Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

NHÀ ĐỘC TÀI LÝ QUANG DIỆU

Ông Lý Quang Diệu quả là một nhân vật đặc biệt và nổi danh, tài liệu viết về ông khá nhiều, bản thân ông cũng đã viết hồi ký. Sau khi ông qua đời, ngày 23 tháng 3 năm 2015 báo chí rộ lên nhiều bài viết ca ngợi ông, đặc biệt là báo chí Việt Nam, vinh danh ông như vị “Cha già dân tộc”, “minh quân thời đại mới” và nhiều mỹ từ khác dành cho ông. Vì vậy, ở Việt Nam ít người biết đến Lý Quang Diệu đích thực là nhà độc tài.
Theo cuốn hồi ký của ông, Lý Quang Diệu là thế hệ thứ tư thuộc một gia đình người Hoa ở Quảng Đông, Trung Quốc sang định cư tại Singapore. Cũng có tin đồn ông là người Việt gốc Hoa. Chuyện là tờ “Straits Times” một tờ báo có tiếng ở Singapore đang bài viết tựa đề “Cựu Thủ tướng Lý là người Việt Nam”, bài báo đưa ra nghi vấn này dựa trên tin đồn từ cộng đồng Hoa Kiều, theo đó gia tộc ông Lý đã lập nghiệp nhiều đời ở tỉnh Biên Hòa. Khi lên 5 tuổi ông Lý được một gia đình Hoa Kiều Singapore giàu có nhận làm con nuôi và đưa về Singapore.
Ông Lý lớn lên trong một khuôn mẫu giáo dục truyền thống nhưng đã sớm chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây khi ông theo học trung học ở một trường Anh tại Singapore, sau đó du học đại học tại Anh về Kinh tế và Luật. Ông trở thành Thủ tướng Singapore năm 1959, khi hòn đảo này còn là thuộc địa của Anh, rồi sát nhập vào Malaysia, cho đến khi chính thức tách riêng thành một quốc gia độc lập, nước Cộng hòa Singapore năm 1965. Ông giữ ghế Thủ tướng đến năm 1990. Năm 2004 con trai ông là Lý Hiển Long giữ chức này, còn ông giữ chức Bộ trưởng cố vấn trong chính quyền của con ông.
Nếu ít nhiều quan tâm nghiên cứu hệ thống pháp luật của Singapore và một số chủ trương của ông Lý thì cũng dễ nhận ra ông là một nhà độc tài, nhà lãnh đạo chuyên quyền. Người ta thuật lại rằng có lần Lý Quang Diệu tứng nói ông thích được sợ hơn là được thương. Ông cũng từng nói “dân số học chứ không phải dân chủ”. Có lẽ từ quan điểm này, năm 1983 Lý Quang Diệu đã gây ra nhiều tranh cãi về hôn nhân khi ông lên tiếng khuyến khích nam giới kết hôn với phụ nữ thuộc thành phần học thức. Ông tỏ ra quan ngại khi nhiều phụ nữ tốt nghiệp đại học mà chưa kết hôn. Bất chấp dư luận phản ứng và sự dận dữ của một nhóm dân cư trong đó có phụ nữ trí thức, một cơ quan môi giới hôn nhân Social Development Unit được thành lập nhằm tạo điều kiện giao tiếp cho những người tốt nghiệp đại học cả hai giới. Ông cũng đưa ra chủ chương khuyến khích phụ nữ có học thức có 3 hoặc 4 con, đảo ngược chiến dịch kế hoạch hóa gia đình trong thập niên 1960 và 1970.
Lý Quang Diệu cũng bị chỉ trích đã áp dụng nhiều biện pháp độc đoán để đàn áp phe đối lập và quyền tự do ngôn luận,  cấm biểu tình nơi công cộng mà không có giấy phép của cảnh sát. Trong một trường hợp, sau khi tòa kháng án bác bỏ một phán quyết của tòa dưới có lợi cho Lý Quang Diệu, Chính phủ bèn bác bỏ quyền kháng án. Cũng tương tự, để có thể dành quyền hạn tuyết đối cho các thẩm phán, Lý Quang Diệu đã hủy bỏ Luật “xét xử có bồi thẩm đoàn” tại tòa án.
Hình như người dân Singapore rất dễ bị xử phạt, đất nước này có đến hơn bốn mươi nghìn điều luật mà người vi phạm có thể bị phạt! Có nhiều luật cấm hết sức lẩm cẩm, như cấm ăn kẹo cao su, người ăn kẹo cao su không chỉ bị phạt mà có thể bị đánh roi. Thật là vi phạm nhân quyền một cách quá thể đáng!
Chỉ với vài dẫn chứng nói trên cũng có thể hình dung ra bộ mặt độc đoán, chuyên quyền đến khó hiểu mà chưa thể lý giải cho thật tường minh.
Một là, ông Lý là người hấp thụ nền giáo dục và văn minh phương Tây, lại được đào tạo về luật học tại Anh quốc, một nước có thể chế dân chủ, tại sao lại thiết kế hệ thống pháp luật Singapore theo xu hướng độc tài của nhiều nước Á Phi? Bản thân lại quản lý đất nước như một nhà lãnh đạo độc đoán chuyên quyền?
Hai là, người dân Singapore, nhất là lớp người trẻ tuổi có trình độ học vấn và dân trí cao, tại sao lại dễ dàng chấp nhận (hầu như là tự nguyện) sự áp đặt của những điều luật “lẩm cẩm” như vậy?
Ba là, ông Lý Quang Diệu được mô tả như một nhà độc tài, cứng rắn, lạnh lùng mà lại được sự tôn sùng, ngưỡng mộ không chỉ người dân Singapore mà cả nhân dân và giới lãnh đạo của nhiều quốc gia dân chủ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét