Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

@ Ủy ban bảo vệ nhà báo lại đổi trắng thay đen


Mấy ngày qua, một số phương tiện truyền thông của các thế lực thù địch, các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam lại thêm một lần hí hửng vì kiếm được miếng mồi ngon do cái gọi là Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York (Mỹ) quăng ra. Chẳng là mới đây, với sự hợp tác của Phân khoa báo chí Đại học bang Maryland, bắt đầu từ Viện Bảo tàng báo chí ở Washington, CPJ đứng ra phát động cái gọi là chiến dịch “tháo còng báo chí” với mục đích để “lưu ý mọi người về các nhà báo bị tù đày khắp nơi trên thế giới chỉ vì họ thông tin phục vụ lợi ích công cộng”. Kèm theo cái “chiến dịch” này, CPJ công bố danh sách chín người mà CPJ coi là đã “bị bỏ tù chỉ vì nhà cầm quyền sợ tự do thông tin báo chí”! Theo C.Radsch – Giám đốc vận động “chiến dịch” của CPJ, thì những người này “bị tù đày chỉ vì bị quy chụp cho tội chống nhà nước hoặc chỉ là trả thù”, rồi bà ta “hy vọng gia tăng áp lực quần chúng để đòi trả tự do cho họ, lôi cuốn sự quan tâm đến hàng trăm người khác đã bị các nhà cầm quyền của họ bịt miệng”!
Thật ra thì lâu nay các trò diễn của CPJ đã quá nhàm chán, song dẫu thế, mỗi khi CPJ diễn trò thì vẫn phải lên tiếng, nhất là khi tổ chức này nấp dưới danh nghĩa “bảo vệ nhà báo” để xuyên tạc hoạt động báo chí tại Việt Nam. Như trong cái danh sách có chín người kia chẳng hạn, không biết tại sao CPJ lại đưa vào đó Tạ Phong Tần - người đang phải chấp hành án tù vì đã có hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ luật HÌnh sự? Bởi trước hết Tạ Phong Tần không phải là nhà báo, chị này chỉ là một blogger. Báo chí Việt Nam đã vạch rõ blog chị ta lập ra “là nơi chứa đựng những quan điểm sai trái, những luận điệu vu khống xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và hơn hết, là nơi để Tạ Phong Tần kiếm “đô-la” từ những thế lực cực đoan, phản động ở nước ngoài”. Báo chí Việt Nam cũng công bố rất cụ thể điều Tạ Phong Tần đã từng thừa nhận: “Tính đến tháng 5-2009, tôi đã viết 864 bài trên blog Công lý – Sự thật. Viết và trả lời cho các đài phát thanh BBC, RFI, RFA trên 100 bài. Cứ mỗi bài, BBC trả tôi 28 bảng Anh (khoảng 40 USD). Tổng cộng từ năm 2007 đến nay, tôi nhận được gần 15.000 USD từ nhiều báo, đài như vừa kể”. Năm 2012, tại phiên tòa xét xử Tạ Phong Tần, công tố viên khẳng định chị ta cùng đồng bọn đã “bóp méo sự thật về Đảng và Nhà nước, tạo ra sự bất an trong quần chúng nhân dân và tiến hành các âm mưu nhằm lật đổ chính phủ”, tòa án cũng cho rằng chị ta cùng đồng bọn đã “gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế”. Vì thế, bản án 10 năm tù cùng 5 năm quản chế mà tòa tuyên phạt là đúng người, đúng tội.
Xét đến cùng, việc CPJ nhập nhằng giữa nhà báo với người viết blog chính là cố tình đổi trắng thay đen để biện hộ cho người đã có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Bằng vào việc làm của CPJ, có thể nhận ra bản chất xấu xa của quá trình biến một blogger thành “nhà báo”, rồi không phân biệt việc làm của “nhà báo” đó với hành vi vi phạm pháp luật nhằm vu cáo Nhà nước Việt Nam. Cho nên, nếu thật sự có lương tri trong việc “bảo vệ nhà báo” thì CPJ đã không hành xử như vậy!

- Phương Huyền -




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét