Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

'Việt Nam sẽ có tiếng nói trọng lượng về quyền con người'

"Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền sẽ là câu trả lời đích đáng đối với các thế lực lâu nay cố tình bôi nhọ, vu cáo chúng ta", Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng nói.
Bên lề Quốc hội chiều 13/11, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng trao đổi với VnExpress khi Việt Nam vừa trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
- Là người theo dõi vấn đề đối ngoại nhiều năm, ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền?
- Việt Nam lần đầu ứng cử vào Hội đồng này và được bầu với số phiếu cao nhất, điều này có nhiều ý nghĩa và là một thành công lớn trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người. Trước hết, nó chứng tỏ chúng ta đã hội nhập quốc tế rất sâu, rất rộng và thể hiện thành tựu to lớn trong vấn đề bảo vệ, đảm bảo quyền con người.
Trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi mà Quốc hội đang thảo luận, chuẩn bị thông qua thì chương về quyền con người được đặt vào vị trí hết sức quan trọng. Trước đây, chúng ta chỉ nêu ở phần sau, bây giờ chúng ta đặt hẳn một chương, đó là xu hướng của thế giới, bao giờ cũng đặt mục tiêu bảo đảm quyền con người là trên hết.
Thứ hai, trong các vấn đề quyền con người, phải nói rằng chúng ta rất quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù thời gian qua kinh tế hết sức khó khăn, thế nhưng đầu tư cho an sinh xã hội vẫn được đảm bảo cao.


Bên cạnh đó, trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo Việt Nam đã thực hiện thành công, được Liên Hợp quốc đánh giá cao. Công tác xóa đói giảm nghèo này cũng là một trong những yếu tố bảo đảm cho quyền con người được bình đẳng.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng. Ảnh: N.Hưng.
- Trước khi được bầu vào Hội đồng này thì một số quốc gia luôn đặt nhân quyền ở Việt Nam như một yêu cầu rất khắt khe trong quan hệ, hợp tác. Vậy với vị trí hiện tại, theo ông, vấn đề này sẽ thế nào?
- Khi chúng ta ứng cử, rất nhiều lực lượng tung lên mạng, rồi đưa lên các phỏng vấn tập trung vào các đối tượng phản động, tập trung kích động để giảm uy tín của Việt Nam. Thế nhưng, qua thực hiện đối thoại, đặc biệt với các đoàn quốc tế đến từ Mỹ, EU thì họ đều khẳng định rằng vấn đề này ở Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc. Chúng ta rất tích cực và mở rộng cửa sẵn sàng đối thoại chứ không e ngại. Và họ nhận thức được mong muốn, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người.
Việc chúng ta trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền và thế giới nhận thức được nhân quyền của Việt Nam sẽ tạo thuận lợi để tăng cường, đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật…. Bởi thông thường họ dựa vào vấn đề nhân quyền để cản trở gây khó khăn.
Tôi tin rằng những hạn chế đó sẽ dần dần bị loại bỏ. Đây là một điều kiện và thời cơ để chúng ta hợp tác tốt hơn với các nước trên thế giới.
- Trên một số trang mạng trong và ngoài nước luôn có những tiếng nói trái chiều về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Vậy còn bây giờ, những tiếng nói đó theo ông được nhìn nhận thế nào?
- Một ý nghĩa rất quan trọng của việc này đó là làm cho các thế lực phản động đang hoạt động ráo riết để tẩy chay, thậm chí dựng nên nhiều vụ vu cáo, xuyên tạc về vi phạm nhân quyền của chúng ta trở thành những tiếng nói đơn độc và không đúng sự thật.
Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền sẽ là câu trả lời đích đáng đối với các thế lực bấy lâu nay cố tình bôi nhọ, vu cáo chúng ta. 
Ông Hằng và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bên lề Quốc hội. Ảnh:N.Hưng.
- Trên bình diện quốc tế, vị thế của Việt Nam sẽ có gì khác so với trước?
- Chúng ta là một thành viên của Hội đồng nên sẽ có tiếng nói quan trọng để làm cho thế giới rõ hơn vấn đề quyền con người ở mỗi quốc gia được thể hiện thế nào. Hiện nay, nhận thức, hiểu biết về quyền con người chung chung của các thế lực rất khác nhau. Muốn hiểu biết được phải chứng minh bằng hành động, chứng minh bằng thực tế của đất nước.
Trước đây chúng ta không phải là thành viên, nên họ nói thậm chí họ ra các nghị quyết trong khi chúng ta không được tham gia. Còn giờ Việt Nam có quyền phát biểu, chứng minh bằng hành động, chứng minh bằng điều kiện thực tế cụ thể để cho họ nhận thức và thấy rõ quyền con người ở nước ta. Chúng ta sẽ có tiếng nói trọng lượng hơn về quyền con người.
- Vậy sắp tới, Việt Nam cần làm gì để hoàn thiện và bảo đảm tốt hơn việc thực thi quyền con người?
- Một trong những vấn đề cốt yếu là sắp tới khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi thì phải ban hành nhiều luật để cụ thể hóa quyền con người. Theo đó, trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2014 sẽ thông qua một loạt luật để cụ thể hóa Hiến pháp. Từ đó các bộ ngành phải phấn đấu để cụ thể hóa chủ trương, chính sách bảo đảm quyền con người của chúng ta ngày một tốt hơn và phát triển hơn.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: "Việc Việt Nam trúng cử là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế. Thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, nó thể hiện thế và lực của đất nước đang ngày một vững chắc hơn, là sự tiếp nối của những thành công của Việt Nam trong ASEAN, APEC, ASEM, của việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015 và hội nghị cấp cao APEC năm 2017"


Nguyễn Hưng thực hiện

1 nhận xét:

  1. Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là hoàn toàn xứng đáng và là cái tát mạnh vào các thế lực thù địch vẫn luôn bôi nhọ, xuyên tạc các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
    Đặc biệt nhờ đó Việt Nam sẽ có quyền phát biểu, chứng minh bằng hành động, chứng minh bằng điều kiện thực tế cụ thể để cho họ nhận thức và thấy rõ quyền con người ở nước ta. Chúng ta sẽ có tiếng nói trọng lượng hơn về quyền con người.

    Trả lờiXóa