Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

@Nói lấy được - miệng lưỡi của kẻ bá quyền!


Nhân dịp chuyến thăm nước chính thức Hoa Kỳ, tại cuộc cuộc họp báo chung với với Tổng thống Hoa Kỳ Brak Obama tại Vườn Hồng, ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản TQ, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố: Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa) và Trường Sa (TQ gọi là Nam Sa) từ xa xưa đã là của TQ! Đúng là “nói lấy được”(!) Tại sao nói vậy?
Thực ra, những tuyên bố, hành xử ngang ngược theo kiểu bá quyền nước lớn của TQ, người dân VN từ trước nay đâu có lạ gì. Lịch sử đấu tranh dựng nước của dân tộc VN đã chứng minh rõ điều đó. Lời phát biểu của ông Tập hoàn toàn không có giá trị, nó đi ngược lại những tuyên bố về mối quan hệ hữu nghị, tôn trọng, không xâm phạm lãnh thổ của hai nước VN và TQ và ý nguyện chung sống hòa bình, cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh của nhân dân hai nước.                                                        
Xin thưa ông Tập! VN là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Hiện nay, VN không chỉ là thành viên của Liên hợp quốc, của nhiều tổ chức quốc tế, mà còn có quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với Mỹ, đối tác hợp tác toàn diện chiến lược với nhiều nước, trong đó có: Anh, Pháp, Nga và TQ. Điều này khẳng định rõ: VN luôn yêu chuộng hòa bình, phấn đấu chung sống hòa bình, làm bạn, là đối tác có trách nhiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia, trong đó có TQ. Mọi hành động làm tổn hại bầu không khí chung sống hòa bình, chủ quyền của các nước trong khu vực và trên thế giới đều bị VN lên án.
VN và TQ là hai nước “núi liền núi, sông liền sông”, có mối quan hệ rất đặc biệt, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Trong lịch sử, nhân dân TQ đã có những giúp đỡ quý báu đối với nhân dân VN trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và ngược lại nhân dân VN, mặc dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng vẫn giúp đỡ Đảng, Nhà nước và Quân đội TQ trong chiến tranh chống phát xít. Bài học lịch sử ấy nói lên tình hữu nghị sâu đậm, gắn bó mật thiết với nhau của nhân dân hai nước. Nêu cao tinh thần nhân văn, nhân nghĩa, đạo đức, truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, nhân dân VN và nhân dân TQ không bao giờ quên sự giúp đỡ quý báu lẫn nhau đó và làm mọi cách để mối quan hệ hòa hiếu, hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển ngày càng đi vào chiều sâu.
Ngày nay, VN và TQ đã có mối quan hệ hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; nhân dân VN và nhân dân TQ vốn có mối quan hệ chung sống hòa bình, hòa hợp, hòa hiếu, cùng nhau cần cù lao động dựng xây đất nước. Mối quan hệ này, đã tạo môi trường thuận lợi để mỗi nước tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với đặc điểm của mỗi nước và luật pháp quốc tế. Vì thế, nền kinh tế VN cũng như nền kinh tế của TQ đã có bước phát triển vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân hai nước được nâng lên; TQ được thế giới đánh giá là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, có tiềm lực quân sự mạnh trong khu vực, có tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế toàn cầu, v.v.
Trước phát biểu theo kiểu “nói lấy được” của ông Tập Cận Bình, nhân dân VN có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng, ông ta là lãnh đạo của TQ - “nước lớn”, đông dân, có nền kinh tế “đứng thứ 2” trên thế giới, có tiềm lực quân sự mạnh,… nên nói sao cho sướng mồm là được? Theo tôi biết, nhân dân VN cũng như nhân dân TQ luôn tin tưởng vào lời phát biểu và hành động của lãnh đạo nước mình. Vì thế, phát biểu theo kiểu “nói lấy được” của ông cũng phải chăng là khuyến kích tư tưởng đại hán, bá quyền nước lớn vốn đã bị lịch sử lên án và đánh đổ?
 Thưa ông Tập! Hoàng Sa và Trường Sa là của VN. Nhân dân VN sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Tinh thần này nó luôn cuộn chảy trong máu, trong thịt của mỗi người con dân đất Việt trước đây cũng như hiện nay.
Xin nhắc ông rằng, để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, VN, là nước đã tham gia Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về luật biển từ năm 1977, là một trong 130 quốc gia tán thành ký thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và cũng là một trong 119 quốc gia (trong đó có TQ) ký Công ước này. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN VN ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; ngày 12/5/1997, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN VN ra công bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Quá trình xác lập chủ quyền biển, đảo của VN trong khu vực đã được Đảng và Chính phủ VN cụ thể hóa bằng việc phê duyệt, ký kết song phương và đa phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN VN với các nước có liên quan về vấn đề chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển chồng lấn hoặc có tranh chấp như: Hiệp định về vùng nước lịch sử VN - Campuchia (07/7/1982); Thỏa thuận hợp tác khai thác chung VN - Malaixia (05/6/1992); Phân định biển VN - Thái Lan (09/8/1997); Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa VN - TQ (25/12/2000); Nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và TQ (DOC) ngày 04/11/2002; Hiệp định phân định thềm lục địa VN - Inđônêxia (26/6/2003), v.v.
Vậy việc tuyên bố rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của TQ từ xa xưa của ông Tập Cận Bình liệu có đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982? Hơn nữa, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa VN và TQ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Động vun đắp, dựng xây đã được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nhà nước VN - TQ ký thỏa thuận cùng chung nhau gìn giữ theo phương châm 16 chữ (do chính TQ khởi xướng) là: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Chẳng nhẽ, chữ ký của lãnh đạo TQ vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và những văn kiện, thỏa thuận nói trên là không có giá trị, chỉ để “cho vui” hay sao? Lãnh đạo VN và TQ cũng đã ký Tuyên bố Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển phù hợp với các quy định và thực tiễn pháp luật quốc tế và nhiều văn kiện mang tính pháp lý khác giữa hai nước cũng như trong khu vực về việc giải quyết những bất đồng trên biển,… Ông Tập Cận Bình quên, hay cố tình quên vậy? “Quên” để thực hiên âm mưu độc chiếm Biển Đông, biến tuyên bố cái gọi là “Đường lưỡi bò trên biển” thành hiện thực để ăn người thì bị cả thế giới lên án, ngăn chặn. Một người hay một đất nước như thế thì không chỉ khó kết bạn, mà còn có lẽ chẳng ai dám kết bạn!
VN đã và đang đấu tranh cả về chính trị, ngoại giao và pháp lý buộc TQ chấm dứt hành động ngang ngược của mình trên Biển Đông. Hành động của VN được các nước trên thế giới (trong đó có Mỹ, Pháp, Anh) các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới ủng hộ (trong đó có ASEAN). VN có đầy đủ các nguồn lực, biện pháp, trước hết là những biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Lời phát biểu theo kiểu “nói lấy được” của ông Tập Cận Bình đã và sẽ tiếp tục bị nhân dân VN, nhân dân TQ và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới lên án, bác bỏ. 

Minh Quân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét