Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

CƯƠNG LĨNH CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỚI CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘC TA


                                                                            TS.Cao Đức Thái[1]
Những năm gần đây trong bối cảnh kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoa HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời “ cải tạo”, mở rộng nhiều đảo chìm, đảo nổi xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự, dân sự trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường của Việt Nam bất chấp phản đối của Nhà nước ta và cộng đồng quốc tế, một số người đã đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, công bằng, và trái với lịch sử cách mạng Việt Nam. Chẳng hạn họ cho rằng đường lối xây dựng xã hội XHCN thời kỳ vừa qua “theo mô hình Xô-viết” là “con đường sai lầm”. Họ kiến nghị phải thay đổi Cương lĩnh hiện nay, chuyển “hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ” mà nội dung cơ bản là “chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ”. Nói cách khác là xóa bỏ chế độ XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta chuyển sang mô hình “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ngoại nhập.
Dựa trên lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX và những xu thế cơ bản của thời đại ngày nay chúng ta thử xem xét những nhận định, đánh giá và kiến nghị nói trên có thể chấp nhận được không?
Trước hết cần nhận thức đúng vị trí địa chính trị Việt Nam và tác động của nó đối với lịch sử nước ta, như thế nào?
Vị trí địa lý không phải là sự lựa chọn đối với mỗi dân tộc. Đó là một trong những nhân tố khách quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong sự hình thành và phát triển của mỗi quốc gia. Là quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt trong khu vực, Việt Nam là cầu nối trên đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á, đa sắc tộc, giàu tài nguyên; Hoàng Sa, Trường Sa nằm trên tuyến hành lang đường biển thuận tiện đi từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Cho đến nay con đường biển này luân chuyển tới trên 50% khối lượng hàng hóa của thế giới phân bổ tới các khu vực. Cùng với tài nguyên phong phú, dân số khá lớn… những điều kiện này đã khiến cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực và trên thế giới. Trong những năm gần đây nhiều cường quốc đã công khai tuyên bố Biển Đông, khu vực Nam Á nằm trong “ lợi ích cốt lõi” của họ.
Trở lại lịch sử thời kỳ phong kiến, nhiều đế quốc hùng mạnh Á, Âu đã từng xâm lược Việt Nam, không ít trường hợp họ đã từng “ mượn đường Việt Nam”, dùng Việt Nam làm bàn đạp để xâm lược các quốc gia Nam Á. Các thế hệ người Việt Nam đã từng phải ứng xử với những tình huống quân sự-ngoại giao phức tạp như vậy là không ít. Trong thế kỷ XX nhiều quốc gia phát triển đã sớm nhận thấy vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam. Từ những quốc gia xa xôi trên thế giới, thậm chí bên kia đại dương đã “ vươn ” tay tới Việt Nam, mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với những động cơ chính trị khác nhau. Song chính vì vị trí địa chính trị đó mà dân tộc ta dường như thường xuyên phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, có rất ít thời gian hòa bình để xây dựng đất nước. Tuy nhiên Dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt đã không ngại đấu tranh, hy sinh xương máu để gữ vững độc lập Dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, mặt khác luôn luôn phát huy trí sáng tạo, “ lấy bất biến, ứng vạn biến” ( Hồ Chí Minh) đề ra chính sách đối ngoại hòa hiếu nhằm “cân bằng” chính trị với các cường quốc để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, chống các đế quốc xâm lược và giữ gìn môi trường hòa bình xây dựng đất nước.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ngay sau khi thực dân Pháp thiết lập được sự thống trị của họ họ ở Việt Nam, kế thừa truyền thống yêu nước của các thế hệ trước, nhiều con đường cứu nước dưới ngọn cờ “ Cần Vương” đã diễn ra sôi nổi trên chính trường Việt Nam. Tiêu biểu cho tư tưởng chính trị và phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX là hoạt động đầy tâm huyết của các sỹ phu yêu nước. Cụ Phan Bội Châu chủ trương  dựa vào quốc gia “ đồng văn, đồng chủng” Nhật bản dùng bạo lực giàng lại độc lập, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến; Cụ Phan Châu Trinh chủ trương “ bất bạo động” thực hiện “ Khai thông dân trí, mở mang dân quyền” đòi thực dân Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam và xây dựng chế độ chính trị như các quốc gia phương Tây; Cụ Hoàng Hoa Thám thì chủ trương hoạt động du kích dưới ngọn cờ “Cần Vương” từng bước mở rộng địa bàn cách mạng tiến đến giành lại độc lập dân tộc…nhưng rút cuộc chỉ “ thành nhân” chẳng  “ thành công” như các nhà sử học bình luận. 
Thứ hai, phải chăng đường lối xây dựng xã hội XHCN thời kỳ vừa qua “theo mô hình Xô-viết” là “con đường sai lầm”?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta hãy trở về lịch sử, xem xét các Cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là hai Cương lĩnh trong thời đổi mới có phải đó là “ mô hình Xô Viết” hay không?
Còn nhớ thất bại của phong trào Cần Vương, xây dựng chế độ quân chủ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dựa trên tư tưởng phong kiến và con đường      “ mở mang dân trí” lấy tư tưởng dân chủ tư sản làm nền tảng đã không còn thích hợp với xu thế của thời đại.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, mở đầu từ Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng có thể nói đó là thắng lợi của đường lối chính trị dựa Chủ nghĩa Mác- Lênin của Đảng cộng sản Việt Nam. Đường lối đó đã phản ánh đúng những đòi hỏi bức thiết của Dân tộc và phù hợp với xu thế của thời đại.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam  đã đề 4 Cương lĩnh chính trị. Mỗi Cương lĩnh đáp ứng đòi hỏi một thời kỳ lịch sử nhất định và đều có vai trò trọng đại đối với vận mệnh của Dân tộc ta.
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, đó là “Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt”. Hai văn kiện này được Hội nghị thành lập Đảng, ngày 3 tháng 2 năm 1930 thông qua. Sau đó, Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ Nhất họp tại Hương Cảng kế thừa hình thành “Luận cương chính trị của Đảng” (vào tháng 10 năm 1930). Việc xác định mục tiêu và đường lối cách mạng trong “ Chánh cương vắn tắt”[2] của Đảng ta đã dựa trên những giá trị chung của nhân loại trong đó có độc lập dân tộc và  quyền con người, đồng thời phản ánh đúng xu thế chính trị của của thời đại. Chánh cương đã chỉ rõ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc đã lỗi thời, đồng thời các dân tộc bị áp bức đã có điều kiện đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội để đi đến giải phóng con người.
Về mục tiêu cách mạng, Chánh cương viết: Đảng “ chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Như vậy mục tiêu cơ bản trước mắt của Đảng ta là làm “tư sản dân quyền cách mạng”. Nội dung của cuộc cách mạng này là: Đánh đổ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc, đồng thời xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến đem lại độc lập dân tộc đồng thời đem lại quyền công dân cho mọi người. Đây được xem là tiền đề cho sự phát triển của xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.
Về nhiệm vụ của cách mạng, Chánh cương viết: “ Dân chúng được tự do tổ chức; Nam nữ bình quyền; phổ thông giáo dục…”. Những quyền này có thể nói đã thể hiện rõ ràng những tiêu chí tiến bộ mà cộng đồng quốc tế cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thực hiện Chánh cương và Luận cương 1930, các tổ chức xã hội ở Việt Nam đã ra đời. Khác với nhiều quốc gia, dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam là người thành lập và lãnh đạo các tổ chức chính trị Việt Nam trước khi có nhà nước. Dựa trên quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng ta đã chủ trương xây dựng các tổ chức xã hội, thực hiện đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất. Vào thời điểm cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngày 18-11-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) quyết định thành lập Hội phản đế đồng minh-tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dưới ảnh hưởng của Đông Dương cộng sản Đảng (tổ chức tiền thân của Đảng CSVN), ngày 28-7-1929, Tổng Công hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam ra đời. Đây là tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay. Ngày 20-10-1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập; ngày 26-3-1931, Đoàn thanh niên cộng sản Việt Nam (nay là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) được thành lập...
Hiếm có một Đảng cộng sản nào đã dựa vào chính các tổ chức xã hội để vận động cách mạng và chính những tổ chức này đã trở thành cơ sở chính trị của Đảng đồng thời là lực lượng cách mạng giành chính quyền và xây dựng nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên ở nước ta.
Đi theo con đường cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, 1945, mở ra thời đại mới cho dân tộc ta. Những tư tưởng tiên tiến của thời đại, đặc biệt là tư tưởng về độc lập dân tộc và quyền con người đã được thể hiện sâu sắc trong Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố vào ngày 2/9 năm 1945. Tuyên ngôn độc lập có đoạn viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng...” Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[3]. Với nội dung này có thể nói: Tuyên ngôn độc lập 1945 của Việt nam là bản Tuyên ngôn “ kép”: Tuyên ngôn về quyền dân tộc tự quyết và Tuyên  ngôn về quyền con người của dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng có thể xem văn kiện này là Tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc bị áp bức. Bản Hiến Pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không chỉ quy định về chế độ xã hội do nhân dân làm chủ mà còn quy định đầy đủ các quyền công dân và những quyền cơ bản, cốt lõi của quyền con người ở Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng ta lãnh đạo, nhân dân ta đã giành lại độc lập Dân tộc, chủ quyền quốc gia, xây dựng nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ( nay là nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Thắng lợi này  đã mở ra thời đại mới cho Dân tộc ta- thời đại độc lập dân tộc gắn với chế độ chính trị do nhân dân làm chủ nhà nước, xã hội và hội nhập với trào lưu tiến bộ của nhân loại.                                                                                                                        
Cương lĩnh Thứ hai của Đảng ta ( Chính cương Đảng của Lao động Việt Nam) được Đại hội II, năm 1951 thông qua trong điều kiện nhân dân ta đang đẩy mạnh cuộc kháng chiến không cân sức chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi. Tuy nhiên Chính cương này không chỉ đề cập tới các nhiệm vụ quân sự, chống thực dân xâm lược mà còn đề cập tới nhiều nội dung về chế độ xã hội theo tinh thần tôn trọng và bảo đảm quyền làm chủ xã hội và nhà nước của nhân dân do Đảng ta lãnh đạo.
Về chế độ chính trị, Chính cương viết: “Chính quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là chính quyền dân chủ của nhân dân nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ…Nguyên tắc, tổ chức của chính quyền đó là dân chủ tập trung. …Cơ quan chính quyền tối cao toàn quốc là Quốc hội và Hội đồng Chính phủ… Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đoàn kết tất cả mọi đảng phái, mọi đoàn thể và mọi thân sĩ yêu nước, không phân biệt giai cấp, chủng tộc tôn giáo, nam nữ để cùng nhau kháng chiến kiến quốc”[4].
Có thể nói chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với các tôn giáo, các dân tộc thiểu số lúc đó so với nhận thức về nhân quyền hiện nay dường như vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn văn kiện viết: “Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng. Đồng thời nghiêm trị những kẻ lợi dụng tôn giáo mà phản quốc… Các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc; chống chủ nghĩa đân tộc hẹp hòi, bài trừ mọi hành động gây hằn thù, chia rẽ giữa các dân tộc”[5].
Không phủ nhận rằng sau khi đất nước thu về một mối, cả nước đi lên CNXH, công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta theo mô hình CNXH kiểu cũ. Đồng thời Việt Nam còn dựa vào kinh nghiệm xây dựng CNXH của Liên Xô,Trung Quốc. Là một quốc gia đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin, hướng tới chủ nghĩa xã hội hơn nữa lại vừa trải qua 30 năm chiến tranh, bị đế quốc Mỹ bao vây cấm vận, cùng với những hạn chế về tư duy lý luận, Đảng ta đã phạm phải những sai lầm nhất định về đường lối xây dựng đất nước sau khi Miền Nam được giải phóng. Những sai lầm này đã được Đại hội VI phát hiện và công khai không chỉ trong Đảng mà còn đối với cả xã hội. Đảng ta thừa nhận: “ Đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bức đi về xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật, cải tạo XHCN và quản lý kinh tế”[6].
Đại hội cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những sai lầm đó là: “Chưa nhận thức đủ rằng thời kỳ quá độ lên CNXH là một quá trình lịch sử tương đối dài…do tư tưởng chỉ đạo chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết…nóng vội, muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi XHCN…”[7] cơ chế “ tập trung quan liêu bao cấp” ra đời trong mô hình cũ của CNXH đã hạn chế tính tích cực của người lao động. Tuy nhiên đứng trước cuộc khủng hoảng, sụp đổ của Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng CNXH theo mô hình mới. Công cuộc đổi mới mở đầu từ Đại hội VI, năm 1986, từng bước giúp Việt Nam từ trụ vững đến dần dần đưa đất nước tiến lên. 
Công cuộc xây dựng đất nước theo mô hình mới của CNXH được mở đầu từ Đại hội VI. Mô hình này được thể hiện trong  Cương lĩnh thứ Ba của Đảng thông qua Đại hội VII. Đó là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, năm 1991. Cương lĩnh này một mặt kiên trì mục tiêu và các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, mặt khác chuyển đổi mô hình xây dựng CNXH kiểu cũ sang mô hình mới của CNXH.
Những đường nét chính của mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội là: Về chính trị- đối nội, nếu như mô hình cũ là xây dựng và duy trì nhà nước “Chuyên chính vô sản”; quan hệ quốc tế chủ yếu “ đóng cửa” trong hệ thống các nước XHCN. Về kinh tế, đó là nền “Kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp” trong đó các thành phần kinh tế tư nhân, cơ chế thị trường bị xóa bỏ... Từ mô hình cũ đó Đảng ta đã đề ra đường lối xây dựng đất nước theo mô hình mới của CNXH. Trong mô hình đó về chính trị, đó là chế độ xã hội do nhân dân lao động làm chủ; về kinh tế, đó là nền “kinh tế hàng hóa nhiều thành phần” …
Đại hội XI, năm 2011, lại một lần nữa Đảng ta điều chỉnh Cương lĩnh 1991. Đây là Cương lĩnh thứ tư của Đảng ta- “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, (Bổ sung, phát triển năm 2011)”. Cương lĩnh này không chỉ tiếp tục khẳng định con đường XHCN, mô hình mới về CNXH đồng thời còn được điều chỉnh cụ thể hóa thêm. Cương lĩnh viết:        “ Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo…”[8]. Thích ứng với bối cảnh quốc tế đó Đảng ta chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế theo phương châm: Việt Nam muốn “ là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[9]
Trong những định hướng lớn của Cương lĩnh, con người và quyền con người được đặt lên hàng đầu. Cương lĩnh viết: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân…
Chính sách xã hội phải: Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách.
Chế độ xã hội có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người. Cương lĩnh xác định chế độ ta là chế độ dân chủ XHCN. Cương lĩnh viết: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hoá bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.”[10]
Thể chế hóa Cương lĩnh thứ tư của Đảng, Quốc hội ta đã nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài, xây dựng và thông qua Hiến pháp nước cộng hòa XHCN Việt Nam, 2013. Văn kiện này lần đầu tiên đã giành một chương ( Chương II) quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong chương này các nguyên tắc về quyền con người, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa theo các chuẩn mực quốc tế đã được nội luật hóa đầy đủ. Các nguyen tắc về quyền con người bao gồm:
- Tôn trọng, bảo đảm QCN thuộc trách nhiệm của nhà nước. Hiến pháp quy định: “ 1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14) ;
Nguyên tắc “Hạn chế quyền” được quy định như sau: “ 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng...” (khoản 2 Điều 14).
Nguyên tắc “ Suy luận vô tội”. Đây là nguyên tắc được xem là tập quán pháp lý quốc tế, thể hiện tính nhân đạo, khoan dung của pháp luật, được quy định như sau:  “ 1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” (Điều 31).
Nguyên tắc xử lý cán bộ công chức vi phạm pháp luật... và người bị các hình phạt trái pháp luật được bồi thường, quy định như sau:  “ 5. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.” (Điều 31).
Tại  kỳ họp thứ 8, khóa  XIII Quốc hội ta đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn công ước “Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục”, 1984.
Như vậy là, hoàn toàn không có chuyện Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước: “theo mô hình Xô-viết” là “con đường sai lầm” như một số người nói. Công bằng mà nói thì đánh giá đó có phần nào có thể chia sẻ được khi chúng ta nói về công cuộc xây dựng đất nước theo mô hình cũ của CNXH trước Đại hội VI, 1986.
Còn việc một số người cho rằng, Đảng ta cần thay đổi Cương lĩnh chuyển “hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ” mà nội dung cơ bản là “chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ” là không thể chấp nhận được. Vì: trước hết, điều này hoàn toàn không có ý nghĩa khi Việt Nam đã chuyển sang xây dựng đất nước theo mô hình mới của CNXH. Thứ hai, đó là sự  phủ nhận chế độ xã hội hiện hữu, phủ nhận sự thành quả của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đứng lên giành lại và giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước, bảo vệ vưỡng chắc không gian sinh tồn của dân tộc. Trong điều kiện địa chính trị đặc biệt của đất nước, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan Đảng ta đã không tránh khỏi những hạn chế, sai lầm nhất định trong đường lối chính sách, cũng như trong công tác xây dựng Đảng, song Đảng ta luôn luôn là người đại diện cho lợi ích của Dân tộc, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội dân chủ, công bằng văn minh, mở cửa, hội nhập với cộng đồng quốc tế phù hợp với xu thế của thời đại. Đây là một thực thế không dễ gì có thể bác bỏ.


[1] -Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
[2]- Hồ Chí Minh Toàn tập T3, Nxb CTQG, HN, 1995, Tr 1

[3] - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 1

[4] - Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, 08:15 | 11/06/2003
[5] - Theo Báo điện tử TL đã dẫn…
[6] - Văn kiện Đại hội VI, NXB ST, HN, 1987, Tr 19
[7] - Văn kiện Đại hội VI, TL Đ D, tr 22

[8]-  Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG, HN, năm 2011, Tr 70
[9] - Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG, HN, năm 2011, Tr 83, 84
[10] - Văn kiện Đại hội XI, TL Đ D, Tr 85.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét