Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Nhận diện đúng để loại trừ quan điểm thù địch, sai trái, bảo đảm Luật An ninh mạng được thực thi hiệu quả



                                                   
LANM được Quốc hội Nước CHXHCN VN khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 ngày 12-6-2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2019. Đây là một bảo đảm quan trọng trong thực thi quyền con người của VN.
Như đã biết, sau khi thực hiện nhiều hoạt động nhằm gây sức ép, nhưng vẫn không ngăn được việc Quốc hội thông qua LANM, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân có ý đồ đen tối tiếp tục các hành vi chống phá, nhất là khi Chính phủ công bố lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thi hành LANM. Các đối tượng trên càng hoạt động ráo riết hơn với rất nhiều thủ đoạn, hòng tạo làn sóng phản đối, cản trở việc thực thi và đòi xóa bỏ Luật này. Chúng phát tán trên mạng xã hội, cho rằng: LANM “đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư” và “tạo nên gánh nặng lớn về kinh tế cho doanh nghiệp”, “LANM vi phạm tư do ngôn luận, báo chí, internet”; “Luật An ninh vi phạm quyền con người”. Nhiều hãng thông tấn, báo chí phương Tây và nhiều trang web có máy chủ đặt ở ở nước ngoài cố tình xuyên tạc, cản trở việc thực thi LANM của VN. Điển hình là Tọa đàm trên BBC Tiếng Việt (online) có đối tượng, cho rằng Luật An ninh mạng “xâm phạm 3 quyền của người dân”, đó là: quyền riêng tư, quyền tự do ngôn luận và quyền sử dụng internet. Ở Hoa Kỳ, 17 nghị sĩ cực đoan đã viết thư cho Google và Facebook đề nghị nên rời bỏ VN, Hội đồng Châu Âu trong một nghị quyết về VN cũng có những phản ứng tiêu cực về LANM, v.v. Có thể nói, chưa bao giờ các thế lực thù địch lại có kế hoạch bài bản, chi tiết, nhằm xuyên tạc, loại bỏ bộ luật nào như đối với LANM.
Thực tiễn minh chứng, từ khi Nhà nước VN dân chủ cộng hòa (nay là CHXHCN VN) ra đời, quyền con người, quyền và lợi ích của công dân đã được bảo đảm cả về mặt pháp lý và trên thực tế. Các quyền đó đã được ghi nhận, bảo đảm nhất quán, xuyên suốt trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Hiến pháp 2013 đã giành một chương (Chương II) để quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã quy định đầy đủ, tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc mà VN tham gia. Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, từ năm 2014 đến nay, Quốc hội nước ta đã sửa đổi, ban hành nhiều luật, bộ luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức nói chung và đảm bảo quyền con người nói riêng[1]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN, sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực, an sinh xã hội được bảo đảm và ngày càng được nâng lên. Đây chính là cơ sở quan trọng để quyền con người, nhất là những quyền cơ bản được đảm bảo trên thực tế ngày một tốt hơn. Ở VN, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân chỉ hạn chế các hành vi gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế, ngày 01-12-1997, VN đã hòa mạng internet toàn cầu; hiện nay, VN là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet và các mạng xã hội đứng đầu khu vực. Ở nước ta nền tảng kỹ thuật - thông tin dựa trên internet, mạng xã hội, các website, nhất là: Facebook, Messenger, Zalo, YouTube,… và các mạng lưu trữ, tra cứu, trao đổi thông tin, như: Yahoo.com; Google.com,… được bảo đảm đầy đủ, đồng bộ. Điều này không chỉ phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn bảo đảm cho người dân được hưởng thụ đầy đủ hơn các quyền con người, quyền công dân; trong đó, có quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do sử dụng internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, sự ra đời internet, mạng xã hội đã đặt ra những thách thức mới đối với nhân loại; đó là, phải đối diện với một hệ thống thông tin phức tạp, như: tình trạng thông tin khó kiểm chứng, thông tin sai sự thật, thông tin độc hại về đạo đức, lối sống, xâm hại về tinh thần đối với con người, v.v. Về phương diện chính trị, đối với các nhà nước, internet, mạng xã hội là vũ khí lợi hại mà các thế lực thù địch sử dụng trong chiến lược chống phá, lật đổ chế độ, xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích của công dân. Ở VN, chúng đã và đang tận dụng internet, mạng xã hội làm phương tiện chủ yếu trong việc tuyên truyền, chống phá chế độ xã hội, Nhà nước ta. Chúng đã sử dụng hacker (tin tặc) tấn công mạng, gây ra những tổn hại về kinh tế, xã hội; điển hình là vụ tin tặc tấn công hàng loạt website sân bay trong nước (tháng 3-2017), khiến cho nhiều chuyến bay bị gián đoạn, hủy bỏ, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Đối với quyền con người, quyền và lợi ích công dân, internet, mạng xã hội là một công cụ mà kẻ xấu có thể sử dụng để tán phát thông tin thất thiệt vì những mục tiêu xấu độc, đê hèn, như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khủng bố tinh thần, đe dọa đưa lên mạng những thông tin đời tư,… khiến cuộc sống nhiều gia đình bị xáo trộn, thậm chí đã có nhiều người phải tìm đến cái chết. Cách đây không lâu (ngày 10, 11-6-2018), các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã câu kết với nhau, lợi dụng internet, mạng xã hội kích động biểu tình, gây rối ở một số tỉnh khi Quốc hội thảo luận Luật Đặc khu, thông qua LANM là một ví dụ. Vì vậy, VN cần có LANM, nhằm xác lập cơ sở pháp lý, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, nhà nước, các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Cơ sở chính trị, pháp lý quốc tế của LANM là quyền dân tộc tự quyết, quyền này được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc 1945 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 (VN đã gia nhập 1982). Nhắc lại quyền dân tộc tự quyết để thấy LANM hoàn toàn tương thích với Luật quốc tế về quyền con người, không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia; là cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích quốc gia, trong thời đại kỹ thuật số. Đó là bảo vệ không gian điện tử và tài nguyên số của VN; đồng thời, cũng là cơ sở để bảo vệ, bảo đảm quyền con người.
LANM, gồm 7 chương, 43 điều. Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng là: 1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; 2. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN, sự quản lý thống nhất của Nhà nước,… 3. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng… bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng,… (Điều 4). Hoàn toàn không có chuyện LANM “xâm phạm quyền riêng tư, quyền tự do ngôn luận và quyền sử dụng internet”. Luật chỉ áp dụng các chế tài đối với việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau: 1. Chống Nhà nước; 2. Xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đó là: (1) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN VN; (2) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc,… (3) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội,… xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; (4) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc,… (5) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội,... (6) Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. (Điều 8).
Trong hệ thống pháp luật của VN hiện nay, LANM được thiết kế đồng bộ với Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật khác, như: Luật báo chí (2016); Luật Tiếp cận thông tin (2016) và Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng, v.v. Đối với quyền con người, LANM hoàn toàn phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người nói chung, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966) nói riêng.
Trên thế giới, hiện nay đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có: Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp,…) có quy định bắt buộc các doanh nghiệp mạng phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ nước mình. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi LANM có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải chuyển lưu trữ dữ liệu về VN là hoàn toàn khả thi. VN là một thị trường lớn của Google và Facebook, họ có quyền lựa chọn đi hoặc ở; cũng như VN có quyền lựa chọn những trang mạng khác. Tuy nhiên, đối với VN, việc bảo vệ, bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng luôn được đặt lên hàng đầu.
Xét về quyền con người, quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, LANM hoàn toàn không có bất cứ hạn chế, vi phạm nào đối với quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, nhóm xã hội và doanh nghiệp. Trái lại, Luật An ninh mang là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp người dân và doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng bị “ô nhiễm” thông tin như bảo đảm không khí, nước uống và thực phẩm sạch cho sức khỏe con người.
Như vậy, sự phản ứng tiêu cực về LANM của những người xấu là điều dễ hiểu. Bởi vì, với các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, chống chế độ, Nhà nước VN thì đây là hành động pháp lý, tước đi vũ khí quan trọng mà chúng có thể sử dụng để thực hiện mục tiêu chống phá, lật đổ chế độ, chuyển hóa chế độ sang con đường “dân chủ”, “nhân quyền” ngoại nhập. Việc ban hành và thực hiện nghiêm LANM là một trong những bảo đảm quan trọng và là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đây chính là vũ khí pháp lý để ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng, xâm hại, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, các quyền con người, quyền công dân. Do đó, cần phải tỉnh táo, nhận diện đúng, để loại trừ những quan điểm thù địch, sai trái, bảo đảm LANM được thực thi có hiệu quả.





[1] - Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016); Luật Báo chí (năm 2016); Luật Trợ giúp pháp lý (năm 2017), Luật Đặc xá (năm 2018), v.v

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét