Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

SỰ XUYÊN TẠC LỐ BỊCH VỀ CUỘC BẦU CỬ DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM



@Phiếm Đình
 
Để phá hoại cuộc Bầu cử Quốc hội Việt Nam Khóa XIV, lực lượng cơ hội trong nước và các thế lực thù địch nước ngoài, lợi dụng mác “nhà dân chủ”, bất chấp thực tiễn, ra sức phủ nhận bản chất dân chủ của bầu cử ở Việt Nam với những luận điệu sai trái, lố bịch.
Những việc làm đó của họ là sai trái và hết sức lố bịch. Bởi, nó hoàn toàn trái với bản chất chế độ ta, không đúng với thực tiễn bầu cử Việt Nam suốt 70 năm qua. Ai cũng biết, một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Để thực hiện mục tiêu đó, vấn đề cơ bản và quan trọng hàng đầu là thực hiện bầu cử dân chủ. Bởi, chỉ có bầu cử dân chủ, thì mới bảo đảm cho nhân dân lựa chọn được những đại biểu xứng đáng, thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Tức là, bầu cử dân chủ là tiền đề để nhân dân thực hiện ý chí của mình - điều cốt lõi trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mà ý chí đó là quyền lực cơ bản của mọi quyền lực nhà nước trong một chế độ dân chủ - như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 khẳng định: Nền tảng uy quyền của các quyền lực công cộng là ý chí của dân chúng; ý chí này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử thường kỳ được tổ chức một cách trung thực theo lối bầu cử phổ thông, bình đẳng, bỏ phiếu kín”.
Thực tiễn lịch sử chứng minh, ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử dân chủ của Nước Việt Nam mới. Người kêu gọi nhân dân hãy phát huy tinh thần tự chủ, giới thiệu những người có đức, có tài “không phân biệt đảng phái, tôn giáo, có tinh thần phụng sự Tổ quốc và nhân dân”, tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, hoặc tự ứng cử để gánh vác công việc của quốc dân giao phó. Vì vậy, mặc dù đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn, nhưng Tổng tuyển cử đã thu hút đại đa số cư tri cả nước tham gia và đã thành công tốt đẹp. Quốc hội khóa I hoàn thành trọng trách nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang trước lịch sử. Từ Quốc hội khoá II, pháp luật bầu cử của nước ta ngày càng đổi mới, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm dân chủ bầu cử ngày một tốt hơn. Qua 13 khóa Quốc hội, chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội ngày một tăng lên; tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đông hơn; trách nhiệm đối với lá phiếu cao hơn. Đặc biệt, chất lượng Quốc hội được nâng cao. Đại biểu Quốc hội là những người có đủ đức, tài, có tín nhiệm cao, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong mọi hoạt động, nhất là trong quyết định các chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; uy tín, vị thế của Việt Nam không ngừng nâng cao trên trường quốc tế.
Thế nhưng, bất chấp sự thật hiển nhiên đó, các “nhà dân chủ” vẫn tìm mọi cách để phủ nhận các thành quả giá trị đó; đồng thời, “họ” dùng mọi mưu toan, thủ đoạn để phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV của ta. Họ tâng bốc bầu cử ở phương Tây để so sánh, dèm pha bầu cử trong nước. Coi các qui định của pháp luật bầu cử Việt Nam, nhất là vai trò của Mật trận Tổ quốc trong Hiệp thương để lập Danh sách bầu cử là “dân chủ giả hiệu”, là “cái bẫy” đối với người tự ứng cử. Rằng: bầu cử ở Việt Nam là “Đảng cử, dân bầu”; ở đó “người dân được cung cấp một mâm cơm đã soạn sẵn, ăn gì, ăn bao nhiêu, mắm muối thế nào đã được hệ thống quyền lực áp đặt trước”(!) v.v. Đây là những luận điệu vu khống, xuyên tạc trắng trợn, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân dân ta trong thực hiện quyền bầu cử dân chủ của mình.
Hiến pháp 2013, Điều 6 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Theo quy định này thì bầu cử là phương thức được cử tri sử dụng để chọn người đại diện và trao quyền lực. Nội hàm của khái niệm bầu cử là: giới thiệu người đại diện (đề cử) – bỏ phiếu chọn – trao quyền. Theo khái niệm này, để thực hiện quyền bầu cử, cử tri sẽ thực hiện 3 bước: (1) giới thiệu người ưu tú nhất đề cử làm đại diện cho mình, (2) bỏ phiếu khẳng định tính hợp pháp của người đại diện, (3) trao quyền lực đại diện mình tham gia quản lý và lãnh đạo đất nước. Xin hỏi các “nhà dân chủ”: có phải trên thế giới, các nước đều tổ chức bầu cử giống nhau không, hay mỗi quốc gia đều có cách thức bầu cử riêng? Trong tiến trình bầu cử, để có những ứng cử viên chất lượng bầu vào Quốc hội, các nước trên thế giới đã làm gì, nếu không phải là đề ra những qui định chặt chẽ nhằm tìm được những người xứng đáng đưa vào danh sách bầu cử? Có quốc gia nào trên thế giới, mà các đảng chính trị không giới thiệu người của mình ra tranh cử quốc hội? Chắc không có phải không thưa các “nhà dân chủ” thông thái giả “mù, điếc”?
Nếu vậy, các “nhà dân chủ” hãy “chống mắt”, “giỏng tai” mà nghe, nhìn thực tiễn đã diễn ra trên thế giới: mỗi quốc gia khác nhau, có pháp luật bầu cử và cách thức tiến hành bầu cử khác nhau, tùy theo chế độ chính trị, truyền thống, văn hóa, kinh tế của mỗi nước. Để bảo đảm bầu cử dân chủ, tất cả các nước đều đề ra các qui phạm pháp luật, từ khẳng định nguyên tắc bầu cử, qui định số lượng đại biểu,… đến công bố kết quả bầu cử, để điều chỉnh việc tổ chức và trình tự các bước tiến hành bầu cử. Riêng giới thiệu ứng cử viên, các nước đều coi đó là chức năng của các đảng phái chính trị. Thí dụ ở Cộng hòa Liên bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên vào Nghị viên là độc quyền của các đảng chính trị. Ở Mỹ, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ luôn thực hiện quyền đề cử đảng viên của mình ra tranh cử Tổng thống và tranh cử Thượng nghị sỹ, Hạ nghị sỹ,v.v. Tuy nhiên, ngoài ứng cử viên của các đảng phái, các ứng cử viên tự do cũng có quyền tự ứng cử, song khả năng trúng cử của họ rất thấp, bởi luật pháp có những qui định hết sức ngặt nghèo đối với ứng cử viên tự do. Nhưng dù là ứng cử viên của các đảng phái hay ứng cử viên tự do, muốn lọt được vào Danh sách bầu cử, đều phải do các Cơ quan phụ trách bầu cử xem xét, nếu đủ điều kiện mới được đưa vào lập Danh sách bầu cử. Đó là thực tế hiển nhiên, thế mà các “nhà dân chủ” lại cố tình “giả ngu” không biết.
Việt Nam, việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành đúng theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (sau đây gọi tắt là Luật Bầu cử). Theo đó, Luật Bầu cử xác định nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Hiến pháp 2013, Điều 27 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Như vậy, quyền bầu cử và quyền tự ứng cử là quyền hiến định cho các chủ thể là công dân hội đủ điều kiện theo luật định. Đồng thời, Luật Bầu cử cũng qui định rõ các nội dung và trình tự tiến hành bầu cử, như: cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội; xác định ngày bầu cử; phương thức tổ chức đơn vị bầu cử; khu vực bỏ phiếu; tổ chức phụ trách bầu cử; lập danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử; tổ chức vận động bầu cử; trình tự bỏ phiếu; kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử, v.v. Trình tự và nội dung đó được tổ chức thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ, chứ không phải là “hình thức”, hoặc mang tính “trình diễn”. Chẳng hạn, việc giới thiệu ứng cử và tự ứng cử được qui định cụ thể: các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang, có quyền giới thiệu người của mình ra ứng cử và các cá nhân có quyền tự ứng cử. Bởi vậy, trong  thực tế, không chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà mọi tổ chức, cá nhân đều thực hiện quyền giới thiệu người ứng cử hoặc tự ứng cử; mọi hành vi cản trở công việc đó đều vi phạm pháp luật và bị xử lý theo luật định. Tuy nhiên, muốn có tên trong Danh sách bầu cử, mọi ứng cử viên, không phân biệt, đều phải trải qua các vòng hiệp thương do Mật trận Tổ quốc chủ trì, để cử tri nơi công tác và nơi cư trú góp ý, lựa chọn bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm.
Các “nhà dân chủ” sẽ đặt câu hỏi: tại sao phải hiệp thương lựa chọn ứng cử viên để đưa vào Danh sách bầu cử; và tại sao chủ trì hiệp thương lại là Mật trận Tổ quốc chứ không phải ai khác? Câu trả lời đơn giản: số lượng ứng cử viên bao giờ cũng rất đông so với số lượng đại biểu được bầu. Bởi vậy, bất cứ quốc gia nào cũng phải tìm cách để sàng lọc các ứng cử viên chất lượng thấp đến một tỉ lệ nhất định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri lựa chọn bầu làm đại biểu Quốc hội. Ở nhiều nước trên thế giới, việc làm đó là quyền hạn của Cơ quan phụ trách bầu cử. Ở Việt nam quyền đó thuộc về nhân dân. Để cử tri thực hiện tốt quyền hạn đó, Luật bầu cử qui định Mật trận Tổ quốc là cơ quan chủ trì Hiệp thương. Bởi lẽ, Mật trận Tổ quốc - mà tiền thân là Mặt trận Việt Minh- là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; là nơi tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội,... nên chủ trì Hiệp thương là hợp tình, hợp lý nhất.
Còn thắc mắc: tại sao lại cần lấy ý kiến cư tri nơi công tác và nơi cư trú? Xin thưa: vì họ là những người sâu sát, có đủ thông tin về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như năng lực công tác của ứng cử viên. Thực hiện qui định đó, tại Hội nghị cử tri, đối chiếu với tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội, người dân sẽ quyết định ai xứng đáng đưa vào Danh sách bầu cử để bầu làm đại biểu Quốc hội. Ở đó, mọi người đều bình đẳng; không có chuyện “phân biệt đối xử”, hay “đấu tố”. Dù là đảng viên hay người ngoài Đảng, nếu đạo đức, phẩm chất, tư cách kém, không “một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân” thì không được cử tri lựa chọn. Đó chẳng phải công khai, minh bạch, dân chủ sao thưa các nhà giả danh “dân chủ”?
Tiến trình bầu cử ở Việt Nam tuân thủ một qui trình chặt chẽ, dân chủ, bình đẳng, khách quan, với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”. Mỗi bước trong tiến trình đó, các tổ chức và cá nhân có liên quan phải hoàn thành trách nhiệm đúng theo luật định. Người dân trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện của mình, giám sát chặt chẽ mọi qui trình bầu cử. Đồng thời, tại nơi bỏ phiếu, bằng lá phiếu của mình, họ sẽ quyết định ai là người xứng đáng để bầu vào Quốc hội. Như vậy, những lập luận cho rằng, bầu cử ở Việt nam là áp đặt, mất dân chủ, người dân phải “ăn một mâm cơm đã dọn sẵn”,… đều là xuyên tạc, bịa đặt với ý đồ xấu của những “nhà dân chủ” nhằm chống phá tiến trình bầu cử dân chủ ở Việt Nam.
Bằng tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, bảo đảm cho Bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành công tốt đẹp. Một bảo đảm quan trọng để đi tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà nhân dân Việt Nam đã chọn. Đó là hiện thực không một thế lực nào có thể bịa đặt, xuyên tạc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét