Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Mô hình dân chủ kiểu phương Tây ở Việt Nam?




Trong thời gian qua, liên tiếp có những nhóm đối tượng trong và ngoài nước đấu tranh nhằm thiết lập một nền dân chủ kiểu phương Tây ở Việt Nam, cho rằng đó là mô hình tối ưu cho việc thực hành các quyền cơ bản của người dân. Vậy sự thực có phải như vậy không?
Để tìm câu trả lời, bài viết này xem xét mô hình chính trị ở ba nước là Philippines; Singapore, và Việt Nam; những nước cùng ở khu vực Đông Nam Á và ít nhiều chia sẻ các giá trị văn hóa xã hội chung. Đặc biệt, Việt Nam và Philppines còn có trình độ phát triển kinh tế ở mức tương đồng, cùng là những xã hội mà đa số người dân sống ở khu vực nông thôn.
Trong bài viết “Political Expectations and Democracy in the Philippines and Vietnam” (Kỳ vọng chính trị và dân chủ ở Philippines và Việt Nam) đăng trên tạp chí Nghiên cứu Khoa học Chính trị Philippines, số 26 (49) năm 2005, Giáo sư Benedict J. Kerkvliet, một trong những chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu về các vấn đề chính trị xã hội ở Philippines và Việt Nam, cho rằng, Chính phủ Việt Nam “có trách nhiệm” với người dân hơn so với các chính quyền của Philippines. Cụ thể, tỉ lệ giảm đói nghèo và tăng chỉ số phát triển con người ở Việt Nam đều ấn tượng hơn ở Philippines.
Năm
Philippines
Việt Nam
Chỉ số phát triển con người


1990
0.719
0.610
2002
0.753
0.691
%thay đổi/năm
0.39%
1.11%
Tỉ lệ đói nghèo


1988
34

1993

58
1997
25

1998

37
% giảm trung bình hàng năm
0.9%
4.2%
(Chỉ số phát triển con người biến đổi từ 0.0 (thấp nhất) đến 1.0 (cao nhất)).
Chúng ta cần biết rằng, so với Việt Nam, nền chính trị ở Philippines được coi là "dân chủ" hơn dưới con mắt người phương Tây với những tổ chức chính trị xã hội, các đảng phái chính trị được thiết lập và vận hành; bầu cử được tiến hành định kỳ có sự cạnh tranh giữa các chính đảng để đảm bảo người dân có thể thay thế chính quyền họ không tín nhiệm.
Giáo sư Kerkvliet nhận định, một trong những lý do chính khiến chính quyền Việt Nam làm tốt công việc của mình hơn ở Philippines, nói cách khác, quan tâm đến người dân hơn, là Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động dựa vào dân, gần gũi với người dân nên dễ nghe được ý nguyện của dân cũng như việc thực hiện chính sách thuận lợi hơn. Như vậy, nhận thức và hoạt động thực tế của Đảng mới là thước đo quan trọng, chứ không phải một mô hình dân chủ kiểu phương Tây hay không.
So sánh này phần nào cho thấy, ở những nước châu Á đang phát triển như Việt Nam và Philippines, một mô hình dân chủ phương Tây không nhất thiết là điều kiện tiên quyết cho hiệu quả và trách nhiệm của Chính phủ. Khi Đảng tiếp tục biết dựa vào dân, lắng nghe nguyện vọng của dân, và xây dựng một nhà nước pháp quyền vì dân, khi đó vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng luôn được giữ vững.
Vậy liệu một nước không có mô hình chính trị dân chủ kiểu phương Tây có thể phát triển vững mạnh không? Singapore chính là câu trả lời thích hợp.
Trong suốt lịch sử 40 năm từ khi thành lập năm 1965, Singapore luôn nằm dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Hành động nhân dân (PAP). Singapore áp dụng những biện pháp kiểm soát truyền thông, hạn chế tự do ngôn luận và tụ tập.
Một cách vắn tắt, quốc đảo này chưa bao giờ được xếp vào diện “dân chủ” theo kiểu phương Tây. Tuy nhiên, với chiến lược kinh tế xã hội khôn khéo, PAP đã đưa Singapore trở thành một trong những nước phát triển có thu nhập bình quân đầu người và các dịch vụ xã hội chất lượng bậc nhất trên thế giới. Chính quyền có trách nhiệm với dân, tỉ lệ tham nhũng đặc biệt thấp.
Cho dù mỗi dân tộc có một hoàn cảnh lịch sử cụ thể riêng và việc so sánh giữa các nước, đặc biệt ở những trình độ phát triển chênh lệch như giữa Việt Nam với Singapore, là khập khiễng; những phân tích về mô hình và hiệu quả của nền chính trị ba nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, và Singapore cho thấy không nhất thiết chúng ta phải xây dựng một nền dân chủ kiểu phương Tây ở Việt Nam như là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của đất nước và thỏa mãn nhu cầu của người dân.
HÀ ANH TUẤN - ĐH QUỐC GIA AUSTRALIA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét