Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Dũng cảm, gương mẫu tự phê bình và phê bình, xử lý nghiêm sai phạm

QĐND - Nghị quyết Trung ương 4  (khóa XI) về xây dựng Đảng xác định vấn đề cấp bách đầu tiên là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”.
Biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị là phai nhạt lý tưởng, dao động, mất niềm tin vào đường lối của Đảng; không ý thức được trách nhiệm chính trị của người đảng viên. Sự suy thoái đạo đức, lối sống, biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, cơ hội, vụ lợi, thực dụng, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: Phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng”.
Nghiêm túc nhìn nhận có thể thấy rất rõ nguyên nhân. Về khách quan, do sự chuyển đổi phương thức quản lý kinh tế, xã hội phải vừa học, vừa làm và chịu tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, không lường hết những khó khăn, thách thức. So với các thời kỳ trước đây, chưa bao giờ đất nước lại triển khai xây dựng, phát triển với quy mô như ngày nay. Chưa bao giờ cán bộ lãnh đạo, quản lý tiếp xúc, nắm giữ khối lượng tài sản vật chất to lớn; chưa bao giờ những điều kiện vật chất, tiện nghi hưởng thụ cho con người phong phú như ngày nay. Mặt khác, các thế lực thù địch có nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá, nhằm chia rẽ nội bộ Đảng; phá hoại mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Về chủ quan, nguyên nhân chính, nguyên nhân sâu xa là do chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cực đoan, quên hết trách nhiệm, bổn phận, ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, chỉ lo thu vén cá nhân bằng mọi cách, mọi giá, bất chấp đạo lý, dư luận của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Do đó, trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng không đến nơi đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói nhưng không làm, làm chiếu lệ; nói nhiều, làm ít;  nói một đường, làm một nẻo; không rõ trách nhiệm, buông trôi từ cấp trên; cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu không gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình. Trong sinh hoạt Đảng thủ tiêu tự phê bình và phê bình (TPB&PB); nương nhẹ, bỏ qua những khuyết điểm, vi phạm.
Các nguyên tắc cơ bản như tập trung dân chủ, TPB&PB chưa được cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể để phát huy dân chủ thực sự; để có cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Biểu hiện dân chủ hình thức, thủ tiêu đấu tranh phê bình làm cho tổ chức đảng không còn tính tiên phong, tính chiến đấu, tính giáo dục. Nhiều cơ chế, chính sách quản lý lạc hậu, cản trở nhưng chậm được thay đổi; nhiều văn bản quy định nhưng thiếu chế tài để duy trì kỷ cương, kỷ luật; thiếu nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thích ứng với vận hành của nền kinh tế thị trường. Tổ chức, bộ máy chưa hợp lý, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, gây cản trở, vô hiệu hóa, triệt tiêu nhau. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn có tình trạng xuôi chiều, nể nang; không phát hiện và trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, năng lực yếu kém. Công tác kiểm tra, giám sát, duy trì kỷ cương, kỷ luật; đấu tranh với những vi phạm có nơi không chặt chẽ, thiếu thường xuyên, nghiêm túc. Công tác tuyên truyền giáo dục ít tác dụng, không thức tỉnh được lương tâm, đạo lý, đức hy sinh và động viên ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; những việc làm đúng, gương tốt không được bảo vệ, đề cao; những sai sót, những vi phạm không được phê phán kịp thời, xử lý nghiêm túc.
Từ thực trạng nêu trên, vấn đề cơ bản và cốt lõi là nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, xây dựng tư tưởng, ý thức chính trị của mỗi đảng viên. Trong đó, cần tập trung vào việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng hiện nay.
Trước hết, từng cán bộ, đảng viên phải nhận rõ trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Uy tín chính trị của Đảng như tiền gửi vào ngân hàng, đó là "ngân hàng niềm tin" của nhân dân Việt Nam. Các thế hệ cách mạng gần thế kỷ qua đã phấn đấu hy sinh, đã gửi vào "ngân hàng niềm tin" một tài khoản rất lớn, cực lớn! Các thế hệ của Đảng ngày nay phải tiếp tục gửi, phải luôn bồi đắp “nguồn vốn” thiêng liêng này. Ba vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 nêu lên thực sự rất hệ trọng, nó liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Rõ ràng khi mất niềm tin thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn sau ngày hòa bình: “…việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”.
Thực hiện TPB&PB là bước đột phá để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi rọi vào bản thân về ba vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra theo cương vị, chức trách; phát hiện, góp ý, phê bình với đồng chí nhằm nhận rõ sai sót, khuyết điểm để kiên quyết sửa chữa, khắc phục. Đây chính là công việc chỉnh đốn Đảng theo lời căn dặn của Bác Hồ. Toàn Đảng, từ đảng viên thường đến cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng phải thấy rõ trách nhiệm thiêng liêng đối với truyền thống vẻ vang của Đảng, trách nhiệm trước nhân dân và tương lai của đất nước. Kinh nghiệm lịch sử khi Đảng phát hiện ra khuyết điểm, sai lầm nhìn thẳng vào sự thật, kiên quyết sửa chữa, sẽ khôi phục niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhân dân lại tin theo Đảng trên bước đường cách mạng mới.
Hai là, nêu cao lòng dũng cảm. Trong một thời gian dài vừa qua, trong chỉnh đốn Đảng còn thiếu tinh thần đấu tranh, thiếu dũng khí, thiếu lòng dũng cảm. Quả thật đó là việc khó, rất khó, nếu thiếu lòng dũng cảm, dũng khí đấu tranh với bản thân thì không thể có chuyển biến được. Những hạn chế, khuyết điểm đó là của bản thân mỗi cá nhân, tổ chức, của nội bộ Đảng, là sự buông thả, vi phạm nguyên tắc, tư túi, cánh hữu, phe nhóm, đi liền với lợi ích là bất chính, phi pháp; nó làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, bị xã hội lên án...
Lòng dũng cảm của người tự phê bình là dám nói lên, nhận ra sai sót, khuyết điểm của bản thân để tập thể, nhân dân biết và tin tưởng vào những biện pháp sửa chữa, khắc phục. Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp…thực tế ở cơ quan, tổ chức, đồng chí, nhân dân đều biết ở mức độ khác nhau. Mỗi người phải nghiêm túc, chân thành, thẳng thắn tự soi mình theo cương vị, chức trách mới tìm được sự thanh thản của lương tâm, mới đúng bổn phận và trách nhiệm của người đảng viên, giữ đúng và thực hiện lời hứa của mình từ khi vào Đảng. Có người đặt câu hỏi: Nếu không thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 thì sao? Đó là câu hỏi đầy trách nhiệm. Bởi vì, chính nghị quyết đã chỉ ra tình trạng: “Hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm”. Nghiêm túc nhìn nhận chúng ta đều thấy, quá trình thực hiện các chủ trương, nghị quyết về xây dựng Đảng chưa đến nơi, đến chốn; nhiều nơi, nhiều người còn nói nhiều, làm ít; chỉ nói không làm; thiếu dũng khí trong đấu tranh TPB&PB. Nhiều người tự phê bình chỉ mang tính hình thức, tránh tội, tranh công, đổ lỗi cho người khác. Có nơi sinh hoạt TPB&PB biến thành nơi tâng bốc, xu nịnh, đánh bóng “lăng xê” nhau … Vì vậy, thực hiện TPB&PB hơn bao giờ hết đòi hỏi lòng dũng cảm của người TPB&PB, trước tiên là cấp trên gương mẫu. Khi cấp trên, người đứng đầu gương mẫu, dũng cảm tự phê bình chắc chắn sẽ phát động, lôi cuốn mọi người làm theo. Đây thực sự là điểm mấu chốt của vấn đề để đem lại kết quả trong thực hiện TPB&PB.
Ba là, sự chân thành. Theo lời dạy của Bác Hồ, mục đích của phê bình là dùng thuốc trị bệnh, cứu người. Phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa sai sót, để làm việc tốt hơn, để đoàn kết nội bộ. Thực hành TPB&PB phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, chống biểu hiện lợi dụng phê bình để công kích người mình không ưa, thái độ đối với người mắc sai lầm, khuyết điểm như “đối với hổ mang, thuồng luồng”. Người cũng cho rằng: Phải xem xét kỹ sai lầm, khuyết điểm, có hình thức kỷ luật một cách xác đáng, không nương nhẹ. Hoàn toàn không phải như cách làm ở đâu đó theo cách “xử lý nội bộ” thực chất là bao che, lo lót cho nhau theo lợi ích nhóm.
Bốn là, kiên quyết xử lý sai phạm, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn và kỳ vọng việc thực hiện TPB&PB theo Nghị quyết Trung ương 4 phải làm nghiêm túc và thực chất hơn, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, sai phạm. Dư luận xã hội đồng tình với quan điểm cho rằng, không nhất thiết “cứ xử lý kỷ luật thật nhiều mới thể hiện kết quả kiểm điểm, chỉnh đốn Đảng”. Song, cần làm rõ những hạn chế, thiếu sót; có khuyết điểm phải xem xét kỷ luật nghiêm túc để nêu gương, bảo đảm thực hiện "nói đi đôi với làm". Không thực hiện xử lý kỷ luật nghiêm dẫn đến coi thường kỷ luật, lẫn lộn trắng đen, tốt, xấu, dung dưỡng cho cái ác hoành hành. Không xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm sẽ còn tiếp tục gây mất niềm tin của đảng viên và nhân dân với Đảng. Trong tình hình hiện nay, rất cần nêu cao tính chiến đấu, kiên quyết xem xét, xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức sai phạm. Đây cũng là một giải pháp cấp bách để thực hiện phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng hiện nay.

PGS, TS PHAN HỮU TÍCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét