Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Có tư tưởng HCM để học tập không?



Đậu Anh Liên
Đan Phượng, Hà Nội, 1/2019
Gia đình tôi định cư ở Canađa từ năm 1990 đến nay đã tròn 19 năm mới có dịp về đón Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 ở VN. Vì muốn dành thêm  thời gian thăm hỏi bà con quê nhà nên tôi về VN từ 1/1/2019.
Từ hôm ấy đến giờ, tôi đi lại khá nhiều nơi, nhìn thấy quê hương nhiều đổi thay mà lòng cũng mừng. Nhà tầng mọc lên san sát; đường làng bê tông sạch đẹp; còi xe máy réo inh ỏi; lại có ô tô nữa chứ. Tối 15/1/2019, tôi được tham dự một buổi sinh hoạt chi bộ xóm (thực ra tôi không phải là đảng viên, nhưng ông bí thư muốn tôi tham dự cho biết thực tế ở quê vì thấy tôi lâu lâu mới về đây với lại cũng già cả rồi).
Điều làm tôi hơi ngạc nhiên là trong nội dung họp có việc học tập tư tưởng HCM chuyên đề năm 2019. Tôi thấy bí thư chi bộ đọc rõ ràng tên chuyên đề 2019 là: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM”. Hóa ra, việc học tư tưởng HCM không chỉ đến tận xóm làng mà còn chuyên sâu đến mức theo chuyên đề mỗi năm. Khủng khiếp thật! Nói thực, ở nước ngoài như chúng tôi, nghe tin tức loáng thoáng thôi chứ không nghĩ việc học tập tư tưởng Bác Hồ sâu sắc đến mức như vậy.
Tôi đem câu chuyện này đi lân la dò hỏi thêm mấy cụ hưu trí, đoàn thanh niên và khá nhiều người dân; tôi mới biết ở VN triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng HCM có từ hơn chục năm nay. Một đoàn thanh niên của xóm kể cho tôi biết nào là chỉ thị 23 năm 2003, chỉ thị 06 năm 2006, chỉ thị 03 năm 2011 và chỉ thị 05 năm 2016.
Lâu nay, chúng tôi ở Canađa ít nhiều có biết việc học tập tư tưởng HCM, nhưng tôi không nghĩ là việc này ở VN lại ăn sâu đến tận người dân thôn xóm như vậy. Trong khi đó, một số người cứ cố tình nói là “HCM có tư tưởng đâu mà học”. Thậm chí, trên mạng internet, có người còn cho rằng: “Tư tưởng HCM là do các ông bà ở hội đồng lý luận trung ương và học viện chính trị quốc gia HCM soạn ra với mục đích thay thế chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị nhân loại vất vào thùng rác”; “cáo gọi là tư tưởng HCM phục vụ công tác tuyên truyền bịp bợm”; “tư tưởng HCM là dòng tư tưởng cờ gian bạc lận, điếm đàng thâu đêm suốt sáng”… 
Tư tưởng HCM có gì mà khủng khiếp vậy? Mấy nước nên Tây có học tư tưởng này đâu mà vẫn giàu có đó sao? Đấy là tôi nghĩ thầm, chứ không dám nói thành lời với ai cả! Vậy nên tôi mới đi tìm hiểu trong dân, xem xem thế nào! Họ kể về chuyện học tư tưởng HCM theo hai ý kiến:
(1) Một số người cho rằng việc học này còn hình thức, nhiều lúc tốn kém phô tô tài liệu. Nhưng họ cũng bày tỏ bức xúc về một số cán bộ, miệng thì hô hào học tập Bác Hồ, ra vẻ liêm khiết, hết lòng vì dân vì nước, mà thực tế thì ngược lại. Dân cần cán bộ gương mẫu để noi theo, chứ công việc nhà nông bận rộn, có thời gian đâu mà nghiên cứu tài liệu này, chuyên đề nọ.
(2) Nhiều người lại rất phấn khởi khi đánh giá tác dụng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM. Theo họ, nhờ việc học này mà xã hội tốt lên; cán bộ đỡ hư hỏng hơn, tham nhũng ít dần, đối xử với dân đỡ hách dịch hơn.
Qua tìm hiểu, đọc một số bài viết của HCM và bài của người nước ngoài viết về HCM, xem nhiều thước phim, tranh ảnh về cuộc đời hoạt động, tôi thấm thía, cảm nhận được nhiều điều thú vị mà trước đó tôi không ngờ như vậy. Tôi xin nêu ra mấy ý ở HCM mà tôi học tập, ví dụ như:
- Từ thuở bé đến khi qua đời, HCM là người siêng năng lao động, chăm chỉ học tập; tự lực cánh sinh, vượt qua gian khó; làm được từ những việc rất nhỏ như rửa bát thuê, bồi bàn, chụp ảnh đến làm chủ tịch nước, trở thành người có trí tuệ thông tường. Điều này, không kể già trẻ gái trai, người VN hay người nước ngoài đều cần học tập.
-  Suốt cả cuộc đời, HCM làm việc tận tụy, cần mẫn cũng chỉ vì độc lập cho dân tộc VN (đánh đuổi giặc Pháp và giặc Mỹ); không danh lợi, không giành của riêng; sống giản dị, chất phác, thường quan tâm, yêu quý mọi người; miệng nói tay làm. Ví dụ, HCM xắn quần cùng với nhân dân tát nước vào ruộng, cùng cấy lúa, kéo lưới… Trong khi nhiều người hiện nay cứ lo cho bản thân mình, cứ đục khoét của công, sống xa hoa lãng phí, khinh người… Thế thì phải học Bác Hồ chứ còn gì nữa?!
- HCM thường lên án những cán bộ, đảng viên hư hỏng sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hủ  hóa, đố kỵ, ba hoa, lười lao động, thích thể hiện; những cán bộ hạch dịch, cửa quyền, ăn đút lót, vòi vĩnh của dân; chạy chọt để làm cán bộ, nịnh nọt để được cái này cái kia… Vậy thì cần học tư tưởng HCM lắm chứ!
- HCM thường khuyên con người sống với nhau có tình có nghĩa, rèn luyện phẩm chất đạo đức, coi trọng người tài (ví dụ Bác mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm Bộ trưởng Bộ nội vụ, quyền chủ tịch nước mặc dù cụ Huỳnh từ chối hai lần; mời giáo sư Trần Đại nghĩa bỏ cuộc sống giàu có ở Pháp về giúp cho đất nước VN)… Tôi nghĩ, những điều như vậy, không chỉ có người VN mà có lẽ người nước khác cũng cần phải học tập Bác Hồ.
Từ câu chuyện học tập tư tưởng HCM, tôi cũng muốn nhắn nhủ những ai đang chưa có hiểu biết về điều gì đó thì không nên phủ định, chê bai, bác bỏ. Muốn kết luận về điều gì đó, hãy tìm hiểu kỹ bản chất, đặt vào điều kiện thực tế có cần đến đâu rồi mới bàn phán. Một người có nhiều điểm tốt như ông HCM mà chúng ta không tìm học được gì ở đó, chắc chắn là chúng ta không phải người tử tế và nếu có là người tử tế thì động cơ là không trong sáng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét