Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Cuộc bầu cử Quốc hội: Vấn đề quyết định vẫn là nhân dân!


Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước có những thuận lợi cơ bản song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là “lòng dân” chưa yên khi mà hạn hán, xâm nhập mặn hoành hành ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra ở một số tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh trở vào Thừa Thiên-Huế; sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội có xu hướng ngày càng doãng ra; vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội chậm được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí còn có mặt biểu hiện phức tạp, nghiêm trọng hơn... Có người nói, cuộc bầu cử lần này được ví như “một phép thử lòng dân”. Sinh thời cụ Phan Bội Châu đã từng nói:
“Dân là nước
Nước là dân.
Được lòng dân thì sống, không được lòng dân thì chết”.
Nắm bắt cơ hội nêu trên, các “nhà dân chủ”, đấu tranh “bất bạo động” đã kêu gọi phát động hết phong trào này đến phong trào khác nhằm lôi kéo, kích động nhân dân chống đối chính quyền, phá hoại cuộc bầu cử, đáng chú ý là:
Từ phong trào tự ứng cử...
Đầu năm 2016, trên mạng xã hội xuất hiện, lan truyền “phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội” của một nhóm người mà theo họ, đó là một đợt “sinh hoạt chính trị” nhằm “thúc đẩy, kêu gọi quá trình học tập ở trong nước, nhất là trong giới trẻ hành động để thực thi dân quyền”. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là sự giả tạo, ngụy trang bằng những vỏ bọc, lời lẽ tốt đẹp để che lấp cho những hoạt động mang tính chất cá nhân nhằm phục vụ ý đồ chính trị của một nhóm người lớn tiếng tuyên bố “tự ứng cử đại biểu Quốc hội” trên mạng xã hội và dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo, hối thúc người khác làm cùng.
Trong đợt bầu cử này, họ đã tính toán, chuẩn bị một cách bài bản, có lộ trình, tinh vi hơn trong chuỗi hoạt động của mình. Những người kêu gọi “phong trào tự ứng cử” một mặt nhằm dọn đường dư luận, ngụy tạo vỏ bọc che giấu bản chất, hành vi chống phá, mặt khác, thông qua mạng xã hội - thứ công cụ mà họ thường gọi bằng những mỹ từ như “truyền thông lề dân”, “truyền thông lề đảng”... để tán phát thông tin sai sự thật, phá hoại quá trình tổ chức bầu cử ở nước ta. Họ rốt ráo tuyên truyền, xuyên tạc rằng chính quyền gây khó khăn, cản trở và tìm cách để loại bỏ “những người tự ứng cử”; xuyên tạc việc tổ chức bầu cử dưới chế độ một đảng thông qua hội đồng bầu cử các cấp-“cánh tay nối dài của Đảng” là không khách quan, mất dân chủ và tiêu cực...
Tuy nhiên, trên thực tế, cho dù họ có “ủ mưu thâm”, “kế độc” để che dấu ý đồ chính trị và “đánh bóng” tên tuổi cho những người tham gia “phong trào tự ứng cử”, nhưng không thể che mắt nhân dân và hiển nhiên bị nhân dân vạch mặt, chỉ tên và đưa ra khỏi danh sách ứng cử.
Đến phong trào tẩy chay bầu cử…
Sau khi phong trào tự ứng cử thất bại, các nhà dân chủ đã “trở cờ”, quay ngoắt sang kêu gọi tẩy chay, không tham gia bầu cử. Họ đưa lên các trang mạng xã hội những hình ảnh, những biểu ngữ “chúng tôi tẩy chay bầu cử quốc hội độc đảng”;  “chúng tôi đòi hỏi một quốc hội đa nguyên đa đảng”… Họ còn lập các quỹ với các tên gọi mị dân, như “Quỹ áo tơi” của Lê Quốc Quân, “Vì học sinh” của Trần Đình Trợ, “Nhịp cầu nhân ái” của Phương Tăng… hô hào quyên góp tiền “ủng hộ đồng bào miền Trung”, nhưng thực chất là dùng tiền mua chuộc số đối tượng bất mãn hoạt động lôi kéo, kích động nhân dân tụ tập gây rối, “xuống đường” biểu tình trong ngày bầu cử, biểu tình tại những điểm mà Tổng thống Hoa Kỳ Barach Obama đến để yêu cầu Mỹ gây sức ép với ta về nhân quyền… Một số đối tượng đã trả lời phỏng vấn báo, đài nước ngoài, tán phát nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật cuộc bầu cử, nói xấu Đảng, Nhà nước ta.
Đáng chú ý là, họ còn tẩy chay cuộc bầu cử thông qua việc kêu gọi cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử Quốc hội dưới hình thức “thùng phiếu online” qua phần mềm có tên “Lá phiếu” để đối trọng với cuộc bầu cử của ta. Đây là phần mềm họ lập ra, hoạt động trên điện thoại di động, máy tính bảng, cung cấp thông tin, danh sách ứng cử viên được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu và các “ứng cử viên tự do”. Mỗi điện thoại chỉ bỏ phiếu một lần, không để lộ danh tính cá nhân. Kết quả bầu cử thông qua phần mềm “Lá phiếu” này sẽ được công bố với dư luận trong nước và quốc tế để so sánh với cuộc bầu cử do Nhà nước tổ chức.
Các hoạt động tẩy chay bầu cử nêu trên đã đi ngược lại với nguyện vọng và ý chí của đông đảo nhân dân cả nước, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc Việt Nam nên không được cử tri ủng hộ. Phong trào này đã chết yểu và tự tan rã ngay sau ngày 22/5/2016 - Ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021.
Thay cho lời kết
Cuộc bầu cử đã rất thắng lợi. Theo báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia, 99,35% cử tri đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 22/5. Ông Susanto, một người Indonesia sống và làm việc nhiều năm ở Hà Nội, nhận xét: “Tôi cho rằng, tỷ lệ cử tri đi bầu vừa qua ở Việt Nam là rất cao. Nhiều năm quan sát, tôi thấy tỷ lệ này thường trên 95%. Rõ ràng, ở Việt Nam chuyện này là bình thường nhưng so với các nước khác là rất cao. Tỷ lệ này phản ánh sự giác ngộ, ý thức chính trị của nhân dân đối với nhà nước của mình. Họ cho rằng, đi bỏ phiếu là thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhà nước”. Ông Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa 8,9,10, cho rằng cuộc bầu cử đã thật sự thắng lợi trong bối cảnh an ninh có những diễn biến phức tạp: “Trong tình hình kẻ xấu định kích động để gây rối nhưng chúng ta đã tiến hành bầu cử rất thắng lợi. Từ thực tế trên rút là một kết luận: bất kỳ một sự kiện nào mà nhân dân quan tâm, được Đảng và nhà nước làm rõ thì bất kỳ thế lực nào muốn nhúng tay vào phá hoại cũng không thể thực hiện được. Vấn đề quyết định vẫn là nhân dân...”
Ngày 17/6/2016
@Nguyễn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét