Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Tổng thống Nam Phi đánh giá cao các thành tựu Việt Nam

Tổng thống Nam Phi, ông Jacob Zuma đã đánh giá cao những thành tựu to lớn mà nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giành được trong những năm qua và mong muốn hai nước tiếp tục thắt chặt quan hệ mọi mặt, trong đó có quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), để cùng nhau phát triển.
Tổng thống Jacob Zuma đã đưa ra tuyên bố trên đây vào ngày 16/10 khi nhận thư ủy nhiệm từ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nam Phi, ông Lê Huy Hoàng. Đại sứ Lê Huy Hoàng đã chuyển lời thăm hỏi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà lãnh đạo khác của nước ta tới Tổng thống Zuma, đồng thời chuyển lời mời Tổng thống Jacob Zuma sang thăm Việt Nam. 
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma (bên phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, chiều 6/8/2013, tại thủ đô Pretoria. Ảnh: TTXVN


Đại sứ chúc mừng Chính phủ và nhân dân Nam Phi, dưới sự lãnh đạo của ANC, trong những năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn, đưa đất nước Nam Phi vững bước đi lên trên con đường phát triển, có vị thế cao tại châu lục và trên trường quốc tế. Đại sứ bày tỏ mong muốn và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhằm không ngừng thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống với Chính phủ và nhân dân Nam Phi, đồng thời khẳng định trọng tâm trong nhiệm kỳ công tác của mình là góp phần củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt về kinh tế, thương mại và giáo dục.
Tổng thống Jacob Zuma cảm ơn các nhà lãnh đạo Việt Nam đã dành những tình cảm tốt đep cho nhân dân Nam Phi và cá nhân Tổng thống. Tổng thống khẳng định sẽ thu xếp để sớm thăm Việt Nam. Ông nhấn mạnh lãnh đạo và nhân dân Nam Phi luôn ngưỡng mộ tinh thần quả cảm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước trước đây, coi đó là nguồn cảm hứng, là tấm gương để cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid của nhân dân Nam Phi, dưới sự lãnh đạo của ANC, giành được thắng lợi.
Tổng thống Zuma chúc mừng Đại sứ Lê Huy Hoàng trên cương vị mới và hy vọng Đại sứ sẽ tích cực làm cầu nối đóng góp cho việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.
TTXVN/Tin tức

Chủ tịch nước dự lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa của đất nước ta đạt được trong gần 30 năm đổi mới có sự đóng góp to lớn, đáng tự hào của nông dân.
Sáng 15/10, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10-2013), Ban Tuyên Giáo trung ương phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Tự hào nông dân Việt Nam và Lễ tôn vinh và trao tăng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013” cho 62 nông dân tiêu biểu trong cả nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương đã tới dự.
Đây là lần đầu tiên lễ trao giải “Nông dân Việt Nam xuất sắc” được tổ chức với mục đích nhằm khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của nông dân Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, phát hiện và tôn vinh những tấm gương nông dân điển hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu cho những nông dân xuất sắc năm 2013


62 nông dân được tôn vinh lần này là những nông dân Việt Nam xuất sắc từ mọi miền Tổ quốc, họ là những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, mạnh dạn ứng dựng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ có vậy, những người nông dân còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ những hộ nghèo, khó khăn ở địa phương vượt khó vươn lên.
Phát biểu tại Lễ tôn vinh, Chủ tịch nước Trương Tấn sang  biểu dương những thành quả hết sức to lớn của nông dân cả nước nói chung trong thời gian qua và chúc mừng 62 nhà nông hôm nay được vinh dự trao tặng danh hiệu “Nông dân xuất sắc năm 2013”.
Chủ tịch nước khẳng định, việc kịp thời tôn vinh và biểu dương những nông dân sản xuất giỏi là việc làm hết sức có ý nghĩa thể hiện vị trí và vai trò to lớn của nông dân trong đời sống.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Nông dân bao đời nay là những người chủ nhân có vai trò rất to lớn đối với sự hưng, suy của đất nước ta, dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Từ ngày có Đảng, nông dân ta một lòng theo Đảng, là quân chủ lực của cách mạng, có những đóng góp to lớn, góp phần hết sức quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược vì độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ngày nay, nông dân là lực lượng đông đảo, chiếm gần 70% dân số, hơn 50% lực lượng lao động, đang tiếp tục phát huy vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đất nước ta đạt được trong gần 30 năm đổi mới có sự đóng góp to lớn, rất đáng tự hào của nông dân. Ngay cả những khi kinh tế đất nước gặp khó khăn, nông dân lại là nhân tố quan trọng, góp phần giải quyết khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội để đất nước ổn định, tiếp tục phát triển”.
Với vai trò quan trọng đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với toàn Đảng, toàn dân, nông dân có vinh dự và trọng trách lớn trong việc thực hiện thành công định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trương và xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng với các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn, theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân; giữ vững và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Chủ tịch nước tin tưởng 62 nông dân được vinh danh nói riêng và nông dân cả nước nói chung sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cần cù, lao động sáng tạo, thực hiện tốt vai trò là lực lượng chủ lực phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng nông thôn mới trong những năm tới, góp phần to lớn trong sự nghiệp chung: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./. 

Hoàng Dũng/VOV

Tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc

62 nông dân xuất sắc đã được tôn vinh tại chương trình giao lưu nghệ thuật và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” sáng nay (15/10) chính là những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua, sản xuất giỏi ở nông thôn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Bằng khen cho 62 nông dân đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”.


Đây là hoạt động do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (HND) lần đầu tiên tổ chức, nhằm tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của người nông dân Việt Nam trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Đồng thời, phát hiện và tôn vinh gương nông dân điển hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong hoạt động lao động sản xuất và xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời động viên, khuyến khích và nhân rộng phong trào sáng tạo trong lao động sản xuất cải thiện kinh tế gia đình và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Hoạt động cũng được tổ chức chào mừng kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập HND Việt Nam (14/10/1930-14/10/2013) và chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 HND Việt Nam.
Sau 3 hơn tháng, Ban Tổ chức chương trình đã nhận được hồ sơ đề cử 114 nông dân xuất sắc của 62/63 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở tiêu chí và kết quả thẩm định thực địa, Hội đồng đã bình chọn 62 nông dân xuất sắc năm 2013 để trao danh hiệu cao quý này.
Lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” đối với nhiều người còn là dịp để gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức, cách làm tốt, thậm chí là cả những rủi ro, thất bại để sửa chữa, tiếp tục vươn lên.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Trung ương HND Việt Nam cho biết: “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong ba phong trào lớn do Trung ương HND Việt Nam phát động từ năm 1989 đến nay đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước, thu hút đông đảo hội viên và nông tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn”.
Năm 2012, trên 4,2 triệu hộ nông dân được công nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hộ có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn, có vốn hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động; doanh thu hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi luôn đi đầu trong giúp đỡ các hộ khó khăn, hăng hái góp tiền, hiến đất… để xây dựng hạ tầng nông thôn.
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành quả, đóng góp của nông dân Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời chúc mừng 62 nông dân đạt danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013".
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đề ra nhiệm vụ trong những năm tới là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, toàn diện theo hướng hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các nông dân đạt danh hiệu trong năm 2013 sẽ tiếp tục phát huy vai trò điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua lao động sản xuất.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Trung ương HND Việt Nam tiếp tục phát động và hỗ trợ hội viên nông dân trên cả nước đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Theo Chinhphu.vn

Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho các nhóm đối tượng trong xã hội

Với bản chất nhân văn, Nhà nước Việt Nam luôn bảo hộ bằng pháp luật và có chính sách ưu tiên đặc biệt với những nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số...
Những năm qua, cùng với việc bổ sung, hoàn thiện pháp luật, Nhà nước ta còn ban hành, thực thi nhiều chính sách thiết thực để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng này.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu định hướng "thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển". Nhìn lại lịch sử, phải khẳng định, công việc này đã được thực hiện bền bỉ ngay từ khi nước ta giành được độc lập vào năm 1945.
Như với các dân tộc thiểu số, Ðiều 8 Hiến pháp năm 1946 viết: "Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung", và ngày 29-4-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 229/SL nhằm ưu tiên, bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số. Ðiều 6 Sắc lệnh nêu rõ: "Các dân tộc thiểu số đều có quyền tự do phát triển tiếng nói và chữ viết của mình, có quyền tự do giữ gìn hay là cải thiện phong tục tập quán, có quyền tự do tín ngưỡng, và được Chính phủ giúp đỡ phát triển về mọi mặt chính trị kinh tế, văn hóa xã hội". Ðó là thí dụ cụ thể về chính sách dân tộc nhất quán để tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quyền chính trị cho các nhóm yếu thế, biểu hiện rất rõ trong cơ cấu người dân tộc thiểu số, cơ cấu vùng, miền,... ở các cơ quan Ðảng và Nhà nước. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số: 17,27%, trong HÐND cấp tỉnh là 18%, cấp huyện là 20% và cấp xã là 22,5%. Về cuộc sống, đến nay hầu như các xã vùng dân tộc thiểu số đã có đường giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, bưu điện, 85% số người dân tộc thiểu số được xem truyền hình, 92% được nghe đài phát thanh.
Nhà nước đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nhân lực, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, như Quyết định số 133 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về Dự án hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn; Thông tư liên tịch số 912 năm 2001 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi như 135,... 
Một số chuyên gia độc lập quốc tế về các vấn đề thiểu số được mời đến thăm và tìm hiểu về đời sống của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Sau một chuyến đi như thế, bà Gay McDougall, chuyên gia về quyền của người dân tộc thiểu số đã đánh giá rất cao quyết tâm chính trị, các chính sách, chương trình và biện pháp của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực giáo dục, y tế, tạo việc làm, giữ gìn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống, nhất là trong xóa đói, giảm nghèo. Trong một phiên họp tại trụ sở Hội đồng nhân quyền LHQ ở Geneva, bà Gay McDougall đã khẳng định việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số là ưu tiên cao của Việt Nam, được thể hiện trong pháp luật, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy Nhà nước đã hết sức cố gắng, nhưng do phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng miền núi, điều kiện địa lý hết sức khó khăn, nên việc bảo đảm quyền con người ở một số nơi cũng còn gặp trở ngại, nhất là về cải thiện đời sống. Thực tế khách quan này đã được quốc tế thừa nhận, nhưng một số tổ chức vẫn tìm cách bẻ quẹo vấn đề theo hướng tiêu cực để xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Như "Quỹ người Thượng" có trụ sở ở nước ngoài vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp, bắt giam, cưỡng bức người dân tộc thiểu số phải bỏ đạo Tin lành, kích động bạo loạn. Một số tổ chức khác mượn vỏ bọc hoạt động tôn giáo, dân tộc để đưa tin thất thiệt, nhằm gây bất ổn. Ðể phân định bản chất vấn đề, một mặt Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, một mặt xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để xâm hại an ninh quốc gia, xuyên tạc chính sách đúng đắn của Nhà nước.
Không thể phủ nhận thành quả nhân quyền ở Việt Nam, nhất là với các nhóm yếu thế, như người khuyết tật chẳng hạn. Nhóm yếu thế này chiếm gần 7% dân số Việt Nam, trong đó không ít người là nạn nhân của chiến tranh. Từ năm 1998, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh về người tàn tật, đến năm 2010 thông qua Luật Người khuyết tật cùng với nhiều chính sách bảo đảm các quyền ưu tiên về học tập, lao động, sinh hoạt cho nhóm này. Ðến nay, người khuyết tật được hưởng nhiều ưu tiên như ưu tiên mua vé, sắp xếp chỗ ngồi khi tham gia giao thông, ưu tiên khám, chữa bệnh,... Ðặc biệt, trẻ em khuyết tật được học các trường, lớp chuyên biệt với chương trình dạy riêng, phụ nữ khuyết tật được ưu tiên tạo việc làm...
Từng bước loại bỏ quan niệm "trọng nam khinh nữ" còn tồn tại ở một bộ phận trong xã hội, Nhà nước Việt Nam cũng cố gắng bảo đảm các quyền của phụ nữ và đạt được tiến bộ rõ rệt. Không chờ đến khi Luật Bình đẳng giới được thông qua năm 2006, các quyền dân sự, chính trị, xã hội của phụ nữ đã được thực hiện trước đó rất lâu với quan tâm rất lớn. Chính phủ còn ban hành Nghị định quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước (Nghị định số 19/2003/NÐ-CP).
Mới đây, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ bốn tháng lên sáu tháng. Việt Nam có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm tới 24,4% là một tỷ lệ cao so với khu vực và thế giới. Cùng với đó là tỷ lệ 92% phụ nữ biết chữ, tỷ lệ nữ sinh viên chiếm hơn 50%; có 30,53%  thạc sĩ là nữ và 17,1% tiến sĩ là nữ. Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đang cùng toàn dân phấn đấu xóa bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình, thu hẹp khoảng cách về việc làm, thu nhập, địa vị xã hội giữa nam và nữ.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, dành nhiều quan tâm. Pháp luật về trẻ em cơ bản được hoàn thiện, tạo khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách của Nhà nước về trẻ em. Nhiều chương trình lớn nhằm bảo đảm quyền trẻ em được thực hiện với quyết tâm lớn và đạt được các thành tựu ấn tượng như tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, phát triển giáo dục mầm non,...
Các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Ðó là trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em vi phạm pháp luật. Các chính sách được ban hành đã bao trùm các nhóm trẻ này, công tác chăm sóc trẻ ngày càng được đầu tư nhiều hơn.
Người cao tuổi nước ta được chăm sóc, bảo vệ không chỉ theo quy định tại Luật Người cao tuổi (2010), mà còn theo văn hóa truyền thống "kính già, yêu trẻ" của dân tộc. Nhiều điều luật quy định ưu tiên cho người cao tuổi để họ được hưởng các dịch vụ y tế, đi lại, văn hóa, thể thao. Những người 80 tuổi trở lên không có lương hưu và bảo hiểm xã hội sẽ được trợ cấp hằng tháng, được hưởng bảo hiểm y tế, được hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời... Ðến nay, số người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng cao, vì có nhiều người cao tuổi là dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động nghỉ hưu, người có công với cách mạng như bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cựu thanh niên xung phong, thương binh,...
Cùng với đó là những chương trình hỗ trợ giúp người nghèo có điều kiện để thoát nghèo, tự vươn lên, phấn đấu không phải là gánh nặng xã hội mà trở thành lao động xã hội. Trong 5 năm qua, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng gần hai lần. Một số lớn người dân đã thật sự thoát nghèo, đang hướng tới chất lượng sống mới. Không chỉ người nghèo ở nông thôn được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước, mà các đối tượng học sinh, sinh viên nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị, công nhân tại các khu công nghiệp đều có các chính sách ưu tiên riêng. Gần đây, quyền của người lao động còn được quan tâm bảo vệ tốt hơn trong Bộ luật Lao động (sửa đổi, 2012), Luật Công đoàn (2012),...
Theo báo cáo toàn cầu của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 41% trong vòng hai thập kỷ qua; Việt Nam là một trong hơn 40 quốc gia đang phát triển đạt được những thành tựu hơn cả mong đợi. Kết quả đó thể hiện quyết tâm vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang hướng tới, đồng thời khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tuy nhiên, để hiện thực hóa pháp luật, chính sách, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm lớn của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Chăm lo cho các nhóm yếu thế trong điều kiện đất nước còn nghèo thì càng cần có quyết tâm cao hơn, ý chí mạnh mẽ hơn. Những nỗ lực trong nước là yếu tố quyết định, nhưng sự giúp đỡ từ nước ngoài, Việt kiều, các tổ chức quốc tế đóng vai trò hết sức to lớn. Với sự đồng lòng của mọi người dân yêu nước, rồi đây Việt Nam sẽ không chỉ là một điển hình trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của cộng đồng quốc tế, mà còn tạo nên sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội mà trong đó có sự đóng góp của các nhóm yếu thế.

NHẬT MINH

Dòng người đến viếng Đại tướng như dài thêm...

(TNO) Sang ngày thứ ba viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng (ngày 9.10), dòng người đến ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) như dài thêm...
Dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không dứt
 Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, tối 8.10, bà Nguyễn Thị Tâm, quê ở gần dốc đèo Pha Đin (Điện Biên) tất tả đón xe đò về Hà Nội. 


Đến 5 giờ sáng 9.10, bà Tâm có mặt ở số 30 Hoàng Diệu, xếp hàng vào viếng Đại tướng. Hơn 7 giờ sáng, bà Tâm là người đầu tiên có mặt ở cổng để chờ bảo vệ mở cửa vào viếng Đại tướng. Sau lưng bà, cả đoàn người dài dằng dặc chờ đến lượt mình vào viếng Đại tướng kính yêu.
Những người ở xa về viếng Đại tướng như bà Tâm ngày càng nhiều...
Kiên trì chờ đợi


Cụ Lê Thị Tần, quê ở Vĩnh Phúc, 93 tuổi, hay tin Đại tướng mất, nằng nặc đòi con cháu đưa xuống Hà Nội.
Cụ Tần kể: “Tưởng 5 giờ sáng mình đến nhà Đại tướng là sớm nhất. Không ngờ đến đó đã có sẵn đoàn người dài dằng dặc. Xếp hàng gần hai tiếng mới tới lượt mình. Mệt, nhưng được vào viếng Đại tướng tôi đã thỏa nguyện lắm rồi”.
Chị Nguyễn Thị Thơm, nhà ở Hà Giang, xin nghỉ làm một ngày để xuống Hà Nội viếng Đại tướng rồi về lại Hà Giang ngay trong tối nay (9.10) để sáng mai còn kịp đi làm.
“Tới nhà cụ lúc 6 giờ 30 phút, xếp hàng hơn hai tiếng đồng hồ mà còn cách nhà cụ gần 2 km. Thấy trong đoàn xếp hàng còn có nhiều người ở xa hơn mình”, chị Thơm nói.
Chị Nguyễn Thị Thơm (áo đỏ) đứng trong dòng người, chờ viếng Đại tướng
 Những ngày qua, từ 2, 3 giờ sáng, dòng người đổ về nhà Đại tướng để chờ được viếng lúc nào cũng đông. Có khi, dòng người kéo dài đến 3, 4 km, từ đường Hoàng Diệu kéo tới đường Điện Biên Phủ, Độc Lập và vòng xuống đường Hoàng Văn Thụ.


Không có chuyện chen lấn, xô đẩy, thậm chí mọi người còn giúp đỡ nhau. Cựu chiến binh Trần Xuân Năm, nhà ở Hải Phòng, mới mổ chân, xếp hàng được nửa đường, vết thương sưng tấy lên. Ông Năm tính bỏ cuộc thì được mọi người “đặc cách” cho không phải xếp hàng.
Có mặt trong đội giữ trật tự, Lê Quỳnh Chi, Chi đoàn thanh niên P.Điện Biên (Hà Nội), kể: “Đoàn người đông quá nên có một số người vì sức khỏe phải bỏ cuộc giữ đường. Cũng có người cả buổi sáng xếp hàng gần đến cổng nhà Đại tướng thì hết giờ thăm viếng, lại phải chờ xếp hàng buổi chiều”.
Bà Lưu Thị Đản, 70 tuổi, nhà ở Hà Nội, ra về khi đã toại nguyện được viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Phát bánh cho mọi người lót dạ bữa trưa

 
  
Phát quạt để người đến viếng che nắng
Nhiều bình nước được đặt sẵn ở hai bên đường để ai khát thì uống. Một số người dân gần đó còn phân phát bánh, nước miễn phí cho người đến viếng.
Đình Quân
Ảnh: Độc Lập

Nhân dân tôn vinh

Dòng người cúi đầu xuống lặng lẽ, chân nhích từng chút, từng chút một dưới trời thu nắng hanh vàng Hà Nội. Dòng người đến từ mọi miền đất nước cùng hội tụ về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu rợp bóng cây để tiễn biệt vị Đại tướng vừa nằm xuống.
Trong dòng người ấy, có rất nhiều cựu chiến binh ngực đầy huy chương chiến công, những người lính can trường từng vào sinh ra tử dưới sự chỉ huy của người “Anh cả”, vị Tổng Tư lệnh Tối cao Võ Nguyên Giáp, làm nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử dân tộc.
Trong dòng người ấy, có người vượt cả ngàn km từ miền Nam ra, có người dân tộc thiểu số đi hàng trăm cây số từ triền núi cao về; cặp vợ chồng bế theo con nhỏ còn đang bú mẹ; những sinh viên, học sinh và cả những trẻ em còn chưa đi học-những người sinh ra sau ngày đất nước hoà bình, chưa hề cảm nhận được chiến tranh là như thế nào. Đặc biệt, trong dòng người ấy còn có những người khuyết tật ngồi trên xe lăn, người khiếm thị dùng gậy dò dẫm từng bước đi.
Họ đến từ rất nhiều miền quê khác nhau, thân phận khác nhau... lúc này cùng tụ hội về điểm đến chung: ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Căn nhà trên con phố mang tên vị danh tướng tuẫn tiết vì Hà Nội năm xưa là nơi mà vị Đại tướng thiên tài đã sinh sống hàng chục năm từ sau giải phóng thủ đô (năm 1954) cho tới trước khi qua đời.
Họ cùng đến đây để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, lòng thành kính, khâm phục và tri ân vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh Tối cao đã lập nên những chiến công hiển hách, góp phần mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.
Trên thế giới có rất nhiều danh tướng lập nên những chiến công hiển hách, lưu danh sử sách nhưng có danh tướng nào khi nằm xuống được muôn người dân tiếc thương như vị Đại tướng thường gọi bằng cái tên thân thương, trìu mến: “Anh Văn”?
“Anh Văn”, vị danh tướng trong chiến tranh đã quý từng giọt máu của người chiến sĩ, trong đời thường thì tiết kiệm từng hạt gạo mà người nông dân một nắng hai sương làm ra. Vị Đại tướng mà tên tuổi lừng lẫy gắn liền với những chiến công vẻ vang ấy luôn nói: “Nếu không có chiến tranh, tôi sẽ hạnh phúc với nghề giáo”. Vị tướng cả đời không ngỏ xin một điều gì, đến khi nhắm mắt xuôi tay mới chỉ xin một điều: Cho tôi về quê hương an nghỉ.
Là vị Đại tướng của nhân dân, sống trong lòng nhân dân mới nhận được muôn vàn tiếc thương, tin yêu, kính phục, tôn vinh của nhân dân như thế. Và không có gì cao quý, giá trị bằng sự tôn vinh của nhân dân. 

PHẠM DƯƠNG

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo về Trường Sa, Biển Đông

(ĐVO) - Những câu chuyện về chân dung vĩ đại, bình dị và nhãn quan chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dần được tái hiện qua những lời kể của các vị tướng nhiều năm gắn bó, cộng tác và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp ông.


Không cho bất cứ kẻ nào xâm chiếm Trường Sa 
Trong cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "Giao lưu trực tuyến nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 103 tuổi", trả lời câu hỏi: "Khi chỉ thị ông ra giành lại chủ quyền Trường Sa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói gì với ông và câu nói nào khiến ông ghi nhớ nhất?", Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng, nguyên Tư lệnh binh chủng đặc công huyền thoại, người trực tiếp chỉ huy đơn vị giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975 đã chia sẻ những kỷ niệm của mình.
Ông cho biết: "Tôi không được nghe trực tiếp mà qua Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân có nhắc lại chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Hải quân phải tập trung mọi khả năng, mọi biện pháp đánh chiếm và giải phóng mọi các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào được xâm chiếm các nơi đó”.
 Sau khi nghe chỉ thị này, anh em mới bàn nhau: “Xa mấy cũng đi, khó mấy cũng đến, đến là đánh và quyết đánh thắng ngay trận đầu”. 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 103 tuổi


Có cái khó là anh em hầu hết là dân không đi biển, xuống say sóng. Nhưng khi có lệnh chuẩn bị chiến đấu, tất cả đều vùng dậy và muốn được tham gia và đi đánh ngay trận đánh. 
Câu nói nhớ nhất: “Đặc công là công tác đặc biệt, nhưng trước hết là đặc biệt trung thành với Đảng và nhân dân. Nhiệm vụ khó khăn đặc biệt nào cũng hoàn thành đặc biệt cao”. Đó là kỉ niệm không chỉ với tôi mà với tất cả anh em đặc công. Đây là câu nói của Bác Hồ và được đại tướng truyền Võ Nguyên Giáp “truyền lửa” cho anh em đặc công trong trận giành lại chủ quyền Trường Sa tháng 4/1975. 
Và chính câu nói đó đã trở thành tiềm thức, suy nghĩ, lý trí và quyết tâm của mỗi người luôn luôn suy nghĩ và sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ thắng lợi." 
Thiếu tướng Mai Năng cũng đã nhớ lại và chia sẻ về quân trang mà chúng ta có khi quân đội ta vào giải phóng quần đảo Trường Sa: "Khi đánh vào đó chủ yếu mình có nội dung kĩ thuật đặc biệt của bộ đội đặc biệt: Trung với Đảng hiếu với dân cũng là ở đây". 
Khi tiến quân giải phóng Trường Sa chúng ta chỉ có vũ khí thô sơ: súng chỉ có tiểu liên, súng hỏa lực dùng chủ yếu B41 vì tiện nhất, bắn chính xác nhất; cũng có trang bị cối, DKZ nhưng đó chỉ là dùng cho phòng thủ chứ không phải dùng cho tấn công. 
Trang phục chủ yếu quần áo lót để tiện cho bơi. Phao bảo hiểm luôn ở trong người nhưng khi nào cần mới bật lên.  
Hải quân đưa vào chiến trường miền Nam trên 5000 quân được huấn luyện ngoài Bắc đưa chi viện chiến trường sông biển miền Nam. Đây cũng là thành công của Bộ tư lệnh đặc công đã suy nghĩ, nghiên cứu và xây dựng lực lượng đặc công của Hải quân." 
Chiến lược giải phóng Trường Sa 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu sâu sắc tầm quan trọng chiến lược của biển đảo quê hương cả về quốc phòng và kinh tế. 
Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhìn ra thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam mà ông còn nghĩ ngay đến việc giải phóng các hòn đảo trên Biển Đông. 
Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975. 
Cũng từ ngày ấy, Quân ủy Trung ương điều đồng chí Hoàng Trà, Chính ủy Quân chủng Hải quân về làm việc cạnh Bộ Tổng tham mưu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng yêu cầu Bộ Tổng tham mưu và Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về tình hình biển đảo, chỉ đạo Cục Quân báo nắm tình hình quân ngụy ở Biển Đông để có kế hoạch giải phóng kịp thời. 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) trên một con tàu hải quân tháng 3/1973. Ảnh tư liệu


Theo Đại tá Phạm Duy Tam kể lại: Hai tuần sau ngày Đà Nẵng giải phóng (29/3/1975), theo lệnh của chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một biên đội tàu cá giả dạng (tàu không số) do Đại tá Tam làm biên đội trưởng cấp tốc từ Hải Phòng vào căn cứ Hải quân của quân đội chính quyền cũ để lại cạnh cảng Tiên Sa (Đà Nẵng, lúc đó là nơi đặt sở chỉ huy của một đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam) để làm nhiệm vụ đánh chiếm Trường Sa. 
Đây là mũi tiến công trên hướng biển do các đoàn tàu không số (Đoàn 125) phối hợp với lực lượng đặc công nước và Sư đoàn 2 bộ binh, Quân khu 5. 
Đúng 4h ngày 11/4/1975, biên đội ba tàu do Đại tá Phạm Duy Tam- thuyền trưởng tàu 675 cùng hai tàu cá giả dạng của đoàn tàu không số do các đồng chí Nguyễn Xuân Thơm - thuyền trưởng tàu 673 và Nguyễn Văn Đức - thuyền trưởng tàu 674 tiếp nhận và chở các lực lượng, phương tiện, vũ khí khẩn tốc hành quân thẳng hướng đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. 
Hai tàu 674 và 675 án ngữ phía Bắc cách đảo 15 hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh hai tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết. Tàu của Đại tá Tam bí mật tiếp cận gần mép san hô của đảo thả các xuồng cao su loại nhỏ, lần lượt chở 40 đặc công nước do đồng chí Nguyễn Ngọc Quế - Đội trưởng đội 1 - Đoàn 126 chỉ huy đổ bộ lên đánh chiếm đảo. 
“Nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, cấp trên giao cho toàn biên đội lúc này  phải phát hiện và phân biệt các đảo do quân đội Sài Gòn chốt giữ vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng, đặc biệt tuyệt đối không đánh nhầm vào các đảo do Philippines và Đài Loan đang chiếm giữ. 
Chúng tôi phát hiện Quân đội Sài Gòn chiếm giữ 6 đảo nổi của Trường Sa. Trong đó đảo Nam Yết là sở chỉ huy với lực lượng lên đến 60 lính, đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa lớn đều có 40 lính, các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang có 20 lính… Phần lớn các đảo đều rất ít cây cối, trống trải rất khó phân biệt”. 
Ngày 14/4/1975, đúng 4h30, ta bất ngờ nổ súng. Sau 15 phút chiến đấu, ta hạ 7 tên ngoan cố, bắt sống 33 tên, giải phóng hoàn toàn đảo Song Tử Tây.  
Chục ngày sau, tàu 641 của Đoàn 125 tàu không số, chở phân đội đặc công nước do đồng chí Đỗ Viết Cường - Đội phó đội 1 - Đoàn 126 đổ bộ đánh chiếm đảo Sơn Ca. Sau ít phút nổ súng, ta giải phóng, đảo bắt sống 17 lính. 
Lúc này trên đất liền quân ta liên tục tấn công và thắng lớn. Quân đội Sài Gòn càng hoang mang, không thể cố thủ các đảo còn lại ở quần đảo Trường Sa. 
Ta tiếp tục sử dụng 2 tàu chiến đang ở khu vực đảo Nam Yết bốc toàn bộ quân của bốn đảo, chớp thời cơ, thừa thắng xông lên đổ bộ giải phóng các đảo còn lại. Tàu ta nhanh chóng đưa lực lượng của Trung đoàn 2, Sư đoàn 2 bộ binh Quân khu 5 từ căn cứ hải quân thần tốc ra tiếp quản, chốt giữ các đảo. 
Đúng 2h sáng ngày 29/4/1975 trên hướng tiến công đường biển ta đã kéo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giải phóng 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa do chính quyền Sài Gòn chốt giữ. 
Mở đường làm kinh tế biển 
Năm 1977, trên cương vị Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế miền biển rất ấn tượng. Nói chuyện với các nhà khoa học, Đại tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả, để góp phần thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả sẽ đem lại cho đất nước ta”.
Về hướng khai thác kinh tế biển, Đại tướng chỉ ra những vấn đề vượt thời gian: “Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch của thủy triều nước ta chứa đựng một tiềm năng quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước”… 
“Ngành sinh học biển phải đi sâu, thúc đẩy phương hướng kinh tế này. Cần phải từ đặc điểm của từng vùng biển có những điều kiện vật lý như nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng chiếu xuống như thế nào, rồi áp suất sóng, thủy động lực, dòng chảy như thế nào, để kết luận xem những vùng nào nuôi được loại cá nào là thích hợp nhất”… 
Trong chỉ đạo phát triển kinh tế biển, ngay từ năm 1977, Đại tướng đã có những chỉ đạo chiến lược rất sâu sắc: Kinh tế vùng biển phải từ đất liền mà phát triển ra biển và các hải đảo. Đưa dân ra làm kinh tế biển đảo, vừa cải thiện được đời sống của dân, vừa có lực lượng để thực hiện quốc phòng toàn dân, để giữ vững chủ quyền biển, đảo. 
Năm 1985, trước khi có Đổi mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra Chiến lược làm chủ biển với nội dung toàn diện và cụ thể. Cho đến nay, những vấn đề đặt ra trong chiến lược này vẫn nóng hổi tính thời sự. Chiến lược này là minh chứng lịch sử làm sáng rõ tư duy khoa học và tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về biển, đảo Tổ quốc. 

Xuân Tùng (Tổng hợp)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời

Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời lúc 18h09 ngày 4/10 tại Viện quân y 108 (Hà Nội) khi ông vừa bước sang tuổi 103.
Đại tướng qua đời vào 18h09 phút chiều 4/10, tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị từ năm 2009. Mới cách đây hơn một tháng, Đại tướng bước sang tuổi 103.
Thi hài ông được chuyển từ khu chăm sóc đặc biệt đến nhà lạnh trong sự nghiêm cẩn của những người lính bồng súng.
Căn biệt thự cổ 2 tầng số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), nơi ông và gia đình ở vẫn sáng đèn trong đêm, các căn phòng đều để cửa mở. Khuôn viên trước nhà ông vẫn thẫm một màu xanh tĩnh lặng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950).
 Ngay trong đêm, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin Đại tướng trên vị trí nổi bật. Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học và là tác giả một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam nhận xét: "Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20.Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối.


Tân Hoa Xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam. "Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh", hãng thông tấn Trung Quốc đánh giá.
Trong khi đó, hãng thông tấn Mỹ AP cho hay Tướng Giáp nổi lên "là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954".
Ông là biểu tượng của ý chí và lòng tự hào dân tộc. Ảnh:  tư liệu
 Sinh ngày 25/8/1911 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vốn là một thầy giáo dạy sử đã trở thành "người anh cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.


"Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!" - Mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Trong Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt trong lịch sử dân tộc.
Sau khi đất nước thống nhất, Đại tướng là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (đến 1980); Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1991). Ông cũng là đại biểu Quốc hội các khoá I - VII.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự trong nước và thế giới đều đánh giá Đại tướng là người toàn tài kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Ông đặc biệt được người dân Việt Nam nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng bởi tài năng cũng như sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống.
Hãng tin Bloomberg đánh giá: "Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20".  Ảnh: AFP
 Trong Bách khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn lần đầu năm 1934 với nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái. Hai người có một người con là bà Võ Hồng Anh (1941-2009). Bà Hồng Anh là tiến sĩ khoa học và từng đoạt giải thưởng Kovalevskaia
Đại tướng tái hôn với giáo sư Đặng Bích Hà (con gái của giáo sư Đặng Thai Mai) sau khi người vợ đầu hi sinh vào năm 1944. Ông bà có 4 người con là Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc, Võ Điện Biên và Võ Hồng Nam

Nguyễn Hưng - Quý Đoàn - Hoàng Thùy

“Bảo vệ” hay kích động, dung túng?

QĐND - Núp dưới chiêu bài “bảo vệ các nhà báo tự do trên thế giới” thời gian qua, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã đưa ra những nhận xét mang tính quy chụp, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Đáng chú ý là mới đây tổ chức này còn ngang nhiên trao tặng giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013 cho Nguyễn Văn Hải - đối tượng đang thụ án vì phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Nguyễn Văn Hải phạm tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" theo khoản 2 Ðiều 88 Bộ luật Hình sự và đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật tuyên phạt 12 năm tù... Sự việc đã rõ như ban ngày, vậy mà CPJ vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật khi cho rằng Việt Nam "vi phạm tự do báo chí", "bắt bớ xâm hại nhà báo"... Không chỉ bênh vực, tung hô mà CPJ còn diễn trò lố bịch "trao giải" cho Nguyễn Văn Hải... Việc làm của CPJ khiến dư luận không khỏi bất bình. Theo CPJ tự xưng thì họ là một tổ chức phi chính phủ giám sát các vụ vi phạm tự do báo chí khắp thế giới và bảo vệ các nhà báo bị đối xử phân biệt vì thực thi quyền tự do ngôn luận... Thế nhưng những năm gần đây, tổ chức này ngày càng xa rời tôn chỉ, mục đích. Không chỉ với Việt Nam mà CPJ đã bị nhiều nước trên thế giới lên án vì những nhận xét mang tính quy chụp, xuyên tạc tình hình tự do báo chí tại các quốc gia, nhất là những quốc gia không theo “chuẩn” về tự do báo chí, tự do ngôn luận của phương Tây.
Vì sao CPJ lại làm như vậy? Câu trả lời không khó, bởi lẽ nguồn "nuôi sống" CPJ không đâu khác là từ một số tổ chức và quốc gia thiếu thiện chí với Việt Nam và những quốc gia có sự khác biệt về thể chế chính trị với phương Tây. Chính sự lệ thuộc về tài chính ấy đã biến CPJ trở thành công cụ phục vụ cho mục đích của một số tổ chức và các quốc gia đã "nuôi sống" họ. Những hành động của CPJ càng cho thấy rõ thực chất của cái gọi là “bảo vệ các nhà báo tự do” mà họ vẫn thường rêu rao chỉ là sự kích động, dung túng, che đậy cho những đối tượng phạm tội lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống phá các nhà nước, trong đó có Việt Nam.
AN QUỐC

Tiếp cận vấn đề các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống, phá Đảng và Nhà nước ta

HGĐT- Trong các thủ đoạn, biện pháp thế lực đế quốc và phản động Quốc tế tăng cường chống, phá các nước XHCN, trong đó có nước ta là lợi dụng triệt để vấn đề tôn giáo như một công cụ hữu hiệu trong Chiến lược“diễn biến hòa bình” (DBHB) để chống, phá từ bên trong, từ nội bộ các nước độc lập... mà trước tiên là trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, làm cho các nước “tự diễn biến”...
Tất cả các tôn giáo đều là sự phản ánh một cách hư ảo những ước mơ vào đầu óc con người... Chính bản thân các tôn giáo cũng không nhận biết hoặc chưa nhận biết do niềm tin tôn giáo đã có quá trình tồn tại lâu dài trong lịch sử xã hội loài người, do những nhận thức lệch lạc cuả con người. Như vậy, xét về mặt lịch sử - xã hội, tôn giáo cũng là sản phẩm của loài người trong cuộc đấu tranh chống lại những yếu tố bất lợi của tự nhiên, xã hội. 
Bản chất của tôn giáo là mong ước một có xã hội không có áp bức, bất công, mọi người đều sống bình đẳng... Mong ước đó, cơ bản phù hợp với mục tiêu xây dựng một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Chỉ có một sự khác biệt cơ bản là cách thức, phương thức để có một xã hội tốt đẹp (như nói trên) là hoàn toàn khác nhau. 
Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo; không những chỉ thừa nhận mà còn bảo vệ sự trong sáng của tôn giáo; được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý của Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo, cho bà con giáo dân sống phúc âm trong lòng dân tộc; thực hiện mọi quyền và nghĩa vụ công dân của một nước độc lập; chống lại mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống Đảng, chống Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, làm tổn hại đến nền độc lập dân tộc Việt Nam, xâm hại lợi ích Quốc gia và làm trái bản chất tốt đẹp của tôn giáo.
 Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động Quốc tế đã lợi dụng triệt để những ước vọng tốt đẹp của các tôn giáo để thực hiện mục đích thống trị thế giới, thông qua cái gọi là Chiến lược DBHB, với mục tiêu xóa bỏ Chủ nghĩa xã hội; phá hoại phong trào độc lập dân tộc và hòa bình thế giới; duy trì sự tồn tại lâu dài của Chủ nghĩa tư bản, đích cuối cùng là thống trị thế giới. 
Âm mưu của chiến lược DBHB là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trước hết là xóa bỏ hệ tư tưởng, đó là Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thông qua hành động mang tính chiến lược toàn cầu phản cách mạng; sử dụng các biện pháp phi quân sự là chính; dùng các biện pháp “hòa bình” để chuyển hóa từ bên trong của các nước mà chúng cho là “đối địch”; làm cho các nước “tự chuyển hóa” theo mục đích của chúng. Trong đó, lợi dụng tôn giáo như một công cụ đắc lực, cụ thể: 
Một là: Lợi dụng “niềm tin tuyệt đối” của bà con giáo dân vào cái gọi là có một “thế giới thiên đường” để xuyên tạc, tô đậm những khó khăn, yếu kém trong quá trình xây dựng một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nhằm làm cho nhân dân mất lòng tin, gieo rắc sự hoài nghi, tạo mâu thuẫn xã hội, gây mất đoàn kết nội bộ; tạo mâu thuẫn giữa niềm tin của giáo dân vào một xã hội “thiên đường” với xã hội hiện tại đang còn nhiều khó khăn... làm cho một bộ phận dân cư trông chờ ở “thiên đường”; trông chờ“Vua”, “Chúa” đón về “Thiên đường” nên đã không sản xuất mà ngược lại, còn tìm cách bán tài sản, nhà cửa, giết mổ gia súc, gia cầm (kể cả con giống) để “ăn mừng” chờ “Vua”, “Chúa” đón... làm mất ổn định trật tự xã hội.
 Hai là: Một mặt, lợi dụng những khó khăn trước mắt về kinh tế của một bộ phận dân cư, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, xuyên tạc nguyên nhân là do Đảng, Nhà nước ta yếu kém, tham nhũng, cán bộ suy thoái, biến chất...; mặt khác, lợi dụng một bộ phận dân trí thấp, kém hiểu biết, thiếu tri thức khoa học tối thiểu để phát triển sản xuất...; lợi dụng các các tổ chức “Phi chính phủ” hỗ trợ, lôi kéo các chức sắc tôn giáo và một bộ phận nhân dân hoạt động tôn giáo trá hình bằng các luận điệu bịa đặt, mị dân, như: “Đi theo đạo mới được giúp đỡ, mới thoát nghèo đói”; “theo đạo không làm vẫn có ăn”; “theo đạo đá sẽ biến thành trâu, lợn...”; thậm chí có trường hợp vừa dụ dỗ, đe dọa đối với những người còn chần chừ, do dự...
 Ba là: Lợi dụng những sơ hở của các cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực hiện, có những mặt yếu, kém do trình độ của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; do thiếu những điều kiện cần thiết để thực hiện, cho nên thực hiện kém hiệu quả... Chúng xuyên tạc các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước; tô đậm khuyết điểm, nói xấu cán bộ; kêu gọi nhân dân không tin vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; lôi kéo, tụ tập đông người phản đối chính quyền, đòi thay đổi chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. 
Bốn là: Xuyên tạc, “cắt xén” những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mac – Lê-nin, đòi xem xét lại chủ nghĩa Mác; xuyên tạc tư tưởng, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh..., thực chất là đòi xóa bỏ con đường lên Chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta; đòi lấy tư tưởng, giáo lý tôn giáo thay cho Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh... được thể hiện trong chủ trương cái gọi là “xã hội hóa tôn giáo”.
 Năm là: Một mặt dùng tiền mua chuộc, lôi kéo, khống chế các chức sắc tôn giáo; mặt khác, mua chuộc một số người đi theo đạo, kích động tụ tập đông người để khiếu kiện; gây áp lực với chính quyền để “tập dượt biểu tình”... chuẩn bị cho âm mưu “cách mạng mầu” theo kiểu đã thực hiện ở Liên Xô và các nước ĐôngÂu trước đây; hay như cái gọi là “cách mạng mầu cam” đối với các nước trong cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) và “Mùa xuân Ả rập” ở các nước bắc Phi thời gian gần đây. 
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng tự do tôn giáo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những người thực sự có đức tin tôn giáo hành đạo; bảo vệ sự trong sáng của tôn giáo; thuần túy hoạt động tôn giáo; bảo đảm cho những người có đạo sống phúc âm trong lòng dân tộc và tuân thủ pháp luật, thực hiện nghĩa vụ công dân của một nước độc lập có chủ quyền; bảo đảm các hoat động tôn giáo phải vươn tới “cái thiện”...; đương nhiên, phải chống lại việc lợi dụng tôn giáo để chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, nền độc lập dân tộc và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; phá hoại quá trình xây dựng một Nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, có nhiều giải pháp bảo đảm hoạt động tôn giáo theo các giáo lý, giáo luật; ngăn chặn việc lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, nhưng giải pháp chủ yếu là tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư hiểu rõ mục đích, âm mưu, thủ đoạn, hành động và tính chất nguy hiểm của việc các thế lực đế quốc và phản động Quốc tế lợi dụng tôn giáo làm công cụ chống phá hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội... Trong đó, giải pháp cực kỳ quan trọng là tuyên truyền, thuyết phục các chức sắc tôn giáo và những người hành đạo tự bảo vệ sự trong sáng của tôn giáo mình; cảnh giác, chủ động phát hiện âm mưu, thủ đoạn của chúng và chủ động đấu tranh, chống việc lợi dụng tôn giáo; hoạt động đúng giáo lý, giáo luật, hoạt động tôn giáo đơn thuần, xây dựng tôn giáo mình sống phúc âm trong lòng dân tộc, tuân thủ pháp luật và làm trọn bổn phận người công dân, sống tốt đời, đẹp đạo... Như vậy mới là người hành đạo chân chính.
Triệu Minh Tư