Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

VIỆC DỠ BỎ CẤM VÂN VŨ KHÍ ĐỂ CHỐNG AI ?


Duy Văn
chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barak Obama từ 23 đến 25/5 đã để lại nhiều ấn tượng. Những bình luận sau chuyến đi trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều nội dung và nhiều chiều. Một trong những bình luận này là vấn đề Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Riêng trên các trang mạng xã hội thì những bình luận về chủ đề này thật muôn hình muôn vẻ. Chỉ có điều những bình luận nào nói được đúng sự thật khách quan, không suy diễn, không gây ra những bức xúc trong xã hội cũng như gây ra những sự ngộ nhận về các quan hệ của Việt Nam với các nước.
Một số bình luận cho rằng, việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam (sau đây trong bài gọi tắt là dỡ bỏ cấm vận) là "món quà" đối với Việt Nam. Thực ra, việc dỡ bỏ cấm vận là nhu cầu cả hai bên. Kể từ khi Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ hai nước có những bước phát triển mới. Hai bên đều mong muốn quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả, trong đó có lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Vì vậy việc dỡ bỏ cấm vận là bước đi tiếp tục của quan hệ hai nước. Dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương chính là dỡ bỏ hàng rào cuối cùng giữa hai nước để quan hệ đối tác toàn diện được thực hiện đầy đủ, hoàn toàn bình thường. Ai đó muốn hình tượng hóa sự kiện đó như là món quà thì cũng có thể nói đó là món quà mà hai bên đều nhận được. Dỡ bỏ cấm vận còn đáp ứng với chính sách "xoay trục" của Hoa Kỳ sang châu Á - Thái Bình Dương, trong đó ASEAN là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược đối với chính sách xoay trục của Hoa Kỳ. Có thể nói, dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là bước đi có tính đột phá trong việc thực hiện chính sách "xoay trục" của Hoa Kỳ sang châu Á - Thái Bình Dương. Như vậy việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam không phải là con đường một chiều.
Một số bình luận "phê phán" Hoa Kỳ về điều mà họ gọi là "không ép Việt Nam thực thi nhân quyền trước khi dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Nói cách khác là họ đòi hỏi phải gắn việc dỡ bỏ cấm vận với cái mà họ gọi là "vấn đề nhân quyền ở Việt Nam". Thậm chí họ còn cho là Hoa Kỳ sai lầm khi dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Vậy sự thực việc này là thế nào? Bản thân việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là câu trả lời cho những bình luận nói trên. Không ai có thể phủ nhận nhân quyền đã ngày càng được Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh. Việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là một minh chứng. Với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong việc thực thi nhân quyền ở các quốc gia trên thế giới cũng như thực thi nhân quyền ở Việt Nam. Hiến pháp mới năm 2013 của Việt Nam đã dành một phần tương xứng về quyền con người. Mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn về thiên tai, về biến đổi khí hậu, song những vấn đề về đời sống nhân dân, an sinh xã hội, các quyền lợi về việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc người tàn tật, các chương trình xóa đói giảm nghèo… đều được thể hiện trong những chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hoạt động của các cơ quan dân cử đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ hóa như bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn ...đã có tác dụng tích cực trong sinh hoạt chính trị của người dân. Những vấn đề được nêu trên chính là thể hiện quyền con người trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội v.v… Đương nhiên không thể không thừa nhận rằng việc thực thi nhân quyền của các quốc gia trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng chưa phải đã được giải quyết đầy đủ. Ngoài tính phổ quát, nhân quyền còn có tính đặc thù ở mỗi quốc gia vì các quốc gia có những hoàn cảnh lịch sử, trình độ phát triển kinh tế, ý thức xã hội... khác nhau. Ở Việt Nam, vấn đề nhân quyền trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề, thậm chí không ít vấn đề bức xúc mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận và đang từng bước giải quyết thể hiện trong các chủ trương, chính sách, pháp luật, trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, trong việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân v.v… Việc gắn vấn đề dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với cái gọi là vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì quả là khập khiễng, tựa như câu tục ngữ Việt Nam "Râu ông nọ cắm cằm bà kia".
Cũng có bình luận cho rằng việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam nhằm liên kết với Việt Nam chống Trung Quốc đang gây sức ép về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Về phía Hoa Kỳ, trong dịp đi thăm Việt Nam, Tổng thống Barak Obama cho biết, việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam không liên quan đến Trung Quốc. Về phía Việt Nam, chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là giữ vững độc lập tự chủ đồng thời đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước, là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Hiện đại hóa lực lượng quốc phòng là nhu cầu của mọi quốc gia. Việc Việt Nam tăng cường sức mạnh của mình không ngoài mục đích tự vệ, tự bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Do khả năng chế tạo vũ khí có hạn nên Việt Nam đã phải mua trang thiết bị quân sự của nhiều quốc gia để trang bị cho lực lượng quốc phòng của mình với mục đích phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc, chưa bao giờ sử dụng vũ khí để gây hấn với các nước khác. Vì vậy việc mua trang thiết bị quân sự sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam cũng không ngoài mục đích như nói trên, hoàn toàn không có cái gọi là nhằm chống lại Trung Quốc. Những bình luận theo hướng này không chỉ trái với sự thật mà còn gây chia rẽ giữa các quốc gia, trái với bản chất chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam.
Đối với Trung Quốc ,đó là một nước lớn ,là 1 trong 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Trung Quốc lại là nước láng giềng của Việt Nam,có mối quan hệ truyền thống về lịch sử,văn hoá với Việt Nam. Ngày nay Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực thương mại, Trung Quốc chiếm tỉ trọng hàng đầu về nhập khẩu của Việt Nam. Với vị thế của Trung Quốc cũng như quan hệ Việt. Nam-Trung Quốc như nói trên thì làm sao có thể nói Việt Nam phải "thoát Trung", càng không thể nói Việt Nam khi cần tăng cường trang thiết bị hiện đại sau thời điểm Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là để chống Trung Quốc .
Nếu muốn nói Việt Nam chống gì thì có thể nói trước hết Việt Nam chống lại những gì đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới ,chống lại những gì làm tổn hại đến tình hữu nghị giữa các dân tộc,chống lại những gì xâm phạm đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chắc rằng những điều Việt Nam chống như nói trên không phải chỉ riêng của Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét