Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng – cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục kế thừa và phát triển bản Hiến pháp 1992, quy định thêm nội dung trong Điều 4 khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là đúng đắn, bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước.
Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được quy định từ Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một lần nữa khẳng định và bổ sung cho hoàn thiện quy định về vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng. Điều 4 Dự thảo quy định:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Những bổ sung trên càng cần thiết khi hiện nay, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vấn đề sửa đổi điều này hiện có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Để có được quan điểm đúng đắn khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cần làm rõ những vấn đề cơ bản sau:
Trước hết, về mối quan hệ Đảng và Nhà nước nên hiểu thế nào cho đúng? Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:“Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – đảng duy nhất, nhân dân ta đã làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Như vậy để khẳng định rằng, nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công thì không thể có nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là chân lý sáng ngời không thể phủ nhận.
Thứ hai là mục đích, mục tiêu lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước và ước nguyện của nhân dân có thống nhất? Đọc lại Cương lĩnh chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khi thành lập, chủ trương làm cách mạng vô sản mà Đảng đề ra là phải gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa; gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Con đường cách mạng đó là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của đông đảo nhân dân Việt Nam. Sau này, trong các cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam, mục tiêu nhất quán, bao trùm mà Đảng phải lãnh đạo luôn là: tất cả vì sự tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Để xứng đáng và làm được mục tiêu đó, Đảng luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, trung thành với giai cấp và lợi ích dân tộc, gắn bó với các tầng lớp nhân dân, vững vàng trước mọi thách thức, bình tĩnh và sáng suốt trong vai trò lãnh đạo của mình. Đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, trở thành những quan điểm cơ bản, cơ sở của các quy định cụ thể về cơ chế, chính sách, giải pháp trong nội dung Hiến pháp, pháp luật để các cơ quan, các cấp chính quyền ban hành và tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả; bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, nhân dân ta đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, chịu bao hậu quả của chiến tranh và sự phá hoại của các thế lực thù địch, từng bước khắc phục khó khăn, từng bước giành được thắng lợi trong tiến trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển và vững bước trên con đường dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng thống nhất ở mục đích, mục tiêu và lý tưởng. Công lao của Đảng được lịch sử ghi nhận: mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Pháp luật của Nhà nước ta là cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng, mà đường lối chính sách của Đảng lại xuất phát từ mục đích, mục tiêu của quốc gia, dân tộc, nhân dân lao động Việt Nam. Nói cách khác là mục đích, mục tiêu của Đảng, của Nhà nước và nhân dân cần đạt được là một. Một nguyên tắc tuy không thành văn nhưng đã thấm sâu vào tiềm thức của đông đảo người dân Việt Nam tôn trọng thực hiện là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quyết tâm xây dựng ngày càng có vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Vấn đề thứ ba là có cần phải xây dựng một đạo luật riêng về Đảng không? Hiện nay, tổ chức của Đảng được thiết lập từ tổ dân phố, làng, bản, phum, sóc, cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp ở cơ sở đến tổ chức Đảng ở các cơ quan Trung ương. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có hơn 3,6 triệu đảng viên. Trong nội bộ Đảng thì hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên được điều chỉnh bởi các quy định tại Điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Trong hoạt động quản lý nhà nước, đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, trí thức, người lao động, nông dân, bộ đội hoặc người công dân bình thường đều chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Nhiều đảng viên đang đảm trách các vị trí, chức vụ, nhiệm vụ chủ chốt, quan trọng của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước. Chỉ tính trong hệ thống các cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước, đảng viên là ĐBQH đã chiếm trên 90%, đảng viên là đại biểu HDND ở các cấp đã chiếm gần 95%. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Di chúc: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Là đảng cầm quyền nên đảng viên đương nhiên phải chịu sự điều chỉnh song trùng bởi các quy định của Đảng và bởi các quy định của pháp luật. Chính họ là nhân tố cơ bản trong việc xây dựng nên những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và rồi cụ thể hóa thành các quy định của pháp luật; đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật. Là đảng viên của Đảng cầm quyền nên hơn ai hết họ buộc phải hiểu muốn tồn tại và xứng đáng với vị trí, vai trò cầm quyền thì trước hết phải biết đâu là quyền và nghĩa vụ của đảng viên, đâu là quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, trí thức, người lao động, nông dân và công dân… Nếu đảng viên vi phạm, họ sẽ bị xử lý cả về Đảng và về chính quyền, đoàn thể. Những năm qua, cơ chế Đảng là lực lượng lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội luôn gắn với việc Nhà nước quản lý, điều hành, chưa thấy sự xung đột giữa quy định của Đảng và quy định của Nhà nước. Sự vận hành trong lãnh đạo và quản lý chưa xảy ra mâu thuẫn để đến mức không thể điều chỉnh, giải quyết được. Do đó, việc đòi hỏi phải có đạo luật về Đảng là không cần thiết, thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn.
Có cần phải quy định đa đảng cầm quyền không? Trước hết phải thừa nhận rằng ở Việt Nam cũng có thời kỳ đa đảng. Năm 1946, ngoài Đảng Cộng sản còn có sự tồn tại của hai đảng đối lập là Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội; khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng đó cũng cuốn gói chạy theo. Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có đại diện các đảng như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Quốc dân đảng tham gia. Sau này chỉ còn Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi tuyên bố tự giải tán và chỉ còn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội.
Hơn 80 năm qua, sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta đều do Đảng lãnh đạo. Vị trí, vai trò, trách nhiệm là lực lượng lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định, được thử thách trong gian khổ, hy sinh, như là một sự chọn lọc của tự nhiên và xã hội, mang tính khách quan trong lịch sử tồn tại và phát triển của đất nước, dân tộc. Nhân dân Việt Nam đã thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân che chở, xây dựng. Nhân dân Việt Nam trìu mến gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng ta”, “Đảng là mẹ hiền”… Bài học về sự đổ vỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa những năm đầu của thập kỷ 90, chúng ta đã được thấy có một nguyên nhân do sai lầm của đảng cộng sản và việc đa đảng cầm quyền. Tuy hiện nay Trung Quốc cũng có những đảng phái khác, nhưng đảng cầm quyền thì chỉ thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày nay trong bối cảnh thế giới và khu vực đang diễn ra phức tạp, sự đa đảng lãnh đạo Nhà nước chắc chắn là một nhân tố làm mất ổn định đất nước. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn ngày càng xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì đảng viên và các tổ chức của Đảng phải luôn nêu cao vũ khí đấu tranh tự phê bình và phê bình; quyết tâm khắc phục và sửa chữa những sai sót, khuyết điểm đã mắc trong thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Phải thấm nhuần và quyết tâm làm cho được theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Nguyễn Xuân Diên

Phó văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội

1 nhận xét:

  1. Hơn 80 năm qua, sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta đều do Đảng lãnh đạo, vì vậy có thể thấy vị trí và vai trò của Đảng là vô cùng quan trọng.
    Đảng đã đưa đất nước ta, dân tộc ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Ngày nay, Đảng đang cố gắng không ngừng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Có lẽ sẽ vẫn có những sai sót nhưng là người Việt Nam yêu nước, chúng ta phải luôn sát cánh cùng Đảng và Nhà nước vượt qua mọi khó khăn để đưa đất nước đi lên và ngày càng vững mạnh.

    Trả lờiXóa