Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Cần chủ động, tích cực, gắn "xây" với "chống"

QĐND - “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền thành tựu đảm bảo quyền con người trên báo chí ở Việt Nam hiện nay”- là chủ đề của cuộc Hội thảo do Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Những ý kiến tham luận của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 20 cơ quan báo, đài Trung ương là những kinh nghiệm rất ý nghĩa để các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp triển khai tuyên truyền hiệu quả hơn về lĩnh vực quyền con người.
Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân phát biểu tại hội thảo.


Phát huy tốt vai trò của báo chí
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Ủy viên Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ khẳng định: Những năm qua, Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận về kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước chăm lo bảo vệ, thúc đẩy, tôn trọng. Cùng với sự phát triển của đất nước, báo chí Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc, làm tốt chức năng của mình, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao và đòi hỏi của dư luận xã hội. Báo chí, phát thanh, truyền hình có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin tuyên truyền thành tựu đảm bảo quyền con người ở Việt Nam hiện nay, đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và tích cực tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam. Điển hình như các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam... đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác truyền thông về quyền con người.
Thời gian qua, Báo Nhân Dân không chỉ chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên trong nước, mà còn phát triển đội ngũ cộng tác viên là người Việt đang định cư ở nước ngoài. Những bài viết, ý kiến của đội ngũ cộng tác viên đã góp phần kịp thời phản ánh, thông tin trung thực về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Đài Truyền hình Việt Nam không chỉ tăng các chuyên mục, mà còn sử dụng nhiều ngôn ngữ nước ngoài để truyền tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các sự kiện quan trọng về quyền con người trên các kênh truyền hình. “Khi thông tin đến được đông đảo với khán giả, nhất là khán giả nước ngoài sẽ giúp họ hiểu và có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam”- ông Bạch Ngọc Chiến, Trưởng ban Truyền hình Đối ngoại Đài Truyền hình Việt Nam, chia sẻ.
Để giúp người dân có nhận thức đúng đắn về quyền con người, đề cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh chống diễn biến hòa bình, Báo Quân đội nhân dân đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sâu đậm về các vấn đề thuộc lĩnh vực quyền con người. Thời gian qua, Báo Quân đội nhân dân mở nhiều vệt đợt tuyên truyền việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có nhiều nội dung về quyền con người, quyền công dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, góp phần kịp thời định hướng dư luận trước những ý kiến sai lệch về dân chủ, nhân quyền cũng như thông tin xuyên tạc, phản ánh sai thực tế về tình hình nhân quyền Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân đã phát huy tốt vai trò của đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng tác nghiệp cho đội ngũ cán bộ, phóng viên của mình về lĩnh vực này.
 Chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trên báo chí. Nhận thức chung của người dân về quyền con người còn nhiều hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền về thành tựu đảm bảo quyền con người chưa thường xuyên, liên tục và thiếu toàn diện. Trong một số trường hợp, việc đấu tranh phản bác, vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá cách mạng của các thế lực thù địch còn bị động, một số bài viết trên báo, tạp chí chưa sâu sắc, thuyết phục. Hiểu biết, kỹ năng tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên viết về quyền con người còn một số mặt hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin, tuyên truyền...
Để khắc phục tình trạng này, ông Phạm Văn Ba, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ cho rằng: Dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo… phản ánh ý thức hệ, tư tưởng của con người về đời sống xã hội và được xem là những vấn đề quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, vì thế cần được phản ánh, tuyên truyền một cách chuyên nghiệp. Phóng viên phải có hiểu biết sâu sắc, nắm thật chắc bản chất sự việc, sự kiện, có kiến thức pháp lý chuyên sâu thì mới phản biện, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái một cách thuyết phục.
Nhà báo Nguyễn Hòa (Báo Nhân Dân) bày tỏ, muốn tuyên truyền về quyền con người hiệu quả và không để kẻ xấu lợi dụng, thì khi có những vấn đề nhạy cảm nảy sinh, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin chính xác, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tiếp cận, cập nhật thông tin. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên ngành, với đội ngũ chuyên gia đông đảo cũng cần tích cực vào cuộc để kịp thời phân tích, mổ xẻ vấn đề, giúp người đọc, người xem có cái nhìn đúng đắn về các sự kiện, sự việc.
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng, ở nước ta, vấn đề chăm lo thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã, đang và sẽ được Đảng, Nhà nước xác định là trung tâm trong các chính sách kinh tế-xã hội, coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế, công tác truyền thông về quyền con người cần được quan tâm hơn nữa và cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, trên nhiều kênh, với nhiều hình thức đa dạng, sinh động, phù hợp với các nhóm đối tượng nghề nghiệp, lứa tuổi... làm cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên... hiểu rõ quan điểm, chủ trương chính sách, hệ thống các văn bản pháp luật của Nhà nước về quyền con người và việc triển khai thực hiện các chủ trương đó trong thực tiễn. Trong tuyên truyền về quyền con người cần gắn “xây” với “chống” nhưng lấy “xây” làm chính. Để đạt được điều này, báo chí cần cổ vũ, khuyến khích và quảng bá rộng rãi những mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả về bảo đảm quyền con người, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân làm trái các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực này. Nếu việc bảo đảm quyền con người của chúng ta ngày càng tốt lên, tức là chúng ta đã vô hiệu hóa được những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Trung tướng Lê Phúc Nguyên kiến nghị, để nâng cao chất lượng công tác truyền thông về quyền con người, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban chỉ đạo Thông tin đối ngoại cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng một chiến lược truyền thông về quyền con người ở Việt Nam. Đồng thời, thành lập cơ quan chuyên trách truyền thông về quyền con người, kịp thời phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong hoạt động, cung cấp thông tin, hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài liệu, nhân chứng, các sự kiện trong nước và quốc tế.
Theo ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), truyền thông về quyền con người cần "xây bền vững" và "chống sắc bén". Để đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái có hiệu quả, các cơ quan báo chí cần nghiên cứu, lựa chọn những vấn đề trọng tâm; tuyên truyền phải có lập luận chặt chẽ, khoa học, thuyết phục, dựa trên luật pháp và các chuẩn mực quốc tế. Nhất thiết trong lĩnh vực này cần làm tốt cả thông tin đối nội và đối ngoại. 

 Bài và ảnh: LÊ DUY HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét