Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Gần đây, trên một trang mạng xã hội có đưa một bài viết với tiêu đề bài khá “giật gân”: “Hồ Chí Minh: nếu cần có một chính đảng thì đó là Đảng Dân tộc Việt Nam” của Trọng Nhân. Trong bài viết này có nhiều “luận điểm” rất cần trao đổi, tranh luận, phản bác, nhưng trong khuôn khổ một bài viết, tôi không đi vào từng luận điểm cụ thể, mà chỉ đi vào những khía cạnh chung hơn đã được Trọng Nhân đề cập trong bài viết của mình.
Đọc nội dung bài viết, xem kỹ các “luận điểm” của Trọng Nhân, có thể thấy ngay nội dung xuyên suốt được thể hiện trong bài viết là đòi đổi tên Đảng (mà theo Trọng Nhân thì nên đổi thành Đảng Dân tộc Việt Nam), đòi thay đổi Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ Chủ nghĩa Mác – Lê nin và thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Bài viết của Trọng Nhân được đưa ra vào thời điểm chuẩn bị diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, là một thời điểm khá nhạy cảm, nếu người đọc không tỉnh táo, không đủ bản lĩnh và trí tuệ để phân tích những khía cạnh phi lý trong cách “lập luận” của Trọng Nhân thì sẽ dẫn đến những suy nghĩ không đúng đắn, thậm chí là hoài nghi, dao động, bi quan, giảm sút niềm tin đối với Đảng và chế độ.
Mặc dù nội dung bài viết được Trọng Nhân ngụy tạo bằng những sự kiện lịch sử song người đọc có thể thấy ngay sự phi lý và mưu đồ xấu xa, phản động của Trọng Nhân. Không biết là do Trọng Nhân còn thiếu sự hiểu biết về lý luận và thực tiễn, hay là do Trọng Nhân có ý đồ hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận sự đúng đắn của Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (vừa được bổ sung, phát triển năm 2011) và phủ nhận Chủ nghĩa Mác – Lênin – nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của Cách mạng Việt Nam, mà Trọng Nhân lại đưa ra những cách “lập luận” chủ quan áp đặt, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để làm rõ tính chất phản động, phản khoa học trong các “luận điểm” của Trọng Nhân nêu trong bài viết, cần đi sâu làm rõ những căn cứ lý luận và thực tiễn sau đây:
Một là, trong quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần đổi tên Đảng (Đảng Lao động Việt Nam). Việc đổi tên Đảng hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của một cá nhân nào, mà phải tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, do yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, mục tiêu, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, yêu cầu trong việc tập hợp lực lượng trong nước và quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (xin nói thêm là, trong bài viết của mình, Trọng Nhân đã cố tình “lờ” vấn đề chủ nghĩa xã hội, chỉ đề cập đến vấn đề độc lập dân tộc … đã là không đúng với thực tiễn của cuộc cách mạng ở Việt Nam), thì cái tên Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn phù hợp, hà cớ gì mà Trọng Nhân lại đòi đổi tên Đảng thành “Đảng Dân tộc Việt Nam”. Mặt khác, những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được hơn 85 năm qua, nhất là qua 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam.
Hai là, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991, được bổ sung, phát triển năm 2011 là kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; dựa trên nền tảng lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng ở Việt Nam, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cương lĩnh đó đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức và đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao. Vậy, hà cớ gì mà “Vấn đề cốt lõi là cần thay đổi cương lĩnh của Đảng” như ý kiến của Trọng Nhân trong bài viết!
Ba là, thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân ta đã giành được sau gần 30 năm đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn gắn liền với học thuyết Mác – Lênin. Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác – Lênin và khẳng định chỉ có trên cơ sở trung thành, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với thực tiễn Việt Nam thì Đảng mới có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng và mới tránh được nguy cơ sai lầm về đường lối.
Từ những căn cứ lý luận và thực tiễn trên đây, có thể dễ dàng nhận thấy, Trọng Nhân đã hoàn toàn sai lầm khi đòi đổi tên Đảng, phủ nhận Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và đòi Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin! Các “luận điểm” của Trọng Nhân nêu trong bài viết không chỉ phản khoa học, mà còn phản động, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn đưa đất nước đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

http://nhanvanviet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét