Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Điều trần…một phía, làm sao khách quan?



QĐND - “Đến hẹn lại lên”, cứ tới ngày Tự do báo chí thế giới (3-5), lại xuất hiện một số tiếng nói thiếu thiện chí từ nước ngoài để dựng chuyện, bôi xấu tự do báo chí ở Việt Nam. Năm nay, được sự hậu thuẫn của một số đài báo, tổ chức chống cộng cùng hai dân biểu Hoa Kỳ, họ đã lôi kéo một nhóm người không phải là nhà báo từ Việt Nam sang Hoa Kỳ dự cái gọi “buổi điều trần về tự do báo chí tại Việt Nam”. Đâu là sự thật đằng sau câu chuyện này?
Không đúng tinh thần ngày Tự do báo chí thế giới
Nhóm người mà một số đài báo nước ngoài “phong” cho là những “nhà báo độc lập”, “diễn giả” thật ra chỉ là các blogger từ Việt Nam tới tham gia cuộc điều trần bao gồm Nguyễn Thị Kim Chi, Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Đình Hà, Tô Oanh và Lê Thanh Tùng. Một số người khác cũng được họ mời tham gia cái gọi là "phiên điều trần" bao gồm: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng và Anna Huyền Trang. Những người này được gán cho những vai trò có vẻ rất quan trọng như “khởi động một nền báo chí độc lập tại Việt Nam”, được tiếp xúc với các quan chức, các tổ chức nhân quyền, một số công ty internet và tham dự “khóa huấn luyện về truyền thông và an ninh điện tử”.
Thoạt nghe thì tưởng đây là những hoạt động có ý nghĩa nhưng tìm hiểu kỹ thì thấy nó xa rời tôn chỉ, mục đích của chính ngày Tự do báo chí thế giới vì ẩn chứa nhiều ý đồ xấu.
Thật ra, ngày Tự do Báo chí Thế giới 3-5-2014 với chủ đề là: “Tự do cho truyền thông vì một tương lai tốt đẹp hơn” và dấu nhấn được đặt trên các vấn đề: “Truyền thông tự do, Nhà nước pháp quyền, báo chí chuyên nghiệp là một bộ phận của phát triển”. Nếu dựa theo những tiêu chí đó mà xét thì cái gọi là “điều trần”, “hội thảo” ở Mỹ đều đi ngược với tinh thần đó. Trước hết, chỉ cần nhìn vào thành phần ban tổ chức đã đủ thấy “ban bệ” của nó toàn những đối tượng nhiều năm nay quấy phá nền dân chủ, xuyên tạc tình hình ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Đài á Châu Tự Do, Tổ chức Phóng viên Không biên giới, cái gọi là Đảng? Việt Tân - một tổ chức khủng bố có nhiều hoạt động chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Còn hai dân biểu Loretta Sanchez và Zoe Lofgren thì từ lâu đã được dư luận quốc tế đánh giá là hai nghị sĩ diều hâu, thường đưa ra những ý kiến rất chủ quan, phiến diện về dân chủ, nhân quyền Việt Nam và nhiều nước khác. Riêng bà Sanchez là một dân biểu Mỹ thường xuyên ráo riết vận động hạ viện Mỹ thông qua các dự luật, nghị quyết về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Những người tổ chức cái gọi là cuộc điều trần chỉ đặt ra một vế “truyền thông tự do”, mà tách rời “nhà nước pháp quyền”, đồng thời cũng quên luôn “báo chí chuyên nghiệp” khi các diễn giả được họ mời gọi thực chất không phải là các nhà báo mà chỉ là những kẻ cơ hội chính trị đã kết bè với nhau và liên kết với các tổ chức chống cộng cực đoan, các tổ chức thù địch với Việt Nam. Họ sử dụng blog, facebook thành nơi truyền bá, phát tán những thông bịa đặt, xuyên tạc, chống đối chính quyền, thổi phồng những bất mãn cá nhân dưới một cái mũ hào nhoáng là “tự do báo chí” và “yêu nước”.
Nói về những “nhà báo” này, ông John Lee, chủ bút tờ Việt Hải Ngoại ở Hoa Kỳ khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân cho biết: “Những người cơ hội chính trị đó đã thực sự đối lập với lợi ích Tổ quốc, một khi họ nuôi dã tâm xấu xa đó thì họ sẽ không bao giờ thực hiện “tự do báo chí” theo nghĩa chân chính nhất của từ này. Thực tế, họ đã đi ngược lại tinh thần của ngày Tự do báo chí năm 2004 nêu rất rõ chủ đề “báo chí chuyên nghiệp”. Không thể có nền tự do báo chí tốt nếu người bàn luận về nó lại là những người không hiểu gì về báo chí vậy.
Những “chuyên gia la làng”
Xin nêu một ví dụ về trường hợp Nguyễn Lân Thắng, khi bị cấm xuất cảnh đã có thư ngỏ gửi bà Loretta Sanchez, bậy bạ gán ghép chuyện "không có tự do báo chí" có thể gây tác hại nghiêm trọng như việc thiếu thông tin trong dịch sởi hiện nay. Chỉ cần vào google gõ cụm từ “dịch sởi”, đủ thấy có tới hàng nghìn tin bài đưa về việc này, thế nhưng Thắng tuyên bố “người dân đã bị tước bỏ quyền được thông tin để tự bảo vệ mình”.
Xét về phương pháp tổ chức cuộc điều trần, có thể thấy ngay nó rất thiếu khách quan. Nhóm người được mời như Phạm Chí Dũng, Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Lân Thắng, Huyền Trang, Kim Chi lâu nay chỉ đại diện cho những tiếng nói bất mãn, cực đoan. Không có một bài viết nào của họ trên blog, facebook phản ánh đúng hiện thực đất nước mà chỉ là cái nhìn phiến diện, lệch lạc, hằn học về Đảng, Nhà nước. Tương tự như Cù Huy Hà Vũ, phần lớn những người này đã đi ngược lại truyền thống, lý tưởng cách mạng của gia đình. Họ không chỉ bị xã hội mà bị chính gia đình lên án. Không ít kẻ trong những nhóm người này hiện đã bỏ công việc nghề nghiệp từng làm. ở trong nước, họ đã xuyên tạc, bịa đặt không tiếc lời trên blog, facebook nay ra nước ngoài lại tiếp tục xuyên tạc, bịa đặt về tự do báo chí. Nếu thực sự vì tự do báo chí đích thực, các dân biểu Hoa Kỳ phải hướng tới những kênh thông tin đa chiều, có cơ sở như từ các cơ quan báo chí, các nhà báo, các cuộc khảo sát độc lập…Nếu cần những thông tin có thể tin cậy hơn, độc lập hơn, các dân biểu hoàn toàn có thể tiếp cận các nghiên cứu của hạ nghị sĩ Eni Falemavaega, thành viên cao cấp của ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 8-2 vừa qua, tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. Trong tuyên bố, hạ nghị sĩ Falemavaega đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội, bảo đảm quyền của tù nhân, tự do tôn giáo. Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin ở Việt Nam được thể hiện rõ qua số lượng đầu báo, ấn phẩm, các kênh phát thanh truyền hình, các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp và được luật pháp bảo vệ. Ngày 7-4 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã ra Bản ghi nhận của Quốc hội đưa toàn văn tuyên bố nêu trên của hạ nghị sĩ Falemavaega thành tài liệu chính thức của Hạ viện Mỹ và trân trọng trao Bản ghi nhận của Quốc hội cho Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường. Lẽ nào các dân biểu và nhóm “nhà báo độc lập” lại không hiểu, không ghi nhận thông tin này?
Điều trần không khách quan sẽ mất uy tín
Ca dao Việt Nam có câu “Yêu nhau củ ấu cũng tròn/ Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông”. Còn ngạn ngữ phương Tây cũng lại có câu: “Trong thế giới của những tay gù thì tất cả những người lưng thẳng đều là dị dạng”. Không có quốc gia nào có nền tự do báo chí tuyệt đối, kể cả Mỹ cũng là nước bị chính dư luận từ Mỹ cho rằng không có tự do báo chí thực sự. Vậy thì không nên vì những suy diễn cảm tính mà đánh giá sai lệch về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Bởi lẽ, càng bóp méo hiện thực khách quan thì uy tín của mỗi dân biểu, mỗi tổ chức nhân quyền và chính mỗi người tham gia cổ súy cho ngày Tự do báo chí thế giới sẽ càng bị suy giảm. Thậm chí, sẽ đến lúc, công luận và nhận thức tiến bộ của nhân dân sẽ quay lưng với chính những việc làm tưởng như vì sự tiến bộ đó. Điều này có lẽ đã có tiền lệ ở Xin-ga-po. Năm ngoái, khi tổ chức Các nhà báo Không biên giới (RWB) công bố “Chỉ số tự do báo chí” hàng năm, đánh giá Xin-ga-po ở vị trí thứ 149 trong tổng số 179 quốc gia, Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long đã bức xúc nói rằng, chỉ số “Tự do báo chí” này không có ý nghĩa gì cả. ông cho rằng, hệ thống báo chí đã “được truyền tải một cách rất tự do trên Internet, mọi người có thể tiếp nhận thông tin ngay lập tức ở bất kỳ đâu trên thế giới. Các tờ báo được quyền đăng tải một cách tự do mọi loại tin tức nhưng đồng thời cũng phải có trách nhiệm cao”. Tổ chức Các nhà báo Không biên giới xem xét tính “tự do báo chí” của các quốc gia bao gồm cả việc xem xét các đạo luật kiểm soát hoạt động báo chí nhưng lại không xem xét đến chất lượng của báo chí - truyền thông của quốc gia đó.
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục khẳng định, mở rộng hơn quyền tự do báo chí. Xét cả về số lượng và chất lượng, Việt Nam đang có một nền báo chí phát triển và thực hiện tốt tự do báo chí. Với những tinh thần của ngày Tự do báo chí thế giới năm nay như “Nhà nước pháp quyền, báo chí chuyên nghiệp là một bộ phận của phát triển” càng cho thấy những tiến bộ trong hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới quyền con người, quyền tự do báo chí, trong đó cao nhất là Hiến pháp ở Việt Nam phải được ghi nhận. Không thể khiên cưỡng, áp đặt và đưa ra những đánh giá sai lệch. Những cuộc “điều trần” như thế này là không cần thiết và thiếu khách quan!
NGUYỄN VĂN MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét