Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Một báo cáo "mất cân đối một cách nghiêm trọng và mang tính phân biệt" (Kỳ 1)


 
LTS- Vừa qua, tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng đã trình bày Báo cáo về chuyến thăm Việt Nam, và đại diện Việt Nam đã có bản Ðóng góp (tài liệu tiếng Anh được LHQ phổ biến có ký hiệu A/HRC/28/66/Add.4) với báo cáo này. Trong hai số báo ra ngày 17-3 và 20-3, chúng tôi trích đăng một số nội dung của bản Ðóng góp, giúp dư luận có cái nhìn đúng đắn về một số vấn đề đặt ra trong Báo cáo.
Sau khi khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo các chuẩn mực quốc tế, mọi đường lối, chủ trương của Việt Nam đều hướng tới mục tiêu phục vụ con người, vì con người,... bản Ðóng góp cho biết, Chính phủ Việt Nam xem chuyến thăm của ông H. Bê-lê-phen - Báo cáo viên đặc biệt (BCVÐB) về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là bước tiếp nối đà hợp tác giữa Việt Nam và các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ (HÐNQ), là cơ hội để BCVÐB tìm hiểu thực tiễn tự do và đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam, là dịp để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự,... chia sẻ với BCVÐB những kinh nghiệm, bài học, cũng như khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong lĩnh vực này. Bản Ðóng góp khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác, tạo điều kiện tối đa cho chuyến thăm của BCVÐB.
Theo đề nghị của phía BCVÐB, đã có bảy cơ quan của Chính phủ, ba địa phương đón tiếp chu đáo, cởi mở, trao đổi thẳng thắn với BCVÐB (theo đề nghị của phía BCVÐB, ba tỉnh An Giang, Gia Lai, Kon Tum đã thu xếp tiếp đón, làm việc với BCVÐB nhưng các cuộc gặp đã không diễn ra do BCVÐB tự ý thay đổi lịch trình). BCVÐB cũng được tạo điều kiện đến thăm một trại giam, được hỗ trợ thu xếp gặp tám tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự tại Việt Nam (cũng theo đề nghị của BCVÐB, Bộ Ngoại giao Việt Nam liên hệ trước với Ðại chủng viện Xuân Lộc, Thánh thất Hồi giáo Jamiul Muslimin, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo để thu xếp tiếp đón, trao đổi với BCVÐB nhưng các cuộc gặp đã không diễn ra do BCVÐB hủy cuộc gặp mà không báo trước). Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, lắng nghe, đáp ứng ở mức cao nhất yêu cầu của BCVÐB trong quá trình chuyến thăm diễn ra; luôn tôn trọng tính độc lập, riêng tư của BCVÐB, không can thiệp, cũng không yêu cầu được thông tin về gặp gỡ riêng của BCVÐB, phù hợp với tinh thần của các nghị quyết 5/1 và 5/2 của HÐNQ.
Bản Ðóng góp cho biết, Chính phủ Việt Nam ghi nhận một số đánh giá tích cực của BCVÐB trong báo cáo như khẳng định: "Nhiều đại diện các cộng đồng tôn giáo khác nhau thừa nhận rằng hiện nay có nhiều không gian hơn cho việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là so với tình hình sau năm 1975. Ðời sống tôn giáo là một thực tế rõ ràng, bằng chứng là những cơ sở thờ tự thuộc về nhiều tôn giáo hay hệ phái khác nhau và sự tham gia hành đạo của người dân từ nhiều tôn giáo và tín ngưỡng"; "Trong những năm gần đây, rõ ràng đã có những cố gắng để bảo tồn hoặc phục hồi những nghi lễ truyền thống của các nhóm dân tộc hoặc tôn giáo thiểu số"; "thừa nhận sự đa dạng bên trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam"...
Báo cáo ghi nhận việc Hiến pháp Việt Nam thông qua ngày 28-11-2013 có một chương về "quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân", "Ðiều 24 của Hiến pháp 2013 liên quan đến tự do tôn giáo và tín ngưỡng là tất cả mọi người, không như Hiến pháp 1992 chỉ giới hạn đối với công dân Việt Nam. Ðiều này cũng được cho là thể hiện một thái độ tích cực hơn đối với tự do tín ngưỡng, tôn giáo"; "việc thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện một bước tiến trong việc xây dựng cơ sở pháp lý cho các cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng";
"Ðiều 38 của Pháp lệnh cũng quy định các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia sẽ có giá trị cao hơn các quy định của Pháp lệnh trong trường hợp mâu thuẫn. Nghị định cụ thể hóa việc thực hiện Pháp lệnh (Nghị định 92) được thông qua ngày 8-11-2012, tiếp tục quy định chi tiết hơn các biện pháp thực hiện Pháp lệnh"; "một số đại diện các cơ quan Chính phủ cũng thể hiện sẵn sàng xem xét một số sửa đổi thực chất đối với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay trong tiến trình chuẩn bị xây dựng dự án luật tôn giáo". Báo cáo cũng phản ánh "số lượng các cơ sở đào tạo chức sắc các tôn giáo - Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Ðài và những tôn giáo khác - tăng lên đáng kể trong những thập kỷ vừa qua"; khẳng định "các cộng đồng tôn giáo có thể bổ nhiệm, sắc phong chức sắc tôn giáo theo quy định, giáo luật của họ. Nhìn chung, được biết là họ không cần sự chấp thuận của nhà chức trách đối với các quyết định của họ"; "Liên quan đến việc bãi nhiệm các chức sắc, tăng ni (vốn rất hiếm), các quyết định nhìn chung cũng thuộc về các cộng đồng tôn giáo, theo giáo luật của họ"; và ghi nhận "đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích rằng họ sẽ tăng cường làm Phật sự trong trại giam, bao gồm thuyết giảng khai trí đạo đức và xã hội của tù nhân. Các linh mục Công giáo dường như thi thoảng cũng làm phép cho tù nhân theo đạo".
"Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam rất lấy làm tiếc vì nội dung báo cáo mất cân đối một cách nghiêm trọng và mang tính phân biệt
8. Khi đề cập đến các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc khi miêu tả đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, BCVÐB chỉ nêu một cách rất sơ sài, rải rác và rất ít thông tin, số liệu minh họa dù các thông tin này đã được cung cấp đầy đủ trong chuyến thăm. Vì vậy, báo cáo không phác họa được bức tranh toàn cảnh và cân bằng về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt là những tiến triển tích cực thực chất của Việt Nam từ 1986 khi tiến hành Ðổi mới, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam năm 1998 của cố BCVÐB Amor Abdelfatah. Trong khi đó, báo cáo lại tập trung nêu đậm những điều mà BCVÐB gọi là "vi phạm" quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, dựa trên những thông tin một chiều và không được kiểm chứng.
9. Việt Nam tôn trọng sự độc lập của các Thủ tục đặc biệt và luôn ủng hộ tính chuyên nghiệp, khách quan, không thiên vị trong hoạt động của các Thủ tục đặc biệt được quy định tại NQ 5/1 và Bộ Quy tắc ứng xử tại NQ 5/2. Việt Nam cho rằng báo cáo về chuyến thăm Việt Nam cần được tiến hành một cách công bằng, phổ quát dựa trên những tiêu chí tương tự các chuyến thăm mà cá nhân BCVÐB đã tiến hành đến các nước thành viên khác trước đó. Khoản 3.e) của Bộ quy tắc ứng xử quy định rõ các Thủ tục đặc biệt phải đề cao các tiêu chuẩn cao nhất của tính hiệu quả, năng lực, tính toàn vẹn, trong đó (nhưng không bao gồm hết) có tính chính xác, công bằng, không thiên vị, trung thực, thiện chí.
Do đó, Việt Nam cho rằng, báo cáo sẽ đáp ứng tốt hơn những yêu cầu nêu tại Khoản 3.e) của Bộ quy tắc ứng xử và sẽ góp phần thúc đẩy sự đối thoại và hợp tác nếu phản ánh đầy đủ thông tin từ nhiều phía và không có một số phần mà riêng bản thân tiêu đề đã mang tính tiêu cực, thí dụ như phần VI "Báo cáo về các vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng".
10. Mặc dù BCVÐB đã thừa nhận Việt Nam có một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng phong phú nhưng trong quá trình xây dựng chương trình và suốt chuyến thăm, BCVÐB chỉ tập trung quan tâm một số nhóm, cá nhân nhất định và không tính đến các tôn giáo khác, thí dụ như cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam. BCVÐB cũng không tỏ sự quan tâm đến những tín ngưỡng truyền thống lâu đời của đại đa số người dân Việt Nam như tôn thờ tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh các anh hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, thờ cúng thần thánh, các biểu tượng tâm linh... Do đó, báo cáo chưa phản ánh đầy đủ sự phong phú và sinh động của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.
Dự thảo báo cáo có nhiều thông tin, nhận định, đánh giá không chuẩn xác
11. Chính phủ Việt Nam lấy làm tiếc vì trong báo cáo có nhiều nhận định, đánh giá chưa khách quan và chưa chuẩn xác với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân có thể là do với một chuyến thăm kéo dài 11 ngày, khó có thể có một bức tranh tổng thể về việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở một đất nước đa tín ngưỡng và tôn giáo như Việt Nam. Trên tinh thần hợp tác, đối thoại và nhằm làm rõ hơn bức tranh toàn cảnh về việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có ý kiến về các đoạn trong báo cáo như sau:
Về phần "Giới thiệu":
- Các đoạn 3, 4, 5: Bộ Ngoại giao đã gặp, trao đổi thẳng thắn với BCVÐB về các vấn đề này, đã khẳng định có sự hiểu nhầm đáng tiếc và đã cung cấp các thông tin khách quan liên quan đến những vụ việc nêu trong báo cáo; đồng thời nhấn mạnh với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho BCVÐB.
Về phần "Khái quát về bối cảnh tôn giáo ở Việt Nam":
- Nội dung phần này chưa phản ánh đầy đủ về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo hết sức phong phú, đa dạng và cởi mở ở Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng và tôn giáo với sự hiện diện của hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới. Tôn giáo Việt Nam rất đa dạng, với sự hiện diện của cả các tôn giáo được truyền từ ngoài vào như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, có tôn giáo hình thành trong nước như Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, nhiều tôn giáo có bề dày lịch sử như Phật giáo, Hồi giáo cũng như có tôn giáo mới phát triển tại Việt Nam như Cao Ðài, Baha'i... Người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, khách du lịch khi đến Việt Nam đều rất ngạc nhiên và ấn tượng trước đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, sinh động tại đây với gần 9.000 lễ hội tín ngưỡng dân gian mỗi năm, người dân Việt Nam đi lễ chùa, đi lễ tại nhà thờ thường xuyên và các lễ hội tín ngưỡng đều có sự tham gia của đông đảo người dân.
- Ðoạn 6: Một số con số thống kê trong đoạn này chưa chính xác. Thực tế hiện nay có 38 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành được Nhà nước công nhận. Khoảng 95% dân số trên tổng số 90 triệu dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó đại đa số thực hành tín ngưỡng dân gian và trên 24 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau, gồm 11 triệu người theo đạo Phật; 6,5 triệu người theo đạo Công giáo; 2,5 triệu người theo đạo Cao đài; 1,5 triệu người theo đạo Tin lành; trên 1,3 triệu người theo Phật giáo Hòa hảo; khoảng 78 nghìn người theo đạo Hồi; 7 nghìn người theo đạo Baha'i;... Số lượng cơ sở thờ tự tại Việt Nam có khoảng 25 nghìn và khoảng 83 nghìn chức sắc tôn giáo, 250 nghìn chức việc, 46 trường đào tạo chức sắc tôn giáo...
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét