Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Việt Nam tham gia UPR lần II về thực thi nhân quyền

(VOV) - Dự kiến, phiên UPR lần thứ II mà Việt Nam tham gia sẽ diễn ra vào tháng 1/2014 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Ngày 26/4 tại Hà Nội, Nhóm công tác về quản trị và cải cách hành chính công (GPAR), Mạng giới và phát triển cộng đồng (Gencomnet) và Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo (Cifpen) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn báo cáo của các bên liên quan về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam hướng đến Kiểm điểm định kỳ toàn cầu của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Với việc Việt Nam đang ứng cử cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan đang tích cực chuẩn bị cho phiên Kiểm điểm định kỳ toàn cầu (UPR) lần thứ II đối với tình hình thực thi nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Trần Chí Thành, Trưởng phòng nhân quyền, Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết: Nhà nước Việt Nam đã tham gia UPR lần thứ nhất vào tháng 5/2009. Trong lần Kiểm điểm này, báo cáo của Chính phủ Việt Nam đã được chuẩn bị với sự tham gia của một số Bộ, trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối soạn thảo. Về báo cáo của các bên liên quan, 12 tổ chức quốc tế đã trình báo cáo lên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) trước phiên kiểm điểm, trong đó không có báo cáo từ các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam.
Dự kiến, phiên UPR lần thứ II mà Việt Nam tham gia sẽ diễn ra vào tháng 1/2014 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Để chuẩn bị cho phiên này, báo cáo của các bên liên quan phải nộp chậm nhất vào ngày 17/6/2013, và báo cáo của Chính phủ sẽ nộp chậm nhất vào ngày 28/10/2013
Tại phiên UPR lần thứ II tới, lần đầu tiên, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tổ chức và tham gia xây dựng một báo cáo chính thức, độc lập và song song với báo cáo của Nhà nước để đệ trình lên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Báo cáo của xã hội dân sự có sự tham gia đóng góp trực tiếp của hơn 30 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và các chuyên gia độc lập, được sự ủng hộ của nhiều tổ chức xã hội dân sự khác qua các cuộc tham vấn nhóm và tham vấn trực tiếp.
Các tổ chức xã hội dân sự tham gia tiến trình chuẩn bị báo cáo ghi nhận những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện nhân quyền. Báo cáo này đồng thời chỉ ra những thách thức, đặc biệt là những thách thức về năng lực của bộ máy Nhà nước trong việc thực thi các nghĩa vụ nhân quyền.
Trên cơ sở đó, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam khuyến nghị Nhà nước Việt Nam tiếp tục có những nỗ lực toàn diện để thực thi tốt hơn nữa nghĩa vụ đảm bảo quyền con người, đặc biệt chú trọng đến các quyền dân sự và chính trị. Bên cạnh đó là nhanh chóng xúc tiến việc thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập, và việc sửa đổi Hiến pháp chính là một cơ hội để cơ quan này ra đời, thúc đẩy quá trình thực thi quyền con người.
Báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự không nhằm thay thế báo cáo của Chính phủ hay lặp lại các thông tin có thể sẽ được đề cập chi tiết trong báo cáo của Chính phủ. Thay vào đó, báo cáo phản ánh một số vấn đề cơ bản về nhân quyền mà cả Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang đối diện và nỗ lực vượt qua, cũng như đề đạt những khuyến nghị từ phía các tổ chức xã hội dân sự để các bên cùng cân nhắc thực hiện, hướng đến mục đích cuối cùng là vì con người tự do, bình đẳng và phát triển.
Kiểm điểm Định kỳ Toàn cầu (UPR) là một cơ chế được thiết lập cùng với Hội đồng Nhân quyền theo Nghi quyết 60/251 của Đại hội đồng LHQ ngày 15/3/2006.
Mục tiêu cuối cùng của UPR là cải thiện tình hình nhân quyền ở mọi quốc gia với tác động đáng kể lên người dân trên toàn cầu. UPR được thiết kế để đẩy nhanh, hỗ trợ và mở rộng việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong thực tế.

Để đạt được điều đó, UPR bao gồm việc đánh giá các thực hành về nhân quyền của Nhà nước và nêu lên những vi phạm nhân quyền nếu có. UPR cũng nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các Nhà nước và tăng cường năng lực cho các Nhà nước để giải quyết hiệu quả hơn những thách thức về nhân quyền và chia sẻ các thực hành tốt trong lĩnh vực nhân quyền giữa các nhà nước với nhau và với các bên liên quan khác.

2 nhận xét:

  1. Tham gia một tổ chức quốc tế lớn về nhân quyền của thế giới, Việt Nam ta sẽ có cả những lợi ích và trách nhiệm và tất nhiên người dân Việt Nam chúng ta sẽ được hưởng lợi từ việc tham gia tổ chức này.
    Đáng mừng hơn nữa là Việt Nam chúng ta đã và đang tham gia ngày một nhiều hơn các tổ chức quốc tế, điều đó cho thấy Việt Nam hoàn toàn tự tin và đủ tiềm năng tham gia vào các hoạt động chung của thế giới

    Trả lờiXóa
  2. Tham gia vào tổ chức quốc tế lớn về nhân quyền này, Việt Nam chúng ta sẽ tránh được những nhận định sai lầm của một số nước về tự do nhân quyền, tự do tôn giáo,...

    Trả lờiXóa