Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Kiên quyết chống tự diễn biến, tự chuyển hóa

QĐND - V.I. Lê-nin, vị thầy của cách mạng vô sản từng nói: “Không có ai đánh đổ được chúng ta, trừ chúng ta”. Ở hoàn cảnh hôm nay của cách mạng nước ta, câu nói này càng phải được coi là chân lý bằng vàng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức một cách sâu sắc, triệt để. Bài học về sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, trước hết là bài học về sự thiếu kiên quyết, không tỉnh táo trong việc chống tự diễn biến, tự chuyển hóa dẫn đến tan rã mang tính hệ thống.
“Tự diễn biến” là quá trình biến đổi bên trong tư tưởng, từ đúng sang sai, từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ. Biểu hiện rõ nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ví dụ có cán bộ cả đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng, nghiêm túc, mẫu mực, trong sáng nhưng đến khi về hưu thì hoàn toàn ngược lại, phủ nhận thành tựu của cách mạng, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận chính mình… “Tự chuyển hóa” là sự thay đổi về chất của tư tưởng chính trị làm cho người cán bộ đánh mất mình, đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu, tha hóa rồi trở thành kẻ chiết trung, có khi trở thành kẻ phản bội, chống lại Đảng, cách mạng. Goóc-ba-chốp, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô có thể coi là một ví dụ điển hình về vấn đề này.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là biện pháp hiệu quả phòng, chống "tự diễn biến". Ảnh: Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương tuyên dương 500 bí thư chi bộ tiêu biểu. Nguồn: Congan.com.vn
Từ “tự diễn biến” đến “tự chuyển hóa” là một quá trình phát triển của một căn bệnh nặng. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, nhất là phòng từ khi chưa có bệnh hoặc phát hiện sớm thì cơ thể mới luôn được khỏe mạnh. Cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh không tiếng súng nhưng cực kỳ căng thẳng, gay gắt, âm thầm, bởi nó vô hình và diễn ra bên trong con người.
Lê-nin và Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy tầm cực kỳ quan trọng của vấn đề, nên trong nhiều bài viết, bài nói chuyện đã nhấn mạnh, coi đó như là một trong những vấn đề then chốt của nhiệm vụ cách mạng. Một nhiệm vụ mà Bác Hồ yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên quan tâm là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Đi tìm nguyên nhân của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì vấn đề căn cốt của nó không hề xa lạ. Đó là điều mà Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở phải cảnh giác: “Chủ nghĩa cá nhân”. Người đã chỉ ra những căn bệnh mà nếu không chữa trị kịp thời thì sớm muộn sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Đó là bệnh công thần: “Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ "cha chú" với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là "trứng khôn hơn vịt"…” (Hồ Chí Minh toàn tập, 1996, 2004, tập 12, tr.211). Đó là tư tưởng “nạnh kẹ” bảo thủ của những người cán bộ lớp trước: “Các đồng chí già đánh Tây. Đánh Tây là dọn đường. Nhưng không thể nạnh kẹ: Chúng tôi vác cuốc, vác cào làm đường, già rồi mà chưa được đi xe, các anh mới lớn lên đã được đi xe. Thế là nạnh người đi xe. Có đúng không? Sau này đến chủ nghĩa Cộng sản, bọn trẻ còn đi xe sướng hơn nữa kia. Già có việc già, trẻ có việc trẻ. Tục ngữ có câu “măng mọc quá pheo”. Măng mọc sau, mà tốt hơn tre đấy. Không lẽ ta ngồi nói: “Măng, sao mày mọc quá tao?” (Sđd, tập 10, tr.465). Đó là căn bệnh xa rời thực tiễn, giáo điều, sách vở: “… hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lê-nin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác” (Sđd, tập 12, tr.554). Đó là bệnh tham nhũng đục khoét, lãng phí: “… coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí” (Sđd, tập 11, tr.374). Đó là căn bệnh cơ hội, xu nịnh, a dua: “Lại có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái” (Sđd, tập 5, tr.261)…
Soi những lời giáo huấn của Lê-nin, của Hồ Chí Minh vào tình hình  nước ta hôm nay có thể đưa ra mấy biện pháp dưới đây về chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”:
Một là, chú trọng hơn nữa, thực hiện thiết thực hơn nữa Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Phải coi đây là việc làm thường xuyên liên tục chứ không phải làm theo giai đoạn, theo thời kỳ. Một trong những phương thức lãnh đạo hiệu quả là cách làm nêu gương, thì cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương trong sáng nhất, thuyết phục nhất.
Hai là, tăng cường bồi dưỡng lý tưởng chính trị, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta cho mọi tầng lớp nhân dân. Thế nhưng trên thực tế vấn đề này ở một số nơi được làm một cách hình thức. Họ coi đây là việc làm miễn cưỡng vì mất thời gian, xa lạ với chuyên môn.
Ba là, đưa việc phê bình và tự phê bình vào thực chất. Bác Hồ từng nói một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Nhìn từ góc độ này thì trong Đảng ta cần tiến hành một sự phê bình dân chủ rộng rãi, các đảng viên, các cơ sở Đảng cấp dưới thường xuyên góp ý phê bình cho cơ quan Đảng cấp trên. Đối với đảng viên, thì vẫn lời Bác Hồ, “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn” (Sđd, tập 6, tr.209). Bài học sự sụp đổ của Liên Xô có một nguyên nhân là coi nhẹ, thậm chí bỏ qua vấn đề phê bình và tự phê bình. Ai cũng có bệnh, và như một quy luật, càng già thì càng nhiều bệnh. “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết "cũng la lết quả dưa" (Sđd, tập 5, tr.261).
Bốn là, công tác cán bộ phải theo quy trình chặt chẽ, bởi xét đến cùng, vấn đề con người luôn mang tính quyết định. Bác Hồ từng ví công việc cách mạng như một bộ máy, cán bộ là dây chuyền: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt,… toàn bộ máy cũng tê liệt” (Sđd, tập 5, tr.54). Phải ngăn chặn ngay một thực tế đau lòng: Có nơi sử dụng, bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ không theo năng lực, nghề nghiệp mà theo quan hệ, ô dù, thậm chí bằng tiền bạc. Có một thành ngữ dân gian đang phổ biến trong xã hội phần nào nói lên điều này: “Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba hậu duệ, thứ tư trí tuệ”. Nếu tình trạng này là có thật, cứ diễn ra không phanh thì “dây chuyền” cán bộ sớm muộn sẽ bị đứt. Một vài vụ án tham nhũng nghiêm trọng gần đây, nhìn ở góc độ này chính là bài học về sử dụng sai cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt.
Năm là, tăng cường hơn nữa niềm tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Sống ở xứ sở nhiệt đới khí hậu khắc nghiệt, nghề canh tác chủ yếu gắn với cây lúa nước nên người dân Việt phải cô kết lại với nhau thành một khối để lao động và chống thiên tai địch họa. Họ sống trọng tình và trọng niềm tin, “một điều bất tín vạn sự bất tin”. Dân ta rất thiết tha với Đảng, yêu Đảng và vì Đảng, do vậy Đảng phải đáp lại tấm lòng ấy, phải gần dân hơn, yêu dân và vì dân hơn, nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều. Tránh tình trạng nghị quyết ở các cấp rất hay, nhưng xong nghị quyết là cũng xong luôn công tác lãnh đạo, đến kỳ lại ra nghị quyết, trong khi tình hình chuyển biến chậm chạp, hoặc không chuyển biến. Điều kỳ vọng nóng bỏng của dân ta hôm nay với Đảng, đặt niềm tin vào Đảng là việc chống tham nhũng triệt để và hiệu quả.
Sáu là, ngăn chặn kịp thời sự xâm lăng về chính trị, văn hóa từ bên ngoài. Các tư tưởng, quan điểm, lối sống độc hại bằng nhiều con đường đang tiêm nhiễm vào một bộ phận dân ta. Chống lại cuộc xâm lăng này thì cách khả thi và đúng đắn hơn cả là tự tạo ra một sức đề kháng văn hóa đủ mạnh. Phải xây dựng một nền văn hóa dân tộc, tiên tiến, hiện đại. Đây là chủ trương lớn của Đảng mà chúng ta đang tiến hành, nhưng tiếc rằng có nơi, có lúc xác định mục tiêu phát triển còn nhẹ về văn hóa mà nặng về kinh tế. Phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” để đầu tư cho văn hóa đúng mức, hiệu quả.

NGUYỄN THANH TÚ

2 nhận xét:

  1. Từ “tự diễn biến” đến “tự chuyển hóa” là một quá trình phát triển của một căn bệnh nặng. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, nhất là phòng từ khi chưa có bệnh hoặc phát hiện sớm thì cơ thể mới luôn được khỏe mạnh. Cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh không tiếng súng nhưng cực kỳ căng thẳng, gay gắt, âm thầm, bởi nó vô hình và diễn ra bên trong con người.

    Trả lờiXóa
  2. Cần phải phòng chống "tự diễn biến" từ trong mỗi cán bộ nhà nước, mỗi đảng viên trong cuộc sống cũng như trong công việc hàng ngày. Cá nhân tốt thì tập thể mới tốt. Tập thể cũng phải đấu tranh chống cái xấu thì cá nhân mới tốt lên được

    Trả lờiXóa