Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Loạn "giải thưởng nhân quyền" !

Mấy ngày qua, một số cơ quan truyền thông và diễn đàn trên internet làm rùm beng về cái gọi là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" trao "giải thưởng" cho ba người Việt Nam hiện đang chịu án tù vì có hành vi vi phạm pháp luật! Qua cách đưa tin và ca ngợi những người này, cho thấy ý đồ và toan tính chống phá Việt Nam của những tổ chức đã bày đặt ra "giải thưởng". 
Chưa bao giờ các loại "giải thưởng nhân quyền" mà một số tổ chức nước ngoài trao cho một số cá nhân là người Việt Nam lại nhiều như mấy năm gần đây. Tính sơ sơ đã có gần chục loại "giải thưởng" được trao cho các đối tượng vốn có "thâm niên" trong hoạt động chống đối Ðảng và Nhà nước Việt Nam, như: "giải thưởng Hellman/Hammet" của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), "giải thưởng Stephanus" của Hiệp hội quốc tế nhân quyền tại Ðức; "giải thưởng quốc tế Gruber" của Nghiệp đoàn luật sư quốc tế, rồi "giải nhân quyền Gwangju"... Bên cạnh đó, một số giải thưởng và danh hiệu như "Công dân mạng" của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), "Phụ nữ tiêu biểu về bảo vệ quyền tự do ngôn luận" của tổ chức Tự do ngôn luận quốc tế (IFEX) có trụ sở tại Canada, giải "Phụ nữ can đảm nhất thế giới" của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ,... và gần đây, ngày 11-10, tại Westminter, California - Hoa Kỳ, cái gọi là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" công bố trao giải thưởng "nhân quyền Việt Nam năm 2013" cho Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Lê Quốc Quân. Ðây là các giải thưởng mà nếu không có sự tâng bốc của "Việt Tân", "đảng Dân chủ Việt Nam",... cùng mấy cơ quan truyền thông như VOA, BBC, RFA, RFI,... và một số blog của một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí thì hầu như không ai biết tới.
Ðiểm qua vài gương mặt được nhận các "giải thưởng nhân quyền" là đủ thấy tiêu chí của các giải thưởng này rất cụ thể là: càng chống đối chính quyền thì càng nhận được nhiều giải thưởng! Dường như đối với các tổ chức đứng ra trao giải, thì "nhân quyền" đồng nghĩa với chống phá đất nước Việt Nam. Căn cứ vào những lời tung hô dành cho Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy,... với "thành tích đấu tranh dân chủ, nhân quyền" tại Việt Nam của các đối tượng này, có thể hiểu mục đích của nơi trao giải là gì.  Thí dụ, giải thích lý do trao giải "Công dân mạng 2013" một người Việt Nam, Giám đốc phụ trách truyền thông của RSF - Lucie Morillon, cho rằng đó là cách "ghi nhận sự đóng góp của những nhà báo tự do tại  Việt  Nam  cổ  súy  cho  quyền  tự  do  ngôn luận, tự do thông tin và tự do internet bất chấp sự đàn áp, kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền Hà Nội"! Còn phát biểu tại buổi trao giải "Phụ nữ can đảm nhất thế giới 2013", đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại "ca ngợi" Tạ Phong Tần là "một trong những blogger đầu tiên tại Việt Nam bình luận về các tin tức, sự kiện chính trị bị nhà cầm quyền hạn chế; giúp thức tỉnh các blogger và nhà báo tại Việt Nam dám dũng cảm chuyển tải thông tin, chính kiến tới người dân Việt Nam". Tương tự như vậy, để "vinh danh" người được trao "giải thưởng", cái gọi là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" đã không tiếc lời tung hô, nào là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng "tự nguyện dành toàn thời gian dấn thân vào con đường tranh đấu vì quyền lợi của giới lao động"! Nào là Lê Quốc Quân "một nhà tranh đấu dũng cảm cho nhân quyền và dân chủ tự do cho Việt Nam..., giữ vững lập trường, không bao giờ từ bỏ lý tưởng, và phấn đấu không ngừng cho công lý, nhân phẩm và tự do..."!
Tuy nhiên, nếu theo dõi tình hình Việt Nam, bất cứ người đọc nào cũng có thể nhận diện được bản chất thật sự của các đối tượng được người ta "vinh danh", vì đó là những người có hành vi vi phạm pháp luật, đã hoặc đang chịu án tù! Ðơn cử ba trường hợp vừa được cái gọi là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" trao "giải thưởng nhân quyền năm 2013" chẳng hạn. Ðây là những đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam với những tội danh khác nhau và đang chịu án tù. Năm 2009, công ty của Trần Huỳnh Duy Thức bị phát hiện trộm cước viễn thông, và đó cũng là dấu mốc đánh dấu sự trượt dốc trong cuộc đời con người này, khi sau Thức bị cáo buộc có hành vi liên lạc với một số đối tượng chống đối chính quyền khác như Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long,... soạn cương lĩnh, in ấn các tài liệu nhằm hoạt động lật đổ chính quyền. Năm 2010, Trần Huỳnh Duy Thức bị tuyên phạt 16 năm tù giam với tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Tiếp đến, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cũng có "thành tích" chống đối tương đối "nổi bật". Hùng câu kết với Ðỗ Thị Minh Hạnh, Ðoàn Huy Chương rải truyền đơn kích động công nhân biểu tình, gây rối trật tự công cộng, có sự liên kết với cái gọi là đảng "Vì dân" của Nguyễn Công Bằng. Nhưng vì biết rõ ý đồ của những người này, nên công nhân đã không hưởng ứng, và bản thân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng còn bị xét xử trước tòa và nhận bản án 9 năm tù giam vì tội phá rối an ninh. Lê Quốc Quân - nhân vật đang được các thế lực chống đối ở nước ngoài ca ngợi, vừa bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm về tội trốn thuế với bản án 30 tháng tù. Hay như trường hợp Phạm Minh Hoàng, thành viên của tổ chức khủng bố "Việt Tân", một trong năm đối tượng được HRW "vinh danh" năm 2012. Trong thời gian du học tại Pháp, Phạm Minh Hoàng đã được kết nạp vào "Việt Tân". Năm 2000, Hoàng trở về Việt Nam và được Ðại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng làm giảng viên môn khoa học ứng dụng. Tuy nhiên, Hoàng vẫn thường xuyên liên lạc với "Việt Tân" và từ năm 2002 tới 2010, với bút danh Phan Kiến Quốc, Phạm Minh Hoàng viết 33 bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Các bài viết của Hoàng được "Việt Tân" nhanh chóng đăng tải, phát tán trên internet. Và không chỉ viết bài xuyên tạc sự thật, trong tháng 11-2009, sau khi dự lớp tập huấn của "Việt Tân" ở nước ngoài, Hoàng còn cùng vợ là Lê Thị Kiều Oanh, em trai là Phạm Duy Khánh, cùng một số người khác đứng ra tổ chức hai khóa học mang tên "kỹ năng phần mềm" cho 43 thanh niên, sinh viên, nữ tu tại TP Hồ Chí Minh với nội dung tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp lực lượng cho "Việt Tân" để chống phá Nhà nước. 
Vậy ý đồ phía sau các giải thưởng nhân quyền nói trên là gì? Trước hết, phải khẳng định rằng, các tổ chức đứng ra trao cái gọi là "giải nhân quyền" chưa bao giờ có thiện chí với Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Thông qua "giải thưởng", các tổ chức này vừa "lên dây cót" tinh thần, vừa giúp đỡ về vật chất cho các đối tượng chống phá trong nước; đồng thời tạo ra cớ để khuếch trương thanh thế, từ đó để nhận được sự hà hơi tiếp sức - đặc biệt là về tài chính, từ các thế lực chủ mưu. Thực chất Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Quốc Quân hay một số đối tượng khác như Tạ Phong Tần, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Văn Hải (blogger Ðiếu cày"), Phan Thanh Hải (blogger "Anh ba Sài Gòn"),... chỉ là "quân bài" của chiến lược "diễn biến hòa bình" mà các thế lực thù địch đang rắp tâm triển khai ở Việt Nam. Họ cố gắng tô vẽ cho các đối tượng này qua các danh hão như "nhà báo tự do", "nhà hoạt động dân chủ", "tù nhân lương tâm",... nhưng họ không thể che đậy được một "kịch bản" đã và đang được thực hiện là vừa làm ảnh hưởng tới uy tín của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, vừa lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do internet để tiến hành hoạt động chống phá nhằm gây bất ổn chính trị ở trong nước. Xét đến cùng thì việc trao các loại "giải thưởng nhân quyền" cho các đối tượng đã đề cập ở trên chính là một thủ đoạn, một yếu tố cấu thành của kịch bản đã được rắp tâm xây dựng. Ðó thật sự là hành động can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam. Tình trạng "loạn giải thưởng" này xét về thực chất là vô giá trị, chỉ là những trò hề phô diễn để hà hơi tiếp sức cho một số kẻ chống phá Việt Nam.
Cần phân biệt sự khác nhau về bản chất của các giải thưởng. Người Việt Nam tự hào và vinh dự về các giải thưởng danh giá được trao cho những công dân ưu tú như nghệ sĩ Ðặng Thái Sơn, nhà toán học Ngô Bảo Châu, kỳ thủ Lê Quang Liêm, các vận động viên thể thao, các học sinh đoạt giải cao trong những kỳ thi học sinh giỏi tại Olympic quốc tế... Mỗi khi tên tuổi một người Việt Nam được xướng lên, mỗi khi người Việt Nam bước lên bục vinh quang tại các cuộc thi, các đấu trường quốc tế và khu vực là đã làm rạng rỡ non sông Việt Nam, góp phần tạo thêm hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Từ tấm gương của họ, mỗi người Việt Nam lại thấy thêm yêu Tổ quốc mình, tâm niệm cố gắng hơn làm rạng danh Tổ quốc. Còn các loại "giải thưởng nhân quyền" của một số tổ chức chống đối hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam rùm beng trao cho một số người thì chỉ là trò hề nhảm nhí, bị lãng quên. 
LAM SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét