Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Cần cái nhìn khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam



QĐND - Việt Nam cũng như các quốc gia khác luôn có những vấn đề về nhân quyền phải giải quyết, chẳng hạn như tình trạng phân hóa giàu nghèo, hay một số cán bộ, công chức nhà nước dựa vào quyền lực, vị trí công tác, xâm phạm lợi ích của người dân, tham nhũng, tham ô… Nhưng để đánh giá một quốc gia, một nhà nước qua lăng kính kỳ thị đối với chế độ chính trị và chỉ căn cứ vào những vụ việc của cá nhân, mà không nhìn nhận những quyền và lợi ích của cả xã hội thì đó là một sự ngộ nhận về khoa học, sai lầm về chính trị.
Ảnh: daidoanket.vn

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền Thế giới (HRW) trong cuộc họp báo giới thiệu bản “Phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2013” ở Băng Cốc (Thái Lan) đã ngộ nhận, thiếu khách quan khi nói về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2013, rằng: “Việt Nam tiếp tục ngày càng đi xuống về nhân quyền”. Những dẫn chứng của ông Phil Robertson chẳng có gì mới, vẫn là những thông tin của những trang mạng, những blogger được gọi với nhiều tên khác nhau, như: “Những người bất đồng chính kiến”, những “nhà dân chủ nhân quyền mạng”… Nhận xét về ý kiến của ông Phil Robertson trong cuộc họp báo, có người bình luận rằng, đó là một cách nhìn thiếu khách quan, nếu không nói là ác ý, nhất là khi ông nói về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2013.
Năm 2013 là năm Việt Nam đã đạt được những thành tự to lớn về quyền con người trên cả hai bình diện đối nội và đối ngoại. Trên bình diện đối nội, sự kiện đáng chú ý nhất là Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Hiến pháp năm 2013), trong đó các quyền và tự do của con người đã được nhận thức và ghi nhận đầy đủ.  Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lần đầu tiên đã dành riêng một chương (Chương II) quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thể hiện bước tiến mới về tư duy lập pháp nói chung, về quyền con người nói riêng. Chương II của Hiến pháp đã quy định đầy đủ các quyền và tự do của con người về dân sự, chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia, kể cả những quyền mới, như quyền về hưởng thụ một môi trường trong sạch, quyền hiến mô, tạng…
Về tư duy lập pháp, Điều 14 của Hiến pháp đã đưa ra nguyên tắc bảo đảm quyền con người, đồng thời còn quy định về “hạn chế quyền”: “ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Trong bài viết đầu năm 2014: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.
Ghi nhận và thực hiện những khuyến nghị của cộng đồng quốc tế, sau Báo cáo kiểm điểm về nhân quyền lần thứ nhất (năm 2009), Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm quyền con người về các quyền dân sự, chính trị, nhất là các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin, tự do tôn giáo, tín ngưỡng và bảo đảm các quyền kinh tế-xã hội cho người nghèo và quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.  Có thể nói, năm 2013, Việt Nam đã bước sang một thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về chính trị và kinh tế, trong đó đã thể hiện sâu sắc hơn nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm các  quyền con người và quyền công dân. Cũng trong thời gian lấy ý kiến toàn dân góp ý cho Dự thảo Hiến pháp 1992, ngày 7-11-2012, Đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đã thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (gọi tắt là Công ước Chống tra tấn).  Đây là công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Công ước quy định các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp cụ thể về lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp hiệu quả khác nhằm ngăn chặn mọi hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc xúc phạm nhân phẩm con người. Như vậy cho đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người.
Quyền tự do ngôn luận, báo chí của người dân đã có những tiến bộ đáng kể. Không kể báo chí trong nước luôn có sự tăng trưởng lớn về số lượng và với diện phủ sóng hiện nay, người dân Việt Nam đã được tiếp cận với gần 80 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có những kênh được phát rộng rãi trên thế giới như CNN, BBC, Bloomberg, TV5, DW, NHK, KBS, Australia Network... Tất cả các hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới đều đến với người dân Việt Nam thông qua mạng internet như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN, Kyodo, Economist, Financial Times... Hiện nay đã có 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo và tạp chí nước ngoài in bằng nhiều thứ tiếng được phát hành rộng rãi tại Việt Nam. Và điều quan trọng hơn, báo chí Việt Nam ngày nay không chỉ là diễn đàn của nhân dân, mà còn đóng vai trò giám sát xã hội. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức thoái hóa, biến chất; nhiều vụ tham nhũng đã bị báo chí phát hiện, bị đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật và bị công luận lên án, như vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội); vụ phát hiện Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn lấp thuốc hóa học độc hại… đều có vai trò của báo giới. Không chỉ đóng vai trò phát hiện, báo chí ngày nay còn chỉ rõ cơ quan, tổ chức, thậm chí chức danh phải chịu trách nhiệm về vụ việc.
Quyền tự do lập hội, hội họp được quy định trong Hiến pháp (Điều 69) và được pháp luật bảo vệ bằng nhiều văn bản luật và dưới luật. Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 quy định cụ thể hơn về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Hiện Việt Nam đang xây dựng các luật về lập hội, luật biểu tình…, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do của người dân.
Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo chẳng những được Nhà nước tôn trọng mà còn tạo cơ hội thuận lợi và giúp đỡ để người dân có điều kiện hưởng thụ đầy đủ các quyền của mình. Đặc biệt, năm Thánh 2011 của Giáo hội Công giáo đã thành công tốt đẹp và lễ bế mạc có sự tham dự của 50 giám mục, trong đó có 6 giám mục là người nước ngoài, 1000 linh mục, 2000 nam nữ tu sĩ và gần 500.000 lượt giáo dân. Năm 2011 cũng là năm kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành vào Việt Nam với nhiều hoạt động kỷ niệm lớn được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều chức sắc, tín đồ Tin lành trên cả nước và đại biểu Tin lành người nước ngoài...
Việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn được duy trì ở mức khá, trung bình 5,5-6%/năm. Mỗi năm Việt Nam tạo thêm hơn 1 triệu việc làm; giáo dục, y tế và an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế và chính sách an sinh xã hội, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn MDG về xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 13,7% năm 2008 xuống còn 9,6% năm 2012. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng gần 2 lần trong 5 năm qua. Năm 2012, số lượt hộ thiếu đói giảm 27,6% và tỷ lệ hộ nghèo cả nước cũng giảm 1,76% so với năm 2011. Việt Nam đã đạt trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), được quốc tế đánh giá là một trong những điển hình về thực hiện MDGs, nhất là xóa đói, giảm nghèo.
Đáp ứng khuyến nghị của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có chính sách quan tâm đặc biệt đến các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2011 - 2012, Nhà nước đã chi 22.303 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đô-la Mỹ) để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho trẻ em, người nghèo. Trong hai năm qua, đã có 29 triệu lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Nhà nước cũng chi 11.844 tỷ đồng (hơn 500 triệu đô-la Mỹ) để thực hiện chính sách giảm nghèo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, như miễn giảm học phí cho con hộ nghèo, hộ chính sách, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ đến 5 tuổi.
Về đối ngoại, trong những năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập “ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR)”, và ra “Tuyên bố Nhân quyền ASEAN”. Năm 2013, trong phiên họp ngày 12-11-2013, khóa 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu bầu bổ sung các thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền. Với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới nhiệm kỳ 2014-2016. Sự kiện này thêm một bằng chứng khách quan về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người theo những chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế.
 Những thành tựu to lớn, vững chắc về tuy chính trị, pháp lý cũng như thực tế trên lĩnh vực quyền con người ở trong nước và trên trường quốc tế của Việt Nam là không thể phủ nhận được. Những cái gọi là “điều trần”, “báo cáo”, “bình luận”, nhằm xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền Việt Nam chỉ là cách nhìn phiến diện, thiếu khách quan và càng phơi bày những mưu đồ, động cơ chính trị xấu của họ.
ĐỨC THÀNH – LINH NGHĨA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét