Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Bảo vệ và phát huy giá trị thực sự của dân chủ, độc lập, tự do

QĐND - Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức làm chủ, tự mình tổ chức Nhà nước để quản lý, điều hành, xây dựng xã hội mới và không ngừng củng cố quyền làm chủ của người dân. Và cũng kể từ đó, lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” mới trở thành thực tế và được hiện thực hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Người dân Việt Nam ngày càng cảm nhận sâu sắc và thấm thía giá trị thực sự của độc lập, tự do và hạnh phúc lớn lao khi được làm chủ, được thụ hưởng những thành quả của chế độ dân chủ mà chính nhân dân ta đã giành được, đã bảo vệ, giữ gìn và không ngừng củng cố, tăng cường... bằng bao công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam suốt gần 7 thập kỷ qua.
Chế độ dân chủ ở nước ta là chế độ mà trong đó “nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; là chế độ bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế của nhân dân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tinh thần... trong một đất nước độc lập, tự do. Mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn. Những điều kiện để người dân thực hiện quyền làm chủ, thực thi kiểm tra, giám sát, đề đạt nguyện vọng, ý kiến của mình đối với cơ quan công quyền ngày càng được bảo đảm tốt hơn.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nền giáo dục nước ta phát triển nhanh, quyền học hành của người dân được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Đến nay, 100% các xã có trường tiểu học, có xã có 2 đến 3 trường; các xã và liên xã có trường trung học cơ sở, các huyện đều có trường trung học phổ thông; 63/63 tỉnh, thành phố có trường cao đẳng, hơn 40 tỉnh, thành phố có trường đại học...
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam được bảo đảm bằng pháp luật. Đến năm 2012, cả nước có 786 cơ quan báo in, với 1.016 ấn phẩm; 67 đài phát thanh-truyền hình Trung ương và cấp tỉnh, 47 đơn vị hoạt động truyền hình cáp, 9 đơn vị truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp, sản xuất 62 kênh truyền hình trả tiền... Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được quy định rõ trong Hiến pháp, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đến năm 2012, ở Việt Nam có khoảng 70.000 chức sắc trong các tổ chức tôn giáo đang hoạt động tại hơn 24.000 cơ sở thờ tự trên cả nước. Các chức sắc và tín đồ tôn giáo đều là công dân của đất nước, hòa trong cuộc sống chung của dân tộc, được tự do hành đạo, thực hiện sống "tốt đời, đẹp đạo"; đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo đoàn kết gắn bó cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phân biệt đối xử và không có chuyện “tôn giáo bị sách nhiễu”, “bị chén ép”.
Thực tế khẳng định, để nhân dân thực sự làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong một đất nước độc lập, tự do như hôm nay, chúng ta luôn phải nỗ lực phấn đấu cao độ, phải trải qua biết bao gian khổ, hy sinh xương máu. Những kết quả và tiến bộ về dân chủ mà chúng ta đạt được là động lực to lớn của công cuộc đổi mới đất nước. Không ai có thể phủ nhận những thành tựu, những nỗ lực của chúng ta trong thực hành dân chủ và dân chủ hóa, trong hoàn thiện các điều kiện để bảo đảm dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Những năm qua, ai cũng dễ dàng thấy rõ những hậu quả nhãn tiền của việc cổ xúy cho đa nguyên, đa đảng, “xuất khẩu” và áp đặt “thứ dân chủ tự do” xa lạ với không ít quốc gia... Đất nước I-rắc hơn 10 năm sau khi bị Mỹ và đồng minh tiến công, hậu quả của chiến tranh vẫn hết sức nặng nề, với 2 triệu phụ nữ góa bụa, 5 triệu trẻ em mồ côi, hơn 4 triệu người phải phiêu bạt khỏi đất nước để lánh nạn, 15% trẻ em đến tuổi không được đến trường; hệ thống y tế rối loạn; xung đột sắc tộc, phe phái chính trị... hết sức quyết liệt, với những vụ đánh bom liều chết gây thương vong lớn, nhằm thanh toán lẫn nhau, gây mâu thuẫn, thù hằn... diễn ra như cơm bữa; gần 700 tổ chức chính trị và các nhóm phe phái bị chia rẽ sâu sắc về tư tưởng và tôn giáo; nền độc lập của đất nước này chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Thứ dân chủ mà một số người “khuyên" chúng ta đi theo không phải là dân chủ của nhân dân lao động. Chúng ta không phủ nhận nhiều giá trị của dân chủ tư sản, nhưng nền dân chủ ấy vẫn là nền dân chủ nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và lao động, nó sinh ra “mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học…”, như chính Giáo sư Paul Mishler, thuộc Trường Đại học bang In-di-a-na (Hoa Kỳ) từng nhận xét.
Cần tiếp tục khẳng định rằng, không thể tồn tại dân chủ vô hạn độ. Phát huy dân chủ nhất thiết phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội, đồng thời phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực hiện quyền làm chủ là để xây dựng đất nước phồn thịnh, chứ không phải là nhằm chống lại Tổ quốc, chống Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Dù còn có những hạn chế nhất định trên con đường phát triển, nhưng những thành tựu về dân chủ, nhất là việc chăm lo nâng cao mức sống của người dân; thành tựu về xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội... mà Việt Nam đạt được là rất đáng tự hào, được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đó là giá trị thực sự của độc lập, tự do ở nước ta mà chúng ta phải kiên quyết bảo vệ, giữ gìn, nâng cao và phát huy trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét