Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

TÁC GIẢ ĐÃ PHỦ ĐỊNH ĐIỀU MÌNH KHẲNG ĐỊNH


Duy Văn                  
Thực chứng được coi như một phương pháp tư duy (là một khâu không thể thiếu trong quá trình nhận thức) đồng thời cũng là một phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học, trong đó có Sử học. Bởi vậy bài viết đăng trên trang mạng với tiêu đề "Thực chứng ( hay là ngành Sử là hay chép lại lẫn nhau nhiều nhất)"  của tác giả Mạch  Quang Thắng dễ nhận được sự quan tâm của những người nghiên cứu khoa học, trong đó có tôi. Khi tra cứu trên Google về tác giả tôi được biết học hàm học vị của tác giả là giáo sư ,tiến sĩ  cũng như được biết các công trình lớn của tác giả, trong đó tác giả không thể không sử dụng phương pháp thực chứng.Riêng trong bài viết nói trên thì vấn đề thực chứng là nội dung cơ bản với 2 chủ đề, một là nhận thức về thực chứng, hai là sử dụng phương pháp thực chứng trong các công trình khoa học.
Về chủ đề thứ nhất, những quan điểm của tác giả về thực chứng là rất đáng trân trọng. Chẳng hạn như tác giả cho rằng :"Thực chứng là phương pháp dùng cho nhiều ngành khoa học, trong đó có khoa học lịch sử", rằng: "Phương pháp thực chứng quan trọng lắm đối với nghiên cứu khoa học lịch sử. Khi chưa có thực chứng, chưa có gì là chắc chắn thì chớ có kết luận gì ",rằng: "Tác phẩm sử học nào được viết dựa trên cơ sở tài liệu xác đáng thì rất đáng tin cậy" .v.v Về chủ đề thứ hai, tác giả cũng đưa ra nhận định đúng đắn có ý nghĩa phương pháp luận. Chẳng hạn như: "Phương pháp thực chứng quan trọng lắm. Nhưng cũng còn tùy điều kiện. Nghĩa là có điều kiện thì áp dụng tốt, không có điều kiện thì không thể áp dụng được", rằng: "Có những việc đâu có áp dụng phương pháp thực chứng được. Vì thế mới phải dựa vào phương pháp đa ngành hay liên ngành ".Với những điều tác giả viết được trích dẫn trên đây không ai có thể phủ nhận được. Để minh chứng cho một nhận định của mình, tác giả đã  đưa ra một số ví dụ. Vấn đề là những ví dụ đó có phù hợp với nhận định của tác giả hay không nhất là những vấn đề liên quan đến vấn đề chính trị - xã hội,liên quan đến lịch sử . Một trong những ví dụ mà tác giả đưa ra trong bài viết của mình là: "Không có chuyện đầu độc ở Phú Lợi". Vụ đầu độc ở nhà tù Phú Lợi hay vụ thảm sát ở nhà tù Phú Lợi xảy ra ngày 01/12/1958. Đến nay sự kiện này đã xảy ra cách đây 58 năm. So với một đời người thì đó là một sự kiện đã lâu vì những người sống vào thời đó ngày một ít đi còn so với thế hệ sinh sau ngày đó thì sự kiện này là một sự kiện của quá khứ xa xôi .Vậy thực hư của vụ việc này là thế nào?             
Vụ đầu độc ở nhà tù Phú Lợi là một sự thật lịch sử. Sự thật này khẳng định dựa trên 2 căn cứ. Một là, người trong cuộc hay nhân chứng sống. Hai là, tư liệu phản ánh sự kiện này.
Về nhân chứng sống, rất may là một số rất ít những người trong cuộc vẫn còn sống.  Ông Đào Văn Tiến  - một trong những nhân chứng của nhà tù Phú Lợi -bị kết án  tù 15 năm thì có 4  năm ở nhà tù Phú Lợi .Ông kể lại :" Như thường lệ mọi năm, chính quyền Sài Gòn lúc đó tổ chức 4 đợt đày tù nhân "loại A" (tù chính trị - NV) ở các nhà tù trong đất liền ra Côn Đảo vào những tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12 dương lịch. Trại giam Phú Lợi sau khi phân loại 450 tù nhân loại A là đối tượng bị đày ra Côn Đảo vào cuối tháng 11 năm 1958, với ý đồ bí mật  thủ tiêu tù nhân trong chuyến đi này.Theo kế hoạch mỗi tù nhân bị đày sẽ được nhận khẩu phần bánh mì (có trộn thuốc độc) và thức ăn kèm theo. Mọi việc đã chuẩn bị hoàn tất vào ngày 28 tháng 11 năm 1958, nhưng liên tiếp những ngày này biển động mạnh, tàu không ra được vùng biển Vũng Tàu-Côn Đảo .Ngày 30 tháng 11 năm 1958, là ngày chủ nhật, trại giam vẫn thực hiện "ăn tươi" cho tù nhân, gồm bánh mì, thịt bò. Để đủ khẩu phần ăn ngoài số bánh mì cũ (có thuốc độc), cai tù trộn lẫn bánh mì mới vào nhau và cấp phát cho tù nhân. Số tù nhân bị ngộ độc tăng nhanh, đau bụng, nôn mửa, co quắp…Đến ngày 1 tháng 12 năm 1958, số tù nhân bị ngộ độc tăng lên hàng trăm người, số nằm hôn mê bất tỉnh… Số tù nhân bị bệnh nặng, bị địch khiêng ra khỏi trại và không thấy được chuyển lại Phú Lợi nữa. Nhưng với tinh thần kiên cường, bất khuất, Đảng ủy trại giam quyết định đấu tranh công khai trực tiếp, các tù nhân Phú Lợi đã đoàn kết, anh dũng đấu tranh như: tung nóc nhà giam, phát loa phóng   thanh kêu cứu trong ngày  1 tháng 12 năm 1958 .
Về việc phản ánh sự kiện này, thông tin tù nhân ở nhà tù Phú Lợi bị đầu độc đã được lan truyền khắp nơi. Đầu tiên nhân dân xã Phú Lợi nổi dậy phối hợp với tù nhân Phú Lợi đấu tranh tố cáo tội ác của chính quyền Sài Gòn .Trong khi đó, ở  các địa phương trên miền Bắc đã dấy lên phong trào hướng về Phú Lợi, từ tiếng gọi căm thù, tiếng gọi đau thương "tuần lễ thi đua" vì Phú Lợi và miền Nam ruột thịt của Ủy ban trung ương đấu tranh chống vụ đầu độc đã làm bừng lên một phong trào thi đua trên công xưởng, nông trường, hợp tác xã, thao trường ,trên các phương tiện thông tin đại chúng lúc đó.… Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời lấy đề tài từ vụ thảm sát này.Bức tượng đồng cao 3,5m của tác giả điêu khắc Diệp Minh Châu tái hiện  lại lịch sử nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất của tù nhân ở   Phú Lợi đã hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Bài thơ " Thù muôn đời muôn kiếp không tan" của Tố Hữu với lời thơ đầy xúc động  :" Trong một ngày - mùng một tháng mười hai/ Nào ai ngờ không có nữa ngày mai!/ Chúng tôi chết, trong đêm dài tàn khốc/ Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc/ Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn/ Trái tim hồng chết uất   máu bầm đen" .Chỉ sau một tháng, chúng ta đã nhận được liên tiếp nhiều bức điện của các tổ chức quốc tế như  Liên hiệp Công đoàn Thế giới, Hội Luật gia Thế giới… Trong vài trang giấy này không thể nói hết những gì đã diễn ra trong những ngày tháng đó.
Thử hỏi, nếu không có vụ thảm sát Phú Lợi thì nhân chứng sống có thể nói lại sự việc đó như đã trình bày ở trên được không? Nếu không có vụ thảm sát Phú Lợi thì có thể dấy lên các cuộc tuần hành trên toàn miền Bắc lúc đó, các phong trào hành động để tưởng nhớ nạn nhân ở Phú Lợi với hàng triệu người tham gia hay không? Nếu như không có vụ thảm sát Phú Lợi thì có thể có các tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh sự kiện đó không? Nếu không có vụ thảm sát Phú Lợi thì các tổ chức quốc tế có thể gửi điện cho chúng ta lên án công khai tội ác ở nhà tù Phú Lợi không?
Có thể nói những điều nói trên chính là thực chứng của vụ đầu độc ở Phú Lợi và vì thế vụ đầu độc ở Phú Lợi là một sự thật lịch sử không ai có thể phủ nhận được và cũng vì thế mà không được phủ nhận sự thật lịch sử này .  Ấy vậy mà trong bài viết của mình , tác giả lại phủ nhận và cho rằng: "Không có chuyện đầu độc ở Phú Lợi".
Người ta có thể đặt ra câu hỏi vì sao tác giả kêu gọi tôn trọng phương pháp thực chứng, phê phán những ai không tuân thủ phương pháp thực chứng rồi chính tác giả lại phủ nhận một sự kiện dựa trên cơ sở thực chứng? Phải chăng có thể khẳng định phương pháp thực chứng về mặt   lý thuyết mà vẫn có thể phủ nhận phương pháp thực chứng về mặt thực tế? Hay nói một cách khác, tác giả đã phủ định ngay chính phương pháp mà tác giả đã khẳng định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét