Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Mai Quốc Ấn, hãy dừng lại vẫn còn kịp!

 


Vũ Tùng

 

Mai Quốc Ấn là con độc đinh của nhà báo rất đáng kính Mai Sông Bé, ông đến tuổi nghỉ hưu, lui về ở ẩn tại Cù lao Con Rùa (Bình Dương), cất cái nhà gạch bé xíu do bà con trên cù lao thương yêu xây dựng nên, trong nhà thờ Ngũ vị Văn nhân của miệt đất đầu nguồn Đông Nam Bộ này. Về hưu, nhà báo Mai Sông Bé xin sách cho trẻ em trên cù lao đến đọc, xin đồ chơi, xin xe đạp cũ, biến nhà mình thành cái thư viện nhỏ cho người cù lao. Căn nhà không bao giờ đóng cửa, bất kể ngày đêm, bất kể mưa gió.

Một nhà báo viết: “Tôi đã đi nhiều nơi, đã gặp nhiều người, vẫn chưa thấy có nhà báo nào được bà con trong vùng yêu quý như nhà báo Mai Sông Bé. Coi vinh hoa như không, coi quan lộ như không, thênh thênh đường rộng sông dài mà tiến tới. Trong nếp nhà ấy, Mai Quốc Ấn tuyệt đối không thể là người xấu được. Nhất là càng chơi thân với nhau, tôi càng hiểu Ấn nhiều hơn”.

Đọc nhận xét này của một người đàn anh của Ấn tôi đồng ý phần đầu, nói về người cha của Ấn, nhà báo Mai Sông Bé. Còn phần sau, khó có thể đồng ý, hãy xem những việc Ấn làm, những bài Ấn viết. Gần đây, khi lũ lụt đang hoành hành trên mảnh đất miền Trung yêu dấu, người dân đang oằn mình chống đỡ. Toàn Đảng toàn dân, toàn quân đang hướng về miền Trung để cứu giúp sẻ chia thì Mai Quốc Ấn lại tung lên mạng bài viết “Chúng ta sẽ học được gì?” với cách đặt vấn đề “Người Việt ngàn đời đối mặt với thiên tai và ngoại xâm. Nhưng người Việt cũng cần nhìn nhận lại nhân hoạ. Có hai thứ nhân hoạ trong nhận định của người viết: 1- Sự tha hoá của lực lượng thống trị sau khi giành chiến thắng chống ngoại xâm. Sự hưởng thụ hậu chiến tranh khiến giới cầm quyền sưu cao thuế nặng, bỏ mặc nhân dân và cướp đoạt tài sản và chà đạp nhân phẩm con người, vơ vét khoáng vật, tài nguyên của thiên nhiên. 2- Sự vô cảm của tầng lớp nhân dân…vô cảm như là hiện thân kết quả quá trình ngu dân của lực lượng thống trị. Bị cai trị nhưng tôn sùng kẻ cai trị bằng tâm thức nô lệ ngu muội và thậm chí tấn công cả người đang bảo vệ mình”. Và đi đến kết luận: “Tìm lối đi đến tương lai hay vẫn chọn “đường về nô lệ” là quyết định của mỗi người.

Một lời kích động, kêu gọi phản kháng, lật đổ không hơn không kém! Bất trị - nghịch tử rồi Mai Quốc Ấn ơi! Nó lộ rõ giọng điệu của một kẻ xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn về chế độ của Việt Nam hiện nay và dám bôi nhọ nhân dân Việt Nam. Quả là một kẻ tráo trở, vô liêm sỉ. Không rõ tay này bị bệnh hoang tưởng hay bị nhồi nhét bậy bà nhiều quá nên đã bị tẩy não thì mới có những lời lẽ xúc xiểm với dân tộc như vậy.

Không thể phủ nhận, ngay khi ra trường Mai Quốc Ấn đã tỏ ra là một nhà báo xông xáo, chuyên viết về môi trường, Ấn đã tạo được nhiều dấu ấn trong nghề nghiệp và đã có chỗ đứng nhất định trong làng báo và trong lòng độc giả. Nhưng, “tuổi trẻ, tài cao”, “ngựa non, háu đá” và những lời phỉnh phờ kèm theo tiền bạc đã đưa Mai Quốc Ấn lại gần với vòng tay của lũ dân chủ giả hiệu, những kẻ sống bằng nghề xuyên tạc, kích động để kiếm ăn. Việc Mai Quốc Ấn gần đây có nhiều bài viết trên các tạp chí lề trái và những lời tung hô của các đàn anh chống phá đã cho thấy rõ: Sắp xuất hiện một phiên bản mới của Nguyễn Lân Thắng, Phạm Đoan Trang.

Nhiều người nghĩ rằng: Tại sao Mai Quốc Ấn, sinh ra trong một gia đình tử tế với một ông bố đáng kính trọng, lại được ăn học và lớn lên trong một môi trường tốt đẹp đến vậy mà bắt đầu đã có dấu hiệu “trở cờ”? Không khó hiểu: Tham vọng, bất mãn, thích nổi danh là cơn cớ chính để những kẻ này đi ngược lại với lợi ích của nhân dân mình.

Xin nêu mấy bậc “tiền bối” để Mai Quốc Ấn lấy đó làm gương:

Nói đến “nhà dân chủ” Nguyễn Lân Thắng mà không nói đến dòng họ Nguyễn Lân sẽ là một điều khiếm khuyết. Nguyễn Lân Thắng sinh năm 1975 là cháu nội của cố giáo sư Nguyễn Lân, một người thầy về tâm lý giáo dục đã có công lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa Tâm lý học và Giáo dục học của hệ thống các trường sư phạm ở Việt Nam. Thắng là con của PGS.TS Nguyễn Lân Tráng, cháu của PGS.TS Nguyễn Lân Dũng và cũng là cháu, là anh em con chú con bác với nhiều giáo sư, tiến sỹ trong dòng họ Nguyễn Lân. Sinh ra trong gia tộc Nguyễn Lân danh giá- gia tộc mà cả đất nước Việt Nam đều kính trọng về trí tuệ cũng như đóng góp đối với đất nước, với dân tộc nhưng Nguyễn Lân Thắng lại là kẻ gây ô nhục đối với gia tộc Nguyễn Lân và cũng là nỗi nhục lớn đối với những người Việt Nam yêu nước vì đã bước chân vào con đường chống phá nhà nước. Người ta nói: “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” nên dù có muốn, một khi con đã sinh ra tật, sinh dã tâm thì khó lòng dạy con thành người, khó dìu con đi về với chính đạo. Hắn như xé toang trang sử vàng của dòng họ, bôi một vết đen lớn trong lòng gia đình.

Kẻ thứ hai phải kể đến là Phạm Đoan Trang, sinh năm 1978, trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Là học sinh giỏi của những mái trường danh giá: THPT Hà Nội-Amsterdam, đại học Ngoại thương Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, Trang làm phóng viên báo điện tử Vn Express, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, báo hình của VietNam net và VTV, đều là các cơ quan truyền thông lớn. Không đạt được tham vọng, bị đuổi việc làm Trang thù hận. Thù hận đã làm nhà báo mờ mắt. Có lẽ khuynh hướng thù hận này khiến Đoan Trang trở nên cực đoan và độc ác. Trang ý thức rằng mình có khuynh hướng “luôn hoài nghi, luôn đấu đá, săm soi cuộc sống bằng cái nhìn ngờ vực”. Hết thuốc chữa rồi Đoan Trang ơi!

Một kẻ “trở cờ” đình đám hơn mà người dân Việt Nam không thể quên là: Bùi Tín. Ông ta là con cụ Bùi Bằng Đoàn, một chí sỹ yêu nước, Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước VN dân chủ cộng hòa. Như thế, Bùi Tín cũng được sinh ra trong “Danh gia vọng tộc”. Những năm 70, Bùi Tín là một tên tuổi báo chí lừng lẫy của việt Nam. Ngay khi hệ thống XHCN ở Đông Âu tan rã năm 1990, Bùi Tín chủ động đổi tên thành Bội Tín và quay đầu về các thế lực chống đối, phản động ở Pháp. Với âm mưu giành một chỗ đứng quan trọng khi nhà nước Việt Nam tan rã. Giấc mộng không thành, Bùi Tín đã sống với khoản trợ cấp còm cõi của chính phủ Pháp và chết già giữa cô quạnh nơi xứ người. Ngày xưa, ông một lòng trung kiên với Tổ quốc, thì với năng lực và tài ba của mình, đường công danh sự nghiệp thì thênh thang, từ Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, lên lãnh đạo cao hơn nữa là chuyện mấy hồi…Một kẻ cơ hội, đầy tham vọng như Bùi Tín đã nhận được cái kết đích đáng.

Mai Quốc Ấn, kẻ đã đứng trên bờ vực, hãy quay đầu lại khi còn chưa quá muộn. Tấm gương của mấy bậc “tiền bối” mong Mai Quốc Ấn hãy “soi” để có thể ngộ ra cái giá của những kẻ cơ hội, háo danh, nhiều tham vọng.

Mong mọi người cùng các cơ quan đoàn thể và cả người cha đáng kính của Mai Quốc Ấn hãy quan tâm đến kẻ sắp sa ngã này. Nếu không chúng ta sẽ mất đi một nhà báo năng nổ, lũ dân chủ lại vớ được một quả chanh nữa để vắt, để rồi trở thành con rối bị giật dây chống phá đất nước. Mai Quốc Ấn, hãy dừng lại khi còn có thể!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét