Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

BẢO VỆ CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH LÀ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG


PGS,TS Đàm Đức Vượng
Trên các trang mạng thời gian gần đây xuất hiện nhiều bài viết đả kích vào Trung ương Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phải nói rằng, trong những năm đổi mới, đất nước đã có sự thay đổi về chất, kinh tế phát triển, xã hội về cơ bản là ổn định, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, tuy còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm. Những người dân thiện chí đều thấy rõ điều đó, cho nên đã cùng với Đảng, Nhà nước ra sức phấn đấu để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, có một số người lại tỏ ra hằn học, thể hiện những quan điểm sai trái với âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đả kích vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhân sự kiện Chu Hảo, họ rêu rao rằng, những người cộng sản “tự khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin là đúng đắn, là khoa học trong khi cả nhân loại đã xếp xó, bài trừ gần ba chục năm trước” (Xem bài của Nhân Trần, trên mạng). “Chủ nghĩa Mác – Lê nin mà Đảng Cộng sản Việt Nam lấy làm nền tảng tư tưởng chỉ là một học thuyết phản khoa học, phi thực tế, cổ xúy bạo lực “đấu tranh giai cấp”, hiếu chiến, tạo bất công, gieo rắc đói nghèo, lạc hậu, độc đoán thủ tiêu mọi quyền tự do chính đáng của nhân dân” (Xem bài của Nguyễn Thị Kim Chi, trên mạng). Trong bài: “Về hiện tượng Chu Hảo – một nguy cơ lớn xuất phát từ những sự tính toán sai lầm thiển cận” của Phạm Hưng Quốc (trên mạng) có đoạn viết: “Nếu ông (nói về một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước) không chuyển hóa được Đảng của ông trở thành lực lượng chính trị tiên phong thực sự thì chắc chắn Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bị xã hội Việt Nam đào thải. Ông sẽ là kẻ tội đồ của tương lai và cả của quá khứ trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Nếu ông thực sự muốn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin thì hãy đừng biến chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành kẻ thù của sự phát triển, của dân chủ, tự do, đi ngược lại với xu hướng phát triển của văn minh nhân loại”. Những câu hàm hồ như thế xuất hiện khá nhiều trên mạng, cần phải phê phán. Họ lộng ngôn khi viết “cả nhân loại” bài trừ chủ nghĩa Mác – Lênin? Căn cứ vu vơ, vu khống khi nói “cả nhân loại” bài trừ chủ nghĩa Mác – Lênin? Họ không biết rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin là một khoa học và cách mạng, mang ý nghĩa toàn thế giới, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người; là học thuyết mang lại đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn nhân loại; là hệ thống có căn cứ khoa học của các quan điểm triết học, kinh tế, chính trị, xã hội; học thuyết về nhận thức và cải tạo thế giới; về những quy luật phát triển của xã hội, tự nhiên và tư duy con người; về những con đường cách mạng lật đổ chế độ bóc lột và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; thế giới quan của giai cấp công nhân và đội tiên phong là các đảng cộng sản và đảng công nhân. Sự hình thành chủ nghĩa Mác – Lênin là bước rẽ ngoặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng xã hội. Bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam; lý luận gắn với thực tiễn (thực tế), đưa lý luận vào thực tiễn và đưa thực tiễn vào lý luận, tác động lẫn nhau, bổ sung cho nhau, trở thành đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và hành động của nhân dân; tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Hệ thống hóa, phổ biến những thành tựu lý luận – thực tế mà Đảng ta đã đạt được trong thời bình và đối phó với thời chiến (nếu xảy ra).
Cuộc đấu tranh với những quan điểm sai trái hiện nay thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh tư tưởng để giải quyết mâu thuẫn, kể cả mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng. Tại Việt Nam hiện nay, vẫn còn mâu thuẫn, tuy không phải là mâu thuẫn đối kháng, nhưng nếu mâu thuẫn đó cứ để nó âm ỉ cháy, rồi đến một lúc nào đó sẽ bùng lên thành ngọn lửa mâu thuẫn đối kháng, khó mà dập tắt.
Đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh giữa một bên là nhân dân lao động yêu nước với một bên là các thế lực phản động, chống đối. Trong cuộc đấu tranh này, giai cấp công nhân và nhân dân lao động chủ trương xóa bỏ các giai cấp bóc lột, cải tạo xã hội bằng cách mạng và bảo đảm thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh giai cấp là quy luật chung của bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nó là tất yếu, bởi vì, khi giành được chính quyền về tay nhân dân không có nghĩa là đã xóa bỏ được các giai cấp có lợi ích trái ngược chiều nhau, hoặc thậm chí có những lợi ích đối kháng nhau. Trong điều kiện của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các giai cấp bóc lột và các thế lực phản động tuy đã bị lật đổ, nhưng bộ phận nào đó vẫn còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài và phản kháng quyết liệt chính quyền mới, đặc biệt là phản kháng trên lĩnh vực tư tưởng. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, tuy các giai cấp bóc lột đã bị chính quyền cách mạng đánh đổ, nhưng các thế lực chống đối vẫn còn giữ được những địa vị kinh tế và xã hội nhất định. Họ hy vọng phục hồi chế độ cũ và những hy vọng đó lại biến thành những mưu toan phục hồi. Bởi vậy, việc thiết lập chính quyền cách mạng không có nghĩa là chầm dứt đấu tranh giai cấp trong những điều kiện mới, theo những hình thức và phương thức mới.
Đấu tranh tư tưởng cũng là một trong những hình thức đấu tranh giai cấp, là cuộc đấu tranh xác lập hệ tư tưởng Mác – Lênin, thành tựu cao nhất của khoa học xã hội, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Mục tiêu trước mắt của cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay là phê phán những quan điểm sai trái, đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, những người chống đối họ vẫn cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ có giá trị ở thế kỷ XIX, chứ không còn giá trị ở thế kỷ XXI, vì nó đã “lỗi thời”? Và như vậy, họ cho những ai cố bám lấy chủ nghĩa Mác – Lênin mà sống là lạc hậu. Chúng ta phải phê phán những nhận thức lệch lạc này và phải khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của loài người trong tương lai. Vũ khi tư tưởng của những người cách mạng hiện nay vẫn là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta vẫn tìm thấy sức mạnh của lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện ở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, biểu hiện ở triển vọng của dòng chảy lịch sử, đồng thời, xác định hướng đi trong những điều kiện phức tạp của đời sống hiện nay. Vì vậy, sự phát triển của lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những điều kiện quan trọng nhất cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay trở nên phức tạp hơn và được mở rộng ra đòi hỏi cấp thiết phải có những luận chứng đã được nghiên cứu kỹ nhằm bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải có cách huy động được toàn bộ trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đề ra đường lối, chính sách của Đảng. Bên cạnh việc phê phán những quan điểm lệch lạc, phải khẳng định lập trường cách mạng chân chính của mình.
Ý nghĩa của cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay trên mạng và trên các phương tiện thông tin đại chúng là phải bác bỏ những quan điểm sai trái, bóp méo sự thật lịch sử, xuyên tạc lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, điều này được coi dường như là tiền đề của việc làm dịu tình hình căng thẳng hiện nay.
Phương pháp đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay là kiên trì tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chinh phục lòng người bằng vũ khi phê phán những người có quan điểm sai trái, chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, làm cho nhân dân hiểu rằng, chế độ của chúng ta là tốt đẹp, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, sáng tạp. Sự gắn bó giữa Đảng và dân là sức mạnh để chúng ta xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, dân chủ và hạnh phúc. 

1 nhận xét:

  1. Chủ nghĩa Mác – Lênin là một khoa học và cách mạng, mang ý nghĩa toàn thế giới, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người; là học thuyết mang lại đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn nhân loại; là hệ thống có căn cứ khoa học của các quan điểm triết học, kinh tế, chính trị, xã hội; học thuyết về nhận thức và cải tạo thế giới; về những quy luật phát triển của xã hội, tự nhiên và tư duy con người; về những con đường cách mạng lật đổ chế độ bóc lột và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; thế giới quan của giai cấp công nhân và đội tiên phong là các đảng cộng sản và đảng công nhân. Sự hình thành chủ nghĩa Mác – Lênin là bước rẽ ngoặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng xã hội. Bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó những kẻ lộng ngôn vu khống khi nói “cả nhân loại” bài trừ chủ nghĩa Mác – Lênin là không thể chấp nhận được và cần bị trùng trị thích đáng.

    Trả lờiXóa