Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

VỀ THỰC CHẤT, Ý ĐỒ CỦA LUẬN ĐIỂM SAI TRÁI "CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TRƯỚC HẾT LÀ LÝ LUẬN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC, LÀ SAI LẦM VÀ ĐỐI LẬP VỚI NỘI DUNG ĐÚNG ĐẮN CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH"




PGS, TS Nguyễn Quốc Phẩm
Học viện CTQG Hồ Chí Minh

Ngay từ khi ra đời (năm 1848) đến nay, CN M-L và chủ nghĩa xã hội khoa học (CNXHKH) đã thường xuyên phải đương đầu với đủ loại luận điểm tinh vi, thâm độc nhằm xuyên tạc phủ nhận từ các thế lực thù địch, chống đối.
Cách mạng XHCN thế giới đã trải qua nhiều bước thăng trầm với những dấu mốc khó phai mờ trong lịch sử: năm 1871: Công xã Pa-ri - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên bùng nổ thắng lợi rồi bị dìm trong bể máu; năm 1917 cuộc cách mạng XHCN tháng X Nga làm "rung chuyển thế giới", CNXH hiện thực ra đời từ đó; từ 1945 sau chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, một hệ thống các nước XHCN thế giới ra đời đối trọng với hệ thống TBCN; năm 1991, chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu đổ vỡ sau thời kỳ khủng hoảng. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, nhiều quốc gia dân tộc đã cải cách, đổi mới vừa bảo đảm định hướng XHCN, vừa đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo điều kiện để CNXH hiện thực vượt qua khủng hoảng, khôi phục và tiếp tục khẳng định một xu thế phát triển: theo quy luật tiến hóa của lịch sử loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH!
CN M-L, CNXHKH từ lý luận đã được hiện thực hóa trong thực tiễn, dù hiện tại còn đang thời kỳ vượt qua khủng hoảng để khôi phục và phát triển. Cũng chính bởi vậy, hệ thống lý luận này đang phải tự khẳng định, tự bảo vệ trước đủ loại âm mưu, thủ đoạn xảo trá, nhằm phủ nhận nó. Đặc biệt, từ năm 1991 đến nay, những thế lực chống đối, thù địch đã nhiều lần tuyên bố: CN M-L, CNXHKH đã kết thúc lịch sử rồi (!).
Phủ nhận công khai, xem ra đã nhàm chán, những kẻ đối lập thù địch với CN M-L, CNXHKH đã và đang tìm nhiều phương kế khác, tinh vi thâm độc hơn. Một trong những phương kế đó ở Việt Nam hiện nay là đối lập giữa CN M-L, CNXHKH, với tư tưởng Hồ Chí Minh - tư tưởng của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lỗi lạc của đất nước, dân tộc.
Một trong những luận điểm mà gần đây đã và đang được tung ra để phủ nhận CN M-L, CNXHKH đó là: CN M-L, trước hết là lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là sai lầm và đối lập với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh (!).
Thực chất của luận điểm, ý đồ của những "tác giả" của nó là gì? Đó là những điều cần phải vạch trần nhằm kiên định với quan điểm của ĐCSVN: Đảng lấy CN M-L và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động làm rõ hơn mối quan hệ biện chứng giữa CN M-L và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính bản thân CN M-L là một trong những nguồn gốc cơ bản nhất để hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trước hết, cần vạch rõ thực chất của cái luận điểm sai trái, mang tính chụp mũ khi đối lập CN M-L, lý luận CNXHKH với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực tiễn cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam ngày càng chứng minh tính sinh động, phản ánh bản chất khoa học và cách mạng của CN M-L. Với nhiều nguyên lý mang giá trị phương pháp luận bền vững, thể hiện các quan điểm biện chứng, lịch sử - cụ thể và quan điểm phát triển đã làm cho CN M-L trở thành cơ sở lý luận và phương pháp luận soi đường cho giai cấp công nhân, các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân trên thế giới xác định đúng con đường cách mạng nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi mọi áp bức bất công.
Luận điểm nổi tiếng của C. Mác và Ph.Ăngghen nêu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848): "Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người"1 đã phản ánh bản chất nhân đạo, nhân văn của học thuyết Mác về CNXHKH.
CN M-L trở thành nền tảng tư tưởng, vũ khí tư tưởng sắc bén cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động cần lao tiến hành, cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm lật đổ chủ nghĩa tư bản - một xã hội vẫn dựa trên chế độ áp bức, bóc lột, bất công, bất bình đẳng, đã và đang kìm hãm nhân loại tiến tới một xã hội văn minh.
CN M-L với những phát kiến vĩ đại: quan niệm duy vật về lịch sử quy luật bóc lột, giá trị thặng dư - quy luật kinh tế cơ bản của CNTB và sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, giai cấp có khả năng tổ chức, lãnh đạo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhằm cải biến CNTB thành CNXH đã giúp cho học thuyết này cân đối, hoàn thiện, thành cơ sở lý luận tiên phong soi đường cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới xóa bỏ chế độ TBCN xây dựng CNXH và CNCS.
Bản thân CN M-L chính là học thuyết của đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Chính bởi từ những cống hiến có bước ngoặt lịch sử của những nguyên lý của C. Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã có công lao lớn trong việc bảo vệ và bổ sung, cụ thể hóa những nguyên lý, lý luận trong điều kiện mới, đã biến CNXHKH thành hiện thực ở nước Nga Xô viết sau cuộc cách mạng XHCN tháng X thắng lợi.
CN M-L, CNXHKH có sức sống, sức chiến đấu nhờ tính sinh động, phát triển thường xuyên, phản ánh đúng quy luật phát triển xã hội loài người như một quá trình tất yếu lịch sử - tự nhiên. Quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử mãi mãi có giá trị bền vững, trang bị cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động một thế giới quan khoa học, một nhân sinh quan cách mạng, nhân đạo, nhân văn.
Mặc dù CNXH hiện thực thế giới từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay đang ở bước thoái trào song trong cùng thời gian đó, dư luận phương Tây vẫn bình chọn C.Mác là nhà tư tưởng có ảnh hưởng số một vào sự phát triển xã hội loài người của thế kỷ XX!
Bản chân CNTB hiện đại cũng rơi vào khủng hoảng (trước hết là khủng hoảng tài chính) trong điều kiện hiện nay càng cho thấy mặt trái của chế độ TBCN đối với phát triển của văn minh nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà học giả nổi tiếng của nước Pháp, Giắc-cơ Đê-ri-đa gần đây đã phê phán CNTB một xã hội đầy "ung nhọt", những "vết loét" từ bên trong và kêu gọi thế giới hãy quay về với C.Mác và học thuyết Mác.
Cũng gần đây, học giả Terry Eagleton, Giáo sư trường Đại học Tổng hợp Lancaste Vương quốc Anh đã viết cuốn sách Tại sao Mác đúng?, với sự đóng góp ý kiến của Alex Calinices, Philip Carperter, Ellen Meiksins Wood - là các Giáo sư chính trị của Anh - Mỹ. Cuốn sách đã được trường Đại học Tổng hợp Yale, một Đại học danh tiếng của Mỹ lựa chọn xuất bản vào đầu năm 2011.
Cuốn sách đã đón nhận nhiều bình luận, đánh giá khác nhau. Trong đó, rất nhiều người hoan nghênh, ủng hộ T.Eagleton. Tờ Financial Times ra ngày 27/5/2011 đã cho rằng: cuốn sách xứng đáng là ứng viên giải Nobel kinh tế vì đã "làm sống lại Mác" và khẳng định: "Cách tiếp cận của Mác là cách xem xét tốt nhất đối với chủ nghĩa tư bản"1. Tạp chí Socialist Review số ra tháng 6/2011 viết: "Cuốn sách này rõ ràng nhằm tới những người đầu tiên tiếp cận sâu những tư tưởng của Mác… Nhưng cuốn sách nhỏ này giúp trang bị cho những người xã hội chủ nghĩa thế hệ mới những tư tưởng cần thiết để giành thắng lợi trong trận chiến sắp tới"1.
Ở một bài bình luận đăng trên www.Socialistalternative.org viết: "Cuốn sách ra đời rất đúng lúc khi người ta đang phê phán chủ nghĩa Mác là "lạc hậu" và "không phù hợp", không thể gắn nó với những vấn đề kinh tế và chính trị đương đại. T. Eagleton đã đưa ra sự điều chỉnh rất cần thiết cho quan điểm thiếu hiểu biết này"2.
Rất nhiều luận điểm có giá trị trong cuốn sách đủ dẫn chứng để đập tan cái luận điểm cho rằng CN M-L là sai lầm. Chỉ nêu một luận điểm của T. Eagleton: "Vậy điều gì đã xảy ra nếu như không phải chủ nghĩa Mác lỗi thời mà chính chủ nghĩa tư bản đã lỗi thời?... C.Mác coi xã hội tư bản đầy những thứ hão huyền, hoang đường và sùng bái, cho dù nó tự hào nhiều về tính hiện đại của mình. Chính sự khai sáng của chủ nghĩa tư bản - niềm tin đầy tự mãn về tính hợp lý vượt trội của nó - cũng chỉ là một thứ mê tín. Nếu chủ nghĩa tư bản có thể có những tiến bộ đáng kinh ngạc nào nó, thì sẽ có một cảm nhận khác rằng chẳng qua nó buộc phải cố hết sức chỉ đề tồn tại. C.Mác từng nhận xét rằng giới hạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản chính là tư bản, mà quá trình tái sản xuất không ngừng của tư bản là ranh giới mà chủ nghĩa tư bản không thể vượt qua"3.
Ở Mỹ, Nouriel Roubini - Giáo sư kinh tế của Đại học New York đã viết trên tờ Project Syndicale (15/8/2011): "Có vẻ như C.Mác đã đúng phần nào khi lập luận rằng: quá trình toàn cầu hóa, hoạt động trung gian tài chính đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát, và sự tái phân phối thu nhập và của cải từ giới lao động sang giới tư bản có thể đưa chủ nghĩa tư bản tới tình trạng tự hủy diệt"4.
Những học giả của các nước phương Tây ngày nay đã và đang khẳng định sức sống và giá trị bền vững của những nguyên lý lý luận trong học thuyết Mác.
Ở nước Nga, hiện nay - sau khi Liên Xô XHCN đổ vỡ, dư luận và các học giả Nga đã bình tĩnh xem xét lại quá trình vận dụng ý luận mác xít về CNXH của V.I.Lênin, chỉ rõ sai lầm từ việc vận dụng một mô hình máy móc, giáo điều sau Lênin: chủ nghĩa xã hội kiểu Xô viết - CNXH kiểu Xtalin, chứ hoàn toàn không phải học thuyết Mác - Lênin về CNXH là sai lầm, là lạc hậu, lỗi thời!.
Rất nhiều học giả đều đánh giá, tìm đúng các nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Chỉ xin nêu một vài luận điểm của học giả V.S. Semenốp trong công trình Chủ nghĩa Mác trong hiện thực và những bài học về sự phát triển của nó sau một thế kỷ rưỡi: "… Bản thân V.I.Lênin đã coi mình giản đơn chỉ là người kế tục C. Mác và Ph.Ăngghen, là người mác xít, người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác trong thực tiễn, người phát triển chủ nghĩa Mác trên cơ sở thực tiễn hiện thực và cụ thể, cũng là điều mà C. Mác và Ph.Ăngghen đòi hỏi.
Người ta nói một cách có căn cứ về chủ nghĩa Mác thể hiện trong chủ nghĩa Lênin, bởi vì Lênin đã đưa vào chủ nghĩa Mác nhiều điều sáng tạo, đổi mới, bổ sung, mở rộng và làm sâu sắc thêm, làm cho chủ nghĩa Mác phù hợp với những yêu cầu của thời đại và trên cơ sở khái quát những kinh nghiệm mới cực kỳ đồ sộ mang tính cách mạng và thực tiễn xã hội chủ nghĩa"1.
Hầu hết các học giả Nga khi tranh luận về CNXH đều đánh giá cao bản chất khoa học và cách mạng của CN M-L và CNXHKH. Từ đó, chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khủng hoảng, đổ vỡ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất là các Đảng Cộng sản, đứng đầu là Đảng Cộng sản Liên Xô đã hoặc tuyệt đối hóa mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết áp đặt hoặc từng bước xa rời những nguyên lý của CN M-L về CNXH, xây dựng CNXH, đặc biệt là các nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới, biến Đảng Cộng sản thành một tổ chức cực quyền.
Thời gian càng lùi xa, thực tiễn thành công và thất bại của cách mạng XHCN thế giới càng chứng minh giá trị bền vững cả CN M-L do CNXH, CNCS, tức giá trị khoa học và cách mạng của bản thân CNXHKH mà C. Mác và Ph.Ăngghen khởi xướng, V.I.Lênin đã bảo vệ, bổ sung, phát triển trong điều kiện mới, từ thực tiễn của nước Nga đương thời.
Đánh giá, thẩm định một học thuyết, một hệ thống lý luận là đánh giá, thẩm đỉnh những giá trị khái quát lý luận từ tổng kết thực tiễn ở tính khoa học, tính thực tiễn và cách mạng chứ không chỉ là theo định kiến: hoặc sùng bái đến mức thần thánh hóa, hoặc phủ nhận một cách hồ đồ, vô căn cứ.
Phủ nhận CN M-L, phủ nhận lý luận CNXHKH bằng định kiến, ngụy biện, chụp mũ đó là thực chất của cái luận điểm gọi là…"chủ nghĩa Mác, trước hết là lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là sai lầm".
Không những thế, vì e sợ không thuyết phục được ai, những kẻ nhân danh là môn đưệ của Hồ Chí Minh, luôn ca ngợi tư tưởng Hồ Chí Minh đã dấn sâu thâm một bước rằng: chủ nghĩa Mác, CNKHXH là "đối lập với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh"(!). Lại một phương thức chụp mũ tinh vi, xảo quyệt núp dưới bóng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thực chất của vấn đề, trước hết hãy bằng thực tiễn cách mạng Việt Nam từ quá trình việc tìm đường và bắt gặp CN M-L, từ đó vận dụng và phát triển sáng tạo CN M-L vào điều kiện cụ thể của Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa cách mạng Việt Nam thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, từng bước giành thắng lợi to lớn trong cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước rồi đưa cả nước vững bước đi lên CNXH. Thành quả đó trên con đường cách mạng của Hồ Chí Minh cũng chính là thành quả của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam mà tư tưởng cốt lõi nhất là: Con đường cách mạng Việt Nam phải đi theo cách mạng vô sản, với hệ tư tưởng Mác - Lênin dẫn dắt; độc lập dân tộc gắn bó hữu cơ với CNXH.
Ai đã thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh đều thấm thía sâu sắc ý nghĩa to lớn, bước ngoặt của việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sau nhiều năm bôn ba khắp bốn phương trời Âu, Phi, Mỹ, Á, trở về nước Pháp (1920) mới bắt gặp được con đường cứu nước khi tiếp cận tư tưởng Mác - Lênin, trước hết là từ quan điểm của V.I.Lênin trong Luận cương các vấn đề về dân tộc và thuộc địa. Ai đã từng nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh thì đều không thể không ghi nhận những tình cảm, sự trân trọng và niềm tin của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vào CN M-L… Một học sinh phổ thông cũng vẫn thuộc câu nói - khái quát lý luận giản dị, sinh động của Nguyễn Ái Quốc về CN M-L: bây giờ học thuyết, nhiều chủ nghĩa nhiều nhưng đúng đắn nhất, chắc chắn nhất là chủ nghĩa Lênin.
Suốt cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy CN M-L làm cẩm nang tư tưởng, đồng thời đánh giá đúng chân giá trị của học thuyết đó ở tinh thần cốt lõi nhất: phép biện chứng duy vật và quan điểm duy vật lịch sử - đó là tinh túy, là hồn cốt của CN M-L, kết tinh thành thế giới quan và phương pháp luận cho giai cấp công nhân, các Đảng Cộng sản, Đảng Công nhân có lập trường, quan điểm vững vàng trong cuộc trường chinh cách mạng nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Ở Việt Nam cuộc phóng đó phải bắt đầu từ giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, đế quốc…
Hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấm nhuần tư tưởng nhân văn, vì con người, do con người, cho con người trong lý luận CNXHKH - bộ phận cấu thành mật thiết của CN M-L, phản ánh mục đích, nội dung của tư tưởng Mác - Lênin.
Chỉ xin dẫn một ví dụ nhỏ, một lời căn dặn chân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên trong lớp Huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 14 tháng 8 năm 1966 về chủ nghĩa xã hội khoa học: "… Muốn có lập trường vô sản vững chắc, thì đảng viên phải có ý thức giai cấp đồng thời phải có lý luận cách mạng. Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng. Vì vậy, các cô, các chú phải chịu khó học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời phải học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ"1.
CN M-L, CNXHKH luôn luôn là ngọn cờ tư tưởng, nền tảng tư tưởng để từ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, hoàn thiện nên tư tưởng Hồ Chí Minh về lý luận và cách mạng Việt Nam.
Điều này là một thực tế hiển nhiên không ai có thể phủ nhận hoặc xuyên tạc hồ đồ!
ĐCSVN khi khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của CN M-L, của CNXHKH, đồng thời đã khẳng định thực chất của tư tưởng Hồ Chí Minh: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo CN M-L vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp , giải phóng con người; về độc lập dân tộc… gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân,; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân…"1.
Xin hỏi ai đó lớn tiếng vu cáo sự đối lập giữa CN M-L, CNXHKH với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh thì đối lập ở đâu? nội dung gì là đối lập? hãy chỉ ra xem có thuyết phục được ai không? phải chăng do quá run sợ trước sức sống, tính chiến đấu của CN M-L và quá mơ hồ về tư tưởng Hồ Chí Minh mà nêu lên luận điểm xằng bậy về đối lập…?
Sự thuyết phục của mỗi luận điểm nào đó, trước hết phải thuyết phục có luận cứ có thực tiễn chứ không thể chỉ là thái độ xáo trá, hằn học "đánh lận con đen" được!
Thực chất của cái luận điểm "CN M-L, trước hết là chủ nghĩa xã hội khoa học là sai lầm và đối lập với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh" là sự xuyên tạc, vu cáo trắng trợn, hồ đồ, bất chấp cả lý luận và thực tiễn nhằm phủ nhận CN M-L, đồng thời tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận gián tiếp cả tư tưởng Hồ Chí Minh.
Quan điểm xuyên tạc đó về thực chất đã được phơi bày! Vấn đề còn phải vạch trần ý đồ xảo trá, đầy tinh vi, đầy "nghệ thuật" của tác giả của nó:
Thứ nhất, nhằm tiếp tục cái luận điểm cũ rích, xuyên tạc, phủ nhận CN M-L, CNXHKH coi đó "là sự sai lầm, lỗi thời, đã kết thúc lịch sử" (!).
Thứ hai, dùng mánh khóe đề cao, tôn sùng sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh để đối lập CN M-L, CNXHKH với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm dễ bề lôi cuốn, thuyết phục những ai ngây thơ về chính trị hoặc cơ hội, bất mãn với chế độ; phủ nhận trực tiếp CN M-L và phủ nhận gián tiếp cả tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua phủ nhận nguồn gốc cơ bản hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ ba, sâu xa và trực tiếp nhất là phủ nhận quan điểm nhất quán của ĐCSVN: "… Đảng lấy CN M-L và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản"1.
Thứ tư, từ việc phủ nhận CN M-L, CNXHKH và gián tiếp phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh với ý đồ xâu xa là gây hoang mang, nghi ngờ, dao động đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân về định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay, làm lu mờ vai trò uy tín của ĐCSVN, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Thứ năm, gián tiếp tuyên truyền cho tư tưởng phi mác xít, phản mác xít, kích động, chia rẽ đoàn kết nội bộ, trước hết là tuyên truyền các tư tưởng sai trái thù địch đối với CNXH, làm băng hoại tư tưởng, niềm tin của nhân dân vào tương lai, tiền đồ của CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng, bảo vệ, trên cơ sở kiên định với CN M-L, tư tưởng Hồ Chí Minh, thường xuyên vận dụng, phát triển sáng tạo CN M-L, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH trong điều kiện mới ở Việt Nam./.









1 C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, T4, tr 628.
1 Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng? Nxb Chính trị Hành chính, H.2014, tr 5.
1 Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng? Nxb Chính trị Hành chính, H.2014, tr 5.
2 Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng? Sđd , tr  6.
3 Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng? Sđd , tr 36 - 37
4 Xem Thông tin những vấn đề lý luận (phục vụ lãnh đạo), số 12/2014, tr 21.
1 Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội, Nxb CTQG. H.2013, tr 109.
1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2001, tập 12, tr 92.
1 ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb CTQG, H. 2005, tr 633.
1 ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Sđd, tr 329.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét