Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM - ĐIỀU KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN






                                               
 Với quan điểm, con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước, việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân luôn được Nhà nước Việt Nam nhất quán thực hiện và đạt được nhiều thành tựu.
Đó là điều không thể phủ nhận.
Nhân sự kiện Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho lưu hành Dự thảo “Báo cáo Quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam”[1] lần thứ ba tại Liên hợp quốc, dự kiến họp vào đầu năm 2019, một số tổ chức, cá nhân (Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế” (FIDH), “Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam” (VCHR),…) đã có những bài viết tung lên mạng và trên một số tờ báo, như: BBC, RFA, VOA,…, với nội dung cho rằng: “Chính phủ Việt Nam không đạt được một tiến bộ nào trong việc thay đổi những luật lệ hà khắc theo các tiêu chuẩn quốc tế và họ cũng không cải tổ về luật pháp theo các nguyên tắc dân chủ…”, “Việt Nam che giấu vi phạm nhân quyền trong báo cáo định kỳ phổ quát”, v.v.  Cần khẳng định ngay rằng, đây là sự xuyên tạc, hòng phủ nhận, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Thực tế cho thấy, Việt Nam luôn coi trọng thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo cơ chế kiểm điểm phổ quát định kỳ (UPR) của Liên hợp quốc đưa ra. Lần này cũng vậy, tuân thủ yêu cầu của Liên hợp quốc, Báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trình bày đầy đ nội dung theo đúng quy định, quy trình soạn thảo, với nhiều cơ quan, tổ chức tham gia. Có thể khẳng định rằng, Báo cáo là một tài liệu khách quan, khoa học, thể hiện thái độ nghiêm túc, chỉ rõ kết quả, kinh nghiệm, những vấn đề đang tồn tại, nguyên nhân về việc bảo đảm quyền con người; đồng thời, đề ra những giải pháp mà Nhà nước Việt Nam đang tập trung giải quyết. Điều này, được thể hiện trên một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, trên lĩnh vực thể chế, pháp luật, Việt Nam đã gia nhập, ký kết đầy đủ những công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (CAT). Đây là sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ngăn chặn mọi hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc xúc phạm nhân phẩm con người trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi bất cứ cá nhân, tổ chức nào, kể cả cơ quan thực thi pháp luật, nhằm đảm bảo quyền con người ngày càng tốt hơn. Từ năm 2014 đến nay, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã sửa đổi, ban hành nhiều luật, bộ luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức nói chung và đảm bảo quyền con người nói riêng, như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016); Luật Báo chí (năm 2016), Luật Trợ giúp pháp lý (năm 2017); Luật Đặc xá (năm 2018); Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (năm 2015); Luật Thi hành án hình sự, v.v. Đặc biệt, trước đó, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đây là bước tiến mới trên lĩnh vực thể chế Quốc gia về quyền con người. Tại Chương II về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã quy định đầy đủ, tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc mà Việt Nam tham gia. Theo đó, Ba nguyên tắc về quyền con người, là: 1. Tất cả các quyền con người được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (Điều 14.1); 2. “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14.2); 3. “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật,…” (Điều 31) đã được hiến định rõ ràng. Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như thế, Nhà nước Việt Nam đã rất tích cực và đạt được kết quả quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Không chỉ vậy, Hiến pháp năm 2013, quy định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vừa là một tổ chức “gắn bó mật thiết với nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân” và “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, không có chuyện Đảng Cộng sản Việt Nam, các đảng viên của Đảng “độc quyền”, “đứng trên pháp luật” như một số “người” nhắm mắt cố nói và viết trên mạng. 
Thứ hai, về đảm bảo các điều kiện kinh tế - xã hội của người dân. Có một thực tế rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, tổ chức của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực; an sinh xã hội được bảo đảm và tăng cường, tạo cơ sở vững chắc để quyền con người được đảm bảo ngày một tốt hơn. Đến năm 2015, Việt Nam đã hoàn tất các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn, với 43 triệu người dân đã thoát khỏi nghèo đói; tính theo chuẩn mới đến năm 2017, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 7%. Việt Nam đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và mầm non năm 2017. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh. Chất lượng hệ thống dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao. Đây là sự cố gắng lớn của Nhà nước Việt Nam, trong điều kiện đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài do các thế lực thực dân, đế quốc gây ra. Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bầu không khí chính trị, xã hội, diện mạo kinh tế, quan hệ đối ngoại của đất nước đã có những bước tiến mạnh mẽ, vững chắc. Điển hình là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021), cả nước có tới 67.485.482 cử tri đi bầu, đạt 99,35%. Đồng thời, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 20017, ổn định, tăng trưởng GDP đạt 6,7%; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên Họp báo thường kỳ tháng 8-2018, tăng trưởng GDP năm 2018 có khả năng hơn 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3% - 5%; nợ công giảm, lạm phát dưới 4%; năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế cả về số lượng và chất lượng đều được nâng lên mạnh mẽ; đời sống của nhân dân được nâng lên, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng cao.
Thứ ba, về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Đến năm 2017, Việt Nam có 982 cơ quan báo, tạp chí được Nhà nước cấp phép hoạt động[2], đã thông tin kịp thời, phản ánh hơi thở đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân. Mọi người dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp, phản hồi thông tin, bày tỏ ý kiến về tình hình đất nước và thế giới, tham gia góp ý, xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí, v.v. Theo Tổ chức Nghiên cứu về mạng xã hội quốc tế “Next Web”, hiện nay, Việt Nam nằm trong “Top 10” quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới, với 64 triệu người, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu; đồng thời, có tới 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Đó là con số biết nói, chứng minh rằng, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của các tổ chức, cá nhân trong xã hội được đảm bảo ngày càng tốt hơn.
Thứ tư, để bảo đảm quyền bình đẳng, sự phát triển công bằng cho các nhóm xã hội yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, Nhà nước Việt Nam đã có các hình thức, như: tổ chức tín dụng phục vụ người nghèo, “Ngân hàng Chính sách xã hội”,… giúp người nghèo vay vốn trực tiếp hoặc vay ủy thác qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh), v.v. Ngoài ra, Nhà nước Việt NAM đã đề ra Chương trình 135 về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng địa phương thiết yếu, như: điện, trường học, trạm y tế, nước sạch để nâng cao đời sống, sinh hoạt cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, có gần 2.300 xã được đầu tư; riêng hai năm (2014 - 2015), Chương trình đã giành số vốn từ ngân sách nhà nước lên đến 7.790 tỷ đồng, v.v.
Có thể khẳng định rằng, so với thời điểm báo cáo lần hai (năm 2014), việc bảo đảm quyền con người của Việt Nam trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều thành tựu và có bước phát triển mới. Đó là sự thật không ai có thể phủ nhận./.

20-9-2018
Minh Quân


[1] - Báo cáo Quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam thực hiện theo Nghị quyết 5/1 ngày 18-06-2007 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
[2] - Số lượng báo in là 193 (trung ương: 86, địa phương: 107); 639 tạp chí (trung ương: 525, địa phương: 114); báo điện tử là 150.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét