Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Râm ran chuyện “đúng quy trình” – Suy ngẫm từ góc nhìn




@ Trung Dũng
Trong thế giới đương đại hiện nay, với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thông tin, những “hiện tượng” mới nẩy sinh từ hiện thực cuộc sống luôn thu hút được   nhiều người trong xã hội quan tâm. Vậy nên câu chuyện “đúng quy trình” bổ nhiệm cán bộ trong bộ máy công quyền của Việt Nam đang là chủ đề “hót” để dư luận bàn tán theo nhiều góc độ khác nhau. Trước hết chưa bàn đến chủ đề này, ta nên nói đến câu chuyện về phẩm giá lương tâm của mỗi người khi được xã hội giao cho trọng trách cụ thể nào đó: con người khám phá tận đáy lòng mình thứ lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo cái gọi là tiếng nói của lương tâm,“tự thân” kêu gọi con người hãy làm lành, lánh dữ. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật tự thân ấy. Lương tâm làm cho con người biết tự trọng và tôn trọng cái chung, cái mà xã hội cho là đúng, chính nó là nền tảng luân lý được đặt ra trong quan hệ giữa cá nhân và môi trường sống, công tác trong một chỉnh thể xã hội.
Thật vậy một khi lương tâm ngay thẳng thì những cá nhân và tập thể cộng đồng càng tránh được sự độc đoán, mù quáng và càng nỗ lực tuân thủ những tiêu chuẩn khách quan của các giá trị chuẩn mực đạo đức phổ quát vốn có. Tự do không phải tôi muốn làm gì thì làm nhưng là tôi hành xử những gì không phương hại đến người khác và xuất phát từ cái chung, để dần tiến tới sự hoàn thiện nhân cách nơi mỗi cá nhân một cách trọn vẹn và hạnh phúc. Tự do từ bên trong chứ không phải do bản năng mù quáng, nhất là phải có “cưỡng chế” hoàn toàn theo quy định, pháp luật. Người dân Việt đã theo đuổi đến cùng trong suốt lịch sử của dân tộc mình để có sự tự do chọn lựa cái thiện, xuất phát từ truyền thống văn hóa của dân tộc trong cách hành xử của riêng mình. Mỗi người Việt Nam, nhất là những nhà lãnh đạo sẽ phải trả lời về đời sống của mình, trước hết và có lẽ là quan trọng hơn cả, đó là triết lý với chính mình, vì một nhà lãnh đạo giỏi  là người được nhân dân tin yêu, quý trọng bởi nhân cách và khả năng lãnh đạo của họ đối với cộng đồng dân chúng mà họ đảm nhận hoặc toàn xã hội. Trong khi xã hội còn có một số kẻ “ăn không từ thứ gì của dân”, “bán không từ thứ gì của nước”, tham lam vơ vét từ tài nguyên cho đến cả bát cơm, tấm áo của người nghèo đang được dư luận bàn tán nhiều liên quan đến câu chuyện “quy trình bổ nhiệm cán bộ” được báo giới tốn nhiều giấy mực thông tin trong thời gian gần đây… Có thể kể ra hàng loạt vụ việc gây bức xúc như vụ  ông Trịnh Xuân Thanh từng lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam gây thua lỗ 3200 tỉ. Trước thực trạng PVC thua lỗ như vậy nhưng vào tháng 9.2013 ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng, phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang… Hay vụ đề bạt Dương Chí Dũng từ giám đốc Vinalines thua lỗ thất thoát khủng thành cục trưởng cục Hàng hải khi đang thanh tra. Rồi như chuyện đang bị phanh phui , ở tuổi 25, ông Vũ Quang Hải đã là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Tại vị trí này 2 năm PVFI lỗ trên 220 tỉ đồng (năm 2011 lỗ 155 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỉ đồng), ông Hải được luân chuyển về Bộ Công Thương làm Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại. Sau khoảng hơn 1 năm công tác tại Bộ Công Thương, lai luân chuyển làm thành viên HĐQT Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), hiện nay đang là PTGĐ mới 28 tuổi(!?)… Gần đây, thông tin trên mạng xã hội lan truyền việc người thân của ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang - được bổ nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh… Đừng để trở lại giống như thời xưa được làm vua, rồi “Con vua lại được làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”… Còn nhiều nữa những kiểu tương tự kể trên là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Song, có lẽ cũng không thể không nhắc tới một câu chuyện khác, đó là trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhậm chức đã làm gương, không thay xe mới theo tiêu chuẩn. Đó là Quyết định số 1997/QĐ-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với một số chức danh thuộc bộ này. Đối tượng áp dụng là các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính; lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính những việc làm này được người dân dân rất hoan nghênh và đồng cảm... Rồi nữa tại hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2016, khai mạc ngày 26-3. Tổng bí thư cho rằng, "trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển...  Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng đắn của Đảng về công tác nhân sự. Qua cách luân chuyển này, người có năng lực thực sự, có khát vọng cống hiến sẽ có dịp được tiếp cận cơ sở, hiểu hơn đời sống từ cơ sở và qua đó thử thách phẩm chất và năng lực điều hành của người lãnh đạo. Tuy nhiên nếu làm không chuẩn sẽ bị lợi dụng chạy luân chuyển để "xóa dấu vết". Nó na ná như chuyện rửa tiền, hô biến những đồng tiền bẩn do tham nhũng, hối lộ thành tiền sạch,chính đáng. Hệ thống đề bạt, bổ nhiệm ,luân chuyển của chúng ta theo một quy trình khá phức tạp, qua nhiều công đoạn, tầng nấc… nhưng tại sao để “con voi chui qua lỗ kim”?  Hay là có trục trặc ở khâu nào? Quy trình có nặng tính hình thức không? Có thiếu tính khoa học và dân chủ? Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia và quần chúng, đối với công tác cán bộ còn nhiều yếu kém là do công tác tuyển chọn, đề cử, bổ nhiệm đề bạt chưa thật sự công khai, dân chủ, chưa lắng nghe hết ý kiến của quần chúng, việc thực hiện các quy trình đề bạt bổ nhiêm còn hình thức, lấy lệ... Cũng lấy phiếu tín nhiệm, cũng có thẩm tra, báo cáo thế này, thế khác, nhưng thực chất có đúng không, hay đó là một sự đối phó?. Những câu hỏi có phần nhức nhối này cần được trả lời. Có thể nói tham nhũng, nhất là “tham nhũng chức, quyền” đang là căn bệnh hiểm nghèo gắn liền với mọi Nhà nước, bởi lẽ chừng nào còn Nhà nước thì còn quyền lực, mà còn quyền lực thì dễ xuất hiện những người dùng sai quyền lực. Cuộc đấu tranh để loại bỏ những người sử dụng sai quyền lực ra khỏi bộ máy nhà nước các cấp là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục, bền bỉ, kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
Thay cho phần kết tôi muốn trao đổi đôi dòng, trong những ngày qua, trên các trang mạng xã hội, một số phần tử xấu trong xã hội hiện nay, đang giả ngô nghê, mù, điếc lợi dụng nhưng vụ việc kể trên và xuất phát từ cái tâm đen, luôn soi mói nhìn xã hội chỉ một màu xám, thay vì gam màu sáng như hiện thực cuộc sống vốn có. Nực cười hơn, khi họ cố quy kết những biểu hiện, hiện tượng sự việc ấy để quy thành bản chất, từ đó quy chụp, suy diễn thành nguy cơ rồi hàm hồ đưa ra những luận điệu sai trái để phát tán nhằm gây nhiễu loạn xã hội, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước những thông tin kiểu như vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo nhìn nhận đúng – sai một cách công tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét