Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Hội đồng Nhân quyền đánh giá cao báo cáo kiểm điểm định kỳ phổ quát của Việt Nam

QĐND - Kiểm điểm định kỳ phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) là một quy trình đánh giá định kỳ (4 năm một lần) về tình hình nhân quyền đối với tất cả các thành viên của Liên hợp quốc (hiện nay có 193 nước). Có thể nói, quy trình UPR là một sáng kiến của Hội đồng Nhân quyền, so với Ủy ban Nhân quyền trước đây - đó là quy trình đánh giá dựa trên nguyên tắc đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (LHQ). Mục đích cuối cùng của UPR là chia sẻ kinh nghiệm, cải thiện tình trạng nhân quyền ở mỗi quốc gia và với cộng đồng quốc tế. Quy trình UPR còn nhằm mục đích hỗ trợ về chuyên môn, nâng cao khả năng giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề nhân quyền của mình.
Năm 2009, Việt Nam đã thực hiện Báo cáo lần thứ nhất theo cơ chế UPR. Năm nay, Việt Nam thực hiện Báo cáo chu kỳ thứ II. Phiên họp diễn ra vào ngày 5-2-2014 tại Hội đồng Nhân quyền ở Geneve (Thụy Sĩ). Cùng thực hiện Báo cáo với Việt Nam lần này còn có 13 quốc gia khác. Theo thủ tục (bốc thăm), 3 nước chủ tọa phiên Báo cáo của Việt Nam là: Kenya, Kazakhstan và Costa Rica.
Vào những ngày trước khi Việt Nam thực hiện Báo cáo tại phiên họp lần thứ 18 Hội đồng Nhân quyền, nhiều nhóm, cá nhân có “thành tích” kỳ thị, chống phá Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cả tổ chức khủng bố như “Đảng Việt Tân” đã tụ tập ở Geneve (Thụy Sĩ) tổ chức nhiều hoạt động nhằm xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những kiến nghị phi lý. Chẳng hạn, họ cho rằng quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do internet ở Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng; rằng Điều 88, Điều 79, Bộ luật Hình sự, 1999 được sử dụng một cách tùy tiện… Thậm chí, có kẻ còn đòi tha bổng tất cả các “tù nhân lương tâm”, “những tù nhân bất đồng chính kiến”…
Mục đích của họ là nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam trong con mắt của cộng đồng quốc tế, đồng thời khuyến khích những hoạt động chống phá Việt Nam ở trong và ngoài nước. Không có quyền phát biểu trong hội nghị, họ đã tìm mọi cách tác động đến đại diện của các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền, kể cả Chủ tọa phiên họp.
Phát biểu làm rõ thêm văn bản Báo cáo đã gửi tới các đại biểu, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quyền con người, trong đó có Chương II (Hiến pháp sửa đổi 2013) quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân; bổ sung và ban hành Luật Báo chí, Luật Đất đai, Luật Công đoàn, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Người khuyết tật, Luật Luật sư… Những điều bổ sung, hoàn thiện trong các quy định của pháp luật đều nhằm bảo vệ các quyền của công dân, tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người. Có thể nói đây là cơ sở pháp lý minh bạch, vững chắc để người dân có thể bảo vệ các quyền và lợi ích của mình. Về một số quyền được nhiều đại biểu quan tâm, trong đó có quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do internet. Ông Hà Kim Ngọc cho biết, trong điều kiện của một nước còn nghèo, với sự quan tâm của Nhà nước hiện nay ở Việt Nam có tới hơn 30 triệu người sử dụng internet, phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện chủ trương chính sách tại Quốc hội, diễn đàn, blog diễn ra sôi nổi... Về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Báo cáo của Việt Nam làm rõ những cố gắng lớn của Nhà nước trên lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo đảm các quyền tự do cơ bản của người dân, đặc biệt chú ý tới các nhóm dễ bị tổn thương...
Sau phần trình bày ngắn gọn của Trưởng đoàn Việt Nam, đã diễn ra cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa các đại biểu Hội đồng Nhân quyền, đại biểu các quốc gia có mặt tại hội nghị với đoàn Việt Nam.
Trước hết, các đại biểu tham gia hội nghị đã đánh giá cao Việt Nam trong việc chuẩn bị Báo cáo. Việt Nam đã thực hiện một cách nghiêm chỉnh các khuyến nghị từ Hội nghị kiểm điểm lần thứ nhất (năm 2009); việc soạn thảo Báo cáo được thực hiện bởi Nhóm công tác liên ngành gồm các cơ quan thuộc Chính phủ và Quốc hội liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy các quyền con người. Trong thời gian chuẩn bị Báo cáo nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, nhiều công trình nghiên cứu đã được triển khai ở các cấp, các ngành nhằm xác định những nội dung chủ yếu, những lĩnh vực ưu tiên,… trong đó có các khuyến nghị mà cộng đồng quốc tế đã lưu ý trong Hội nghị Báo cáo lần đầu. Không ít ý kiến đã đề cập tới trọng trách của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ trong nhiệm kỳ, mở đầu từ năm 2014.
Nhiều ý kiến cho rằng, Báo cáo của Việt Nam đã cung cấp đầy đủ các thông tin “đa chiều”; đánh giá cao Việt Nam đã thu hút sự tham gia đóng góp của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và của người dân; đã tổ chức tham vấn, đối thoại nghiêm túc giữa Chính phủ với nhiều bên liên quan trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam”… Điều này thể hiện rõ sự nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát-UPR.
Thứ hai, về những thành quả bảo đảm quyền con người, các đại biểu đánh giá tích cực việc Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc 96 khuyến nghị tại Hội nghị kiểm điểm định kỳ năm 2009 trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là đưa quyền con người vào Chương II, Hiến pháp mới (2013). Có ý kiến đánh giá cao Việt Nam đã ký “Công ước chống tra tấn” và mong muốn Việt Nam sớm phê chuẩn Công ước này. Nhiều đại diện ở các nước đang phát triển đánh giá cao thành quả của Việt Nam trong việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững và quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương; về đích sớm nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ.
Thứ ba, trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, nhiều đại biểu đánh giá cao Việt Nam trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ và sẵn sàng đối thoại nhân quyền thường niên với các đối tác, đóng góp tích cực vào cơ chế nhân quyền ASEAN...
Mặc dù đã đánh giá tích cực đối với Báo cáo của Việt Nam, song các đại biểu Hội đồng Nhân quyền và đại biểu một số quốc gia tại hội nghị đã nêu nhiều khuyến nghị. Trong đó có những nội dung cơ bản sau: Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách tư pháp, pháp luật; thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, báo chí; tự do tôn giáo; mời thêm các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ tới Việt Nam và tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của LHQ, trong đó có các Cơ quan Công ước. Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã cảm ơn và ghi nhận những khuyến nghị này.
Nhiều nước cũng khuyến nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế (như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, dân tộc thiểu số), đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm… trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Đại diện các nước ASEAN hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện “Tuyên bố Nhân quyền ASEAN”.
Về phía mình, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam chia sẻ quan điểm với nhiều nước cho rằng: “Các quyền con người là phổ quát, không thể tách rời, phụ thuộc và liên quan lẫn nhau; việc thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người là trách nhiệm hàng đầu của các quốc gia; trong quá trình thực hiện cần tính đến các yếu tố đặc thù của quốc gia và khu vực, cũng như các hoàn cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Trên tinh thần đó, trong những năm vừa qua, Nhà nước Việt Nam, với việc coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, luôn nhất quán trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, đã chú trọng thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời coi trọng việc phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy công bằng và an sinh xã hội”.
Việt Nam cũng thừa nhận rằng, “tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức phải tiếp tục phấn đấu giải quyết”. Trong thời gian tới, những ưu tiên và cam kết trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người tập trung vào những lĩnh vực sau: “Tăng cường công tác kiện toàn hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân, bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế. Tập trung các chính sách để tăng khả năng tiếp cận quyền của các nhóm yếu thế nhất là với hệ thống an sinh xã hội, nghiên cứu khả năng phát triển loại hình bảo hiểm nông nghiệp…
Mặc dù có những lực lượng chống phá, phiên trình bày Báo cáo quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, chu kỳ II-UPR đã thành công tốt đẹp. Với tinh thần đối thoại cởi mở, thẳng thắn và có trách nhiệm, kết quả phiên họp đã tạo thêm vị thế chính trị, pháp lý quốc tế vững chắc của Việt Nam và làm phong phú thêm kinh nghiệm để Nhà nước ta tiếp tục bảo đảm tốt hơn nữa các quyền và tự do cơ bản của nhân dân Việt Nam.

BẮC HÀ - THÀNH NAM

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần hành động thiết thực và hiệu quả trong thực tế để báo cáo không chỉ là giấy tờ, chúng ta hãy làm cho mỗi người dân được thụ hưởng thành quả của chính sách của Đảng và Nhà nước trở thành những nhân chứng sống và hùng hồn nhất cho thế giới thấy đất nước Việt Nam ta tươi đẹp và phát triển từng ngày như thế nào

    Trả lờiXóa