Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Truyền thông về nhân quyền: Cần có những đổi mới

QĐND - Công tác truyền thông về quyền con người ở Việt Nam thời gian qua rất được coi trọng, nhưng hiệu quả còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh: “Cần đổi mới cách làm truyền thông về nhân quyền ở Việt Nam, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Phóng viên (PV): Thưa ông, vấn đề nhân quyền hiện nay được coi là một trong các giá trị mang tính phổ quát được cộng đồng quốc tế coi trọng. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và thành tựu trong lĩnh vực này, nhưng dường như công tác truyền thông còn chưa hiệu quả, để đông đảo người dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ?
Ông Lê Văn Nghiêm: Đúng là trong những năm gần đây, quyền con người là lĩnh vực được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm và coi trọng. Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng rất coi trọng vấn đề quyền con người.
Quyền con người đã được quy định trong các văn bản quan trọng của luật quốc tế, gồm Tuyên ngôn về Nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966). Việt Nam đã phê chuẩn hai công ước quan trọng này vào năm 1982. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phê chuẩn 3 công ước quan trọng khác, tổng cộng đã phê chuẩn 5 trong số 14 công ước quốc tế về quyền con người. Theo kế hoạch, năm nay Việt Nam sẽ phê chuẩn công ước thứ 6, đó là Công ước về chống tra tấn, năm 2014 sẽ phê chuẩn công ước thứ 7 về quyền người khuyết tật.
Việt Nam cũng có cam kết quốc tế về quyền con người khi tham gia các điều ước quốc tế như Hiệp định Hợp tác thương mại Việt Mỹ (BTA), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP (đang trong quá trình đàm phán)…
Sau khi phê chuẩn các công ước quốc tế về nhân quyền, cũng như các nước khác, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các cam kết như: Xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện cam kết, trong đó nhiệm vụ quan trọng là phải rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các công ước quốc tế đã phê chuẩn.
Rõ ràng, chúng ta đã và đang tham gia vào một “sân chơi” lớn, đã tham gia thì chúng ta phải nghiêm chỉnh tuân thủ điều luật. Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người là một quá trình lâu dài, cần nhiều nỗ lực to lớn và bền bỉ của chính quyền các cấp trong mỗi quốc gia. Nước nào cũng có những hạn chế, thiếu sót trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Vì vậy, mục tiêu đặt ra đối với các nước là nỗ lực cải thiện tình hình nhân quyền, chứ chưa có nước nào được coi là hoàn thành mọi cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người.
Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu bầu cao nhất (184/192) trong số 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, có ý nghĩa rất quan trọng. Kết quả này có thể hiểu là cộng đồng quốc tế ghi nhận Việt Nam đã có những nỗ lực tích cực và đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.
Và thực tế là Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực này. Nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã ghi nhận những thành tựu nổi bật của Việt Nam, nhất là tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ như: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ; phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác…
Kết quả nói trên cũng có thể được hiểu là cộng đồng quốc tế tin tưởng và mong đợi Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình, đóng góp nhiều hơn vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc.
Kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua còn có thể được hiểu là nhiều thông tin trên nhiều hãng truyền thông nước ngoài về tình hình nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua là chưa khách quan, chưa công bằng và chưa chuẩn xác. Mặt khác, nó cũng cho thấy công tác truyền thông của chúng ta về vấn đề quyền con người còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
PV: Vậy chúng ta cần có những biện pháp cụ thể gì để đổi mới công tác truyền thông về vấn đề nhân quyền, thưa ông?
Ông Lê Văn Nghiêm: Công tác truyền thông của chúng ta về lĩnh vực quyền con người thời gian qua rất được chú trọng, nhưng chưa toàn diện và bài bản và chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Trước hết, cần coi công tác truyền thông về quyền con người là việc làm thường xuyên, liên tục, chứ không phải làm theo chiến dịch.
Thứ hai, vấn đề quyền con người có mặt trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, do đó nhà báo nào cũng cần có ý thức về vấn đề này và tham gia viết về chủ đề này, chứ không phải mỗi tòa soạn phân công một hai người chuyên viết về chủ đề này.
Thứ ba, thể loại cần phong phú, đa dạng chứ không nên chỉ tập trung vào một vài thể loại như bình luận và bút chiến.
Thứ tư, cần chủ động, tích cực thực hiện công tác truyền thông một cách bài bản, tránh tình trạng lúng túng, bị động phản ứng khi có các báo cáo, nhận định chỉ trích Việt Nam.
Thứ năm, nội dung cần được mở rộng, có thể tập trung vào những chủ đề quan trọng như: Phổ biến, giới thiệu, giải thích các văn bản luật quốc tế và các văn bản luật Việt Nam về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của công chúng; giới thiệu những kinh nghiệm hay của các nước trên thế giới trong quá trình thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người; thông tin, phản ánh các cam kết quốc tế và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, các khuyến nghị của các nước mà Việt Nam đã chấp nhận; phản ánh, giới thiệu những nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, nghĩa vụ quốc tế và các khuyến nghị về quyền con người; giới thiệu hoạt động của báo chí Việt Nam giám sát việc thực thi và bảo đảm quyền con người, phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, những trường hợp oan sai, để các cơ quan chức năng giải quyết; giới thiệu về kết quả thực hiện các quyền con người ở Việt Nam (việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị; quyền của người dân tộc thiểu số, quyền của trẻ em, người tàn tật, người cao tuổi, phụ nữ); đấu tranh phản bác các thông tin thiếu khách quan, sai sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
PV: Theo ông, chúng ta cần làm gì để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các thông tin, nhận định thiếu khách quan, sai sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam?
Ông Lê Văn Nghiêm: Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã tích cực tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả của công tác này, chúng ta cần có lập luận chặt chẽ, lý lẽ thuyết phục, dựa trên luật quốc tế, pháp luật Việt Nam và thực tế ở Việt Nam.
Bài viết cần hướng tới đối tượng cụ thể. Đối với những người do chưa hiểu tình hình ở Việt Nam mà có nhận định không đúng, thì chúng ta giải thích rõ ràng đầy đủ, "nói có sách mách có chứng".
Đối với những người do khác biệt về quan điểm chính trị mà có nhận định không đúng, thì tranh luận lại một cách có lý có tình, trên tinh thần đối thoại thẳng thắn, chân thành, để họ hiểu thực tế là nhân quyền vừa là giá trị phổ quát nhưng cũng mang tính đặc thù về hoàn cảnh lịch sử, về trình độ phát triển và điều kiện cụ thể của mỗi nước.
Đối với những người thiếu thiện chí, cố tình xuyên tạc tình hình để bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, thì chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, vạch trần âm mưu và thủ đoạn xấu xa đó.
Việc làm tốt công tác truyền thông về lĩnh vực quyền con người, thì người làm truyền thông cũng cần được bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức về vấn đề quyền con người và được tập huấn nghiệp vụ truyền thông về quyền con người.
PV: Xin cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét