Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

RSF cần lương thiện và trung thực !

Trong những năm gần đây, mỗi khi nói đến tình hình tự do báo chí ở Việt Nam là Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) lại đưa ra những đánh giá tùy tiện, thiếu trung thực. Đầu năm 2015, trong phần nhận xét về tình hình báo chí ở Việt Nam của cái gọi là "báo cáo thường niên", tổ chức này tiếp tục lặp lại các luận điệu bất chấp sự thật, đổi trắng thay đen để vu cáo, xuyên tạc.
Ngày 20-1-2015, trang williamblum.org của học giả người Mỹ U.Blăm (William Blum) đăng bài Giết hại nhà báo - họ và chúng ta (Murdering journalists... them and us),và sau đó đã đăng trên tạp chí Coldtype số 93 - tháng 2-2015. Trong bài, sau khi nhắc tới một số sự kiện thời sự trên thế giới liên quan tới tự do ngôn luận, để chỉ rõ "sự đạo đức giả của phương Tây", hiện tượng "tán tụng bất tận sự trả thù của thế giới NATO cho nhà báo và tự do ngôn luận", tác giả liệt kê một số vụ nhà báo bị sát hại và các cơ quan truyền thông bị tiến công, như: năm 1999, Đài truyền hình nhà nước Serbia (RTS) bị tiến công, sinh mạng của nhiều nhân viên nhà đài bị tước đoạt, hai chân của một người sống sót bị cắt bỏ để có thể đưa anh ra khỏi đống đổ nát; năm 2003, tên lửa không đối đất bắn vào văn phòng Al-Jazeera ở Bát-đa (Baghdad) khiến ba nhà báo chết tại chỗ, bốn người khác bị thương, cùng năm này, khách sạn Palestine tại Baghdad bị tiến công, hai nhà quay phim ngoại quốc thiệt mạng; năm 2007 tại I-rắc (Iraq), hai nhà báo của hãng Roi-tơ (Reuters) bị sát hại, v.v. Đáng nói là, dù tự khoác lên mình vai trò "bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt, và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ" nhưng RSF hầu như tảng lờ các sự kiện đã được học giả William Blum liệt kê. Hẳn là vì thế, không ngẫu nhiên trên Wikipedia người ta lại viết: "Những nhà phê bình cáo buộc RSF đã tường trình về việc phân biệt đối xử nhà báo một cách có chọn lọc trước. Việc chọn lọc các nước mang định hướng của sự chọn lọc từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bỏ qua tất cả các tường trình về hoạt động chống lại nhà báo trong những nước đồng minh của Hoa Kỳ, hay chính trong Hoa Kỳ"!?
Cho nên, thật mỉa mai khi liên hệ giữa "sứ mạng cao cả" của RSF với bản tin Phóng viên nhiếp ảnh Sudan về nước sau 6 năm tù ở Guantanamo trên VOA tiếng Việt ngày 14-1-2010. Bản tin này cho biết, nhà quay phim Al-Haj của Đài truyền hình Al-Jazeera - người bị quân đội Pa - ki- xtan (Pakistan) bắt cuối năm 2001, đã trở về nhà sau khi bị giam giữ sáu năm không có cáo trạng trong một nhà tù của quân đội Mỹ tại vịnh Guantanamo (Cuba); sau khi trở về nhà, ông nói với truyền hình Al-Jazeera: "chuột được đối xử nhân đạo hơn các tù nhân tại Guantanamo, mỗi ngày tình hình càng tồi tệ hơn"! Nói cách khác, căn cứ vào việc RSF im lặng trước các trường hợp như của ông Al-Haj (bị bắt trái phép, giam giữ không cáo trạng, bị hành hạ...) với việc RSF liên tục soi mói, vu cáo, xuyên tạc vấn đề tự do báo chí ở một số nước có thể nói hành xử nêu trên là bằng chứng cụ thể của việc thực thi quan niệm "tiêu chuẩn kép" (double standard). Điều này được xem là "thành kiến, không công bằng về mặt đạo đức nếu nói theo nguyên tắc tất cả đều bình đẳng, tự do" và là "một sự phi lý bởi chúng vi phạm một cách mạnh mẽ câu châm ngôn cơ bản của luật học hiện đại: Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật".
Đối với Việt Nam cũng vậy, không chỉ trang tiếng Việt của VOA, RFA, BBC,...thường xuyên phỏng vấn người có tên là B-I-xmai (Benjamin Ismail) giữ cương vị "đặc trách châu Á của RSF" và tạo cơ hội giúp người này vu cáo Nhà nước Việt Nam rồi thi thoảng lại đưa ra một "yêu cầu" nào đó, mà cái gọi là "báo cáo thường niên" của RSF cũng luôn trơ tráo lặp lại mấy luận điệu cũ rích này, bất chấp thực tế phát triển báo chí tại Việt Nam, và đánh đồng một số người có hành vi vi phạm pháp luật với người hoạt động báo chí!
Có một sự thật không thể chối cãi là nhiều năm nay, RSF luôn cố tình tảng lờ sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của hệ thống báo chí và truyền thông ở Việt Nam. Bởi theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đến hết năm 2014 cả nước có: 845 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm, hằng năm phát hành khoảng 650 triệu bản; 67 đài phát thanh - truyền hình, 105 kênh chương trình truyền hình quảng bá và 75 kênh chương trình phát thanh quảng bá, sáu kênh truyền hình hoạt động không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng; 33 đơn vị cung cấp truyền hình cáp với 74 kênh truyền hình và chín kênh phát thanh trên hệ thống truyền hình trả tiền, 40 kênh truyền hình nước ngoài được khai thác trên hệ thống truyền hình trả tiền, thuê bao truyền hình trả tiền là 6,6 triệu (trong đó thuê bao truyền hình cáp khoảng 83%); 98 cơ quan báo chí điện tử, 1.525 trang tin điện tử tổng hợp, 207 trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí. Theo Hội Nhà báo Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2014, số hội viên của Hội là 21.688 người, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh và thành phố, 19 Liên chi hội, 206 chi hội trực thuộc. Và theo báo cáo giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì tới năm 2014 đã có hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ làm việc tại các tòa soạn từ Trung ương đến địa phương; tỷ lệ nhân lực ngành báo chí có trình độ đại học tăng từ 85% lên 91% và trên đại học là từ 4% lên 4,9%...
Dù còn có những hạn chế trong quá trình hoạt động (như: một số báo chí chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, công bố thông tin giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, đăng bài vở và hình ảnh ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, khai thác thông tin mạng xã hội không kiểm chứng, vi phạm bản quyền báo chí,...) vẫn phải khẳng định hệ thống báo chí Việt Nam đã làm tốt chức năng cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, là diễn đàn phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Trong khi phát hiện, phản ánh, nêu gương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, trong phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, tích cực cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ chủ quyền của đất nước, góp phần xây dựng văn hóa mới,... báo chí ở Việt Nam cũng luôn đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân...
Các số liệu, kết quả nêu trên tự chúng là các nội dung "biết nói". Nhưng RSF không dám thừa nhận sự thật đó, vì nếu thừa nhận tức là RSF không còn cơ sở để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam. Nhìn rộng ra, nếu thật sự quan tâm bảo vệ nhà báo, chí ít RSF cũng phải quan tâm "bảo vệ" nhà báo gốc Việt ở nước ngoài. Như ở Mỹ chẳng hạn, việc nhà báo Đạm Phong (chủ nhiệm tuần báoTự do tại Hu-xtơn - Tếch-dát (Houston - Texas) bị bắn chết tại nhà riêng năm 1982, nhà báo Hoài Điệp Tử bị hỏa thiêu đến chết tại nơi làm việc là tuần báo Mai ở Oét-min-xtơ - Ca-li-phoóc-ni-a (Wesminster - California) xảy ra ở thời điểm RSF chưa ra đời thì không nói làm gì; nhưng tại sao năm 1990 nhà báo Tú Rua bị bắn chết tại Vơ-gi-ni-a (Virginia), hoặc tuần báo Việt Weekly với nguyên tắc tác nghiệp độc lập, khách quan, trung thực, minh bạch liên tục bị đe dọa, bị vu cáo là "thân cộng", bị biểu tình phản đối trong thời gian dài,... thì RSF lại im lặng? Thiết nghĩ, trước khi đánh giá tự do báo chí ở Việt Nam, RSF nên xem vi-đê-ô cờ-líp (video clip) nhan đề Ngày nhà báo 21-6: Etcetera Nguyễn tâm tình công bố trên youtube. Trong video-clip, Etcetera Nguyễn - nhà báo của Việt Weekly, đã tâm sự với bạn đọc sau một năm làm "phóng viên người Mỹ gốc Việt về Việt Nam làm việc công khai, hợp pháp" rằng: Vẫn với nguyên tắc tác nghiệp độc lập, khách quan, trung thực, minh bạch, song ở Việt Nam, Etcetera Nguyễn luôn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của các ban, ngành, đồng thời nhận được rất nhiều tình cảm tốt đẹp và sự hỗ trợ của bạn bè, thân hữu. Anh cho biết mình đã có một năm hạnh phúc, vì đã tìm được chìa khóa căn bản cho cuộc sống và công việc của bản thân. Thử hỏi, nếu tự do báo chí ở Việt Nam được mô tả một cách tùy tiện như RSF vẫn đưa ra trong các "báo cáo thường niên" thì liệu nhà báo Etcetera Nguyễn có thể tâm sự như vậy?
Để tổ chức, điều chỉnh, quản lý mọi hoạt động, quan hệ trong xã hội,...phù hợp với định hướng phát triển, mỗi quốc gia đều xây dựng hệ thống luật pháp của mình. Với ý nghĩa tích cực và lành mạnh, hệ thống luật pháp ấy luôn hướng tới việc bảo vệ quyền của con người, bảo đảm xã hội vận hành ổn định và phát triển, đồng thời nghiêm khắc xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người, ảnh hưởng tới trật tự xã hội, an ninh quốc gia,... Xây dựng hệ thống luật pháp như thế không phải là việc riêng của quốc gia nào, mà là yêu cầu phổ quát trên toàn thế giới. Về phương diện nghề nghiệp, hệ thống luật pháp quy định rất cụ thể buộc mỗi người phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện mới được hành nghề luật sư, bác sĩ, giáo viên, kiến trúc sư, thậm chí là cấp bằng lái xe, chứng chỉ tay nghề... Với nghề làm báo, không phải ai cũng được coi là nhà báo nếu không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện. Vì thế, không thể coi mấy người viết blog, facebook, twitter hay mạng xã hội nào đó cũng là nhà báo. Nhưng RSF lại không như vậy, với thủ đoạn lập lờ đánh lận con đen, họ cố tình biến mấy người này thành "nhà báo" nhằm mục đích vu cáo Nhà nước Việt Nam và biện hộ, bao che cho một số người phạm tội "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân",... Nhìn vào cách hành xử của RSF lâu nay, không thể đặt niềm tin vào ý kiến của tổ chức này, và các đánh giá của họ về tự do báo chí ở Việt Nam. Uy tín, sự tin cậy với bất kỳ tổ chức nào cũng được xây dựng trên tinh thần hướng thiện, thái độ khách quan và trung thực. Thử hỏi, có khi nào, những người ở RSF tự vấn về uy tín và hình ảnh của mình trước dư luận?
HỒNG QUANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét