Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

MỘT BẢN BÁO CÁO SAI SỰ THẬT VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM


Ngày 10-8-2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố “Phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế”. Phần về Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết: “Hiến pháp Việt Nam khẳng định tất cả mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, tuy nhiên các quy định tôn giáo tại nước này lại cho phép “có những giới hạn về tự do tôn giáo vì các lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội đã được nêu ra”. Đây là nhận định sai sự thật, đầy thiên kiến với mục đích xấu!
Thực ra đây là điều chẳng mới, họ vẫn luôn áp đặt “tiêu chuẩn kép” về dân chủ, nhân quyền nói chung, về tự do tín ngưỡng tôn giáo nói riêng đối với Việt Nam. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay có đời sống tín ngưỡng tôn giáo hết sức đa dạng ; trong đó, có 39 tổ chức tôn giáo của 14 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với 28 nghìn cơ sở thờ tự, hàng vạn chức sắc, chức việc, gần 25 triệu tín đồ (chiếm khỏng 27% dân số cả nước). Trong quá trình tự do thực hiện tín ngưỡng, đồng bào các tốn giáo ở Việt Nam đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu : dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng với đó, các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng thực hiện Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội (của Phật giáo) ; Sống phúc âm giữa lòng dân tộc (của Công giáo) ; Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc (của Tin Lành) ; nước vinh, đạo sáng (của Cao Đài) ; Vì đạo pháp, vì dân tộc (của Hòa Hảo).
Có được kết quả trên là bởi, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán quan điểm: tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng ; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013), Điều 24 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Những điều này hoàn toàn tương thích với Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (năm1966): mọi người có quyền “tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” nhưng phải chịu giới hạn vì “an ninh quốc gia, trật tự cộng cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Đến nay, hầu hết các quốc gia trong cộng đồng quốc tế đều ghi nhận và thực hiện quyền này trong hiến pháp, pháp luật của mình. Ví dụ: Hiến pháp năm 1947 của Cộng hòa I-ta-li-a, tại Điều 8 quy định: “Các tôn giáo khác Công giáo có quyền lập tổ chức theo điều lệ của mình nhưng không được trái với trật tự pháp lý của nhà nước. Quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo đó và nhà nước do luật pháp quy định trên cơ sở thỏa thuận với những cơ quan đại diện cho các tôn giáo đó”. Ở Đức, Điều 9 (Khoản 2) của Hiến pháp quy định: hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hay bị cấm nếu như mục đích và hoạt động của tổ chức đó vi phạm các quy định của luật hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được xác định trong Hiến pháp. Ở Mỹ, hoạt động biểu tình, cầu kinh,... cũng không thể tuỳ tiện tổ chức ở những nơi không được phép. Những tổ chức giả danh tôn giáo, giáo phái cực đoan đều không được thừa nhận có tư cách và quyền như một tôn giáo. Mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác,… đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật. Điều này là hoàn toàn đúng đắn và hết sức bình thường đối với tất cả các quốc gia, không chỉ có Việt Nam. Như vậy, những giới hạn về tự do tôn giáo của Hiến pháp 2013 trên thực tế là hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người. 
Ở Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ được quy định bằng pháp luật, mà còn được bảo đảm trong thực tế. Với hành lang pháp lý rõ ràng, tiến bộ, được nhân dân đồng tình ủng hộ, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đều tự do theo đúng hiến chương, điều lệ, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo và không ngừng phát triển. Không chỉ tạo điều kiện, cấp phép cho các tổ chức tôn giáo hoạt động, xây dựng cơ sở thờ tự, đào tạo chức sắc, chức việc, phát triển giáo lý theo quy định của pháp luật, Nhà nước Việt Nam còn tạo điều kiện để các tôn giáo tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động sôi động có ý nghĩa không chỉ trong nước mà còn cả khu vực và quốc tế. Năm 2015, các đại hội, đại hội đồng nhiệm kỳ, hội nghị, lễ hội lớn của các tôn giáo, như: Đại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh; Lễ An vị Tổ đình Tòa thánh Châu Minh của Hội thánh Cao Đài Tiên Nhiên tổ chức tại tỉnh Bến Tre; Đại hội Đại biểu Nhơn sanh toàn phái lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015-2020); Đại hội đồng Tổng hội lần thứ III của Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2019); Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Tòa thánh Tây Ninh; Đại lễ kỷ niệm 90 năm khai đạo Cao Đài; Đại hội Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2018); Đại hội lần thứ IV của Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2017); Đại hội đồng lần thứ III của Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020),... diễn ra trang trọng, an toàn, thu hút đông đảo tín đồ, quần chúng nhân dân tham gia đã làm sinh động, phong phú bức tranh sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam ; đồng thời được cộng đồng các tôn giáo trên thế giới thừa nhận, ủng hộ. Đó là thực tế không thể phủ nhận.
Như vậy, nếu Nhà nước kỳ thị, hạn chế tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo như ý kiến cực đoan, đầy định kiến, áp đặt để “đánh giá” về tự do tôn giáo ở Việt Nam như Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ thì đời sống tín ngưỡng, tôn giáo các tổ chức tôn giáo trong xã hội liệu có thể như thế không? Câu trả lời đã rõ ràng ! Hơn thế, Phúc trình này còn đi ngược lại các nguyên tắc trong Văn kiện “Tầm nhìn chung” được ký kết giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vào tháng 7-2015, đó là : “Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Bộ Ngoại giao Mỹ đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Những điều xuyên tạc, bịa đặt mang đầy tính định kiến, áp đặt về tình hình tôn giáo ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không chỉ là lỗi thời mà nó còn đi ngược lại tinh thần kép lại quá khứ, hướng tới tương lai, làm cản trở mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
  MINH QUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét