Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Một báo cáo "mất cân đối một cách nghiêm trọng và mang tính phân biệt" (Tiếp theo và hết)

- Ðoạn 9: BCVÐB nêu "Một trong những nét đặc biệt ấn tượng trong sự phát triển về tôn giáo gần đây ở Việt Nam là sự gia tăng lớn số lượng người theo đạo Tin lành, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc hoặc tôn giáo thiểu số. Ðồng thời, điều này cũng dẫn đến vài trường hợp đáng lo ngại về sự ngược đãi tôn giáo". Thực tế là nếu có sự ngược đãi, ngăn cấm thì không thể có sự gia tăng lớn số lượng người theo đạo Tin lành...
Tại khu vực Tây Bắc, hiện nay có khoảng gần 200.000 tín đồ, trong đó hầu hết là người dân tộc thiểu số với 90% là người Mông. Trong thời gian qua, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho đồng bào theo đạo Tin lành sinh hoạt tôn giáo tại gia đình hoặc tập thể theo điểm nhóm. Ðến nay, đa số các điểm nhóm Tin lành tại các tỉnh Tây Bắc sinh hoạt bình thường, trong đó có hơn 400 điểm nhóm đăng ký với chính quyền. "Sự ngược đãi" mà BCVÐB nêu có thể là do sự nhầm lẫn với sự xung đột bình thường giữa đạo Tin lành với các tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số.
- Ðoạn 10: BCVÐB cho rằng "điều kiện mà những cá nhân hay các nhóm có thể thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng vẫn không thể đoán trước được, thường phụ thuộc vào thiện chí của chính quyền địa phương, và đặc biệt là các cơ quan Chính phủ liên quan". Nhận định này là không có cơ sở thực tế vì quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định trong Hiến pháp, pháp luật như chính BCVÐB đã ghi nhận. Cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận trong quá trình Rà soát UPR chu kỳ II rằng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc củng cố khuôn khổ pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Việt Nam đang xây dựng và dự kiến sẽ thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào năm 2016.
- Ðoạn 11: Theo Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, mọi người dân được bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các cá nhân được tạo điều kiện để thực hành tôn giáo, không có việc "kiểm soát chặt chẽ" hay "ngược đãi tôn giáo" như BCVÐB nêu. Ðiều này giải thích vì sao có khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có hơn 24 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau trên tổng số 90 triệu dân. Mặt khác, cũng chính tại đoạn này, BCVÐB cũng thừa nhận "không gian cho việc hành đạo đã được mở rộng".
Về phần"những hạn chế về tự do tôn giáo và tín ngưỡng": BCVÐB cho rằng trong khuôn khổ pháp luật của Việt Nam có những quy định có thể được viện dẫn để hạn chế hoặc cấm việc thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; các điều 87, 88 và 258 của Bộ luật Hình sự Việt Nam (BLHS) mập mờ, thường được áp dụng một cách tùy tiện để trừng phạt những người bị kết tội vi phạm các hạn chế theo quy định của pháp luật về tự do tôn giáo, tín ngưỡng... Những nhận định này của BCVÐB là không chính xác.
Xuất phát từ quan điểm tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người nên Nhà nước Việt Nam chủ trương nhất quán là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam cũng coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng. Ðiều này được thể hiện trong Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (1946 - trước cả khi Tuyên ngôn Nhân quyền 1948 đề cập), được phản ánh xuyên suốt đến Hiến pháp 2013, cũng như các văn bản pháp luật liên quan khác,... Việt Nam khẳng định ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm. Các trường hợp truy tố, xét xử và kết án là do vi phạm pháp luật, không phải vì lý do chính kiến hay tôn giáo; được thực hiện theo đúng các quy trình, thủ tục như quy định của pháp luật.
Về "các quy định hành chính và thực tiễn về các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng" (từ đoạn 26-35): - Ðoạn 26: Báo cáo nêu việc các cộng đồng tôn giáo hoặc tín ngưỡng phải đăng ký hoạt động với Ban Tôn giáo Chính phủ là không chuẩn xác. Trên thực tế, các cộng đồng tôn giáo đăng ký hoạt động tại các cấp chính quyền khác nhau tùy vào phạm vi, quy mô hoạt động của mình, thí dụ các điểm, nhóm (không phải là một cấp hành chính đạo của tổ chức tôn giáo, chỉ là tập hợp một nhóm người có niềm tin theo tôn giáo) chỉ phải đăng ký hoạt động với UBND cấp xã...
Về "các biện pháp trợ giúp pháp lý" (từ đoạn 36-39): BCVÐB nêu các thành viên Tòa án Nhân dân Tối cao không biết đến một trường hợp kiện tụng nào liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Chính phủ Việt Nam khẳng định ở đây có sự hiểu nhầm. Tại cuộc gặp giữa BCVÐB và Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 22-7-2014, đại diện của Tòa án đã thông tin rằng Tòa án các cấp trong thời gian gần đây đã xử lý gần 200 vụ việc có liên quan đến yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng. Tại đoạn 39, BCVÐB cũng khẳng định "một số trường hợp đơn kiện được nộp lên cơ quan chức năng ở cấp cao hơn, kể cả Thủ tướng, đã giúp giải quyết mâu thuẫn". Tại Việt Nam, Tòa án hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử. Hoạt động tố tụng được tiến hành trên nguyên tắc bảo đảm cho những người tham gia tố tụng được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình một cách đầy đủ, công bằng và dân chủ; đồng thời, bảo đảm cho việc xét xử được công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ðiều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan...
Về "thái độ tiêu cực đối với các cộng đồng tôn giáo chưa được công nhận" (từ đoạn 40-49): Chính phủ Việt Nam cho rằng báo cáo sẽ khách quan hơn nếu tiêu đề phần IV.A không có chữ "tiêu cực" và cách tiếp cận trong phần này cần được chỉnh sửa cho phù hợp với tinh thần đó, trong đó cần bỏ các nội dung chưa được kiểm chứng như: "lợi ích của đa số đã được viện dẫn với ý đồ rõ ràng nhằm gạt bỏ các đòi hỏi của những nhóm thiểu số hoặc cá nhân đối lập", "hành vi trấn áp nặng nề", "sự can thiệp của Chính phủ", "ép gia nhập các tổ chức chính thức" v.v. Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Bản thân những vấn đề này đã được chính các tổ chức tôn giáo như Hội Thánh thất Cao đài Tây Ninh tại tỉnh Vĩnh Long và Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định khi gặp BCVÐB...
Ngoài ra, tại đoạn 46, đề nghị BCVÐB thay từ Khmer Krom bằng người dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, vì ở Việt Nam không có dân tộc nào gọi là "Khmer Krom" mà chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Thuật ngữ "Krom" gắn với tư tưởng ly khai muốn tách khỏi Việt Nam của một nhóm người dân tộc Khmer. Nhân đây, Chính phủ Việt Nam khẳng định, đối với các cộng đồng thiểu số, quyền tự do, bình đẳng và tôn giáo được bảo đảm, hoạt động tôn giáo của họ được Nhà nước bảo trợ, hỗ trợ phát triển. Ðối với người dân dân tộc Khmer, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ và nhập Kinh sách Phật giáo bằng tiếng Khmer phục vụ nhu cầu đào tạo và sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông tại miền Tây Nam Bộ...
Về "đất đai, tài sản" (từ đoạn 55-58): BCVÐB nêu "việc ở Việt Nam đất đai thuộc quyền quản lý của Nhà nước và không ai có quyền sở hữu đất đai là một nhân tố bổ sung dẫn đến tình trạng thiếu an ninh pháp lý đối với các cộng đồng, vì Nhà nước có thể lấy lại đất khi họ cần thiết", "việc thiếu quy định pháp lý hiệu quả", hay "để phục vụ cho phát triển kinh tế và các dự án hiện đại hóa, vài cộng đồng tôn giáo đã mất hoặc có nguy cơ bị mất diện tích lớn đất đai của họ, cùng với các địa điểm thờ tự có giá trị lịch sử". Những nhận định này chưa phản ánh đúng thực tiễn đất đai, tài sản liên quan đến tôn giáo ở Việt Nam... Tại các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, Nhà nước Việt Nam xác định rõ: đất đai thuộc sở hữu nhà nước; không giải quyết việc cá nhân, tổ chức đòi lại đất Nhà nước đã bố trí sử dụng trước năm 1991; việc cấp đất cho các cơ sở, tổ chức tôn giáo được giải quyết trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, quy hoạch và quỹ đất của địa phương... Thời gian qua, chính quyền các cấp đã cấp đất có diện tích lớn cho nhiều tổ chức để sử dụng vào mục đích tôn giáo, như cấp 15 ha đất để xây dựng Trung tâm hành hương La Vang tại tỉnh Quảng Trị, 10.000 m2 đất được giao cho Tòa Giám mục Ðác Lắc, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam được cấp 2.000 m2 để xây trường đào tạo tôn giáo...
Về "Báo cáo về những vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng" (từ đoạn 64 - 79): Phần này phản ánh không đúng thực tế thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, không có những dẫn chứng cụ thể. Chính phủ Việt Nam đề nghị bỏ toàn bộ phần này. Việc báo cáo có mục riêng về những vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng đi ngược lại với mục tiêu thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Hầu hết các cáo buộc trong phần này có thể do có sự hiểu nhầm. Một nguyên nhân quan trọng khác là một số nhóm, cá nhân lợi dụng vai trò của BCVÐB và chuyến thăm để dàn dựng, thổi phồng nhiều vụ việc nhằm gây ra những hiểu lầm không đáng có và trực tiếp phá hoại sự hợp tác giữa BCVÐB và Việt Nam. Ngoài ra, trong phần này, nhiều vấn đề đã được các bộ, ngành Việt Nam cung cấp thông tin làm rõ, giải thích trước đó với BCVÐB nhưng không được phản ánh. Phần này cũng đề cập đến một số vụ việc xảy ra tại những địa điểm mà BCVÐB chưa có dịp đến trong khuôn khổ chuyến thăm.
Ðoạn 64 nhắc đến PA41 nhưng không có đơn vị nào như thế trong hệ thống các cơ quan Chính phủ Việt Nam ở tất cả các cấp.
Ðoạn 69 nêu tình hình người dân tộc thiểu số Ê Ðê ở Tây Nguyên trong khi BCVÐB hủy chương trình đi Tây Nguyên. Thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm tốt tại khu vực Tây Nguyên, được dư luận quốc tế ghi nhận. Hiện tại, ở đây có khoảng 448.000 tín đồ, trong đó đại bộ phận là người dân tộc thiểu số, đang sinh hoạt tại 201 chi hội và 1.331 điểm nhóm đăng ký với chính quyền địa phương; số tín đồ sinh hoạt tại các chi hội và điểm nhóm nói trên chiếm khoảng 95% tổng số tín đồ. Ðể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ dân tộc thiểu số, khoảng 30.000 quyển Kinh thánh song ngữ (Việt-BaNa, Việt-Ê Ðê, Việt-Jrai) đã được phát hành.
Ðoạn 69 cũng nêu "sự ngược đãi hà khắc đối với những tín đồ của các chi hội người Thượng như dân tộc thiểu số Ê Ðê". Thông tin này không chuẩn xác. Ðề nghị BCVÐB không sử dụng thuật ngữ "Người Thượng", thuật ngữ này đã từng được sử dụng để phục vụ chính sách "chia để trị" dưới chế độ thực dân, trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam không có "dân tộc Thượng"...".
Phần cuối bản Ðóng góp viết: "Chính phủ Việt Nam cho rằng các kết luận và khuyến nghị của BCVÐB không chính xác, không xác đáng do dựa trên những thông tin một chiều" và cho rằng "các kết luận và khuyến nghị này đi ngược với mục tiêu thúc đẩy đối thoại, hợp tác trong lĩnh vực này". Ðồng thời khẳng định "thái độ thiện chí, sẵn sàng trao đổi, đối thoại với các Thủ tục đặc biệt trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau theo tinh thần của Hiến chương LHQ, các nghị quyết 5/1 và 5/2 của HÐNQ", nhấn mạnh "đối thoại, hợp tác chỉ thực sự có hiệu quả và bảo đảm khi các bên thể hiện thái độ chân thành, cầu thị và lắng nghe với thiện chí".
* Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 17-3-2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét