nguyện vọng của sinh viên nên chúng em rất bức xúc, cảm thấy bất bình vì họ đã làm ảnh hưởng đến ngôi trường chúng em đang theo học. Sinh viên chúng em xác định tập trung vào việc học, ra trường có việc làm giúp đỡ gia đình và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.


Sông Lam

Các tôn giáo đồng hành với dân tộc

QĐND - Tuần qua, trên cả nước, các hoạt động mừng ngày Phật đản đã diễn ra trong không khí vui tươi, trang trọng. Không chỉ tăng ni, phật tử mà đông đảo nhân dân đã tham dự các sinh hoạt tôn giáo, cảm nhận một cách đầy đủ và sâu sắc tự do tín ngưỡng ở Việt Nam. Tuy vậy, đây đó ở trong nước và nước ngoài vẫn có những tiếng nói lạc lõng xuyên tạc sự thật về đời sống tôn giáo ở nước ta.
Là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế, được tất cả những người có lương tri trong nước và trên thế giới thừa nhận. Điều 70, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Cùng với việc khẳng định trong Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các pháp lệnh, nghị định, đặc biệt là Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo khuôn khổ pháp luật.
Ở Việt Nam có hầu hết các tôn giáo lớn với đông đảo tín đồ, chức sắc, nhà tu hành. Đến hết năm 2012, ở Việt Nam có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành đã được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động, với gần 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo. Hơn 25.000 cơ sở thờ tự trên mọi miền đất nước, trong đó có nhiều công trình được trùng tu, xây mới bền vững, khang trang. Cùng với việc công nhận tư cách pháp nhân, mở mang cơ sở thờ tự, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng đường hướng hoạt động tiến bộ: gắn bó, đồng hành với dân tộc, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật, ủng hộ và tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quan hệ quốc tế trong tôn giáo cũng ngày càng được mở mang, cải thiện. Nhiều giáo hội không chỉ gửi người trẻ tuổi đi đào tạo ở nước ngoài mà còn tham dự hàng loạt các hội nghị tôn giáo quốc tế, tiếp nhận các chương trình đầu tư hoạt động từ thiện của các tổ chức tôn giáo quốc tế, các tổ chức phi chính phủ v.v..
Tại cuộc Hội thảo quốc tế "Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập - Những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ" do Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Liên minh châu Âu tổ chức ngày 14-6-2012, tại Hà Nội, cố vấn chính trị Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Juan-Jose Almagro Herrador đã phát biểu: “Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước phát triển rất quan trọng về tự do tôn giáo và tín ngưỡng”. Mới đây, Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam đã đến thăm Mục vụ Giáo hạt Quảng Trị và Tổng giáo phận Huế. Chứng kiến những đổi thay trong hoạt động tôn giáo trên địa bàn, Đặc phái viên Leopoldo Girelli bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm của chính quyền đã dành cho Giáo hội Công giáo nói chung, Giáo phận Huế và Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang nói riêng như: Ưu ái giao đất, mở rộng cơ sở thờ tự và làm đường sá thuận lợi cho việc đi lại của giáo dân… Từ những điều tận mắt chứng kiến, Đặc phái viên nhắc nhở cộng đoàn “phải có bổn phận và trách nhiệm đối với xã hội, đối với chính quyền, đối với địa phương mình đang sinh sống, sống công bằng, yêu thương và phục vụ…”.
Trong buổi tiếp đoàn Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tới thăm, chúc mừng nhân Lễ Phật đản 2013, với niềm hoan hỷ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ-Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động của Giáo hội. Theo Đại lão Hòa thượng, sự quan tâm ấy là cơ sở cho những kết quả phụng đạo yêu nước của tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam thời gian qua. Kính mừng Đại lễ Phật đản, tăng ni, cư sĩ, phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn thành tâm, tinh tấn nỗ lực thực hiện tốt công tác Phật sự ích đời lợi đạo, góp phần xây dựng cuộc sống an lạc, yên vui, hạnh phúc... Chỉ cần điểm qua những nét cơ bản ấy đã đủ thấy bức tranh tôn giáo ở Việt Nam là rất sáng sủa. Mọi tôn giáo ở Việt Nam đều được tạo điều kiện để phát triển, hoạt động theo quy định của luật pháp. Mọi giáo dân chân chính đều phấn đấu sống "tốt đời, đẹp đạo", gắn "đạo" với "đời", các tôn giáo đồng hành với dân tộc.
Trong một báo cáo gần đây, cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” viện dẫn một số trường hợp công dân Việt Nam theo các tôn giáo vi phạm pháp luật bị các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng các biện pháp xử lý, để rồi nói rằng: “Việt Nam đàn áp tôn giáo” là một sự xuyên tạc, vu cáo trắng trợn. Cần nhắc lại rằng, không chỉ ở Việt Nam mà với mọi quốc gia trên thế giới, tôn giáo không thể đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật. Giáo dân trước hết là công dân, mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Khi phạm vào các tội được quy định trong pháp luật, thì dù công dân đó có đạo hay không có đạo đều chịu sự trừng phạt của pháp luật một cách bình đẳng. Tự do tôn giáo không thể bị đánh lận với những đối tượng lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi phạm pháp, bị điều tra, truy tố, xét xử. Ở Việt Nam không có chuyện đàn áp tôn giáo, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam bị xử lý mà thôi.

PHÙNG KIM LÂN