Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Ðừng mang danh nghệ thuật để truyền bá trụy lạc


Vài năm trở lại đây, với một số cách thức khác nhau, đề tài đồng tính đã bắt đầu xuất hiện trong nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi bằng tài năng, và sự chia sẻ, một số nghệ sĩ khai thác được một số khía cạnh phức tạp của đề tài này, thì một số người lại mang danh nghệ thuật để tạo ra một số văn hóa phẩm dung tục, đồi trụy.

Những ngày này, vào trang mạng diendanlequydon.com (được giới thiệu là diễn đàn của Trường THPT Lê Quý Ðôn ở TP Hồ Chí Minh?), người đọc sẽ không khỏi kinh ngạc khi thấy đây là một trang mạng tạp nham, bừa bãi, thông tin không được chọn lọc; thậm chí ở địa chỉ này còn có chủ đề dành cho "đam mỹ" với các sản phẩm như: "Duyên nợ đào hoa", "Em không biết", "Quán cà-phê XY"... Nếu đây là diễn đàn của một trường THPT thì không lẽ thầy, cô giáo và người có trách nhiệm ở trường này lại không biết, hoặc nếu biết thì họ đã nghĩ gì khi trang mạng diễn đàn của trường hầu như rất ít tin tức về thành tích học tập, các phong trào hoạt động tích cực, lành mạnh của học sinh mà lại thấy nhiều tiểu thuyết suy đồi đạo đức nguồn gốc từ nước ngoài (thí dụ, người ta giới thiệu một trong số các sản phẩm đó như sau: "Bạn hoàng đế ban đầu không có cảm tình với bạn thụ, vì bạn í đã có người tình (nam) mà anh ni thì không làm hoàng hậu được vì là ngoại tộc. Tuy nhiên, qua vài lần tiếp xúc thì cả bạn thụ lẫn hoàng đế đều thay đổi quan điểm, tỏ ra có thiện cảm với nhau, rồi nảy sinh tình cảm luôn. Mà bạn hoàng đế vẫn giấu bạn thụ chuyện bạn í có tình nhân, xem như bắt cá hai tay rùi...")?
Vài năm gần đây ở Việt Nam, với danh nghĩa "hủ nữ", "hủ nam" (người hâm mộ Ðam mỹ - đam mê cái đẹp, nói riêng và Yaoi - "tiểu thuyết dành cho nữ giới tập trung vào chủ đề mối quan hệ đồng tính nam lãng mạn thường được viết bởi tác giả là nữ", nói chung) một bộ phận bạn trẻ tuổi (chủ yếu là nữ giới) thành lập một số diễn đàn, fanpage, blog cá nhân để chia sẻ truyện dài, truyện tranh, hoạt hình, phim, bài hát liên quan thể loại này. Một số người bắt đầu sáng tác vì thấy câu chuyện họ đọc không diễn ra như ý muốn; đồng thời, họ mở những cuộc tranh luận liên quan vấn đề "hủ nữ, hủ nam chân chính"! Bằng in-tơ-nét và công cụ dịch, một số người đắm chìm trong một thế giới ảo tưởng, mà đó là thế giới không đàn bà, một thế giới toàn là đàn ông. Một vài người thì nhìn đâu cũng chỉ thấy "công", "thụ" rồi thở dài vì: "trai đẹp đã ít, còn yêu nhau"! Số khác tìm đến Ðam mỹ, Yaoi để thỏa mãn nhu cầu bệnh hoạn, suy nghĩ lệch lạc... Báo chí từng nhiều lần cảnh báo về nội dung xấu ẩn chứa trong Ðam mỹ, nhưng số người đọc lại có vẻ vẫn gia tăng tại Việt Nam? Ðiều này trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Ðam mỹ (Damei, Tanbi) vốn có nguồn gốc từ Yaoi (gồm nhiều sản phẩm như truyện tranh, truyện dài, truyện ngắn, hoạt hình, phim truyện) dành cho phái nữ ở Nhật Bản. Yaoi được hiểu đơn giản là "tình trai" (Boys' love). Chủ đề của các ấn phẩm này đi sâu khai thác mối quan hệ đồng tính lãng mạn giữa một hoặc nhiều cặp đồng tính nam và tác giả phần lớn là nữ, có trường hợp là những người song tính, dị tính, đồng tính. Trái với nhiều người lầm tưởng, Yaoi không chung dòng với nền văn học đồng tính. Dù còn có ý kiến khác nhau, song nhiều tác giả nghiên cứu đều cho rằng Yaoi có ba đặc trưng lớn: tính nhại, quan hệ tình dục đồng giới nam - nam và sự phát triển tự phát. Tính nhại là cảm hứng để hình thành các tác phẩm Yaoi tại Nhật Bản. Theo đó, các tác giả Yaoi vẽ, viết ra sản phẩm dựa trên ham muốn chứng kiến tình yêu diễn ra giữa các "thần tượng" của họ. Ban đầu, "thần tượng" là nhân vật nam trong truyện tranh Nhật Bản (manga); sau đó được mở rộng là các nhân vật nam trong phim hoạt hình, phim truyện, tiểu thuyết Nhật Bản và nước ngoài. Khi bộ truyện Harry Potter xuất bản và trở nên nổi tiếng, các tác giả Yaoi lập tức say sưa mô tả "tình yêu" giữa hai nhân vật Harry Potter và Darco Malfoy. Những diễn viên, ca sĩ có vóc dáng mảnh mai, trắng trẻo cũng trở thành tâm điểm cho các hình tượng nhân vật trong sản phẩm Yaoi. Dường như nắm bắt được nhu cầu kỳ quặc của người hâm mộ, một số nghệ sĩ ở một số nước châu Á cũng cố gắng chinh phục "fan" bằng phong cách ăn mặc trung tính (unisex), ôm hôn, đánh mắt với bạn diễn. Gần đây, hưởng ứng trào lưu, những "hủ nữ" và "hủ nam" tại Việt Nam cũng bắt chước chế ảnh hai nghệ sĩ trẻ là Sơn Tùng MTP với Hoài Lâm, thành viên của 365 band, v.v... Không phải sản phẩm Yaoi nào cũng là 18+, 21+ với hình ảnh, nội dung phản cảm, nhưng Yaoi thường tập trung mô tả quan hệ tình dục giữa nhân vật nam, và do sùng bái thể loại truyện tranh, các tác giả Yaoi đã vẽ các bức họa không khác gì hình ảnh khiêu dâm tục tĩu. Sự khác biệt của Yaoi với các phim khiêu dâm đồng tính ở chỗ phần nào đó vẫn có một cốt truyện sơ sài như khẩu hiệu "không cao trào, không điểm nhấn, không ý nghĩa". Trong Yaoi có hai kiểu nhân vật nam giới là seme và uke. Trong đó, seme có khuynh hướng nam tính, như người đàn ông thực thụ; uke có thiên hướng nữ tính có vóc dáng được vẽ giống nữ giới. Từ xu hướng dung tục, các kiểu nhân vật ngày một đa dạng, biến thái, và cuối cùng Yaoi phát triển hoàn toàn một cách tự phát. Ở Nhật Bản, dù thống kê được một số họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ, nghiệp đoàn sản xuất ấn phẩm người lớn có tham gia "thị trường" này, thì Yaoi vẫn phát triển chủ yếu dựa trên cơ chế Dòjinshi (tạm hiểu là tự xuất bản). Dòjinshi có sự khác biệt với một loại hình "tự xuất bản" khác là Samizdat. Trong khi, Samizdat là một hoạt động chính trị với vũ khí là văn bản, thì Dòjinshi là trao đổi, mua bán các ấn phẩm một cách công khai tại các hội chợ truyện tranh hằng năm ở Nhật Bản. Do có một lượng "người hâm mộ" nhất định và tác giả Yaoi có kinh phí để tiếp tục "chế tác" các sản phẩm đồi trụy.
Lý giải sự phát triển của Yaoi tại Nhật Bản, trong bài viết Tình trai, Yaoi với giáo dục nghệ thuật, những vấn đề về quyền lực và mô phạm (csuchico.edu), dựa trên sự khảo sát quá trình từ ý thức tới vô thức của phụ nữ trẻ Nhật Bản, hai tác giả Brent Wilson và Masami Toku từ Hoa Kỳ cho rằng tình yêu nam - nam chỉ là hình thức ẩn giấu cho tình yêu nam - nữ. Trong xã hội nam quyền, khi phụ nữ lấy chồng cũng là kết thúc ngày tháng lãng mạn. Người phụ nữ phải đảm nhiệm nhiều vai trò của người vợ, người mẹ, người quản gia thay vì được tự do, sống với sự khao khát. Trong khi đó bằng những cách khác nhau, tình bạn giữa nam giới vẫn phát triển mà không bị cản trở. Nó được "chuyển hóa" thành những mối tình lãng mạn trong suy nghĩ của phụ nữ. Và phụ nữ Nhật Bản cho rằng đó là thứ tình yêu cao cấp, không bị ngăn trở bởi ghen tuông và các giá trị xã hội khác. Ðiều này khiến cho nhiều nhân vật trong Yaoi, Tanbi (Ðam mỹ theo tiếng Nhật) mang phẩm tính nữ, đôi khi là "ái nam, ái nữ" (androgynous). Sự say mê đó gắn liền khát khao tình dục. Bởi vậy, Yaoi tràn ngập các câu chuyện tình trai, thậm chí là các mô tả ghê tởm. Ðây cũng là quan điểm được nhiều nhà văn hóa học, tâm lý học, xã hội học, nhà nữ quyền đồng tình. Tuy nhiên, nếu có thì chỉ nên coi Yaoi là hệ quả xấu nảy sinh từ sự thoái hóa của xã hội nam quyền, khó có thể coi là một biểu tượng văn hóa, nghệ thuật như một số người tung hô. Trong thời kỳ đầu, do nhầm lẫn, một số nhà hoạt động chính trị, nhân quyền cho người đồng tính, dị tính, song tính của Nhật Bản đã gộp chung những người sáng tác Yaoi vào "cùng hội, cùng thuyền". Rồi họ nhanh chóng nhận ra sai lầm. Nhiều ý kiến cho thấy Yaoi là sản phẩm về tình dục, phần nào đó là sự xúc phạm, nhìn nhận lệch lạc về người đồng giới. Ở Nhật Bản, một số người còn vớt vát Yaoi là minh chứng khát khao được bình đẳng của phụ nữ Nhật, nhưng sang nước ngoài ý nghĩa đó đã biến mất... Yaoi lộ nguyên hình là những sản phẩm khiêu dâm cấp thấp. Ở Thái-lan, nhiều phụ nữ thừa nhận họ đọc Yaoi... cho vui! Ðến Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Yaoi biến tướng thành Ðam mỹ. Các tác giả ở đây đã sử dụng ngôn ngữ viết thay vì vẽ như các tác giả ở Nhật Bản. Mức độ tình dục trong Ðam mỹ so với Yaoi có giảm chút ít, nhưng tinh thần khiêu dâm thì vẫn vậy. Ðặc biệt từ cặp nhân vật "seme" và "uke", người viết Ðam mỹ đã "sáng tạo" ít nhất 38 kiểu đôi nhân vật công (seme) và thụ (uke). Nhiều kiểu nhân vật thoáng nghe đã rùng mình bởi sự thô thiển, như các kiểu nhân vật: "thích ngược đãi kẻ khác, bị ngược đãi mà vẫn thích; sử dụng đạo cụ để hành hạ đối phương cả tinh thần lẫn thể xác..."! Xu hướng như Thanh thủy văn (loại Ðam mỹ đã được xuất bản ở Việt Nam) khá cảm động, cốt truyện tinh tế, một số đặc điểm giống với văn học đồng tính trên thế giới, nhưng người đọc Ðam mỹ ở Việt Nam không ưa chuộng loại này. Giống như ở Nhật Bản, Trung Quốc, ở Việt Nam nhiều "hủ nữ, hủ nam" đọc Ðam mỹ chỉ vì có mô tả tình dục quái dị. Ðó là căn nguyên cho thấy tại sao họ lại chấp nhận đọc trên mạng, sử dụng các phần mềm dịch để thỏa mãn "nhu cầu" bệnh hoạn. Một số người cũng thừa nhận họ thất vọng với các bản dịch của nhà xuất bản, bởi biên tập viên đã lược bỏ những đoạn mà họ được xem trước trên mạng!
Ðây đó ở Việt Nam đã có ý kiến coi đọc Ðam mỹ là ủng hộ người đồng tính, nhưng xem xét từ nguồn gốc, bản chất của hiện tượng thì đó hoàn toàn chỉ là ý kiến ngụy biện, hoặc chưa tìm hiểu kỹ Ðam mỹ hay Yaoi (chưa kể việc dịch bằng công cụ máy móc khiến nhiều "dịch giả bất đắc dĩ" tạo ra văn bản ngô nghê, sai văn phạm, làm hỏng tiếng Việt, dẫn đến cuộc tranh luận vô bổ). Ðọc sách là công việc luôn được xã hội khuyến khích, vì đó là tiền đề cho một xã hội học tập. Ðọc sách để tìm hiểu, rồi từ đó cảm thông, chia sẻ với người đồng tính không phải là việc cần phê phán. Nhưng lợi dụng đề tài đồng tính để truyền bá các sản phẩm có nội dung trụy lạc là điều đáng phải bị lên án, nếu nghiêm trọng thì phải xử lý trước pháp luật; đặc biệt, khi các sản phẩm loại này hướng tới người đọc trẻ, nhất là học sinh, thì càng cần phải nghiêm khắc hơn. Vì thế không chỉ nhà xuất bản, cơ quan quản lý in-tơ-nét,... mà các nhà trường cũng cần phải tổ chức, quản lý, điều hành diễn đàn trên mạng của nhà trường một cách lành mạnh, bổ ích.




HIẾU VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét