Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Câu chuyện khó tin

QĐND - Mới đây trên một trang web có tên “Hãy bảo vệ người bảo vệ nhân quyền” (riêng cái tên của trang web này sẽ có dịp chúng tôi bàn sau) có đăng bài nói chuyện giữa một blogger với một bà dân biểu Hoa Kỳ tên là Zoe Lofgren. Câu chuyện đại loại xoay quanh vấn đề “dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam” và đòi thả các phạm nhân mà họ gọi là “tù nhân lương tâm”. Thú thật khi đọc bài viết này, tôi không tin lắm vào nội dung của cuộc nói chuyện giữa hai người. Bởi với một số người tự nhận là “nhà đấu tranh cho dân chủ” đang ngồi tận… Hoa Kỳ thì họ có thể vẽ ra những gì mà họ tưởng tượng và cũng không ai có thể kiểm chứng. Điều này họ đã làm và làm thường xuyên. Thế nhưng cứ coi như câu chuyện trên là có thật thì cũng có thể bàn một số vấn đề sau.
Thứ nhất là ở Việt Nam, không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” để bà dân biểu Hoa Kỳ phải sốt sắng quan tâm đến thế. Ở Việt Nam chỉ có các phạm nhân vi phạm pháp luật và được tòa án phân xử công minh, đúng người, đúng tội. Còn những người mượn cớ “đấu tranh cho dân chủ” để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòng làm rối loạn đất nước để “đục nước béo cò” thì dù kẻ đó là ai cũng không thể tha thứ được. Một đất nước muốn ổn định và phát triển thì phải có luật pháp nghiêm minh làm rường cột. Ở Hoa Kỳ hay bất cứ đất nước nào cũng đều như thế. Thêm nữa, có lẽ ở tất cả các nước trên thế giới, thực hiện bảo đảm quyền dân chủ thực sự của con người chính là duy trì quyền dân chủ đó trong khuôn khổ của luật pháp, không có quyền dân chủ nằm ngoài luật pháp. Nếu ai đó mong muốn và đòi hỏi kiểu tự do dân chủ đứng trên luật pháp, hoặc nằm ngoài luật pháp thì xưa nay người ta gọi đó là kiểu “dân chủ quá trớn” và chưa từng thấy được chấp nhận ở đâu.
Thứ hai là tôi thấy bà Zoe Lofgren (như trong bài trao đổi của bà với blogger) là một chính khách và hiểu biết về luật pháp Hoa Kỳ. Thế nhưng trong câu chuyện của bà, tôi thấy bà nhận định, đánh giá, kết luận các vấn đề liên quan tới chính trị, ngoại giao lại rất hời hợt, tùy hứng. Khi muốn bàn về những vấn đề nghiêm túc như: Thể chế, hệ thống luật pháp của một đất nước, hệ tư tưởng của nhân loại, mối quan hệ của các quốc gia… thì phải nghiên cứu thật thấu đáo. Vậy nhưng, chỉ ngồi trao đổi chốc lát với một blogger, trong một câu chuyện gói gọn chưa đến nghìn chữ mà bà đã vội dốc hết những vốn liếng hiểu biết của mình về những phạm trù đó thì thật… hài hước.
Từ hai vấn đề trên có thể nói rằng, câu chuyện của một blogger với bà Zoe chỉ là trò cũ và thiếu nghiêm túc của những người mượn danh “đấu tranh cho dân chủ”. Những người có suy nghĩ chắc sẽ không bao giờ tin vào những câu chuyện như thế.

TRẦN THÔN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét