Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Việt Nam trên con đường phát triển bền vững

Các đại biểu tham dự hội thảo.
LTS- Hội thảo quốc tế "Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội vừa qua thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó có nhiều chuyên gia, học giả Việt Nam và quốc tế. Những kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách tại hội thảo là nguồn thông tin tham khảo quý đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình triển khai tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
Tránh sập bẫy "thu nhập trung bình"
Đó là phát biểu của Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) H.Clác tại hội thảo. Bà H.Clác khẳng định, với thế mạnh về lực lượng lao động, nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý, việc tiếp tục nỗ lực thực hiện những cải cách phù hợp sẽ giúp Việt Nam phát huy hiệu quả những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội ấn tượng đã đạt được.
Tổng Giám đốc UNDP H.Clác đánh giá cao những thành tựu của công cuộc Đổi mới, nhất là phát triển con người tại Việt Nam. Bà Clác nhấn mạnh, với tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân 7,3%, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp năm lần trong giai đoạn 1990-2010, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới. Việt Nam cũng có những cam kết và kết quả đáng ghi nhận trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển con người, đồng thời hoàn thành trước thời hạn đa số Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Tuy nhiên, bà H.Clác cũng nhấn mạnh phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, "việc bước vào nhóm nước thu nhập trung bình đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam, trong đó nổi lên là thách thức tụt hậu và rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".
Tổng Giám đốc UNDP khuyến nghị một số lĩnh vực quan trọng Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình cải cách kinh tế, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản. Nhắc lại ấn tượng khi lần đầu đến Việt Nam năm 1998, bà cho biết: "Việt Nam có rất nhiều loại trái cây ngon, nhưng thế giới không biết nhiều về các sản phẩm này. Tôi cho rằng, những trái cây này cần được đầu tư hơn nữa về mặt thương hiệu, năng suất, chất lượng và chiến lược quảng bá để có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường quốc tế". Tổng Giám đốc UNDP nhấn mạnh, đột phá trong quản lý nông nghiệp đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng một chiến lược hợp lý cho quảng bá thương hiệu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm là bước đi cần thiết giúp gia tăng giá trị của các mặt hàng nông sản và lợi nhuận cho nông dân. Bên cạnh đó, với thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu lương thực, chú trọng đầu tư giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu đóng vai trò then chốt bảo đảm tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm với bà H.Clác về vai trò quan trọng của cải cách nông nghiệp, tiến sĩ Th.Pa-la-ni-ven, Kinh tế trưởng Văn phòng châu Á -Thái Bình Dương của UNDP cho rằng, phát triển nông nghiệp hỗ trợ tích cực quá trình công nghiệp hóa. Ngoài ra, theo tiến sĩ Th.Pa-la-ni-ven, những kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po...
về đổi mới thể chế kinh tế có thể gợi mở những giải pháp giúp Việt Nam vượt qua "bẫy thu nhập trung bình". Tiến sĩ Pa-la-ni-ven cho rằng, các nền kinh tế này có một số đặc điểm chung như: Cân bằng tốc độ tăng trưởng với phân bổ đồng đều thu nhập, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu, chú trọng đầu tư cho giáo dục, chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao...
Tiến sĩ Pa-la-ni-ven nhấn mạnh, theo định nghĩa của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoảng thời gian hợp lý để một nền kinh tế chuyển từ mức thu nhập trung bình lên thu nhập cao là từ 40 đến 42 năm. Việt Nam mới gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình, nên việc sớm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới sẽ giúp Việt Nam tránh được "bẫy thu nhập trung bình". Chia sẻ một số khuyến nghị dựa trên tình hình thực tế tại Việt Nam, tiến sĩ Pa-la-ni-ven cho rằng, bên cạnh nông nghiệp và công nghiệp, thời gian tới, Việt Nam nên chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.
Tiếp tục dành ưu tiên cho giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, việc xây dựng một nền tảng kinh tế vững chắc là yếu tố cần thiết để Việt Nam sẵn sàng đối phó hiệu quả nguy cơ từ các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh vấn đề đổi mới nền nông nghiệp và kinh nghiệm vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", các đại biểu tham dự hội thảo cũng thảo luận chung quanh các vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước, xử lý các vấn đề của hệ thống ngân hàng, xây dựng năng lực công nghiệp...
NGỌC HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét