Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

Chuyện “phòng chống tham nhũng ”


                                      Bùi Thanh

Câu chuyện về “phòng chống tham nhũng” không phải là đề tài mới, đây là vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm. Nhân dân rất mong mỏi và kỳ vọng vào Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng làm tốt công tác này và xử lý nghiêm minh người vi phạm. Hôm rồi, tôi có theo dõi buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Quận Ba Đình và Tây Hồ sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri rất sôi nổi và thẳng thắn trao đổi với Tổng Bí thư về vấn đề này. Hôm nay đọc bài “Tổng Trọng bị quay như con dế” của Phạm Trần xin nêu vài ý kiến cá nhân:
Phạm Trần nói rằng ông Trọng “đã đẻ ra chiến thuật “chậm mà chắc” “chỉ để cho lỗ tai dân bớt ngứa để ông có thể kéo dài thời gian đối đầu với tham nhũng mà không bị lên án nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu?”. Nếu nhìn nhận một cách toàn diện thì thấy rằng cách làm của Đảng về phòng, chống tham nhũng như hiện nay là hợp lý và có nhiều chuyển biến tích cực hơn trước. Và tôi đồng tình với câu trả lời của Tổng Bí thư: "Đây là vấn đề nghiêm trọng, Trung ương đã có nhiều Nghị quyết,… nhưng so với yêu cầu còn nhiều việc phải làm và chúng ta vẫn chưa bằng lòng với những gì làm được. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài, kiên trì, kiên quyết, không nóng vội và các bước đi phải bảo đảm chắc chắn, giữ được sự ổn định". Thực tế tham nhũng hiện nay đang là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đến lòng tin của nhân dân với Đảng, đến sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của xã hội. Thường thì chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có điều kiện để tham nhũng và khi họ đã ở cương vị lãnh đạo ấy thì rõ ràng họ không “ngây ngô” đến mức tham nhũng một cách “trắng trợn” hay “lộ liễu” để mà có thể dễ dàng phát hiện ra. Ngay cả khi phát hiện ra thì cũng cần phải có thời gian để thanh tra, kiểm tra, làm rõ. Việc thanh tra, kiểm tra  cũng phải tuân thủ theo từng bước, có nguyên tắc, điều luật quy định. Do đó, xử lý tham nhũng không phải nói là làm ngay được, mà làm cũng không thể nói là làm xong ngay mà phải làm kiên trì, bài bản. Cũng vì đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin và sự kỳ vọng của nhân dân, cho nên nhất định phải làm một cách kiên quyết. Hơn nữa, vì người tham nhũng thường là giữ những vị trí lãnh đạo nhất định nên nếu không làm thận trọng, chắc chắn sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến cả hệ thống. Vậy nên cách làm của Trung ương là hợp lý: “Đây là cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài, kiên trì, kiên quyết, không nóng vội và các bước đi phải bảo đảm chắc chắn, giữ được sự ổn định".
Phạm Trần cho rằng “chống tham nhũng theo chiến thuật Nguyễn Phú Trọng là “vẽ đường cho Hươu chạy”, hay bắt chuột mà chớ làm vỡ bình thì chống hay che?”. Như trên đã phân tích, phát hiện, làm rõ việc tham nhũng không phải là dễ dàng, xử lý nó không phải giống như cái cây bảo chặt là chặt ngay, cũng không phải là cái bình bảo đập là đập vỡ luôn được. Vì đây là vấn đề liên quan đến con người, mà con người là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, nó liên quan đến nhiều khâu, nhiều mắt xích, nên cần phải “làm bài bản, chắc chắn”; nếu nóng vội mà kết luận hay xử lý khi chưa xác định chứng cứ rõ ràng, chắc chắn thì người vi phạm sẽ không “tâm phục, khẩu phục” và điều quan trọng là “làm nhưng phải giữ được ổn định”. Là một cử tri rất quan tâm đến vấn đề phòng chống thamm nhũng, nhưng xét 1 cách kỹ càng, toàn diện thì tôi thấy điều ông Trọng nói là hoàn toàn hợp tình, hợp lý “Không phải thi hành kỷ luật thật nhiều mới là thành công mà cốt là đánh thức người ta dậy để đừng vi phạm khuyết điểm, đấy mới là thành công… Mở đường cho người ta tiến mới là thành công." Đó cũng là điều phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam là “khoan hồng” “độ lượng”. Ngay như trong gia đình mỗi người, khi con cái phạm lỗi lầm, khuyết điểm, có cha mẹ nào đang tâm đẩy con mình vào đường cùng, ngõ cụt hay không? hay vẫn phải tìm mọi cách để khuyên nhủ, giáo dục, dạy bảo để con có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, khuyết điểm? Đến như khi bọn giặc xâm lăng bờ cõi nước ta, khi chúng cùng đường, ta còn mở lòng khoan hồng, tha cho chúng “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo… Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run” - Bình Ngô Đại Cáo
Huống chi, đây là những cán bộ, công chức viên chức, xét một cách khách quan thì họ cũng có những cống hiến, đóng góp trong quá trình công tác. Điều cần thiết phải chỉ ra và phải có hình thức xử lý kỷ luật để răn đe, cảnh tỉnh nghiêm khắc, cũng là để nhân dân thấy được tính nghiêm minh, kỷ luật kỷ cương, phép nước làm gương cho người khác, nhưng cũng cần phải để cho họ có cơ hội để khắc phục, sửa chữa, đã vấp ngã thì phải có bản lĩnh đứng lên. Như thế mới là hợp đạo lý và truyền thống đạo đức của người Việt Nam “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người quay lại”. 
Cũng tại cuộc tiếp xúc cử tri Thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, ngày 27/11/2017, ông Thưởng – UVBCT, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có nói: “Ngoài lợi ích của người dân, Đảng không còn lợi ích nào khác. Đất nước phát triển mà lòng dân không yên, ngày nào, tuần nào cũng khiếu kiện, khiếu nại thì không ổn”. Đó là điều mà cử tri và nhân dân cả nước mong mỏi. Tất nhiên, trong thực tế thì còn có việc này, việc kia, ở nơi này nơi khác thực hiện chưa thật tốt, hoặc chính quyền chưa quan tâm đến đời sống nhân dân, nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, do người vận dụng, thực thi không đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Thực tế thì các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều xuất phát từ quyền và lợi ích của nhân dân,  và vì mục tiêu để nâng cao đời sống của nhân dân. Vậy thì đó đâu phải “là câu tuyên truyền nhảm nhí” của ông Thưởng như lời Phạm Trần nói?
Khi nói đến vấn đề tham nhũng, ông Thưởng cho biết: “Thời gian qua đã có nhiều cán bộ bị xử lý, nhiều đại án được đưa ra xét xử, cho thấy quyết tâm của Đảng để lấy lại niềm tin của người dân. Tham nhũng thì nước nào cũng có, nhưng ở nước ta nhiều hơn, có lẽ do việc phòng chưa tốt, nên việc chống tham nhũng sẽ ngày càng được xử lý triệt để, khắc phục tình trạng nặng dưới nhẹ trên”. Rõ ràng thời gian vừa qua, với nhiều vụ việc, nhiều đại án được đưa ra xét xử và đã có không ít cán bộ bị xử lý kỷ luật, điều này cho thấy quyết tâm của Đảng và  đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân cả nước. Việc tham nhũng thì ở nước nào mà chẳng có, tuy nhiên nếu ở đâu làm tốt công tác phòng ngừa thì sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng. Đó là lẽ tất yếu, cũng giống như cơ thể chúng ta nếu biết cách phòng bệnh thì sức đề kháng sẽ tăng lên và sẽ chống lại được các bệnh tât. Vì thế nhận định của ông Thưởng cũng là rất bình thường, hoàn toàn không phải là vì “ngại không dám nói toặc móng heo ra lý do “chưa tốt” vì tham nhũng đã nắm đầu nhiều lãnh đạo chủ chốt từ khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được nói là cha ruột của ông Thưởng, còn tại chức cơ mà?” như lời Phạm Trần nói.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét