Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Vì sao chính quyền CS cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng?


Còn mấy ngày nữa là tới Tết Kỷ Hợi 2019 rồi, nhưng câu chuyện chính quyền cưỡng chế công trình dân xây dựng ở vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM vẫn chưa êm xuôi để cho nhân dân đón tết được vui vẻ.
Tình hình thực sự nóng lên từ khi chính quyền CS cưỡng chế tháo dỡ 112 công trình của dân xây dựng ở đây. Từ đó, bùng ra những luồng thông tin khác nhau. Chính quyền có lý của chính quyền, còn người dân có lý lẽ riêng của mình. Báo chí của đảng CS phân tích, cho rằng đó là chủ trương đúng đắn nhằm thu hồi lại đất công bị dân xây dựng trái phép. Còn một số bài viết của một số tờ báo khác đăng trên mạng xã hội thì cho đó là chính quyền đàn áp nhân dân, họi coi đây là “một cuộc chiến không cân sức”, “chính quyền tiền trảm hậu tấu”, “dân đi kêu oan mà không được tiếp”, “người bị cưỡng chế Tết nay về đâu”…
Nói tóm lại, có hai kiểu thông tin: một bên đứng về phía chính quyền CS coi việc cưỡng chế là đúng pháp luật; một bên đứng về phía người dân, cho rằng nhân dân bị đàn áp. Do đó, nhiều người rất muốn biết rõ đầu đuôi sự việc, ai đúng, ai sai.
Tôi là một người thổ cư, từng sống ở đây từ lâu, nay đã gần 80 tuổi, được chứng kiến khá nhiều sự kiện, xin bày tỏ một số thông tin với bạn đọc như sau:
1) Khu đất vường rau Lộc Hưng hiện nay có diện tích 4,8 ha. Trước ngày 30/4/1975, khu đất này do Nha Viễn thông của chế độ Việt Nam cộng hòa quản lý, sử dụng làm các đài ăngten. Sau năm 1975, nhà nước của đảng CS Việt Nam quản lý, giao cho Trung tâm Viễn thông III tiếp quản và sử dụng làm đài phát tín. Từ năm 1991, khu đất được giao cho Bưu điện TP.Hồ Chí Minh. Đến ngày 25/4/2008, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất này, giao cho chính quyền quận Tân Bình để thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng, phục vụ chương trình tái định cư của thành phố và quận.
Theo đó, chính quyền thành phố và quận Tân Bình điều chỉnh quy hoạch khu đất với chức năng giáo dục, công viên cây xanh và công trình công cộng. Cụ thể, có Trường mầm non Sơn Ca (diện tích 6.300m2, quy mô 20 phòng học, 1 trệt, 3 lầu, 700 học sinh); Trường tiểu học Hùng Vương (diện tích 9.400m2, quy mô 30 phòng học, hơn 1.000 học sinh); Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (12.200m2, 45 phòng học, trên 2.000 học sinh). Ngoài ra, còn dự án xây dựng hạ tầng giao thông khu vực cụm trường học đạt chuẩn quốc gia (đường và công viên cây xanh), tổng mức đầu tư 117,096 tỷ đồng.
2) Từ cách đây mấy chục năm, tôi thấy việc trồng rau của người dân chủ yếu là tự phát. Họ tận dụng đất trống xen kẽ giữa các cột angten, lúc đầu thì hẹp, dần dần khai mở rộng thêm, khoanh lại thành ô riêng của cá nhân. Cũng có người vì lý do nào đó mà chuyển nhượng cho người khác cach tác với thủ tục viết giấy mà không có xác nhận của chính quyền.
Họ canh tác liên tục cho đến nay và hình như có đóng thuế nông nghiệp cho nhà nước. Gần đây, người ta xây dựng lên những hạng mục, trong đó có phòng cho thuê trọ, hàng quán xá, xưởng sản xuất,.. có tính tạm bợ hơn là kiên cố. Cũng có một số hộ gia đình chuyển đến đây ở. Mặc dù chính quyền địa phương có ngăn cấm xây dựng ấy, nhưng dân vẫn lén lút chở vật liệu, xây dựng từng phần, rồi đến hoàn thiện công trình.
Tôi nhớ, trước đây có mấy lần người dân trình đơn xin công nhận quyền sử dụng đất nhưng chính quyền không chấp thuận. Trong khi người dân vẫn cho rằng nhà nước có thể xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp sử dụng đất liên tục, ổn định từ trước ngày 15-10-1993 mà không bị tranh chấp, khiếu nại, phù hợp quy hoạch.
3) Tôi nhẩm ở phường 6 của quận có 124 hộ sử dụng 134 thửa đất với diện tích 4,8ha ở vườn rau Lộc Hưng. Các hộ này đều có nhà ở nơi khác. Khi chính quyền quận cưỡng chế, người thuê nhà ở khu đất đó đã đi thuê chỗ khác.
Tôi thấy quận đã 2 lần cưỡng chế (ngày 4/1/2019 và 8/1/2019), chưa thấy người dân tái lấn chiếm và quận cũng cử lực lượng túc trực, đảm bảo không xảy ra việc này. Thực ra không phải gần tết quận mới có chủ trương này. Mà là từ năm 2017 đã có kế hoạch cưỡng chế và có một số thông báo gủi cho người dân.
Cái lỗi của chính quyền là từ khi dân mới bắt đầu xây dựng, tại sao không giải quyết cho cứng rắn mà cứ để người ta xây dựng, sử dụng lâu năm, nay lại cưỡng chế phá sạch. Tôi có vài lần chứng kiến: khi quận xử lý thì có hộ dân chống đối quyết liệt. Họ dùng nước tiểu, phân bẩn, ném đá, bắt nhốt cả cán bộ. Nhưng tôi không đồng ý với cách giải thích của ông Châu Văn La chủ tịch phường 6 nói rằng: địa phương ngăn cấm nhưng người dân luôn tìm cách vượt rào xây dựng bất kể lúc nào; quy định cấm xe tải hay các phương tiện chuyên chở vật liệu vào thì họ lấy xe máy chở từng bao cát, viên gạch và ngụy trang che đậy để tránh bị phát hiện; lực lượng chức năng có túc trực xử lý nhưng không đảm bảo đủ quân số, thời gian.
4) Hiện nay chính quyền đang làm thủ tục đền bù với giá 7 triệu đồng/m. Nghe nói đã có khoảng 50 hộ dân tới quận nhận thông báo việc hỗ trợ. Nhưng thông tin mà tôi nhận được qua việc tôi đi tập thể dục, là có một số hộ gia đình không chập nhận đền bù, đang tập hợp đơn từ khiếu kiện. Cũng có người nói, mấy hộ không chấp thuận chủ trương của chính quyền lại đang có trách móc, hù dọa những ai chấp thuận chính quyền.
Bà xã tôi tôi nghe tin ở đâu mà biết là dự kiến 7 - 10 ngày tới, quận sẽ chi tiền đợt đầu cho những hồ sơ kê khai một chủ, chưa có chuyển nhượng. Đối với nhóm mua bán giấy viết tay, quận Tân Bình sẽ thành lập hội đồng, đối chiếu với các thời kỳ kê khai để tính toán thêm. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở và đủ điều kiện theo quy định, UBND phường, quận sẽ rà soát và đối chiếu các quy định về tiêu chuẩn mua nhà xã hội, từ đó sẽ báo cáo đề xuất UBND TP xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.
5) Khách quan mà nói, thì cả chính quyền và người dân ít nhiều đều có lỗi. Lỗi để phát sinh đến nay bắt đầu từ chính quyền không kiên quyết, không rõ ràng, dứt điểm để cho dân biết. Mãi đến nay khi dân đã đầu tư xây dựng, canh tác, thậm chí là định cư thì lại cưỡng chế. Trong khi đền bù giá cũng rẻ. Với lại ngày rộng tháng dài sao không giải tỏa để cho dân có thời gian thoải mái mà sắp xếp lại nơi ăn chốn ở, sao lại chọn vào mày ngày gần tết như này. Các ông cán bộ CS đừng nghĩ mình có quyền mà muốn xử lý với dân như thế nào cũng được.
Lỗi của người dân là tùy tiện, không phải đất nhà mình mà tại sao lại vơ vào. Chính quyền đã không cho xây dựng sao còn cố tình lén lút mà xây. Không phải đất của mình thì tại sao cứ cố đòi cố giữ. Đất nhà nước thì nhà nước lấy, mình phải chấp hành chứ. Bây giờ có nên thì xem xem việc bồi thường kinh phí có thấp so với tiền của dân bỏ ra xây dựng hay không, chứ không nên đơn từ khiếu kiện cho phiền phức. Các hộ gia đình phải nhớ một điều: Nhiều lúc dân đúng mà thấp bé nhẹ cân cũng khó khiếu kiện, huống chi dùng sử dụng đất đai của nhà nước khi pháp luật chưa cho phép. Chính quyền CS không để cho dân tùy tiện làm điều mình thích đâu nhé!

Huỳnh Văn Tư,
Quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét