Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Tai họa của Hillary Clinton sẽ bắt đầu nếu bà đắc cử



 Nguồn: Edward Luce, “Hillary Clinton’s woes really begin if she wins, Financial Times, 01/11/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Không, FBI không phải tay sai của Donald Trump – mặc dù Hillary Clinton có lý do chính đáng để nghi ngờ điều đó. Nhưng thực tế còn đáng lo ngại hơn nhiều.
James Comey, Giám đốc FBI, đã hoảng sợ mà phải đưa ra tuyên bố sẽ mở lại cuộc điều tra về việc sử dụng email cá nhân của bà Clinton. Ông buộc phải làm điều này vì lo sợ rằng nếu ông không chịu đưa ra quyết định này, Đảng Cộng hòa sẽ buộc tội ông đang làm việc cho bà Clinton. Comey, người lính gác hoảng loạn, dường như đã đi quá xa.
Các công chức nhà nước không bao giờ nên có những hành động có thể ảnh hưởng đến một cuộc bầu cử tổng thống. Bất cẩn của Comey là do Trump đã nêu tên ông này như là một phần của một “hệ thống gian lận.” Trong một đất nước vốn dĩ đã chia rẽ sâu sắc như vậy, sự trung lập sẽ bị xem là thông đồng.
Vào thứ Sáu vừa qua, Comey đã bị đẩy vào một sai lầm lớn. Các chế độ chuyên quyền hoạt động dựa trên sự sợ hãi, còn các nền dân chủ lại được giữ vững nhờ niềm tin. Thời điểm tuyên bố hết sức thiếu cẩn trọng của Comey, về việc mở rộng điều tra vụ email của bà Clinton, là những gì sẽ xảy ra khi các quan chức dao động.
Nếu Trump trở thành Tổng thống, ông đã tuyên bố sẽ đưa bà Clinton vào tù. Những người ủng hộ ông ta thậm chí đã hô to “nhốt bà ta lại” trong tất cả các cuộc biểu tình. Nhưng nếu Clinton mới là người thắng, Trump hẳn là sẽ tìm thêm nhiều người như Comey để đe dọa.
Trong một nền dân chủ, khi một bên đưa ra các cáo buộc mang tính phủ đầu về tội phản bội – và thật ra chẳng còn cáo buộc nào nghiêm trọng hơn cáo buộc gian lận cả một cuộc bầu cử tổng thống – thì nền tảng nơi pháp luật định hình cũng bị co lại. Thậm chí càng khó khăn hơn khi duy trì một thứ “công lý làm ngơ” hay một tiến trình trung lập, khi xung quanh anh là một cơn bão lớn. Chiến dịch của Trump là một cơn cuồng phong, và Comey vừa bị thổi bay mất chiếc áo của mình.
Liệu bà Clinton có thể sống sót được qua tuyên bố bất ngờ này?
Nếu như câu hỏi là “Liệu bà có giành chiến thắng trong tuần tới hay không?”, thì câu trả lời vẫn có thể sẽ là “có.”
Dù còn còn quá sớm để thăm dò về mức độ tác động từ pha “ném lựu đạn” của Comey, nhưng khoảng cách dẫn điểm của Clinton so với Trump vào hôm thứ 6 vẫn đủ lớn để bà có thể chịu đựng được một số thiệt hại nhất định.
Nhưng nếu câu hỏi là bà có thể cầm quyền hiệu quả sau khi trở thành Tổng thống hay không thì bức tranh lại có vẻ khác. Ngay cả khi chỉ có 1% thay đổi theo hướng chống lại Clinton cũng có thể làm lệch cuộc đua vào Thượng viện Mỹ.
Nếu không có một Thượng viện với đa số thuộc Đảng Dân chủ, Clinton cũng sẽ mất đi cơ hội để thông qua bất cứ điều gì. Bởi thậm chí cả trước khi có “món quà Halloween” từ Comey, thì nhiều khả năng Đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát Hạ viện.
Tổn thất lớn nhất sẽ xuất hiện sau khi bà Clinton giành chiến thắng. Chênh lệch số phiếu với biên độ càng thấp thì Trump lại càng dễ dàng châm ngòi sự bất bình về một cuộc bầu cử ”bị đánh cắp”.
Điều đó cũng sẽ giúp ông ta có nhiều ảnh hưởng hơn đối với Đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Các nhà lập pháp sẽ phải phản hồi lại thông tin từ các đơn vị bầu cử của mình. Theo mô hình tam quyền phân lập của Thomas Jefferson, Hạ viện là nơi mà liên kết giữa các dân biểu và cử tri là mạnh mẽ nhất. Nếu những người ủng hộ Trump giận dữ, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng sẽ phải hành động theo (để chống lại bà Clinton).
Hầu hết các cử tri đã tin rằng bà Clinton không trung thực và tham nhũng. Cũng chẳng ngạc nhiên khi họ ủng hộ tuyên bố của Trump rằng nhà Clinton là một “tập đoàn tội phạm.”
Thật khó có thể xoa dịu tình hình khi thứ ngôn ngữ dễ gây kích động như vậy lại được sử dụng, nhất là khi mục tiêu lại chính là bà Clinton.
Trước khi trở lại Nhà Trắng, bà Clinton sẽ là chính trị gia bị điều tra nhiều nhất trong lịch sử Mỹ. Ngay cả chồng bà cũng không phải là đối tượng của nhiều cuộc điều tra và trát hầu tòa như vậy!
Nếu Clinton thắng vào tuần tới, bà sẽ phải đối mặt với nhiều điều tra hơn nữa. Nhờ có WikiLeaks, Đảng Cộng hòa tin rằng họ có đủ đạn dược để mở thêm nhiều cuộc điều tra mới. Đối với các nhà lập pháp đầy tham vọng, chứng minh được tội lỗi của bà Tổng thống sẽ là con đường chắc chắn để giúp họ trở thành “anh hùng dân gian.”
Đồng minh bất đắc dĩ của họ lại chính là bà Clinton. Điều đáng nói là bà chưa từng hứa sẽ cắt đứt liên hệ với Quỹ Clinton Foundation của gia đình bà nếu như bà được bầu làm Tổng thống. Tại thời điểm này, kế hoạch vẫn là để cho cô con gái Chelsea Clinton điều hành công việc hàng ngày của Quỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét