Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Dư luận về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Liên hợp quốc

LTS: Dư luận trong nước và quốc tế, đặc biệt là giới học giả quốc tế, tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đối với bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 68 ngày 28-9. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp bà H.Clác (Helen Clark), Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Trụ sở UNDP ở Niu Y-oóc, Mỹ. Ảnh: TTXVN

Lời kêu gọi mang tính thời sự
Nói về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông R. G. Pin-tô (Ricardo de Guimaraes Pinto), Đại diện Văn phòng Liên lạc của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Niu Y-oóc, cho biết: “Đó là bài phát biểu rất ấn tượng và thực sự gây xúc động. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng thế giới đã đạt được nhiều thành tựu về khoa học và kinh tế trong thế kỷ qua nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ đói nghèo, chiến tranh và xung đột. Ông đã khắc họa một đất nước Việt Nam từng bị chiến tranh tàn phá đang trong giai đoạn xây dựng hòa bình và phát triển kinh tế. Người dân Việt Nam đã trực tiếp nếm trải sự tàn khốc của chiến tranh và do vậy, lời kêu gọi hòa bình trên thế giới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mang ý nghĩa rất quan trọng, có sức thuyết phục và tính thời sự”.
Là một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, PGS, TS V.Ma-gi-rin (Vladimir Mazyrin) thuộc Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm khoa học Nga, bày tỏ sự quan tâm đối với một số đánh giá cũng như sáng kiến, thông điệp của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu thông qua bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông V.Ma-gi-rin cho biết, một trong những nội dung trong bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam mà giới chuyên gia rất quan tâm đó là tình hình căng thẳng vì những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Chuyên gia này cho rằng, lời cảnh báo "chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có thể dẫn tới xung đột, thậm chí dẫn tới chiến tranh" trong bài phát biểu của Thủ tướng là một tuyên bố quan trọng. Theo ông V.Ma-gi-rin, việc Việt Nam phản đối các hành động mang tính áp đặt, chính trị cường quyền, trái với luật pháp quốc tế và kêu gọi cộng đồng quốc tế không ngừng vun đắp lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, kêu gọi các nước lớn hãy là những tấm gương kiến tạo hòa bình... là những nội dung và thông điệp rất quan trọng đã được Thủ tướng Việt Nam đề cập trong phát biểu của mình.
Ông Ma-gi-rin cũng cho rằng, việc Việt Nam chính thức tuyên bố sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ đã "chứng tỏ vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ. Nếu so sánh với Việt Nam trong những năm chiến tranh, thì đến nay Việt Nam đã tiến rất xa trên con đường phát triển, và uy tín của Việt Nam ở khu vực cũng như trên trường quốc tế là điều không phải bàn cãi. Việt Nam đã tham gia hầu hết các diễn đàn quan trọng của quốc tế và đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ... điều đó cho thấy Việt Nam đủ năng lực cũng như tích cực, có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu”. Cùng chung quan điểm với chuyên gia Nga, bà G.Sia-ran (Josette Sheeran), Chủ tịch Hội châu Á, cho biết: “Cam kết của Thủ tướng Việt Nam rất ấn tượng, khi khẳng định rằng Việt Nam đã có chương trình hành động muốn tham gia vào mọi hoạt động của cộng đồng quốc tế”.
XUÂN TRƯỜNG (tổng hợp)

Thể hiện quan điểm nhất quán, lâu dài của dân tộc Việt Nam
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X
Không chỉ riêng tôi mà gần 90 triệu nhân dân Việt Nam đều rất hoan nghênh bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đồng LHQ. Bài phát biểu không chỉ dành riêng cho một kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc mà nó còn có tính chất như một tuyên ngôn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, thái độ của Việt Nam đối với thế giới trong tình hình thế giới rất nhiều biến động và phức tạp như hiện nay.
Tôi hoan nghênh quan điểm khẳng định, một đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc sau hơn 30 năm, có lẽ không ai hơn Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam lại yêu chuộng hòa bình đến vậy. Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng luôn quan tâm đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là đối tượng dân nghèo cần được tập trung quan tâm nhất. Mặc dù Việt Nam được hoan nghênh trong việc thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, thế nhưng cần thấy rằng như thế chưa đủ mà phải làm mạnh hơn nữa, làm sao không còn nghèo nàn đối với Việt Nam cũng như các dân tộc trên thế giới.
Vấn đề môi trường nước nào bây giờ cũng quan tâm, đặc biệt là các nước giàu, nhưng một nước đang phát triển như Việt Nam cũng rất quan tâm đặt vấn đề như vậy, là một sự tiến bộ.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong bài phát biểu của Thủ tướng nhấn mạnh rằng có thể có những vấn đề cần phải trao đổi nhưng vấn đề chủ quyền đất nước không có gì thay đổi, không bao giờ được đánh đổi, bàn bạc gì cả. Thái độ là hòa bình nhưng cương quyết bảo vệ chủ quyền. Tôi cho rằng, thông điệp này không phải để gửi tới một quốc gia cụ thể nào mà là một thông điệp chung, là quan điểm xuyên suốt, lâu dài, nhất quán và được nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm không chỉ là ngọn cờ đấu tranh bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc mà còn tích cực cùng với cộng đồng quốc tế trong một nỗ lực để xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển, công bằng, chứ thế giới này không còn và không thể là thế giới của sự cường quyền áp đặt nữa.
Theo dõi nhiều bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gần đây, tôi thấy bài phát biểu của Thủ tướng tiếp tục thể hiện tinh thần đối ngoại nhất quán. Song lần này, bài phát biểu như một sự tích tụ quan điểm, chủ trương và tinh thần ấy được làm nổi bật hơn, sâu sắc hơn, có sức thuyết phục hơn đối với bạn bè quốc tế.
NGUYỄN VĂN MINH (ghi)

Thông điệp hòa bình có sức lay động, thuyết phục
Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong Phiên thảo luận Cấp cao của Đại hội đồng LHQ khóa 68 đã gây một tiếng vang mạnh mẽ trong dư luận quốc tế. Bài phát biểu đã thể hiện sinh động đường lối đối ngoại nhất quán, phương châm ứng xử đầy nhân văn, đầy trách nhiệm, đầy tính xây dựng của Đảng, Nhà nước Việt Nam trước các vấn đề quốc tế. Đây là một thông điệp hòa bình có sức lay động và đầy sức thuyết phục.
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng đã đặt ba câu hỏi vào những vấn đề nhức nhối nhất của thế giới hiện nay là: “Nhân loại khát khao hòa bình, nhưng vì sao vẫn còn xung đột, chiến tranh? Kinh tế phát triển, nhưng vì sao hàng tỷ người vẫn còn nghèo khổ? Khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, nhưng vì sao vẫn chưa có phương cách ứng phó thật hữu hiệu với thiên tai, dịch bệnh?”. Đó đều là những thách thức nghiêm trọng, liên quan đến sự tồn vong của nhân loại. Và xuyên suốt cả bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã chỉ ra những nguyên nhân gây ra những thách thức nói trên, cũng như phương sách để giải quyết. Có thể hiểu rằng, tất cả những vấn đề nhức nhối của thế giới đều có căn nguyên từ sự vị kỷ, hẹp hòi, những dã tâm, những bất công vẫn còn ngự trị trong đời sống của nhân loại. Một số cường quốc vẫn giữ thói kẻ cả, luôn muốn trấn áp, ức hiếp các nước khác, nhất là những nước nhỏ nhằm đạt được tham vọng cường quyền. Của cải, vật chất trong xã hội không được phân chia công bằng mà chỉ tập trung vào một số ít người giàu có, dẫn tới hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn. Con người ứng xử một cách thiếu trách nhiệm với thiên nhiên mà thực chất là với chính sự sống của bản thân mình. Những vấn đề cốt tử ấy chỉ có thể được giải quyết thông qua sự đoàn kết, những hành động chung của nhân loại. Ai cũng “ước mơ về một cuộc sống an toàn, hòa bình và phồn vinh”. Để hiện thực hóa ước mơ ấy thì cần nỗ lực của tất cả các quốc gia, thu hẹp những bất đồng, hành động có trách nhiệm để tạo ra “lòng tin chiến lược” hay có thể nói là lòng tin vào sự chân thành.
Tôi đặc biệt ấn tượng với câu phát biểu của Thủ tướng rằng: “Bất kỳ hành động hiếu chiến nào đều phải bị lên án, ngăn chặn. Bất cứ nỗ lực ngăn ngừa xung đột nào đều phải được trân trọng, ủng hộ. Còn một biểu hiện dù mong manh của sự sống, người thầy thuốc cũng phải tận tâm cứu người. Còn một tín hiệu dù nhỏ nhoi của hòa bình chúng ta cũng phải tận sức để tránh chiến tranh”. Đây là nhận thức sâu sắc và quan điểm đúng đắn của Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay. Bên cạnh những nỗ lực bền bỉ của quốc tế để ngăn chặn lò lửa chiến tranh thì vẫn có những thế lực tìm mọi cách “đổ thêm dầu vào lửa”, bất chấp luật pháp quốc tế, phớt lờ vai trò của LHQ, hòng mưu toan lợi ích riêng. Thế giới không thể chấp nhận việc nhân danh nhân quyền, công lý, nhân danh hòa bình để mang bom đạn, tên lửa đến trút vào các quốc gia độc lập, có chủ quyền, cướp đi mạng sống của dân thường vô tội.
Nạn nhân đáng thương nhất của chiến tranh luôn là phụ nữ và trẻ em. “Sinh mạng con người dù màu da nào cũng quý như nhau. Mạng sống của một người bị cướp đi thì đối với một gia đình dù ở ngay khu Ma-hát-tan này hay ở nơi hẻo lánh nào đó trên Trái Đất cũng đều là mất mát thương đau”-Lời nhắc nhở, những so sánh đầy hình ảnh ấy của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như một tiếng chuông đánh thức những giá trị nhân bản, đánh thức khát vọng hòa bình để ngăn chặn những thế lực vẫn còn lăm le sử dụng bom đạn, chiến tranh phục vụ cho những dã tâm của mình.
Dân tộc Việt Nam đã phải chịu những đau thương không kể xiết và hậu quả nặng nề của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược. Việt Nam cũng đang nằm trong một khu vực địa chính trị nhiều bất ổn về an ninh, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ xung đột có thể dẫn tới chiến tranh, đặc biệt là liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Chính vì thế, tiếng nói hòa bình từ Việt Nam rất được quan tâm. Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên thảo luận Cấp cao của Đại hội đồng LHQ lần này đã một lần nữa thể hiện khát vọng hòa bình của Việt Nam, chủ trương đối thoại hòa bình của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược đã từng được Thủ tướng nêu lên tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 hồi đầu tháng 6-2013.
Nhà báo HỒ QUANG LỢI, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Quyết định mang tính nhân văn và trách nhiệm với cộng đồng thế giới
Trong Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng LHQ ngày 28-9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng. Thay mặt Đảng và Nhà nước ta, Thủ tướng đã trịnh trọng tuyên bố trước cộng đồng thế giới: “Việt Nam sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ”. Đó là quyết định vừa đậm tính nhân văn, vừa sáng ngời lòng nhân ái, với tinh thần yêu chuộng hòa bình, nguyện vọng và lòng mong muốn một thế giới hòa bình, phát triển, không còn chiến tranh, bất bình đẳng và đói nghèo. Đây còn là sự cảm thông và chia sẻ, lòng tri ân của nhân dân Việt Nam đối với bạn bè thế giới. Những quốc gia và dân tộc đã giúp đỡ nhân dân ta trong đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước trước đây, trong xây dựng đất nước giàu mạnh, công cuộc chống đói nghèo và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những năm dài chiến tranh, đất nước bị tàn phá rất nặng nề, lại liên tục bị thiên tai đe dọa, người dân phải gánh chịu nhiều tổn thất, mất mát và đói ngèo. Nỗi đau thương, sự tổn thất và mất mát đó vẫn còn hiện hữu và in đậm trong tâm trí từng người. Vì vậy, người dân Việt Nam rất cảm thông, muốn chia sẻ với các quốc gia và dân tộc đang phải gánh chịu nỗi đau thương do chiến tranh gây nên, sự đói nghèo do thiên tai và dịch bệnh đẩy tới. Lực lượng vũ trang Việt Nam là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân tiến hành thắng lợi nhiều cuộc chiến tranh, bảo vệ vững chắc thành quả hòa bình; tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội; chủ động và tích cực phòng, chống các thảm họa do thiên nhiên, môi trường và dịch bệnh gây ra. Trải qua xây dựng và huấn luyện, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn, quân đội ta có đủ năng lực và sức mạnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, nhất là trên lĩnh vực đối phó với những vấn đề an ninh phi truyền thống, phi vũ trang như: Khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh; phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; phòng chống khủng bố và cướp biển... theo đúng Hiến chương của LHQ. Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ không tham gia vào các hoạt động vũ trang, hoặc sử dụng vũ lực để can thiệp vào công việc nội bộ, xâm hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của các nước. Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, không chỉ làm trọn nhiệm vụ quốc tế của mình; mà còn làm tăng thêm sự hiểu biết, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế phát triển, xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quân đội, quốc gia và dân tộc. Đây là cơ sở quan trọng để giữ vững an ninh, hòa bình và ổn định, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ phát triển, nền tảng để xóa đói giảm nghèo, bất bình đẳng trên phạm vi thế giới.
Tuy đã được chuẩn bị, nhưng khi tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn có những khó khăn, nhất là về trang bị kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, khả năng cơ động, kinh nghiệm tổ chức, chỉ huy và hiệp đồng. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam rất cần sự giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng để lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam nhanh chóng và chủ động hòa nhập; đồng thời còn làm tăng tính kịp thời, sự phối hợp, hành động có hiệu quả trong xử trí các tình huống mà lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đảm nhiệm.

Thiếu tướng, PGS, TS BÙI THANH SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét