Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Dấu ấn Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè quốc tế

(VOV5)- Chủ tịch Hồ Chí Minh, cái tên không chỉ gợi lên tình cảm thành kính trong mỗi người dân Việt Nam mà còn tạo được ấn tượng vô cùng tốt đẹp với bè bạn quốc tế. Ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những nơi Người đã từng đặt chân qua, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu như biểu tượng về một lãnh tụ kiệt xuất của thế giới trong thế kỷ 20.

 “Từ sâu thẳm trong lòng, nếu bạn muốn hỏi tôi nghĩ gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu trả lời thực sự rất đơn giản. Rằng đây là một con người nhân văn nhưng cũng rất quyết đoán tìm ra những giải pháp và quyết tâm làm đến cùng với mục tiêu đã đặt ra.”Đó là chia sẻ chân thành của nhà sử học người Pháp Pierre Brocheux, tác giả hai cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều sách về lịch sử hiện đại Việt Nam gây nhiều tiếng vang trong giới nghiên cứu. Trong thời gian nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Brocheux đã khám phá ra câu chuyện của một người Pháp là bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người mới sang Pháp, câu chuyện là minh chứng cho con người rất đỗi “nhân văn” Hồ Chí Minh. Ông Brocheux kể về câu chuyện này: “Có 1 câu chuyện của một người Pháp cùng đảng Xã hội với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chỉ là một nhân viên sắp chữ ở tờ báo Nhân đạo. Sau này, tại cuộc bỏ phiếu về việc thành lập đảng cộng sản Pháp, hai người đã bỏ hai lá phiếu khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu ủng hộ thành lập đảng Cộng sản Pháp tách khỏi đảng Xã hội, còn người bạn bỏ phiếu phản đối. Nhưng không vì thế mà họ mất đi tình bạn. Họ vẫn liên lạc với nhau và sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, người bạn này đã nói “ đây là con người chung thủy với bạn bè nhất mà tôi từng gặp trong cuộc đời mình”.
Với những ai từng tích cực phản đối cuộc chiến tại Việt Nam và có may mắn được gặp Người như bà Raymond Dien, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đỗi gần gũi và tình cảm. Dù tuổi cao và trí nhớ đã suy giảm nhiều, nhưng bà Raymond Dien, người phụ nữ Pháp đã kiên cường bất chấp mạng sống nằm trên đường ray để ngăn chặn đoàn tàu hỏa chở vũ khí đến Việt nam, đến nay vẫn nhớ như in ngày bà được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1956. Bà Raymond Dien xúc động đến trào nước mắt khi kể lại ngày 23/10/1956 khi bà cùng Henri Martin vượt chặng đường dài tới 15 ngày bay qua Bắc Kinh rồi đi tàu đến Hà nội để tham dự Đại hội Thanh niên toàn quốc: Trước giờ diễn ra Đại hội, tôi nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến. Người gọi tôi lại ngồi cạnh Người, tôi thực sự rất kinh ngạc, tôi không nghĩ một người Pháp bé nhỏ như tôi lại được ngồi cạnh vị Chủ tịch vĩ đại mà tôi được nghe nói đến rất nhiều và cả thế giới ngưỡng mộ nhưng Người lại gần gũi, giản dị và thân thương đến thế. Khi tôi nói rằng quê tôi ở Tours, Người đã nói Người biết thành phố Tours, nơi Người từng tham dự Đại hội đảng Cộng sản Pháp tại đó. Người đã tặng tôi một chiếc vòng tay bằng ngà. Ngày hôm sau, Người mời chúng tôi đến nhà chơi và gặp gỡ trò chuyện và đó là ngày không bao giờ quên trong cuộc đời tôi.
Đã có không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, nhiều hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có người đã dành trọn sự nghiệp nghiên cứu để tìm hiểu về Người. William Duiker, một sử gia người Mỹ là một người trong số đó. Để khắc họa rõ nét chân dung Hồ Chí Minh ông phải mất gần 35 năm nghiên cứu và cho ra đời một cuốn sách dày hơn 300 trang mang tên “Hồ Chí Minh, Một cuộc đời”. Không chỉ phỏng vấn nhiều người từng biết và đã làm việc với  Hồ Chủ Tịch, cuốn sách còn là tập hợp của những văn bản và hồ sơ tình báo của Pháp, Anh, Nga, Trung quốc và Quốc tế cộng sản. Khi cuốn sách ra đời, nó đã thực sự gây tiếng vang, được đánh giá là một cuốn tiểu sử đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông W.Duiker tâm sự, ấn tượng sâu sắc nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong ông đó là cách khắc họa chân dung của mình là một nhà cách mạng hiện đại với những mục đích lớn lao nhằm thay đổi đất nước. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời thể hiện là một công dân Việt Nam rất đặc trưng với đầy đủ các yếu tố của văn hóa Việt: “Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất mà tôi thấy ở Hồ Chủ tịch đó là Ông là con người toàn tâm toàn ý, đặc biệt là khả năng lãnh đạo. Ông biết kết hợp những xu hướng mới với những thay đổi trong cách mạng, Ông có nhiều phẩm chất  của người dân thường Việt Nam. Hồ chí Minh là người có thể thuyết phục nhân dân Việt Nam gọi người là Bác Hồ, vị cha già của đất nước, chứ Hồ Chí Minh không yêu cầu người dân Việt Nam coi ông là một nhà cách mạng.”
Vai trò lịch sử và các giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng như những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho nhân loại trong thời đại ngày nay, thu hút cả những người trẻ tuổi đi sâu nghiên cứu. Galia Kolupaeva, sinh viên năm thứ 4 Khoa Phương Đông, Đại học Tổng hợp Quốc gia Xanh Pêtécbua, Liên bang Nga đang viết luận văn tốt nghiệp về Quốc tế Cộng sản và về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết: “Tất nhiên không phải bạn trẻ nào ở Nga cũng biết về Hồ Chí Minh nhiều như tôi. Tuy nhiên hiện nay tên tuổi của Người vẫn rất nổi tiếng đối với các bạn đồng lứa với tôi, ngay cả khi họ không nghiên cứu về phương Đông. Cái tên đó lúc nào cũng được nhắc đến, bất kể thế nào thì người ta vẫn nói về Người, vẫn nhắc đến tên Người. Cho đến nay thì nhiều người dân Nga vẫn nhớ Hồ Chí Minh là ai.”
Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã có nhiều bài viết cũng như nhiều ấn phẩm đặc biệt để bày tỏ sự trân trọng và ngưỡng mộ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế bày tỏ niềm cảm phục, đồng thời khẳng định những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét